cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tri số 17/TT-UB ngày 20/06/1978 Về việc kiểm kê, quản lý chặt chẽ nhà cửa, tài sản của tư sản thương nghiệp trốn chuyển đi sản xuất do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 17/TT-UB
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 20-06-1978
  • Ngày có hiệu lực: 20-06-1978
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 11-11-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 7449 ngày (20 năm 4 tháng 29 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 11-11-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 11-11-1998, Thông tri số 17/TT-UB ngày 20/06/1978 Về việc kiểm kê, quản lý chặt chẽ nhà cửa, tài sản của tư sản thương nghiệp trốn chuyển đi sản xuất do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 5985/QĐ-UB-NC ngày 11/11/1998 Bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý đô thị ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------

Số: 17/TT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 6 năm 1978

 

THÔNG TRI

VỀ VIỆC KIỂM KÊ, QUẢN LÝ CHẶT CHẼ NHÀ CỬA, TÀI SẢN CỦA TƯ SẢN THƯƠNG NGHIỆP TRỐN CHUYỂN ĐI SẢN XUẤT

Việc cải tạo và chuyển các nhà tư sản thương nghiệp đi sản xuất ở thành phố đến nay đã gần hoàn thành, nhưng hiện nay đang có tình trạng nhiều hộ tư sản thương nghiệp không chấp hành chính sách, họ trốn tránh việc chuyển đi sản xuất; trốn hẳn cả gia đình, hoặc chủ hộ và số người khỏe mạnh trốn chỉ để lại ít người già yếu, trẻ em, hoặc lánh mặt,… Có nhiều hộ khi trốn đã phá, tháo gỡ nhà cửa, bán tháo tư liệu sinh hoạt, gây tổn thất về trang thiết bị nhà cửa, làm rối loạn thị trường.

Những hộ này đã hành động chống chính sách cải tạo tư sản thương nghiệp, vi phạm luật pháp Nhà nước, cần phải tiến hành lập hồ sở để xử lý.

Trước mắt, đối với các loại tài sản của những hộ bỏ trốn cần phải được tổ chức kiểm kê, quản lý chặt chẽ. Tiếp theo chỉ thị số 25/CT-UB Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Ủy ban Nhân dân các quận, huyện thi hành ngay các công việc sau đây:

Ủy ban Nhân dân quận, huyện, Ban Thanh lý nhà cửa và tư liệu sinh hoạt quận, huyện huy động lực lượng tại chỗ gồm các ngành: Nhà đất, Thương nghiệp, Vật tư, Tài chánh, Ngân hàng, Thuế và chọn người tốt trong các đoàn thể hoặc các người lao động tốt, lương thiện để hình thành các Tổ công tác; dưới sự điều khiển của Ban Thanh lý quận, huyện, các Tổ này sẽ tiến hành kiểm kê toàn bộ nhà cửa, tài sản của các chủ hộ đã trốn tránh vắng mặt, theo đúng mẫu hướng dẫn thống nhất của thành phố kèm sau. Quận, huyện nào không đủ lực lượng kiểm kê, chốt giữa phải báo cáo ngay Ủy ban Nhân dân thành phố để điều động lực lượng của thành chi viện.

Sau khi kiểm kê xong, Tổ công tác tiếp tục chịu trách nhiệm quản lý, giữ gìn bên trong. Ủy ban Nhân dân, Công an phường, Tổ nhân dân và đại diện toàn thể quần chúng tại địa phương, có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên, ngăn chặn và bắt giữ tất cả những kẻ xấu phá phách, tháo gỡ, ăn cắp hoặc đổi chác, tẩu tán tài sản dưới bất cứ hình thức nào.

Nghiêm cấm triệt để tất cả mọi hành vi mua bán tư liệu sinh hoạt, trang thiết bị nhà cửa, và việc tùy tiện phân phối, sử dụng nhà cửa cùng những tài sản thuộc diện này.

Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, các phường, xã cần tiến hành kêu gọi những người đã lỡ vi phạm các điều trên đây phải nhanh chóng hoàn trả tài sản lại nguyên chỗ và trở về tại nhà cũ để thi hành các biện pháp xử lý của chính quyền, nêu rõ một thời gian nào do quận, huyện quy định, để được chiếu cố tha thứ.

Trong quá trình thực hiện, các quận, huyện cần báo cáo kết quả hàng ngày về Ban Chỉ đạo thanh lý và phân phối nhà cửa thành phố và phản ảnh kịp thời những khó khăn, vướng mắc để Ủy ban Nhân dân thành phố sớm giải quyết.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Vũ Đình Liệu