Quyết định số 39/2014/QĐ-UBND ngày 25/09/2014 Về Quy định trình tự thủ tục, bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; khai thác tận dụng lâm sản để giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- Số hiệu văn bản: 39/2014/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lào Cai
- Ngày ban hành: 25-09-2014
- Ngày có hiệu lực: 05-10-2014
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 18-08-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1778 ngày (4 năm 10 tháng 18 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 18-08-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39/2014/QĐ-UBND | Lào Cai, ngày 25 tháng 9 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC BỒI THƯỜNG, THU HỒI RỪNG, CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG SANG MỤC ĐÍCH KHÁC; KHAI THÁC TẬN DỤNG LÂM SẢN ĐỂ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14/01/2008 của Chính phủ về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng;
Căn cứ Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ Quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Quyết định số 34/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 46/2007/QĐ-BNN ngày 28/5/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định việc xác định rừng trồng, rừng khoanh nuôi thành rừng;
Căn cứ Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn;
Căn cứ Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng;
Căn cứ Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ;
Căn cứ Thông tư số 70/2011/TT-BNNPTNT ngày 24/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về sửa đổi bổ sung một số điều Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 25/5/2011;
Căn cứ Thông tư số 85/2012/TT-BTC ngày 25/5/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 144/TTr-SNN ngày 14/8/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về trình tự, thủ tục, bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; khai thác tận dụng lâm sản để giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Quyết định này.
Quyết định này thay thế Quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 10/11/2010 của UBND tỉnh Lào Cai Quy định tạm thời về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, Giám đốc Kho Bạc Nhà nước tỉnh, Cục Trưởng Cục thuế; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC BỒI THƯỜNG, THU HỒI RỪNG, CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG SANG MỤC ĐÍCH KHÁC; KHAI THÁC TẬN DỤNG LÂM SẢN ĐỂ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Kèm theo Quyết định số: 39/2014/QĐ-UBND ngày 25/9/2014 của UBND tỉnh Lào Cai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định về trình tự, thủ tục bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; khai thác tận dụng lâm sản để giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, công trình theo quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan nhà nước; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan đến bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; khai thác tận dụng lâm sản để giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chủ rừng: Là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất để trồng rừng, cho thuê đất để trồng rừng, công nhận quyền sử dụng rừng, công nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng; nhận chuyển nhượng rừng từ chủ rừng khác.
2. Lâm sản: Trong Quy định này, chỉ giới hạn là gỗ, tre, vầu, nứa.
3. Thu hồi rừng: Là thu hồi về giá trị gỗ, tre, vầu, nứa; giá trị đầu tư đối với rừng trồng chưa có trữ lượng, giá trị quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, giá trị cung ứng dịch vụ môi trường của khu rừng tính trong thời gian 7 (bảy) năm (nếu khu rừng thu hồi đang cung ứng dịch vụ môi trường rừng) trên một diện tích rừng nhất định.
4. Chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác: Là chuyển mục đích sử dụng rừng ra ngoài mục đích lâm nghiệp trên một diện tích rừng nhất định.
5. Bồi thường rừng: Là bồi thường về giá trị gỗ, tre, vầu, nứa; giá trị quyền sử dụng rừng, giá trị quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, giá trị cung ứng dịch vụ môi trường của khu rừng trong thời gian 7 (bảy) năm (nếu khu rừng thu hồi đang cung ứng dịch vụ môi trường rừng).
6. Trữ lượng gỗ, tre, vầu, nứa: Là toàn bộ thể tích cây gỗ đứng (tính bằng m3) và khối lượng tre nứa, vầu (tính bằng tấn) đang sinh trưởng phát triển trên một đơn vị diện tích rừng nhất định.
7. Rừng chưa có trữ lượng: Là rừng gỗ, cây có đường kính bình quân dưới 8 cm, trữ lượng cây đứng dưới 10 m3/ha.
8. Rừng có trữ lượng: Là rừng không thuộc quy định tại Khoản 7, Điều này.
9. Khai thác tận dụng lâm sản để giải phóng mặt bằng: Là khai thác trắng khu rừng, nhằm mục đích giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án không phải lâm nghiệp, được cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác.
10. Sản lượng khai thác gỗ; tre, vầu, nứa: Sản lượng gỗ tính bằng m3; sản lượng tre, vầu, nứa tính bằng tấn được lấy ra theo tỷ lệ phần trăm từ trữ lượng lâm sản.
11. Hồ sơ thiết kế khai thác: Là tập hợp các văn bản, giấy tờ và được lập theo quy định của nhà nước đối với từng đối tượng chủ rừng, loại rừng được khai thác.
Chương II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC BỒI THƯỜNG, THU HỒI RỪNG, CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG SANG MỤC ĐÍCH KHÁC; QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN BỒI THƯỜNG, THU HỒI RỪNG
Điều 3. Thẩm quyền thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; phê duyệt phương án bồi thường, thu hồi rừng
1. Thẩm quyền thu hồi rừng:
a) UBND tỉnh quyết định thu hồi rừng đối với các tổ chức trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài theo thẩm quyền.
b) UBND cấp huyện quyết định thu hồi rừng đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn theo quy định của pháp luật.
2. Thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác: Chủ tịch UBND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng toàn bộ hoặc một phần khu rừng do Chủ tịch UBND tỉnh xác lập.
3. Thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác: UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, thu hồi rừng cho UBND cấp huyện.
Điều 4. Điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác
Điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định tại Điều 29, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ; Khoản 2, Điều 2, Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, như sau:
1. Phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Có dự án đầu tư trên diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Có phương án đền bù, giải phóng mặt bằng khu rừng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
4. Có phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác, với diện tích trồng rừng thay thế ít nhất bằng diện tích rừng chuyển sang mục đích khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Khoản 2, Điều 2, Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT; hoặc có chứng từ nộp tiền trồng rừng thay thế quy định tại Khoản 3, Điều 6, Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
5. Có báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc có đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường do việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy định tại Khoản 1, Điều 29 và phụ lục II, Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ.
6. Đối với dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, ngoài đảm bảo điều kiện quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, 5, Điều này còn phải có văn bản theo quy định tại điểm a, b Khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai năm 2013, như sau.
a) Có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên.
b) Có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.
Điều 5. Tiền bồi thường diện tích rừng thu hồi, chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác và Thuế tài nguyên
1. Đối với diện tích rừng thu hồi của chủ rừng là tổ chức nhà nước và rừng tự nhiên được giao cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý:
Tiền bồi thường giá trị lâm sản, giá trị cung ứng dịch vụ môi trường rừng được quy định tại các phụ biểu Quy định về giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai ban hành kèm theo Quyết định số 54/2013/QĐ-UBND ngày 20/12/2013 của UBND tỉnh, cộng với giá trị cung ứng dịch vị môi trường rừng theo quy định của UBND tỉnh, trong thời gian 7 năm (nếu khu rừng thu hồi đang cung ứng dịch vụ môi trường rừng); cách tính, như sau:
T= (M x S) + (S1 x G x 7)
Trong đó:
T: Là tổng giá trị diện tích rừng bồi thường, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác mà nhà đầu tư phải bồi thường (đồng).
M: Là giá trị lâm sản được xác định tùy theo loại rừng quy định tại các phụ biểu Quy định về giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai ban hành kèm theo Quyết định số 54/2013/QĐ-UBND ngày 20/12/2013 của UBND tỉnh.
Đối với rừng gỗ tự nhiên: M là giá trị lâm sản quy định tại phụ biểu 03-A (đồng/1 ha)
Đối với rừng vầu, nứa: M được quy định tại phụ biểu 03-B (đồng/1ha).
Đối với rừng trồng: M được quy định tại phụ biểu 03-C (đồng/1ha).
S: Là tổng diện tích rừng bồi thường, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác (ha).
Trường hợp, diện tích rừng bồi thường, thu hồi là rừng hỗn giao (gỗ + vầu, nứa) hoặc (vầu, nứa + gỗ) tính bằng tổng giá trị lâm sản quy định tại phụ biểu 03-A và 03-B (đồng/1ha).
S1: Là diện tích rừng thu hồi, chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác nằm trong lưu vực đang cung ứng dịch vụ môi trường rừng (ha).
G: Là đơn giá lưu vực diện tích rừng đang cung ứng dịch vụ môi trường rừng của năm trước liền kề theo quyết định của UBND tỉnh (đồng/1ha).
Số 7 (bảy năm): Là thời gian trồng rừng thay thế từ khi trồng rừng đến khi thành rừng (năm).
Trường hợp, diện tích rừng thu hồi, chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác chưa được hưởng giá trị cung ứng dịch vụ môi trường rừng thì (S1 x G x 7) có giá trị bằng không (0).
2. Bồi thường giá trị quyền sử dụng rừng, giá trị quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng:
Bồi thường giá trị quyền sử dụng rừng, giá trị quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, là việc nhà nước trả tiền bồi thường rừng cho chủ rừng có rừng bị thu hồi theo quy định định của pháp luật; cách tính, như sau:
T1 = M1 x S
Trong đó:
T1 là tổng giá trị bồi thường quyền sử dụng rừng (đồng).
M1 là giá quyền sử dụng rừng được xác định tùy theo loại rừng quy định tại các phụ biểu Quy định về giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai ban hành kèm theo Quyết định số 54/2013/QĐ-UBND ngày 20/12/2013 của UBND tỉnh.
Đối với rừng sản xuất, rừng phòng hộ là rừng gỗ tự nhiên: M1 là giá quyền sử dụng rừng được quy định tại phụ biểu 01-A (đồng/1ha).
Đối với rừng vầu, nứa là rừng tự nhiên: M1 là giá quyền sử dụng rừng được quy định tại phụ biểu 01-B (đồng/1ha).
Đối với rừng trồng phòng hộ: M1 là giá quyền sử dụng rừng được quy định tại phụ biểu 02-A (đồng/1ha).
Đối với rừng trồng sản xuất (T1 là tổng giá trị bồi thường quyền sở hữu rừng):
M1 là giá quyền sở hữu rừng được quy định tại phụ biểu 02-B (đồng/1ha).
S là tổng diện tích rừng bồi thường, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác (ha).
Trường hợp, diện tích rừng bồi thường, thu hồi là rừng hỗn giao (gỗ + vầu, nứa) hoặc (vầu, nứa + gỗ): Giá trị bồi thường quyền sử dụng rừng được quy định tại phụ biểu 01-A cộng với giá trị bồi thường quyền sử dụng rừng quy định tại phụ biểu 01-B (đồng/1ha).
Đối với rừng đặc dụng giá quyền sử dụng rừng được quy định tại Khoản 2, Điều 8, Quyết định số 54/2013/QĐ-UBND ngày 20/12/2013 của UBND tỉnh.
3. Đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tự đầu tư vốn để trồng rừng trên diện tích đất được giao, được thuê, được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, khi thu hồi, bồi thường rừng thực hiện theo quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, mục đích phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
4. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi khai thác, vận chuyển lâm sản từ diện tích rừng thu hồi, chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác, phải nộp Thuế tài nguyên theo quy định hiện hành.
Điều 6. Trình tự thực hiện bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
Việc bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy định tại điểm d, Khoản 2, Điều 26 và Điều 29 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chỉnh phủ; Khoản 2, Mục IV Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể như sau:
1. Lập phương án tổng thể về bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác.
2. Thẩm định và trình duyệt hồ sơ bồi thường rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
3. Phê duyệt hồ sơ bồi thường rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
4. Thực hiện quyết định bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của UBND tỉnh.
Điều 7. Lập phương án tổng thể về bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
Việc xây dựng phương án tổng thể về bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định tại tiết 2, Khoản 2, Mục IV và Mục V, Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, như sau:
UBND cấp huyện xây dựng phương án tổng thể về bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác.
Nội dung phương án bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, gồm có:
1. Căn cứ pháp lý xây dựng phương án.
2. Vị trí, địa điểm khu rừng.
3. Diện tích khu rừng.
4. Ranh giới khu rừng.
5. Độ tàn che, tổ thành loài cây, năm trồng, đường kính bình quân, chiều cao bình quân cây rừng của khu rừng thu hồi.
6. Nguồn gốc hình thành rừng, chức năng rừng, loại rừng, trạng thái rừng.
7. Trữ lượng lâm sản khu rừng bồi thường, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác.
8. Tính toán: Giá trị bồi thường lâm sản, giá trị cung ứng dịch vụ môi trường rừng; bồi thường giá trị quyền sử dụng rừng, bồi thường giá trị quyền sở hữu rừng theo Điều 5 của Quy định này.
9. Bản đồ khu rừng bồi thường, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Trước khi gửi phương án đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, UBND cấp huyện có trách nhiệm thông báo cho các chủ rừng có rừng bị thu hồi; trong đó, nói rõ lý do, đặc điểm khu rừng thu hồi, thời gian và kế hoạch di chuyển.
Điều 8. Hồ sơ bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
1. Tờ trình của UBND cấp huyện đề nghị phê duyệt phương án bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
2. Phương án bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Số lượng hồ sơ: 05 bộ (bản chính), gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai.
3. Các giấy tờ khác liên quan đính kèm hồ sơ để làm cơ sở thẩm định (bản chính hoặc bản sao hợp pháp), gồm:
a) Giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc quyết định phê duyệt dự án đầu tư của UBND tỉnh trong trường hợp thu hồi, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án, công trình công cộng (trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước...).
b) Dự án đầu tư có sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang mục đích khác từ 20 ha trở lên phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, hoặc có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác có diện tích dưới 20 ha.
c) Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng thay thế có diện tích trồng rừng ít nhất bằng diện tích rừng thu hồi, chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác hoặc chứng từ nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định tại Khoản 4, Điều 4 của Quy định này.
d) Thông báo giới thiệu địa điểm đất lập dự án đầu tư của Sở Xây dựng, hoặc cơ quan có thẩm quyền (nếu có).
đ) Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 5, Điều 4 của Quy định này.
e) Các giấy tờ khác liên quan (nếu có).
Điều 9. Thẩm định và trình duyệt hồ sơ bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
1. Thẩm định hồ sơ: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng thẩm định, gồm: Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính; Chi cục lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm; trong đó: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
- Đại diện các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính; Chi cục lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm căn cứ chức năng, nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng thẩm định phân công có trách nhiệm phối hợp thẩm định.
- Cơ quan giải trình hồ sơ cho Hội đồng thẩm định, gồm: Lãnh đạo UBND cấp huyện và đại diện các phòng chức năng thuộc cấp huyện, gồm: Tài nguyên và Môi trường, Kinh tế (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hạt Kiểm lâm; chủ rừng; UBND cấp xã nơi có diện tích rừng bồi thường, thu hồi; nhà đầu tư; đơn vị tư vấn xác định đặc điểm khu rừng thu hồi.
3. Tổ chức chức thẩm định:
a) Trường hợp, hồ sơ hợp lệ theo Điều 8 của Quy định này:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định.
- Thời gian thẩm định không quá 15 ngày làm việc.
- Kết quả thẩm định được lập thành biên bản, có đầy đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng thẩm định, các thành viên giải trình hồ sơ, ghi rõ họ tên, có đóng dấu (nếu có).
+ Nếu kết quả thẩm định hồ sơ đạt yêu cầu: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trình UBND tỉnh hồ sơ và dự thảo quyết định bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác;
+ Nếu kết quả thẩm định hồ sơ chưa đạt yêu cầu: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản kết luận hồ sơ chưa đủ điều kiện bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác gửi UBND cấp huyện tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
b) Trường hợp, hồ sơ chưa hợp lệ theo Điều 8 của Quy định này:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi UBND cấp huyện, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để tổ chức thẩm định.
Điều 10. Phê duyệt hồ sơ bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
1. Trường hợp hồ sơ hợp lệ:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày UBND tỉnh nhận được đề nghị phê duyệt hồ sơ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt hồ sơ.
2. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày UBND tỉnh nhận được đề nghị phê duyệt hồ sơ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND tỉnh thông báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được biết để trả lời cho UBND cấp huyện và nhà đầu tư.
Điều 11. Thực hiện Quyết định bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của UBND tỉnh
1. Hướng dẫn thực hiện Quyết định bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của UBND tỉnh:
Sau khi nhận được Quyết định bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của UBND tỉnh; trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, hướng dẫn UBND cấp huyện, chủ rừng, các đơn vị liên quan thực hiện Quyết định bồi thường, thu hồi rừng của UBND tỉnh, gồm:
a) Hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện việc bồi thường rừng.
b) Hướng dẫn nhà đầu tư nộp đủ số tiền bồi thường rừng bằng số tiền trong phương án bồi thường, thu hồi rừng đã được UBND tỉnh, phê duyệt.
c) Hướng dẫn việc bàn giao rừng theo Khoản 3, Điều này.
d) Hướng dẫn UBND cấp huyện lập, thẩm định, trình duyệt hồ sơ khai thác tận dụng lâm sản, giải phóng mặt bằng.
Trường hợp, diện tích rừng thu hồi có rừng của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn đang sử dụng thì sau khi nhận được Quyết định bồi thường, thu hồi rừng của UBND tỉnh; UBND cấp huyện có trách nhiệm ký Quyết định thu hồi rừng cụ thể đối với mỗi chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn.
2. Thu nộp kinh phí bồi thường rừng:
Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định bồi thường, thu hồi rừng của UBND tỉnh, nhà đầu tư có trách nhiệm nộp đủ số tiền bồi thường rừng vào ngân sách nhà nước về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai. Số tiền nhà đầu tư phải nộp bồi thường rừng bằng số tiền trong phương án bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã được UBND tỉnh phê duyệt.
3. Bàn giao rừng sau khi bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác:
Sau khi nhà đầu tư nộp đủ số tiền bồi thường rừng bằng số tiền trong phương án bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã được UBND tỉnh phê duyệt; trong thời hạn 05 ngày làm việc; UBND cấp huyện tổ chức, chỉ đạo bàn giao rừng cho nhà đầu tư, như sau:
- Thành phần bên giao rừng, gồm:
+ Lãnh đạo UBND cấp huyện (chủ trì), chủ rừng, UBND cấp xã, các phòng chức năng cấp huyện liên quan.
- Thành phần bên nhận rừng: Là nhà đầu tư.
- Bên chứng kiến: Các chủ rừng liền kề.
- Nội dung bàn giao: Vị trí, địa điểm, ranh giới, diện tích, đặc điểm khu rừng bàn giao, có hệ thống cọc mốc được cắm xung quanh khu rừng thu hồi cùng với thời điểm bàn giao rừng, kèm theo bản đồ và tọa độ khu rừng bàn giao.
Việc bàn giao rừng phải lập thành biên bản, được đại diện các bên ký kết, có đóng dấu (nếu có).
Điều 12. Quản lý, sử dụng kinh phí bồi thường rừng
Việc quản lý sử dụng kinh phí bồi thường rừng được thực hiện theo Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14/01/2008 của Chính phủ về Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng; Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Thông tư số 85/2012/TT-BTC ngày 25/5/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.
UBND tỉnh quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng kinh phí bồi thường rừng để đầu tư bảo vệ và phát triển rừng.
Chương III
KHAI THÁC TẬN DỤNG LÂM SẢN ĐỂ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG
Điều 13. Khai thác tận dụng lâm sản để giải phóng mặt bằng đối với diện tích rừng của hộ gia đình, cá nhân
Việc khai thác tận dụng lâm sản để giải phóng mặt bằng đối với diện tích rừng của hộ gia đình, cá nhân thực hiện quy định tại Điều 22, Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, như sau:
1. Điều kiện:
a) Có Quyết định của UBND tỉnh về bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
b) Nhà đầu tư hoàn thành việc bồi thường rừng và các khoản tài chính khác (nếu có) theo quy định.
c) Có Biên bản bàn giao rừng của UBND cấp huyện cho nhà đầu tư.
2. Trình tự, thủ tục:
a) Chủ rừng tự làm hoặc thuê tư vấn lập hồ sơ thiết kế khai thác, gồm: Thu thập số liệu, lập bảng dự kiến sản phẩm khai thác, sơ đồ khu khai thác tận dụng, phát ranh giới xung quanh khu rừng khai thác. Sau khi hoàn thành báo Kiểm lâm địa bàn hoặc cán bộ lâm nghiệp xã kiểm tra thực tế hiện trường lập biên bản xác nhận.
b) Đăng ký khai thác: Chủ rừng gửi 01 bộ hồ sơ về UBND cấp huyện. Hồ sơ gồm có:
- Bản đăng ký khai thác.
- Các giấy tờ liên quan được quy định tại Khoản 1, Điều này.
- Biên bản xác nhận của kiểm lâm địa bàn hoặc cán bộ lâm nghiệp xã.
- Bảng dự kiến sản phẩm khai thác và sơ đồ khu khai thác.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ; nếu chưa hợp lệ, UBND cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho chủ rừng được biết để bổ sung theo quy định.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp huyện không có ý kiến, thì chủ rừng được khai thác theo hồ sơ đăng ký.
Điều 14. Khai thác tận dụng lâm sản để giải phóng mặt bằng đối với diện tích rừng của tổ chức
Việc khai thác tận dụng lâm sản để giải phóng mặt bằng đối với diện tích rừng của tổ chức quy định tại Điều 11, Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, như sau:
1. Điều kiện:
a) Theo quy định tại Khoản 1, Điều 13 của Quy định này.
b) Có văn bản giao nhiệm vụ khai thác của UBND tỉnh.
2. Trình tự, thủ tục:
a) Thiết kế khai thác: Chủ rừng hoặc đơn vị được UBND tỉnh cho phép khai thác tự làm hoặc thuê tư đơn vị tư vấn lập hồ sơ khai thác, gồm: Thu thập số liệu và viết thuyết minh thiết kế khai thác, xây dựng bản đồ tỷ lệ 1: 5.000 hoặc tỷ lệ 1: 10.000; phát ranh giới khu rừng khai thác tận dụng. Sau khi hoàn thành báo cáo với Kiểm lâm địa bàn hoặc cán bộ lâm nghiệp xã kiểm tra thực tế hiện trường, lập biên bản xác nhận.
b) Cấp phép khai thác: Chủ rừng hoặc đơn vị khai thác gửi 01 bộ hồ sơ về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm có:
- Tờ trình đề nghị của đơn vị được khai thác hoặc chủ rừng.
- Các giấy tờ liên quan quy định tại khoản 1 Điều này.
- Biên bản xác nhận của kiểm lâm địa bàn hoặc cán bộ lâm nghiệp xã.
- Thuyết minh thiết kế khai thác và bản đồ khu khai thác.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ; nếu chưa hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thông báo bằng văn bản cho chủ rừng hoặc đơn vị khai thác biết để bổ sung theo quy định.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt hồ sơ, cấp phép khai thác và trả kết quả cho đơn vị được khai thác. Thời hạn khai thác theo đăng ký khai thác, nhưng phải đảm bảo thời gian giải phóng mặt bằng và thời gian được ghi trong giấy phép khai thác.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chủ trì, phối hợp với các sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; các đơn vị liên quan hướng dẫn thực hiện Quy định này, triển khai đến các đơn vị, các địa phương Quy định này; hướng dẫn cụ thể các trường hợp được hưởng bồi thường giá trị quyền sử dụng rừng thu hồi, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; khai thác tận dụng lâm sản để giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh; tổng hợp những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện; báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
2. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, các đơn vị liên quan hướng dẫn việc thu, quản lý, sử dụng nguồn thu từ bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các cơ quan, đơn vị liên quan xác định chủ quản lý, sử dụng đất rừng thu hồi; hướng dẫn việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
4. Cục Thuế tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; các đơn vị liên quan, hướng dẫn nhà đầu tư nộp thuế tài nguyên rừng theo quy định của pháp luật.
5. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh: Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn việc thu, quản lý, sử dụng nguồn thu từ bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định.
6. Các sở, ngành liên quan; UBND cấp huyện: Có trách nhiệm phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài Nguyên và Môi trường triển khai, thực hiện Quy định này.
7. Các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng: Có trách nhiệm tổ chức bảo vệ và phát triển rừng, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về diễn biến tài nguyên rừng. Thực hiện các hoạt động liên quan đến bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo thẩm quyền. Bàn giao lại rừng khi UBND tỉnh có quyết định thu hồi rừng.
Điều 16. Trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân
Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được giao rừng, thuê rừng, khi bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thực hiện các nội dung liên quan của Quy định này.
Điều 17. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Khen thưởng: Các cơ quan nhà nước, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện hiệu quả Quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan thì được khen thưởng theo quy định.
2. Xử lý vi phạm: Các cơ quan nhà nước, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm Quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Điều khoản thi hành
Quy định này được áp dụng thống nhất trên trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai.
Những trường hợp bồi thường, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trước ngày Quy định này có hiệu lực thì tiếp tục áp dụng các quy định hiện hành trước khi có Quy định này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân báo cáo, phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.