Quyết định số 69/2014/QĐ-UBND ngày 23/09/2014 Phê duyệt Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- Số hiệu văn bản: 69/2014/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Ngày ban hành: 23-09-2014
- Ngày có hiệu lực: 03-10-2014
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 05-12-2014
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-05-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1676 ngày (4 năm 7 tháng 6 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 06-05-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 69/2014/QĐ-UBND | Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 23 tháng 9 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT, NƯỚC SINH HOẠT CHO HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO VÀ HỘ NGHÈO Ở XÃ, THÔN ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;
Thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 04/2013/TTLT-UBDT-BTC-BTNMT ngày 18 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn;
Theo đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc tại Tờ trình số 12/TTr-BDT ngày 04 tháng 9 năm 2014 vào Báo cáo kết quả thẩm định số 1164/BC-STP ngày 24 tháng 7 năm 2014 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (kèm theo Đề án).
Điều 2. Giao Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Đề án đã được phê duyệt triển khai thực hiện các nội dung công việc đảm bảo tiến độ và đúng quy định Nhà nước hiện hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT, NƯỚC SINH HOẠT CHO HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO VÀ HỘ NGHÈO Ở XÃ, THÔN ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 69/2014/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Phần thứ nhất
SỰ CẦN THIẾT, CƠ SỞ PHÁP LÝ, MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG PHẠM VI VÀ NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN ĐỂ ÁN
I. Sự cần thiết:
Tỉnh Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam trung bộ; tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 335.832,57ha, trong đó đất nông nghiệp có 265.916,63ha, bao gồm đất sản xuất nông nghiệp là 73.227,38ha, đất lâm nghiệp là 186.416,93ha, đất nuôi trồng thủy sản là 1.805,13ha, đất làm muối là 3.963,75ha, đất nông nghiệp khác là 503,44ha; đất phi nông nghiệp là 31.030,20ha, đất chưa sử dụng là 38.885,74ha.
Toàn tỉnh có 6 huyện, 1 thành phố với 65 xã, phường, thị trấn; có 01 huyện nghèo Bác Ái theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; có 37 xã khu vực miền núi vùng đồng bào dân tộc, trong đó có 15 xã khu vực III, 7 xã khu vực II và 15 xã khu vực I; thôn đặc biệt khó khăn có 73 thôn; có 2 xã vùng Bãi ngang ven biển. Có 124 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Bác Ái: 37 thôn; Ninh Sơn: 22 thôn; Ninh Phước: 22 thôn; Thuận Nam: 13 thôn; Thuận Bắc: 23 thôn; Ninh Hải: 6 thôn; thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: 1 thôn).
Dân số toàn tỉnh có 639.487 người, nam 322.365 người (50,41%), nữ 317.122 người (49,59%); có 36 dân tộc; đồng bào dân tộc thiểu số có 146.226 người, nam 72.207 người (49,38%), nữ 74.019 người (50,62%); trong đó, dân tộc Chăm có 75.115 người (nam 37.211 người, nữ 37.904 người), dân tộc Raglai có 63.907 người (nam 31.314 người, nữ 32.593 người), dân tộc Hoa có 2.394 người (nam 1.258 người, nữ 1.136 người), các dân tộc thiểu số ít người khác 4.810 người (nam 2.424 người, nữ 2.386 người).
Hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2012 có 16.523 hộ, chiếm tỷ lệ 11,20 %, hộ cận nghèo 12.790 hộ, chiếm 8,76%. Hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số có 7.838 hộ, chiếm 5,312 % hộ nghèo cả tỉnh; hộ cận nghèo có 3.871 hộ, chiếm 2.62% hộ cận nghèo chung toàn tỉnh. Hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2013 có 14.159 hộ, chiếm tỷ lệ 9,33%; hộ cận nghèo 12.890 hộ, chiếm tỷ lệ 8,5%. Hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 6.980 hộ, chiếm 4,6 % hộ nghèo cả tỉnh, hộ cận nghèo có 4.368 hộ chiếm 2,8% hộ cận nghèo chung toàn tỉnh.
Trong những năm qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương chính sách nhằm tăng cường đầu tư, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện phát triển toàn diện. Thông qua hệ thống chính sách, với sự quan tâm đầu tư từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các tổ chức phi Chính phủ, cùng với sự nỗ lực cố gắng vươn lên của người dân đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: kinh tế - xã hội của đồng bào vùng dân tộc thiểu số phát triển chậm; trình độ sản xuất nông nghiệp còn thấp, tập quán canh tác còn mang nặng nét cũ, phát triển tiểu thủ công nghiệp còn lúng túng; trình độ dân trí thấp, trình độ phát triển của các dân tộc chưa đồng đều, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chất lượng hiệu quả giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ còn nhiều hạn chế; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thủy lợi nhỏ, thông tin và hạ tầng cấp thiết khác; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm; nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác, phát huy đúng mức; quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, sức cạnh tranh thấp và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chính những hạn chế trên là do kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi có điểm xuất phát thấp, điều kiện tự nhiên khó khăn, thiên tai xảy ra thường xuyên, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, dàn trải; hiện nay, một bộ phận đồng bào còn thiếu đất sản xuất, tuy nhiên việc khai hoang đất để hỗ trợ cho bà con hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, một số địa phương hiện không còn quỹ đất, một số nơi đất xấu, không có nguồn nước. Chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực đạt thấp; đa số người dân trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo nghề; đội ngũ cán bộ y tế, cơ sở và trang thiết bị y tế còn thiếu, chất lượng dịch vụ y tế còn thấp.
Nhằm trực tiếp hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở thôn, xã khu vực đặc biệt khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững; Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận thực hiện Đề án Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
II. Cơ sở pháp lý:
- Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn;
- Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc về việc công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015;
- Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020;
- Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020;
- Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ;
- Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;
- Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo;
- Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp lại, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh;
- Thông tư liên tịch số 04/2013/TTLT-UBDT-BTC-BTNMT ngày 18 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài Chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn;
- Thông tư liên tịch số 31/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 09 tháng 9 năm 2009 hướng dẫn thực hiện mội số nội dung Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg;
- Quyết định số 256/2007/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành quy định về sử dụng đất công ích trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;
- Quyết định số 92/2013/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành bảng giá các loại đất năm 2014 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;
- Kế hoạch số 2409/KH-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị định số 05/2001/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;
- Kế hoạch số 5034/KH-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới giai đoạn 2012 - 2015;
- Kế hoạch số 3510/KH-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh, triển khai lập Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh;
- Công văn số 440/UBDT-CSDT ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Ủy ban Dân tộc thẩm tra dự thảo đề án theo Quyết định số 755/QĐ-TTg tỉnh Ninh Thuận;
- Công văn số 2613/UBND-KTN ngày 12 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn;
- Các tài liệu khác có liên quan đến vùng lập Đề án.
III. Mục tiêu, đối tượng, phạm vi áp dụng:
1. Mục tiêu chung: phấn đấu đến hết năm 2015 giải quyết được 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Năm 2014: thực hiện hỗ trợ được 50% kế hoạch;
- Năm 2015: cơ bản giải quyết được 70% trong tổng số hộ được hỗ trợ: đất ở 920 hộ; đất sản xuất 3.033 hộ; đào tạo nghề 1.251 lao động; chuyển đổi nghề 1.044 hộ; nước sinh hoạt phân tán 4.149 hộ; nước sinh hoạt tập trung 11 công trình; duy tu bão dưỡng 10 công trình.
3. Đối tượng áp dụng:
- Đối tượng thực hiện: hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên phạm vi toàn tỉnh (kể cả vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015, có trong danh sách hộ nghèo đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại thời điểm Quyết định số 755/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành; sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có hoặc chưa đủ đất ở, đất sản xuất theo hạn mức đất bình quân chung: đất ở 200 m2/hộ; đất sản xuất: đất trồng cây lúa nước 1 vụ ít nhất có 0,25ha hoặc đất trồng cây lúa nước 2 vụ ít nhất có 0,15ha hoặc đất trồng cây hàng năm có ít nhất 0,5ha; các địa phương căn cứ vào quỹ đất, điều kiện thực tế có thể cấp thêm, nhưng không được vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp cho mỗi hộ gia đình theo quy định của pháp luật đất đai để làm cơ sở xác định hộ gia đình chưa đủ đất sản xuất; có khó khăn về nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách của nhà nước hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt;
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
4. Phạm vi áp dụng:
a) Phạm vi vùng thực hiện Đề án:
- Vùng thực hiện Đề án bao gồm tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Theo kết quả điều tra khảo sát tại 65 xã, phường, thị trấn của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (tháng 12/2013) có 132 thôn/36 xã, thị trấn có đối tượng thực hiện Đề án.
+ Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: 1 thôn/1 xã (Thành Hải).
+ Huyện Thuận Bắc: 23 thôn/5 xã (Công Hải, Lợi Hải, Phước Kháng, Phước Chiến và Bắc Sơn).
+ Huyện Ninh Hải: 6 thôn/2 xã (Xuân Hải và Vĩnh Hải).
+ Huyện Ninh Phước: 22 thôn/9 xã, thị trấn (Phước Thuận, An Hải, Phước Hải, Phước Dân, Phước Hữu, Phước Thái, Phước Hậu, Phước Sơn và Phước Vinh).
+ Huyện Thuận Nam: 13 thôn/3 xã (Phước Hà, Phước Ninh, Phước Nam)
+ Huyện Bác Ái: 38 thôn/9 xã (Phước Thành, Phước Đại, Phước Chính, Phước Tân, Phước Tiến, Phước Hoà, Phước Bình, Phước Trung và Phước Thắng).
+ Huyện Ninh Sơn: 29 thôn/7 xã, thị trấn (Lương Sơn, Lâm Sơn, Quảng Sơn, Nhơn Sơn, Mỹ Sơn, Hoà Sơn, Ma Nới);
b) Xã, thôn đặc biệt khó khăn:
- Trong số 36 xã, thị trấn có đối tượng thực hiện Đề án, có 15 xã đặc biệt khó khăn, gồm các xã: Phước Bình, Phước Hoà, Phước Trung, Phước Thắng, Phước Thành, Phước Tân, Phước Tiến, Phước Đại và Phước Chính (Bác Ái); xã Ma Nới và Hoà Sơn (Ninh Sơn); xã Phước Hà (Thuận Nam); xã Phước Kháng, Phước Chiến và Bắc Sơn (Thuận Bắc).
- Trong số 132 thôn, có 73 thôn đặc biệt khó khăn, trong đó có 56 thôn nằm trong địa bàn 15 xã đặc biệt khó khăn (khu vực III); 17 thôn thuộc địa bàn các xã còn lại gồm: xã khu vực I có 2 thôn: thôn Núi Ngỗng và Láng Ngựa (Nhơn Sơn); xã khu vực II có 15 thôn: thôn Ấn Đạt và Suối Đá (Lợi Hải); thôn Tà Dương (xã Phước Thái); thôn Gòn 1, Gòn 2, Tầm Ngân 1, Tầm Ngân 2 và Lập Lá (xã Lâm Sơn); thôn Lương Giang (xã Quảng Sơn); thôn Nha Húi và Mỹ Hiệp (xã Mỹ Sơn); thôn Trà Giang 2 và Trà Giang 4 (xã Lương Sơn); thôn Cầu Gãy, Đáhang (Vĩnh Hải).
5. Thời gian thực hiện đề án: từ nay đến hết năm 2015.
IV. Nguyên tắc thực hiện:
- Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt trực tiếp đến các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn;
- Bảo đảm công khai, công bằng, minh bạch đến từng hộ trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước;
- Phù hợp với phong tục, tập quán và bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc; phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương;
- Lao động được hỗ trợ một phần kinh phí để đào tạo, chuyển đổi nghề phải sử dụng đúng mục đích thông qua các cơ sở đào tạo nghề tại địa phương hoặc kết hợp với chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp;
- Mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn chưa có hoặc chưa đủ đất sản xuất theo quy định chỉ được hỗ trợ một trong các hình thức quy định tại khoản 1, Điều 3 Quyết định số 755/QĐ-TTg;
- Các hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phải trực tiếp quản lý và sử dụng để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, góp phần xoá đói giảm nghèo, không được chuyển nhượng, tặng, cho, cầm cố, cho thuê đất ở, đất sản xuất trong thời gian 10 năm kể từ ngày được Nhà nước giao đất. Trường hợp đặc biệt, khi hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất có nhu cầu di chuyển đến nơi khác thì phải ưu tiên chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho chính quyền địa phương để giao lại cho hộ đồng bào dân tộc nghèo khác;
- Ưu tiên thực hiện nguồn vốn trước cho những đối tượng nằm trên địa bàn xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Phần thứ hai
THỰC TRẠNG, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT VÀ NƯỚC SINH HOẠT
I. Đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội và một số chính sách đã và đang thực hiện tại vùng dự án:
1. Khái quát tình hình kinh tế - xã hội:
Các xã vùng thực hiện đề án thuộc địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Ninh Thuận chiếm khoảng 2/3 diện tích tự nhiên của tỉnh; có 36 xã, thị trấn chiếm 55,38% số xã, phường, thị trấn của tỉnh, trong đó xã khu vực III có 15 xã, xã khu vực II có 7 xã, xã khu vực I có 13 xã và 01 xã vùng bãi ngang ven biển. Có 1 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a (huyện Bác Ái); trong số 191 thôn, khu phố có 124 thôn, khu phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 64,92% số thôn, khu phố vùng dự án (Bác Ái 37 thôn; Ninh Sơn 22 thôn; Ninh Phước 22 thôn, khu phố; Thuận Nam 13 thôn; Thuận Bắc 23 thôn; Ninh Hải 6 thôn; thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 1 thôn). Dân số có 74.239 hộ/317.219 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 29.361 hộ/141.853 khẩu chiếm 44,7% dân số vùng dự án.
Về phát triển kinh tế: nông nghiệp từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, phát huy lợi thế tiềm năng thế mạnh nhằm phát triển những cây, con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và địa phương đã xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất, chuyển giao nhân rộng như: nho giống mới NH01-48, mía, bắp lai, táo, mít, mãng cầu dai, trồng rừng thâm canh cây trôm, … Cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt, bò laisin, cải tạo đàn cừu, dê, nuôi heo sinh sản theo hướng nạc, chăn nuôi gà thịt an toàn, nuôi cá chình trong ao và tôm thẻ chân trắng, heo rượu vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chương trình khuyến nông quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135, … ngoài ra thử nghiệm và phổ biến nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp như mô hình “3 giảm, 3 tăng” trên cây lúa tại các huyện: Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Phước và Ninh Sơn; mô hình “một phải, năm giảm” trong thâm canh cây lúa tại các xã: Phước Hậu, Phước Thái (huyện Ninh Phước); mô hình trồng rau an toàn tại huyện Ninh Phước; Đề án trồng cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc và triền núi giai đoạn 2011 - 2015 (huyện Thuận Bắc).
Về lĩnh vực giáo dục, y tế: được quan tâm đầu tư, kể cả nguồn nhân lực và cơ sở vật chất. 100% thôn có trường học hoặc điểm học mẫu giáo và tiểu học; 100% xã có trường trung học cơ sở; có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú dành riêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; xoá các phòng học tạm, trên toàn tỉnh hiện không có trường học nào học 3 ca. 100% xã, thị trấn có trạm y tế và được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới kiên cố, bán kiên cố; 100% thôn có nhân viên y tế hoạt động. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân vùng dự án. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, tỉnh còn triển khai nhiều hoạt động đào tạo tập huấn, phát triển nhân lực cho hệ thống y tế tuyến cơ sở.
Công tác an sinh xã hội được các cấp, các ngành triển khai thực hiện đầy đủ kịp thời. Các ngành nghề truyền thống của bà con đồng bào dân tộc vùng dự án được chú ý quan tâm khôi phụ đầu tư như: làng nghề gốm Bàu Trúc được Nhà nước đầu tư hạ tầng 7,526 tỷ đồng, làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp 11,903 tỷ đồng, làng nghề dệt thổ cẩm Chung Mỹ 6,084 tỷ đồng. Ngoài ra, các làng nghề hằng năm được Nhà nước hỗ trợ về kỹ thuật và chuyển giao công nghệ; xây dựng thương hiệu làng nghề; xây dựng website; tổ chức xúc tiến thương mại; ... Ngoài phát triển các làng nghề trên đồng bào Chăm còn phát triển nghề buôn bán thuốc nam với số lượng lên tới 700 người, hàng năm cho thu nhập tương đối ổn định.
Về hạ tầng nông thôn được ưu tiên tập trung đầu tư, nhờ đó các thôn, xã vùng dự án đều có đường giao thông nông thôn đi lại thuận tiện. Điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt và sản xuất được phủ kín tất cả các thôn, khu phố vùng dự án. Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt đạt 83%; cơ sở hạ tầng như: hệ thống giao thông, bê tông hoá kênh mương được nâng cấp sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên; các công trình thủy lợi hồ chứa nước lớn được Nhà nước quan tâm đầu tư như: hồ Sông Sắt, Phước Tân, Phước Trung (huyện Bác Ái); hồ Sông Trâu, Ba Chi, Ma Trai và Bà Râu (huyện Thuận Bắc); huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Ninh Hải đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình: hồ chứa nước Bầu Ngứ, công trình đập Li Mơn, hệ thống kênh cấp I Tân Giang, kênh L18, kênh Nam, hồ Bầu Zôn, hồ Tà Ranh, hồ Phước Nhơn, hồ Lanh Ra, hồ Sông Biêu; hiện nay đang tiến hành đầu tư hồ Tân Mỹ… Xây dựng kiên cố hoá kênh mương nội đồng cấp I, cấp II đã đưa vào sử dụng có hiệu quả, góp phần phục vụ cho đời sống và sản xuất của người dân nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
2. Một số chính sách đã và đang đầu tư tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã, thôn đặc biệt khó khăn (giai đoạn 2006 - 2012):
- Chương trình 135: trong giai đoạn 2006 - 2012, tổng vốn Trung ương bố trí thực hiện đầu tư là 151.218 triệu đồng, đầu tư cho 3 dự án thành phần, 1 chính sách và 1 nhiệm vụ, cụ thể như sau: dự án phát triển cơ sở hạ tầng: 110.112 triệu đồng; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất: 21.557 triệu đồng; dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn: 5.595 triệu đồng; chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật: 10.208 triệu đồng; công tác duy tu bảo dưỡng công trình 3.263 triệu đồng và kinh phí quản lý chương trình là 483 triệu đồng;
- Chương trình 134: giai đoạn 2006 - 2012: tổng vốn Trung ương giao 64.570 triệu đồng để thực hiện hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; trong đó, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở 41.970 triệu đồng và hỗ trợ nước sinh hoạt là 22.600 triệu đồng. Qua 5 năm triển khai thực hiện (năm 2009 và 2010 Trung ương không bố trí kế hoạch vốn) đã hỗ trợ xây dựng được hơn 4.200 căn nhà, 0,94ha đất ở và khai hoang phục hoá 388ha đất sản xuất cấp cho 1.552 hộ dân; nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới 33 công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ cho hơn 28.500 hộ dân thuộc các xã vùng dân tộc, miền núi;
- Chính sách theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg: thực hiện hỗ trợ di dân định canh, định cư theo Quyết định số 33 giai đoạn 2008 - 2012 (năm 2011 Trung ương không bố trí), với tổng số vốn trung ương đã bố trí là 17.844 triệu đồng. Đến nay đã tổ chức thực hiện hoàn thành 05 dự án (01 dự án tập trung và 04 dự án xen ghép), định canh, định cư cho 290 hộ/1.053 khẩu
- Chính sách theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg: trong 4 năm (2009 - 2012) đã hỗ trợ đầu tư xây dựng được 6.653 căn nhà cho hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở, với tổng vốn đầu tư là 170.373 triệu đồng, gồm: vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ là 53.748 triệu đồng; vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội 52.880 triệu đồng; Quỹ Vì người nghèo 28.930 triệu đồng và nguồn vốn huy động khác là 34.815 triệu đồng;
- Chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP: thực hiện hỗ trợ đầu tư cho huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a: trong 4 năm từ 2009 - 2012, tổng nguồn vốn đã đầu tư trên địa bàn huyện nghèo Bác Ái là 344.983 triệu đồng, trong đó, vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP là 130.300 triệu đồng; thực hiện đầu tư 53 hạng mục công trình và nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác là 88 hạng mục công trình, với số vốn là 214.683 triệu đồng, tập trung ở các lĩnh vực: giáo dục, y tế, giao thông, thủy lợi và công trình phục vụ dân sinh;
Ngoài ra, trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang triển khai một số chính sách hỗ trợ khác như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; chính sách tín dụng cho vay (Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg; Quyết định số 126/2008/QĐ-TTg; Quyết định số 54/QĐ-TTg); chương trình trợ giá, trợ cước (Nghị định số 20/1998/NĐ-CP); chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo (Quyết định số 102/QĐ-TTg); chính sách cấp phát báo, tạp chí (Quyết định số 975/QĐ-TTg và Quyết định số 2472/QĐ-TTg).
3. Đánh giá chung:
3. 1. Những kết quả đạt được: trong những năm qua, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có nhiều khởi sắc do được đầu tư bằng nhiều chương trình, dự án của Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; tập quán sản xuất được chuyển đổi theo chiều hướng tích cực từ sản xuất độc canh, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hoá (đối với các huyện miền núi), đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, đáp ứng một phần nguyên liệu cho cơ sở chế biến nông sản trong và ngoài tỉnh. Các xã miền núi đã tự túc được lương thực, sản lượng lương thực bình quân đạt trên 490 kg/người/năm. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo đúng hướng, tăng tỷ trọng cây công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề từng bước phát triển; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; bộ mặt nhiều vùng nông thôn miền núi thay đổi. Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết vùng nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh ngày càng được cải thiện. Xoá đói, giảm nghèo đạt kết quả khả quan. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững;
3. 2. Một số hạn chế và nguyên nhân:
a) Hạn chế: kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển còn chậm; sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều, chưa đồng bộ; dịch vụ thương mại và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống phát triển chưa mạnh, các sản phẩm còn đơn điệu, giá trị kinh tế mang lại chưa cao; chất lượng cuộc sống của một bộ phận người dân chưa đáp ứng được nhu cầu.
b) Nguyên nhân: những nguyên nhân hạn chế trên là do kinh tế các xã thực hiện Đề án có điểm xuất phát thấp (nhất là các xã khu vực III, khu vực II), mặt bằng dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, chậm ứng dụng tiến bộ kỷ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chất lượng sản phẩm một số cây trồng, vật nuôi chủ lực chưa cao; điều kiện tự nhiên khó khăn, thiên tai xảy ra thường xuyên, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, dàn trãi. Tư tưởng trông chờ ỷ lại còn tồn tại trong một số bộ phận người dân nên việc phát huy nguồn lực tại chỗ còn hạn chế, chủ yếu dựa vào Nhà nước.
II. Thực trạng và giải pháp giải quyết đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt trong vùng dự án:
1. Số hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; số công trình nước sinh hoạt tập trung và kế hoạch duy tu bão dưỡng:
- Toàn tỉnh có 5.739 hộ nghèo có nhu cầu về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt, chiếm 73,08% so với hộ nghèo dân tộc thiểu số (cuối năm 2012); đầu tư 1 công trình nước sinh hoạt tập trung; duy tu bảo dưỡng nước sinh hoạt 10 công trình; cụ thể theo từng nội dung:
- Số hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở: 920 hộ;
- Số hộ có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất: 3.033 hộ;
- Số lao động có nhu cầu học nghề: 1.251 lao động;
- Số hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề: 1.044 hộ;
- Số hộ có nhu cầu nước sinh hoạt phân tán: 4.149 hộ;
- Số công trình nước sinh hoạt tập trung: 11 công trình;
- Số công trình duy tu bão dưỡng: 10 công trình.
2. Thực trạng và giải pháp thực hiện giải quyết đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt trong vùng dự án:
2.1. Thực trạng hộ chưa có đất ở và giải pháp giải quyết đất ở cho các hộ trong vùng dự án:
2.1.1. Thực trạng hộ chưa có đất ở:
Có 920 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở, diện tích 42,36ha, trong đó:
+ Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có 2 hộ/0,04ha (xã Thành Hải).
+ Huyện Bác Ái: 321 hộ/16,04ha (xã Phước Thành 31 hộ/0,62ha, xã Phước Đại 74 hộ/1,0084ha, xã Phước Chính 8 hộ/0,24ha, xã Phước Bình 52 hộ/2ha, xã Phước Trung 62 hộ/8,65ha, xã Phước Hoà 58 hộ/2,8ha, xã Phước Tân 36 hộ/0,72ha).
+ Huyện Ninh Sơn: 405 hộ/22,3ha, trong đó: xã Lâm Sơn 30 hộ/0,6ha, xã Lương Sơn 1 hộ/0,03ha, xã Mỹ Sơn 78 hộ/15,6ha, xã Nhơn Sơn 111 hộ/2,37ha, xã Hoà Sơn 39 hộ/0,78ha, xã Ma Nới 146 hộ/2,92ha.
+ Huyện Ninh Phước: 34 hộ/0,92ha (xã Phước Hữu 14 hộ/0,28ha, xã Phước Vinh 12 hộ/0,48ha, xã Phước Hải 8 hộ/0,16ha).
+ Huyện Thuận Bắc: 104 hộ/2,08ha, trong đó: xã Bắc Sơn 3 hộ/0,06ha, xã Lợi Hải 58 hộ/1,16ha, xã Phước Kháng 16 hộ/0,32ha, xã Phước Chiến 27 hộ/0,54ha).
+ Huyện Thuận Nam: 54 hộ/0,98ha, trong đó: xã Phước Hà 20 hộ/0,4ha, xã Phước Nam 20 hộ/0,3ha, xã Phước Ninh 14 hộ/0,28ha.
2.1.2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chưa có đất ở:
+ Một số trường hợp tuổi già, neo đơn tách hộ riêng, không chịu ở chung với con cháu.
+ Một số trường hợp đã tách hộ nhưng vẫn sống chung trong một nhà với cha mẹ.
+ Một số trường hợp do có hoàn cảnh quá khó khăn nên đã nhượng hết đất; sinh con đông nên tình trạng tách hộ ở riêng ngày một nhiều.
2.1.3. Định mức cấp đất ở: bình quân 200m2/hộ (theo điểm 2, Điều 3 Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2013).
* Mức hỗ trợ kinh phí: áp dụng mức giá hỗ trợ theo Quyết định số 92/2013/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
2.1.4. Giải pháp giải quyết đất ở cho các hộ:
- Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: quy hoạch khu tái định cư để cấp đất ở cho các hộ dân nghèo chưa có đất ở.
- Huyện Thuận Nam:
+ Đối với số hộ chưa có đất ở thuộc xã Phước Nam, cấp theo quy hoạch chi tiết khu dân cư và hạ tầng công cộng khu dân cư đến năm 2015 gồm 6 điểm dân cư/63,38ha;
+ Đối với số hộ chưa có đất ở thuộc xã Phước Ninh, cấp theo quy hoạch chi tiết các khu dân cư nông thôn đến năm 2020 gồm 3 điểm dân cư/26,86ha.
+ Đối với số hộ chưa có đất ở thuộc xã Phước Hà, cấp theo quy hoạch chi tiết các khu dân cư nông thôn đến năm 2020 gồm 2 điểm dân cư/27,77ha. Ngoài ra năm 2012, Ủy ban nhân dân xã cũng đã san ủi mặt bằng hình thành khu tái định cư mới thôn Tân Hà với diện tích 03ha.
- Huyện Ninh Phước: hỗ trợ đất ở cho các hộ có nhu cầu được thực hiện qua quy hoạch khu dân cư của các địa phương (xã) và lồng ghép theo Chương trình nông thôn mới để hỗ trợ cho hộ nghèo.
- Huyện Thuận Bắc: căn cứ quy hoạch chi tiết nông thôn mới của từng xã để bố trí khu dân cư mới, khu vực giãn dân, ưu tiên cấp đất ở cho những hộ nghèo chưa có đất ở hiện nay.
- Huyện Bác Ái:
+ Quy hoạch khu tái định cư để cấp đất ở hoặc cấp đất xen ghép ở các khu dân cư hiện hữu (xã Phước Bình quy hoạch khu tái định cư tại thôn Bạc Rây II);
+ Các xã còn lại:
* Tạo quỹ đất: hỗ trợ trực tiếp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo còn thiếu đất ở từ quỹ đất dự phòng.
* Vận động bà con nhân dân hiến đất, cụ thể như: vận động gia đình người thân của những hộ hiện nay chưa có đất ở, hỗ trợ chia sẻ nguồn đất hiện có cho những người còn thiếu, chưa có đất ở.
- Huyện Ninh Sơn:
+ Đối với xã Lâm Sơn: quy hoạch khu giãn dân, tái định cư cho 30 hộ (quỹ đất sử dụng gần khu giãn dân thôn Lập Lá và 10 lô đất còn lại của khu tái định cư thôn Tầm Ngân 1).
+ Đối với xã Nhơn Sơn: 111 hộ dân tự thoả thuận sang nhượng đất ở của các hộ dân xung quanh.
+ Đối với xã Mỹ Sơn: thu hồi đất sản xuất tại khu vực thôn Nha Húi, chuyển mục đích sử dụng sang đất ở cấp cho 78 hộ.
+ Đối với xã Hoà Sơn: quy hoạch quỹ đất công ích của xã cấp cho 39 hộ.
+ Đối với các xã Lương Sơn và Ma Nới: hộ dân tự thoả thuận sang nhượng đất ở của các hộ dân xung quanh.
2.1.5. Nhu cầu vốn giải quyết đất ở: tổng nhu cầu vốn giải quyết hỗ trợ đất ở cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo là: 15.291 triệu đồng.
Biểu 1: Tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư hỗ trợ cấp đất ở
Hạng mục | Số hộ được hỗ trợ (hộ) | Diện tích hỗ trợ (ha) | Nhu cầu vốn đầu tư (Tr.đồng) |
Tổng số | 920 | 42,36 | 15.291 |
1. Huyện Bác Ái | 321 | 16,04 | 6.642,5 |
2. Huyện Ninh Sơn | 405 | 22,3 | 5.066 |
3. Huyện Ninh Phước | 34 | 0,92 | 588,5 |
4. Huyện Thuận Bắc | 104 | 2,08 | 1.686 |
5. Huyện Thuận Nam | 54 | 0,98 | 1.176 |
6. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm | 2 | 0,04 | 132 |
2.2. Thực trạng hộ chưa có đất sản xuất và giải pháp giải quyết hỗ trợ đất sản xuất:
2.2.1. Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất:
a) Thực trạng hộ chưa có đất sản xuất:
Các hộ thiếu đất sản xuất bao gồm: các hộ hiện tại không có đất sản xuất hoặc đã có nhưng không đủ để phát triển sản xuất. Chưa đủ theo 3 định mức sau: đất trồng cây lúa nước 1 vụ ít nhất có 0,25ha hoặc đất trồng cây lúa nước 02 vụ ít nhất có 0,15ha hoặc đất trồng cây hàng năm có ít nhất 0,5ha.
Có 3.033 hộ chưa có đất sản xuất, với diện tích cần hỗ trợ 1.024,27ha, trong đó đất trồng cây lúa nước có 1.401 hộ/294,22ha, đất trồng cây hàng năm có 1.254 hộ/534,35ha, đất khai hoang phục hoá để sản xuất trong đất lâm nghiệp có 378 hộ/195,7ha.
Phân theo từng địa phương như sau:
- Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: (thôn Thành Ý, xã Thành Hải): 4 hộ/0,6ha (đất trồng cây lúa nước).
- Huyện Thuận Nam: 206 hộ/43,99ha (đất trồng cây lúa nước), trong đó xã Phước Hà 69 hộ/10,35ha, xã Phước Nam 83 hộ/20,75ha, xã Phước Ninh 54 hộ/12,89ha.
- Huyện Ninh Phước: 115 hộ/54,5ha, gồm đất trồng cây lúa nước 26 hộ/3,9ha (xã Phước Hữu), đất rừng sản xuất 89 hộ/50,6ha (xã Phước Vinh).
- Huyện Thuận Bắc: 622 hộ/212,2ha, gồm đất trồng cây lúa nước 300 hộ/51,2ha, đất trồng cây hàng năm 322 hộ/161ha, trong đó: xã Lợi Hải có 238 hộ/35,7ha (đất trồng cây lúa nước), xã Phước Kháng 62 hộ/15,5ha (đất trồng cây lúa nước), xã Phước Chiến 322 hộ/161ha (đất trồng cây hàng năm).
- Huyện Bác Ái: 1.237 hộ/390,5ha, trong đó đất trồng cây lúa nước 656 hộ/147.05ha, đất trồng cây hàng năm 572 hộ/237,95ha, đất rừng sản xuất 9 hộ/5,5ha.
Trong đó: xã Phước Tiến 265 hộ/65,85ha (đất trồng cây lúa nước 129 hộ/18,1ha, trồng trồng cây hàng năm 136 hộ/47,75ha); xã Phước Thắng 74 hộ/ 60ha (đất trồng cây lúa nước); xã Phước Thành 108 hộ/54ha (đất trồng cây hàng năm); xã Phước Đại 335 hộ/62ha (đất trồng cây lúa nước 263 hộ/35,8ha, đất trồng cây hàng năm 72 hộ/26,2ha); xã Phước Chính 52 hộ/22,9ha (đất trồng cây hàng năm); xã Phước Bình 39 hộ/20,8ha (đất trồng cây hàng năm 30 hộ/15,3ha, đất rừng sản xuất 9 hộ/5,5ha); xã Phước Trung 221 hộ/68ha (đất trồng cây lúa nước 132 hộ/24,5ha, đất trồng cây hàng năm 89 hộ/43,5ha); xã Phước Hoà 116 hộ/23,45ha (đất trồng cây lúa nước 58 hộ/8,65ha, đất trồng cây hàng năm 58 hộ/14,8ha); xã Phước Tân 27 hộ/13,5ha (đất trồng cây hàng năm).
- Huyện Ninh Sơn: 849 hộ/322,48ha, trong đó đất trồng cây lúa nước 209 hộ/47,48ha, đất trồng cây hàng năm 360 hộ/135,4ha, đất rừng sản xuất 280 hộ/139,6ha.
Trong đó: xã Lâm Sơn 282 hộ/146ha (đất trồng cây lúa nước 5 hộ/7,5ha, đất rừng sản xuất 277 hộ/138,5ha); xã Lương Sơn 75 hộ/13,6ha (đất trồng cây lúa nước); xã Mỹ Sơn 8 hộ/3,6ha (đất trồng cây lúa nước 04 hộ/2ha, đất trồng cây hàng năm 01 hộ/0,5ha, đất rừng sản xuất 03 hộ/1,1ha); xã Nhơn Sơn 125 hộ/24,38ha (đất trồng cây lúa nước); xã Hoà Sơn 195 hộ/95,4ha (đất trồng cây hàng năm); xã Ma Nới 164 hộ/39,5ha (đất trồng cây hàng năm).
b) Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chưa có hoặc thiếu đất sản xuất là:
- Một số vùng có đất nhưng không thể sản xuất được do phụ thuộc vào nước trời.
- Một số hộ nghèo mới tách hộ, chưa có đất sản xuất.
- Do thiên tai lũ lụt làm sạt lở, xói mòn mất đất sản xuất nông nghiệp; đất không có nguồn nước.
- Do thu hồi làm các công trình xây dựng hồ chứa nước.
c) Giải pháp cấp đất sản xuất cho cho hộ dân:
- Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất từ nguồn quỹ đất công do Ủy ban nhân dân xã quản lý. Trình tự thực hiện theo Điều 6, Quyết định số 256/2007/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc ban hành quy định về sử dụng đất công ích trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
- Huyện Bác Ái:
+ Xã Phước Thắng: để giải quyết nhu cầu thiếu đất sản xuất tại địa bàn xã, qua rà soát trên địa bàn xã còn khu vực (gần nghĩa địa) do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Tân Tiến và Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Sắt quản lý đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương giao Trường Đại học Lâm nghiệp thực hiện dự án, với diện tích khoảng 610ha.
+ Xã Phước Thành: để giải quyết nhu cầu thiếu đất sản xuất tại địa bàn xã, hiện tại đã tiến hành khai hoang tại Tiểu khu 67a (khoảnh 3,5) với diện tích 16ha/54ha, đang chuẩn bị phân lô cấp cho hộ dân.
+ Xã Phước Hoà: để giải quyết nhu cầu thiếu đất sản xuất tại địa bàn xã, dự kiến khai hoang để giao cho các hộ gia đình, cá nhân thiếu đất sản xuất nông nghiệp: vị trí: tại khoảnh 13 Tiểu khu 57a do Ủy ban nhân dân xã Phước Hoà quản lý. Diện tích dự kiến khai hoang khoảng 47ha, trong đó có khoảng 09ha là đất nông nghiệp của dân đã được Ủy ban nhân dân xã Phước Hoà khai hoang theo Chương trình 30a, số diện tích còn lại có hiện trạng đồng cỏ, rừng khoanh nuôi phục hồi xen lẫn đất nông nghiệp của dân đã canh tác lâu năm (theo bản đồ 3 loại rừng). Hiện trạng: phần lớn là rừng cây bụi.
+ Xã Phước Tiến: để giải quyết nhu cầu thiếu đất sản xuất tại địa bàn xã, dự kiến khai hoang để giao cho các hộ gia đình, cá nhân thiếu đất sản xuất nông nghiệp, cụ thể như sau:
* Khu vực 1: tại khoảnh 5,7,11 Tiểu khu 64 do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Tân Tiến quản lý; diện tích dự kiến khai hoang khoảng 400ha, trong đó có khoảng 130ha đất người dân sản xuất canh tác lâu năm, 10ha rừng trồng (keo) do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Tân Tiến đã trồng và chăm sóc hơn 1 năm tuổi, phần còn lại là rừng sản xuất cây bụi. Phần lớn là đất rẫy của bà con địa phương đã sản xuất, canh tác lâu năm, phần còn lại là rừng sản xuất nghèo kiệt.
* Khu vực 2: tại khoảnh 1 Tiểu khu 58b do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Tân Tiến quản lý; diện tích dự kiến khai hoang khoảng 60ha, trong đó có khoảng 20ha đất người dân sản xuất canh tác lâu năm, 28ha rừng trồng (keo) do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Tân Tiến đã trồng và chăm sóc hơn 1 năm tuổi, số còn lại là đất trống. Phần lớn là đất rẫy của bà con địa phương đã sản xuất, canh tác lâu năm. Bên cạnh đó, khu vực trên đã có hệ thống kênh cấp 2, cấp 3 hồ chứa nước Trà Co rất thuận lợi tưới tiêu.
+ Đối các địa phương khác: tuyên truyền vận động nhân dân khai hoang, phục hoá quỹ đất hiện có của gia đình; quỹ đất trong các khu sản xuất còn hoang hoá được phục vụ cho hoạt động sản xuất.
- Huyện Ninh Sơn:
+ Đối với xã Lâm Sơn: 277 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tự khai hoang làm rẫy lâu năm trong đất lâm nghiệp, đề nghị cấp quyền sử dụng đất;
+ Đối với xã Lương Sơn: quy hoạch khu đất Lâm nghiệp Hòn Bà, Hòn Vàng để giao cho 75 hộ thiếu đất sản xuất;
+ Đối với xã Mỹ Sơn: các hộ dân tự nhận chuyển nhượng đất của các hộ dân xung quanh;
+ Đối với xã Ma Nới: quy hoạch khu vực đất Chà Lan thuộc thôn Hà Dài để giao cho những hộ thiếu đất sản xuất, diện tích khoảng 100 - 200ha;
+ Đối với xã Hoà Sơn: quy hoạch đất lâm nghiệp chưa sử dụng của xã cấp cho 195 hộ;
+ Đối với xã Nhơn Sơn: đề nghị Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố và Viện nghiên cứu cây bông chuyển nhượng đất trồng lúa nước cho 125 hộ, với tổng diện tích 24,38ha.
- Huyện Thuận Bắc: vị trí đất để cấp cho dân, dự kiến một số khu vực để khai hoang, san lấp, cải tạo, phục hoá, như sau:
+ Khu vực thượng lưu hồ chứa nước Phước Nhơn 6,2ha (đất trồng cây hàng năm) cấp cho 12 hộ ở thôn Suối Le, xã Phước Kháng (diện tích này tỉnh đã có quyết định giao).
+ Tại bãi vật liệu số 5 và 5A lấy đất đắp hồ chưa nước Bà Râu (lấy đến cos) khoảng 13ha cấp cho khoảng 86 hộ (50 hộ ở xã Phước Kháng, 36 hộ ở xã Lợi Hải), Ủy ban nhân dân huyện đã có văn bản kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh giao lại số diện tích trên để lập dự án san lấp, phục hoá cấp cho hộ dân.
+ 202 hộ (xã Lợi Hải) dự kiến đất một số khu vực sau: khu Dê Thỏ Sơn Tây tỉnh giao 10ha (Ủy ban nhân dân tỉnh đã có quyết định giao lại cho huyện); khu vực đất trồng cây bạch đàn (đất lâm nghiệp chuyển sang đất nông nghiệp 13,35ha).
+ Xã Phước Chiến có 322 hộ có nhu cầu đất trồng cây hàng năm (với diện tích khoảng 161ha). Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định giao lại số diện tích đất thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Trâu quản lý để bà con cải tạo, phục hoá ổn định sản xuất lâu dài.
- Huyện Thuận Nam:
+ Đối với xã Phước Hà: các hộ dân tự thoả thuận, sang nhượng đất những hộ có nhiều đất để sản xuất.
+ Đối với xã Phước Nam và Phước Ninh: thu hồi đất công ích của xã cải tạo phục hoá để cấp lại cho bà con hộ nghèo. Trình tự thực hiện theo Điều 6, Quyết định số 256/2007/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc ban hành quy định về sử dụng đất công ích trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
- Huyện Ninh Phước:
+ Đối với xã Phước Hữu: thu hồi đất công ích của xã cải tạo phục hoá để cấp lại cho bà con hộ nghèo. Trình tự thực hiện theo Điều 6, Quyết định số 256/2007/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc ban hành quy định về sử dụng đất công ích trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
+ Đối với xã Phước Vinh: bà con tự khai hoang đất sản xuất làm rẫy trong đất lâm nghiệp và đề nghị cấp quyền sử dụng đất.
d) Mức hỗ trợ kinh phí: ngân sách Trung ương hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ, hộ gia đình vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội không quá 15 triệu đồng/hộ, với lãi suất bằng 0,1%/tháng, tương đương với 1,2%/năm, trong thời gian 5 năm.
đ) Nhu cầu vốn hỗ trợ giải quyết đất sản xuất:
Tổng nhu cầu vốn đầu tư giải quyết đất sản xuất hỗ trợ cho các hộ dân là: 90.990 triệu đồng, trong đó:
- Vốn ngân sách: 2.694 hộ x 15 triệu đồng/hộ, thành tiền 45.495 triệu đồng.
- Vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội: 2.694 hộ x 15 triệu đồng/hộ, thành tiền 45.495 triệu đồng.
Biểu 2: Tổng hợp nhu cầu vốn giải quyết đất sản xuất:
Địa phương | Hộ | Diện tích (ha) | Tổng nhu cầu vốn đầu tư (Tr.đ) | Trong đó | |
Nguồn vốn Ngân sách (Tr.đ) | Vốn vay NHCSXH (Tr.đ) | ||||
Tổng cộng | 3.033 | 1.024,27 | 90.990 | 45.495 | 45.495 |
1. TP. PR-TC | 4 | 0,6 | 120 | 60 | 60 |
2. Huyện Thuận Nam | 206 | 43,99 | 6.180 | 3.090 | 3.090 |
3. Huyện Ninh Phước | 115 | 54,5 | 3.450 | 1.725 | 1.725 |
4. Huyện Thuận Bắc | 622 | 212,2 | 18.660 | 9.330 | 9.330 |
5. Huyện Bác Ái | 1.237 | 390,5 | 37.110 | 18.555 | 18.555 |
6. Huyện Ninh Sơn | 849 | 322,48 | 25.470 | 12.735 | 12.735 |
2.2.2. Những nơi không còn quỹ đất để giao đất sản xuất thì được chuyển sang các nội dung hỗ trợ sau:
a) Hỗ trợ học nghề: những lao động có nhu cầu học nghề để chuyển đổi ngành nghề, thì được ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí tối đa 4 triệu đồng/lao động.
* Giải pháp thực hiện: theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 04/2013/TTLT-UBDT-BTC-BTNMT ngày 18 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tổng số lao động có nhu cầu học nghề là 1.251 lao động, trong đó: huyện Ninh Phước có 52 lao động (xã Phước Vinh); huyện Thuận Bắc có 76 lao động (xã Bắc Sơn); huyện Bác Ái 612 lao động (xã Phước Đại 385 lao động, xã Phước Trung 11 lao động, xã Phước Bình 216 lao động); huyện Ninh Sơn có 134 lao động (xã Quảng Sơn 38 lao động, xã Ma Nới 36 lao động và xã Nhơn Sơn 60 lao động); huyện Ninh Hải có 377 lao động (xã Xuân Hải 98 lao động, xã Vĩnh Hải 279 lao động).
* Nhu cầu vốn đầu tư học nghề: tổng nhu cầu vốn đầu tư học nghề các lao động hộ gia đình dân tộc thiểu số là: 1.251 lao động x 4 triệu đồng/lao động, thành tiền 5.004 triệu đồng.
Biểu 3: Tổng hợp nhu cầu vốn đào tạo nghề
Địa phương | Lao động có nhu cầu đào tạo nghề | |
Lao động (người) | Nhu cầu vốn đầu tư (Tr.đ) | |
Tổng cộng | 1.251 | 5.004 |
1. Huyện Ninh Phước | 52 | 2085 |
2. Huyện Thuận Bắc | 76 | 304 |
3. Huyện Bác Ái | 612 | 2.448 |
4. Huyện Ninh Sơn | 134 | 536 |
5. Huyện Ninh Hải | 377 | 1.508 |
b) Hỗ trợ chuyển đổi nghề:
- Những hộ có lao động nhưng không có nhu cầu học nghề mà có nhu cầu vốn để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp hoặc cần vốn để làm các ngành nghề khác, tăng thu nhập thì mức hỗ trợ kinh phí như sau:
+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ.
+ Vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội không quá 15 triệu đồng/hộ, với lãi suất bằng 0,1%/tháng, tương đương với 1,2%/năm, trong thời gian 05 năm.
- Giải pháp thực hiện: theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 04/2013/TTLT-UBDT-BTC-BTNMT ngày 18 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tổng số hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề là 1.044 hộ, trong đó: huyện Thuận Nam có 7 hộ (xã Phước Hà); huyện Ninh Phước có 362 hộ (xã Phước Vinh 25 hộ, xã Phước Thái 73 hộ, thị trấn Phước Dân 156 hộ, xã Phước Hậu 29 hộ, xã Phước Thuận 22 hộ, xã Phước Hải 45 hộ, xã An Hải 12 hộ); huyện Thuận Bắc có 212 hộ (xã Bắc Sơn 208 hộ, xã Phước Kháng 04 hộ); huyện Bác Ái có 209 hộ (xã Phước Đại 125 hộ, xã Phước Trung 12 hộ, xã Phước Bình 72 hộ); huyện Ninh Sơn có 63 hộ (xã Lâm Sơn 8 hộ, xã Lương Sơn 4 hộ, xã Quảng Sơn 15 hộ và xã Ma Nới 36 hộ); huyện Ninh Hải có 191 hộ (xã Xuân Hải 98 hộ, xã Vĩnh Hải 93 hộ).
* Nhu cầu vốn đầu tư chuyển đổi nghề: tổng nhu cầu vốn đầu tư chuyển đổi nghề cho hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo là 20.880 triệu đồng trong đó:
Vốn ngân sách: 5.220 triệu đồng.
Vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội: 15.660 triệu đồng.
Biểu 4: Tổng hợp nhu cầu vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề
Địa phương | Hộ | Tổng nhu cầu vốn đầu tư (Tr.đ) | Trong đó | |
Nguồn vốn Ngân sách (Tr.đ) | Vốn vay NHCSXH (Tr.đ) | |||
Tổng cộng | 1.044 | 20.880 | 5.220 | 15.660 |
1. Huyện Thuận Nam | 7 | 140 | 35 | 105 |
2. Huyện Ninh Phước | 362 | 7.240 | 1.810 | 5.430 |
3. Huyện Thuận Bắc | 212 | 4.240 | 1.060 | 3.180 |
4. Huyện Bác Ái | 209 | 4.180 | 1.045 | 3.135 |
5. Huyện Ninh Sơn | 63 | 1.260 | 315 | 945 |
6. Huyện Ninh Hải | 191 | 3.820 | 955 | 2.865 |
2.3. Thực trạng nước sinh hoạt và giải pháp:
2.3.1. Nước sinh hoạt phân tán:
- Đối với hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở xã, thôn khu vực đặc biệt khó khăn có khó khăn về nước sinh hoạt được Nhà nước (ngân sách Trung ương) hỗ trợ bình quân 1,3 triệu đồng/hộ. Phương án thực hiện để hộ gia đình tự đào giếng, xây bể chứa hoặc tự tạo nguồn nước sinh hoạt.
- Số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khó khăn về nước sinh hoạt là 4.149 hộ, phân theo từng địa phương:
+ Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: 1 hộ (thôn Thành Ý, xã Thành Hải);
+ Huyện Thuận Nam: 189 hộ (xã Phước Hà 134 hộ, xã Phước Nam 27 hộ và xã Phước Ninh 28 hộ);
+ Huyện Ninh Phước 331 hộ (xã Phước Hữu 49 hộ, xã Phước Thái 115 hộ, xã Phước Vinh 47 hộ, xã Phước Sơn 3 hộ, xã Phước Hậu 89 hộ, xã Phước Thuận 28 hộ);
+ Huyện Thuận Bắc: 742 hộ (xã Bắc Sơn 251 hộ, xã Lợi Hải 216 hộ, xã Phước Kháng 52 hộ, xã Công Hải 97 hộ và xã Phước Chiến 126 hộ);
+ Huyện Bác Ái: 1.846 hộ (xã Phước Thành 445 hộ, xã Phước Đại 271 hộ, xã Phước Chính 138 hộ, xã Phước Bình 206 hộ, xã Phước Tiến 371 hộ, xã Phước Trung 226 hộ, xã Phước Hoà 25 hộ, xã Phước Tân 116 hộ và xã Phước Thắng 48 hộ);
+ Huyện Ninh Sơn: 1.013 hộ (Ma Nới 379 hộ, Hoà Sơn 11 hộ, Lâm Sơn 244 hộ, Lương Sơn 155 hộ, Quảng Sơn 105 hộ, Mỹ Sơn 65 hộ, Nhơn Sơn 54 hộ);
+ Huyện Ninh Hải: 27 hộ (xã Xuân Hải 13 hộ; xã Vĩnh Hải 14 hộ).
Nhu cầu vốn đầu tư: 5.393,7 triệu đồng.
Biểu 5: Tổng hợp nhu cầu vốn hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán
Địa phương | Số hộ có nhu cầu | Nhu cầu vốn đầu tư (Tr.đ) |
Tổng cộng | 4.149 | 5.393,7 |
1. Huyện Bác Ái | 1.846 | 2.399,8 |
2. Huyện Ninh Sơn | 1.013 | 1.316,9 |
3. Huyện Ninh Phước | 331 | 430,3 |
4. Huyện Thuận Bắc | 742 | 964,6 |
5. Huyện Thuận Nam | 189 | 245,7 |
6. Huyện Ninh Hải | 27 | 35,1 |
6. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm | 1 | 1,3 |
2.3.2. Nước sinh hoạt tập trung:
Qua rà soát trên địa bàn tỉnh có 11 công trình nước sinh hoạt tập trung cần đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư 121.000 triệu đồng/4.003 hộ hưởng lợi; theo từng địa phương như sau:
a) Huyện Thuận Bắc: 4 công trình, nhu cầu vốn đầu tư 34.000 triệu đồng/1.626 hộ hưởng lợi.
- Thôn Ấn Đạt, xã Lợi Hải: 1 công trình, nhu cầu vốn đầu tư 6.000 triệu đồng, số hộ hưởng lợi 498 hộ.
- Thôn Xóm Đèn, xã Công Hải: 1 công trình, nhu cầu vốn đầu tư 3.000 triệu đồng; số hộ được hưởng lợi 160 hộ.
- Thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn: 1 công trình, nhu cầu vốn đầu tư 10.000 triệu đồng, số hộ hưởng lợi 485 hộ.
- Xã Phước Kháng: 1 công trình, nhu cầu vốn đầu tư 15.000 triệu đồng, số hộ hưởng lợi 483 hộ.
b) Huyện Bác Ái: 4 công trình, nhu cầu vốn đầu tư 60.000 triệu đồng/1.685 hộ hưởng hưởng lợi.
- Xã Phước Bình: 1 công trình, nhu cầu vốn đầu tư 25.000 triệu đồng, số hộ hưởng lợi 797 hộ.
- Thôn Ma Lâm, xã Phước Tân: 1 công trình, nhu cầu vốn đầu tư 6.000 triệu đồng, số hộ hưởng lợi 177 hộ;
- Thôn Chà Đung, xã Phước Thắng: 1 công trình, nhu cầu vốn 3.000 triệu đồng, số hộ hưởng lợi 192 hộ.
- Xã Phước Trung: 1 công trình, nhu cầu vốn đầu tư 26.000 triệu đồng, số hộ hưởng lợi 519 hộ.
c) Huyện Ninh Sơn: 3 công trình, nhu cầu vốn đầu tư 27.000 triệu đồng/692 hộ hưởng lợi.
- Xã Ma Nới: 1 công trình, nhu cầu vốn đầu tư 15.000 triệu đồng, số hộ hưởng lợi 374 hộ.
- Thôn Núi Ngỗng, xã Mỹ Sơn: 1 công trình, nhu cầu vốn đầu tư 5.000 triệu đồng, số hộ hưởng lợi 178 hộ.
- Thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn: 1 công trình, nhu cầu vốn đầu tư 7.000 triệu đồng, số hộ hưởng lợi 140 hộ.
Biểu 6: Tổng hợp nhu cầu vốn hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung
Địa phương | Số công trình | Hộ hưởng lợi | Nhu cầu vốn đầu tư (Tr.đ) |
1. Huyện Thuận Bắc | 04 | 1.626 | 34.000 |
2. Huyện Bác Ái | 04 | 1.685 | 60.000 |
3. Huyện Ninh Sơn | 03 | 692 | 27.000 |
Tổng cộng | 11 | 4.003 | 121.000 |
2.4. Duy tu bảo dưỡng:
Trong thời gian qua, bằng nguồn vốn Chương trình 134 và Chương trình 1592 đã đầu tư 46 công trình nước sinh hoạt tập trung (Chương trình 134 là 33 công trình và Chương trình 1592/QĐ-TTg là 13 công trình). Do các công trình này được đầu tư xây dựng từ những năm 2005 trở lại đây, hiện nay đã có một số công trình xuống cấp, cần hỗ trợ kinh phí duy tu bảo dưỡng, sửa chữa để duy trì năng lực cấp nước công trình.
Theo kết quả khảo sát điều tra hiện nay có 10 công trình đã xuống cấp nặng, không sử dụng được và đề nghị duy tu bảo dưỡng để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân; phân theo từng huyện như sau:
- Huyện Thuận Bắc: 2 công trình/646 hộ hưởng lợi (xã Phước Kháng 01 công trình/521 hộ hưởng lợi và xã Lợi Hải 1 công trình/125 hộ hưởng lợi);
- Huyện Bác Ái: 4 công trình/546 hộ hưởng lợi (xã Phước Bình 03 công trình/439 hộ hưởng lợi, xã Phước Tân 1 công trình/107 hộ hưởng lợi);
- Huyện Ninh Sơn: 2 công trình/328 hộ hưởng lợi (xã Lâm Sơn 01 công trình/205 hộ hưởng lợi và xã Hoà Sơn 1 công trình/123 hộ hưởng lợi).
- Huyện Ninh Hải 2 công trình/142 hộ hưởng lợi (xã Vĩnh Hải).
* Nhu cầu vốn đầu tư 5.320 triệu đồng.
Biểu 7: Nhu cầu vốn duy tu bảo dưỡng công trình nước sinh hoạt tập trung
Địa phương | Số công trình | Hộ hưởng lợi | Nhu cầu vốn đầu tư (Tr.đ) |
Tổng cộng | 10 | 1.662 | 5.320 |
1. Huyện Thuận Bắc | 2 | 646 | 2.600 |
2. Huyện Bác Ái | 4 | 546 | 750 |
3. Huyện Ninh Sơn | 2 | 328 | 1.570 |
4. Huyện Ninh Hải | 2 | 142 | 400 |
2.5. Kinh phí quản lý, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chính sách tại địa phương hàng năm.
Tổng nhu cầu vốn thực hiện 396 triệu đồng.
Biểu 8: Nhu cầu vốn quản lý kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết
Địa phương | Nhu cầu vốn đầu tư (Tr.đ) |
Tổng cộng | 396 |
1. Huyện Bác Ái | 60 |
2. Huyện Ninh Sơn | 50 |
3. Huyện Thuận Bắc | 30 |
4. Huyện Ninh Hải | 60 |
5. Huyện Ninh Phước | 30 |
6. Huyện Thuận Nam | 25 |
7. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm | 5 |
8. Ban Dân tộc | 136 |
3. Nhu cầu vốn đầu tư, nguồn vốn và phân kỳ đầu tư
3.1. Tổng nhu cầu vốn đầu tư 264.274,7 triệu đồng (hai trăm sáu mươi tư tỷ, hai trăm bảy mươi bốn triệu, bảy trăm nghìn đồng)
- Vốn hỗ trợ đất sản xuất: 90.990 triệu đồng.
- Vốn hỗ trợ đất ở: 15.291 triệu đồng.
- Vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề: 20.880 triệu đồng.
- Vốn đào tạo nghề: 5.004 triệu đồng.
- Vốn hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: 5.393,7 triệu đồng.
- Vốn hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung: 121.000 triệu đồng.
- Vốn hỗ trợ duy tu bảo dưỡng: 5.320 triệu đồng.
- Vốn hỗ trợ quản lý giám sát: 396 triệu đồng.
* Phân theo nguồn vốn:
- Nguồn vốn ngân sách đầu tư: 203.119,7 triệu đồng, trong đó vốn đối ứng Ngân sách của tỉnh là 20%, bằng 40.623,9 triệu đồng.
- Nguồn vốn vay Ngân hành Chính sách Xã hội: 61.155 triệu đồng;
3.2. Phân kỳ đầu tư:
+ Năm 2014: 132.136,5 triệu đồng.
+ Năm 2015: 132.138,2 triệu đồng.
Phần thứ ba
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. Tổ chức thực hiện:
1. Bộ máy tổ chức thực hiện:
- Cấp tỉnh: giao thêm nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo Chương trình 135 giai đoạn III để triển khai thực hiện đề án.
- Cấp huyện: thành lập Ban chỉ đạo đề án cấp huyện (nếu có Ban chỉ đạo dự án Chương trình 135 thì không thành lập Ban chỉ đạo mới nữa).
- Cấp xã: thành lập Ban chỉ đạo cấp xã do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã làm trưởng ban; thành viên gồm các bộ phận chuyên môn có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội và các trưởng thôn, giúp Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện dự án, tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ và trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện các hạng mục đầu tư hỗ trợ trên địa bàn của mình, theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo cấp huyện và tỉnh.
2. Giải pháp thực hiện:
2.1. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền: với nội dung và hình thức tuyên truyền phong phú nhằm động viên, khuyến khích và kêu gọi sự tham gia đóng góp của các tổ chức kinh tế - xã hội, từ thiện trong và ngoài tỉnh, các tổ chức nhân đạo quốc tế, nhằm tạo nguồn lực để thực hiện tốt mục tiêu đề án đã đề ra;
2.2. Xã hội hoá chính sách hỗ trợ: công tác thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đối với các hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo xã, thôn đặc biệt khó khăn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Các cấp Ủy và chính quyền địa phương cần chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể nhằm phát huy vai trò dân chủ cơ sở, quán triệt đầy đủ mục đích ý nghĩa của vấn đề này đến từng người dân, không nên để nảy sinh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Từng hộ nghèo phải tự lực cố gắng vươn lên, chủ động và quyết tâm trong việc thực hiện các hạng mục hỗ trợ với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm;
2.3. Về nguồn lực thực hiện:
- Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh để thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, hỗ trợ mua sắm công cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Ngân sách Trung ương chuyển vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay (50% tổng số vốn vay).
- Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh thông qua nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề; chương trình bảo vệ và phát triển rừng; chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn để thực hiện các chính sách hỗ trợ học nghề, hỗ trợ xuất khẩu lao động, giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng, hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung.
- Ngân hàng chính sách xã hội đảm bảo huy động 50% tổng nguồn vốn vay.
- Ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động các nguồn lực từ nhân dân, các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện các chính sách;
2.4. Công tác kiểm tra, giám sát; sơ, tổng kết: hàng năm các cấp, các ngành và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá những thuận lợi, khó khăn, những kết quả đạt được, những việc còn vướng mắc tồn đọng để có giải pháp khắc phục; đồng thời động viên khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác xoá đói giảm nghèo.
3. Tổ chức triển khai: sau khi đề án được phê duyệt và Ban chỉ đạo Đề án các cấp đã được thành lập, Ban chỉ đạo Đề án sẽ xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức triển khai thực hiện, quản lý nguồn vốn hỗ trợ.
Về cơ chế thực hiện: trên cơ sở nguồn vốn đã được duyệt, hàng năm Ban Chỉ đạo Đề án sẽ phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp vốn cụ thể cho từng huyện, thành phố để Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phân bổ vốn cho các xã. Các xã chịu trách nhiệm trực tiếp thực hiện chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo.
II. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành của tỉnh
1. Ban Dân tộc:
- Là cơ quan thường trực có trách nhiệm tham mưu cho Trưởng ban Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Đề án;
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án phân bổ vốn gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp;
- Phối hợp các sở, ngành chức năng liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố mở các lớp đào tạo nghề cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở thôn, xã khu vực đặc biệt khó khăn có nhu cầu học nghề.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ kết quả thực hiện ở cơ sở, giải quyết kịp thời những công việc phát sinh; hàng quý, 6 tháng, năm báo cáo định kỳ kết quả thực hiện cho Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: phối hợp với Ban Dân tộc, các ngành liên quan và địa phương hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề để chuyển đổi nghề và xuất khẩu lao động cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở thôn, xã đặc biệt khó khăn.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ban Dân tộc và các sở, ngành có liên quan và địa phương tham mưu tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư, cân đối và phân bổ nguồn lực; đề xuất khả năng lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư và nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Đề án.
4. Sở Tài chính:
- Hàng năm, căn cứ vào đề án đã được phê duyệt phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề, hỗ trợ xuất khẩu lao động, giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng, hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung tổng hợp vào dự toán Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề; chương trình bảo vệ và phát triển rừng; chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ quyết định.
- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc và các đơn vị liên quan xem xét tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định trong dự toán ngân sách địa phương hàng năm.
- Hướng dẫn các địa phương công tác lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích và có hiệu quả.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường: phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn các huyện, thành phố về thu hồi đất, xác định địa điểm khai hoang, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố giao đất sản xuất và đất ở cho các hộ gia đình; hướng dẫn các địa phương cấp sổ đất ở và đất sản xuất cho các hộ gia đình. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các huyện đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân trên địa bàn; đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ là hộ dân tộc thiểu số sau khi được Nhà nước giao đất.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: hướng dẫn các địa phương thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ quản lý và phát triển rừng để giao cho hộ dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất. Tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh hướng xử lý những tồn tại, vướng mắc khi triển khai cấp đất sản xuất tại các địa phương; hướng dẫn các địa phương thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng do ngành quản lý cho các hộ thiếu đất sản xuất.
7. Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh: chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện, quản lý và cho vay tín dụng đối với các hộ được hỗ trợ theo Đề án; huy động 50% trong tổng nguồn vốn vay.
8. Sở Thông tin và Tuyên truyền: có trách nhiệm lên kế hoạch tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và các dự án phục vụ vùng dân tộc và miền núi.
Hướng dẫn Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình, các cơ quan thông tin đại chúng, Đài Truyền thanh huyện, xã tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc; Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các dự án phục vụ vùng dân tộc và miền núi.
9. Các sở, ngành liên quan: có trách nhiệm phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh: tổ chức giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Đề án được duyệt.
11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Chỉ đạo Ban chỉ đạo Đề án các huyện, thành phố lồng ghép nguồn vốn với các Chương trình, dự án: nông thôn mới; Nghị quyết số 30a (Bác Ái); Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác đảm bảo việc thực hiện chính sách tại địa phương có hiệu quả;
- Chỉ đạo các phòng, ban liên quan và địa phương triển khai và tổ chức thực hiện nguồn vốn đảm bảo theo đúng Thông tư liên tịch số 04/2013/TTLT-UBDT-BTC-BTNMT ngày 18 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường; hàng quý, 6 tháng, năm Ban chỉ đạo Đề án các huyện, thành phố báo cáo về tiến độ về Ban chỉ đạo của tỉnh.
12. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn: có trách nhiệm phối hợp các phòng ban chuyên môn của huyện, thành phố trong tổ chức triển khai thực hiện; trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân các hạng mục đầu tư hỗ trợ trên địa bàn xã mình như: khai hoang đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, xuất khẩu lao động, cấp nước sinh hoạt theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 04/2013/TTLT-UBDT-BTC-BTNMT ngày 18 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ... nâng cao ý thức bảo vệ công trình phúc lợi xây dựng trên địa bàn.
13. Các hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn: là người trực tiếp hưởng lợi chính sách của Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do đó phải có sự phối hợp với Ban chỉ đạo điều hành của xã để thực hiện các công trình đầu tư.
Phần thứ tư
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
I. Kết luận:
Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khẳng định có vị trí hết sức quan trọng, cần được xem là một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức đoàn thể và sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Đề án được thiết kế với một hệ thống giải pháp, cơ chế, chính sách đồng bộ nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, tạo cơ hội thuận lợi để người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước nâng cao và cải thiện đời sống.
Nội dung của Đề án đã thể hiện được định hướng chung là toàn diện, công bằng và bền vững; đồng thời cũng thể hiện tính khả thi cao và quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và toàn dân về mục tiêu xoá hộ nghèo trên toàn tỉnh.
II. Kiến nghị:
Để thực hiện Đề án Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đảm bảo thuận lợi và hiệu quả, đề nghị Chính phủ quan tâm một số nội dung sau:
- Hỗ trợ cho tỉnh Ninh Thuận 100% nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện Đề án này; do tỉnh Ninh Thuận là một tỉnh khó khăn, hằng năm nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương trên 70%; vì vậy nguồn từ ngân sách địa phương đảm bảo tối thiểu 20% là chưa thực hiện được. Đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét bổ sung cho tỉnh Ninh Thuận phần đối ứng 20%.
- Hằng năm phân bổ vốn kế hoạch kịp thời để tỉnh Ninh Thuận thực hiện kịp tiến độ trong Đề án./.
CÁC BIỂU PHỤ LỤC KÈM THEO ĐỀ ÁN
Biểu tổng hợp chung: tổng nhu cầu vốn thực hiện đề án thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Biểu 1. Nhu cầu hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất theo đề án thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Biểu 1.1. Phụ biểu chi tiết nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất theo đề án thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Biểu 2. Nhu cầu hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề theo đề án thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Biểu 3. Nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt theo đề án thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Biểu 3.1. Chi tiết danh mục công trình nước sinh hoạt tập trung theo đề án thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Biểu số 4. Nhu cầu hỗ trợ xuất khẩu lao động, khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng, theo đề án thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Biểu 5. Nhu cầu hỗ trợ đất ở, duy tu bảo dưỡng, kinh phí quản lý theo đề án thực hiện theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Phụ biểu tổng hợp chung
TỔNG NHU CẦU VỐN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 755/QĐ-TTG NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(kèm theo Quyết định số 69/2014/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Đơn vị tính: triệu đồng
STT | Huyện, thành phố | Tổng số hộ | Tổng nhu cầu vốn thực hiện | Đất sản xuất | Vốn đào tạo nghề | Chuyển đổi nghề | Tổng nhu cầu vốn đầu tư hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán | Tổng nhu cầu vốn đầu tư hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung | Tổng nhu cầu vốn đầu tư đất ở, duy tu bảo dưỡng, kiểm tra giám sát | ||
Vốn ngân sách | Vốn vay từ NHCS XH | Vốn ngân sách | Vốn vay từ NHCS XH | ||||||||
1 | 2 | 3 | 4=5+6+7+8+9+10+11+12 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
Tổng số | 5.739,0 | 264.274,7 | 45.495,0 | 45.495,0 | 5.004,0 | 5.220,0 | 15.660,0 | 5.393,7 | 121.000,0 | 21.007,0 | |
1 | Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm | 5 | 258,3 | 60 | 60 | 0 | 0 | 0 | 1,3 | 0 | 137 |
2 | Huyện Thuận Nam | 295 | 7.766,7 | 3.090 | 3.090 | 0 | 35 | 105 | 245,7 | 0 | 1201 |
3 | Huyện Ninh Phước | 700 | 11.946,8 | 1.725 | 1.725 | 208 | 1.810 | 5.430 | 430,3 | 0 | 618,5 |
4 | Huyện Thuận Bắc | 1006 | 62.484,6 | 9.330 | 9.330 | 304 | 1.060 | 3.180 | 964,6 | 34.000 | 4316 |
5 | Huyện Bác Ái | 2103 | 113.590,3 | 18.555 | 18.555 | 2448 | 1.045 | 3.135 | 2.399,8 | 60.000 | 7452,5 |
6 | Huyện Ninh Sơn | 1477 | 62.268,9 | 12.735 | 12.735 | 536 | 315 | 945 | 1.316,9 | 27.000 | 6686 |
7 | Huyện Ninh Hải | 153 | 5.823,1 |
|
| 1508 | 955 | 2.865 | 35,1 | 0 | 460 |
8 | Ban Dân tộc | 0 | 136,0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 136 |
Phụ biểu 1
NHU CẦU HỖ TRỢ TRỰC TIẾP ĐẤT SẢN XUẤT THEO ĐỀ ÁN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 755/QĐ-TTG NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(kèm theo Quyết định số 69/2014/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Đơn vị tính: triệu đồng
STT | Huyện, thành phố | Tổng số hộ | Diện tích (ha) | Tổng nhu cầu vốn đầu tư | Ghi chú | |
Vốn ngân sách | Vốn vay từ NHCSXH | |||||
Tổng số | 3.033 | 1024,27 | 45.495 | 45.495 |
| |
1 | Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm | 4 | 0,6 | 60 | 60 |
|
2 | Huyện Thuận Nam | 206 | 43,99 | 3.090 | 3.090 |
|
3 | Huyện Ninh Phước | 115 | 54,5 | 1.725 | 1.725 |
|
4 | Huyện Thuận Bắc | 622 | 212,2 | 9.330 | 9.330 |
|
5 | Huyện Bác Ái | 1237 | 390,5 | 18.555 | 18.555 |
|
6 | Huyện Ninh Sơn | 849 | 322,48 | 12.735 | 12.735 |
|
7 | Huyện Ninh Hải | 0 | 0 | - | - |
|
Phụ biểu 1.1
PHỤ BIỂU CHI TIẾT NHU CẦU HỖ TRỢ ĐẤT SẢN XUẤT THEO ĐỀ ÁN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 755/QĐ-TTG NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(kèm theo Quyết định số 69/2014/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Đơn vị tính: triệu đồng
STT | Huyện, thành phố | Đất sản xuất nông nghiệp | Đất nuôi trồng thủy sản | Đất rừng sản xuất | Đất khác | ||||||||
Số hộ | Diện tích (ha) | Kinh phí | Số hộ | Diện tích (ha) | Kinh phí | Số hộ | Diện tích (ha) | Kinh phí | Số hộ | Diện tích (ha) | Kinh phí | ||
Tổng số | 2.655 | 828,57 | 79.650 | 0 | 0 | 0 | 378 | 195,7 | 11.340 | 0 | 0 | 0 | |
1 | Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm | 4 | 0,6 | 120 | 0 | 0 | 0 | - | 0 | - | 0 | 0 | 0 |
2 | Huyện Thuận Nam | 206 | 43,99 | 6.180 | 0 | 0 | 0 | - | 0 | - | 0 | 0 | 0 |
3 | Huyện Ninh Phước | 26 | 3,9 | 780 | 0 | 0 | 0 | 89 | 50,6 | 2.670 | 0 | 0 | 0 |
4 | Huyện Thuận Bắc | 622 | 212,2 | 18.660 | 0 | 0 | 0 | - | 0 | - | 0 | 0 | 0 |
5 | Huyện Bác Ái | 1.228 | 385 | 36.840 | 0 | 0 | 0 | 9 | 5,5 | 270 | 0 | 0 | 0 |
6 | Huyện Ninh Sơn | 569 | 182,88 | 17.070 | 0 | 0 | 0 | 280 | 139,6 | 8.400 | 0 | 0 | 0 |
7 | Huyện Ninh Hải | - | 0 | - | 0 | 0 | 0 | - | 0 | - | 0 | 0 | 0 |
Phụ biểu 2
NHU CẦU HỌC NGHỀ, CHUYỂN ĐỔI NGHỀ THEO ĐỀ ÁN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 755/QĐ-TTG NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(kèm theo Quyết định số 69/2014/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Đơn vị tính: triệu đồng
STT | Huyện, thành phố | Tổng nhu cầu vốn | Lao động có nhu cầu đào tạo nghề | Số hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề | Ghi chú | |||
Số lao động | Kinh phí | Số hộ | Vốn ngân sách | Vốn vay từ NHCSXH | ||||
1 | 2 | 3=5+7+8 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 |
Tổng số | 25.884 | 1.251 | 5.004 | 1.044 | 5.220 | 15.660 |
| |
1 | Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm | - | - | - | - | - | - | - |
2 | Huyện Thuận Nam | 140 | - | - | 7 | 35 | 105 | - |
3 | Huyện Ninh Phước | 7.448 | 52 | 208 | 362 | 1.810 | 5.430 | - |
4 | Huyện Thuận Bắc | 4.544 | 76 | 304 | 212 | 1.060 | 3.180 | - |
5 | Huyện Bác Ái | 6.628 | 612 | 2 .448 | 209 | 1.045 | 3.135 | - |
6 | Huyện Ninh Sơn | 1.796 | 134 | 536 | 63 | 315 | 945 | - |
7 | Huyện Ninh Hải | 5.328 | 377 | 1.508 | 191 | 955 | 2.865 | - |
Phụ biểu 3
NHU CẦU HỖ TRỢ NƯỚC SINH HOẠT THEO ĐỀ ÁN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 755/QĐ-TTG NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(kèm theo Quyết định số 69/2014/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Đơn vị tính: triệu đồng
STT | Huyện, thành phố | Tổng số hộ hưởng lợi | Tổng nhu cầu vốn | Nước sinh hoạt phân tán | Nước sinh hoạt tập trung | |||
Số hộ | Kinh phí | Số công trình | Số hộ hưởng lợi | Kinh phí | ||||
1 | 2 | 3=5+8 | 4=6+9 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 |
Tổng số | 8.152 | 126.393,7 | 4,149 | 5.393,7 | 11 | 4.003 | 121.000 | |
1 | Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm | 1 | 1,3 | 1 | 1,3 | - | - | - |
2 | Huyện Thuận Nam | 189 | 245,7 | 189 | 245,7 | - | - | - |
3 | Huyện Ninh Phước | 331 | 430,3 | 331 | 430,3 | - | - | - |
4 | Huyện Thuận Bắc | 2.368 | 34.964,6 | 742 | 964,6 | 4 | 1.626 | 34.000 |
5 | Huyện Bác Ái | 3.531 | 62.399,8 | 1.846 | 2.399,8 | 4 | 1.685 | 60.000 |
6 | Huyện Ninh Sơn | 1.705 | 28.316,9 | 1.013 | 1.316,9 | 3 | 692 | 27.000 |
7 | Huyện Ninh Hải | 27 | 35,1 | 27 | 35,1 | - | - | - |
Phụ biểu 3.1
CHI TIẾT DANH MỤC CÔNG TRÌNH NƯỚC TẬP TRUNG THEO HIỆN ĐỀ ÁN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 755/QĐ-TTG NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(kèm theo Quyết định số 69/2014/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Đơn vị tính: triệu đồng
STT | Tên công trình | Địa điểm | Dự kiến mức đầu tư | Nhu cầu vốn đầu tư | Số hộ hưởng lợi | Ghi chú |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
TỔNG CỘNG |
| 121.000 | 121.000 | 4.003 |
| |
I | Huyện Thuận Bắc |
| 34.000 | 34.000 | 1.626 |
|
1 | Công trình nước sinh hoạt tập trung | Thôn Xóm Đèn, xã Công Hải | 3.000 | 3.000 | 160 |
|
2 | Công trình nước sinh hoạt tập trung | Thôn Ấn Đạt, xã Lợi Hải | 6000 | 6000 | 498 |
|
3 | Công trình nước sinh hoạt tập trung | Thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn | 10000 | 10000 | 485 |
|
4 | Công trình nước sinh hoạt tập trung | Xã Phước Kháng | 15000 | 15000 | 483 |
|
II | Huyện Bác Ái |
| 60000 | 60000 | 1685 |
|
1 | Công trình nước sinh hoạt tập trung | Xã Phước Bình | 25000 | 25000 | 797 |
|
2 | Công trình nước sinh hoạt tập trung | Thôn Ma Lâm, xã Phước Tân | 6000 | 6000 | 177 |
|
3 | Công trình nước sinh hoạt tập trung | Thôn Chà Đung, xã Phước Thắng | 3000 | 3000 | 192 |
|
4 | Công trình nước sinh hoạt tập trung | Xã Phước Trung | 26000 | 26000 | 519 |
|
III | Huyện Ninh Sơn |
| 27000 | 27000 | 692 |
|
1 | Công trình nước sinh hoạt tập trung | Xã Ma Nới | 15000 | 15000 | 374 |
|
2 | Công trình nước sinh hoạt tập trung | Thôn Núi Ngỗng, xã Nhơn Sơn | 5000 | 5000 | 178 |
|
3 | Công trình nước sinh hoạt tập trung | Thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn | 7000 | 7000 | 140 |
|
Phụ biểu 4
NHU CẦU HỖ TRỢ ĐẤT Ở, DUY TU BẢO DƯỠNG, KINH PHÍ QUẢN LÝ THEO ĐỀ ÁN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 755/QĐ-TTG NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(kèm theo Quyết định số 69/2014/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Đơn vị tính: triệu đồng
STT | Huyện, thành phố | Tổng nhu cầu vốn đầu tư | Đất ở | Duy tu bảo dưỡng | Kinh phí quản lý | ||||
Số hộ | Diện tích (ha) | Kinh phí | Số công trình | Số hộ hưởng lợi | Kinh phí | ||||
1 | 2 | 3=6+9+10 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Tổng số | 21.007,0 | 920 | 42,36 | 15.291,00 | 10 | 1.662 | 5.320 | 396 | |
1 | Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm | 137,0 | 2 | 0,04 | 132,0 | - | - | - | 5 |
2 | Huyện Thuận Nam | 1.201,0 | 54 | 0,98 | 1.176,0 | - | - | - | 25 |
3 | Huyện Ninh Phước | 618,5 | 34 | 0,92 | 588,5 | - | - | - | 30 |
4 | Huyện Thuận Bắc | 4.316,0 | 104 | 2,08 | 1.686,0 | 2 | 646 | 2.600 | 30 |
5 | Huyện Bác Ái | 7.452,5 | 321 | 16,04 | 6.642,5 | 4 | 546 | 750 | 60 |
6 | Huyện Ninh Sơn | 6.686,0 | 405 | 22,3 | 5.066,0 | 2 | 328 | 1.570 | 50 |
7 | Huyện Ninh Hải | 460,0 | 0 | 0 | 0,0 | 2 | 142 | 400 | 60 |
8 | Ban Dân tộc | 136,0 | 0 | 0 | 0,0 | - | - | - | 136 |
Biểu 9: Tổng hợp vốn đầu tư hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt đối với các hộ dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Hạng mục đầu tư | Tổng nhu cầu vốn đầu tư | Trong đó | Phân kỳ đầu tư | ||||||
Năm 2014 | Năm 2015 | ||||||||
Tổng vốn đầu tư | Trong đó | Tổng vốn đầu tư | Trong đó | ||||||
Nguồn vốn Ngân sách | Vốn vay NHCS XH | Nguồn vốn ngân sách | Vốn vay NHCS XH | Nguồn vốn ngân sách | Vốn vay NHCS XH | ||||
| (Tr.đồng) | (Tr.đồng) | (Tr.đồng) | (Tr.đồng) | (Tr.đồng) | (Tr.đồng) | (Tr.đồng) | (Tr.đồng) | (Tr.đồng) |
Tổng cộng toàn tỉnh | 264.274,7 | 203.119,7 | 61.155 | 132.136,5 | 101.559 | 30.577,5 | 132.138,2 | 101.560,7 | 30.577,5 |
1. Hỗ trợ đất ở | 15.291 | 15.291 |
| 7.645,5 | 7.645,5 |
| 7.645,5 | 7.645,5 |
|
2. Hỗ trợ đất sản xuất | 90.990 | 45.495 | 45.495 | 45.495 | 22.747,5 | 22.747,5 | 45.495 | 22.747,5 | 22.747,5 |
3. Hỗ trợ chuyển đổi nghề | 20.880 | 5.220 | 15.660 | 10.440 | 2.610 | 7.830 | 10.440 | 2.610 | 7.830 |
4. Hỗ trợ đào tạo nghề | 5.004 | 5.004 |
| 2.502 | 2.502 |
| 2.502 | 2.502 |
|
5. Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán | 5.393,7 | 5.393,7 |
| 2.696 | 2.696 |
| 2.697,7 | 2.697,7 |
|
6. Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung | 121.000 | 121.000 |
| 60.500 | 60.500 |
| 60.500 | 60.500 |
|
7. Hỗ trợ vốn duy tu bảo dưỡng | 5.320 | 5.320 |
| 2.660 | 2.660 |
| 2.660 | 2.660 |
|
8. Hỗ trợ vốn quản lý, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết hàng năm. | 396 | 396 |
| 198 | 198 |
| 198 | 198 |
|