Quyết định số 31/2013/QĐ-UBND ngày 01/08/2013 Đề án "Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2014-2015" (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 31/2013/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Long An
- Ngày ban hành: 01-08-2013
- Ngày có hiệu lực: 11-08-2013
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 02-02-2016
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 905 ngày (2 năm 5 tháng 25 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 02-02-2016
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/2013/QĐ-UBND | Long An, ngày 01 tháng 08 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN "PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ EM 5 TUỔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN GIAI ĐOẠN 2014-2015"
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015;
Căn cứ Công văn số 4148/BGDĐT-GDMN ngày 15/7/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi;
Căn cứ Kế hoạch số 6154/BGDĐT-GDMN ngày 27/9/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Kế hoạch triển khai Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 29/2011/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 15/7/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em năm tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015;
Căn cứ Thông tư số 32/2010/TT-BGDĐT ngày 02/12/2010 Ban hành quy định điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi;
Căn cứ Nghị quyết số 104/2013/NQ-HĐND ngày 5/7/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII kỳ họp thứ 8 về Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2014-2015,
Xét tờ trình số 1390/TTr-SGDĐT ngày 26/7/2013 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc phê duyệt Đề án "Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2014-2015",
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án "Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2014-2015".
Điều 2. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An tổ chức triển khai thực hiện.
Các Sở, ngành chức năng liên quan, UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công trong Đề án.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An và thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ EM 5 TUỔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN GIAI ĐOẠN 2014-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2013/QĐ-UBND ngày 01/8/2013 của UBND tỉnh)
Phần 1.
THỰC TRẠNG
I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VỀ GIÁO DỤC MẦM NON (GDMN):
1. Quy mô phát triển mạng lưới trường lớp
- Về GDMN hiện nay toàn tỉnh có 187 trường, gồm 131 trường mẫu giáo và 56 trường mầm non. Trong đó có 176 trường công lập và 11 trường tư thục. Ngoài ra còn có 38 cơ sở mầm non tư thục và 145 nhóm trẻ tư thục.
- Số trẻ đến nhà, nhóm trẻ là 4.913 trẻ, đạt tỷ lệ 7,16%. Số trẻ đến mẫu giáo là 44.512 cháu, đạt tỷ lệ 68,63%. Tổng số trẻ đến trường, lớp mầm non diện ngoài công lập 8.053 trẻ, chiếm tỷ lệ 16,3% so với tổng số trẻ đến trường mẫu giáo, mầm non. Trẻ 5 tuổi ra lớp là 23.107 cháu, đạt tỷ lệ 98,60%.
Nhìn chung, quy mô GDMN tiếp tục gia tăng, nhất là việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp, việc đa dạng các loại trường lớp được mở rộng, tỷ lệ ra nhóm lớp phát triển và ngày càng đáp ứng nhiều hơn nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con em nhân dân trong tỉnh.
2. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục
- Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng, vệ sinh, phòng bệnh, bảo đảm an toàn sức khoẻ của trẻ. 100% các nhóm, lớp đảm bảo thực hiện chương trình nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ theo Thông tư 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Thực hiện có kết quả công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các giải pháp phát triển GDMN của Đảng và Nhà nước để tạo sự thống nhất và đồng tình cao của toàn xã hội đối với giáo dục mầm non, đặc biệt là trẻ 5 tuổi. Công tác phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục bước đầu có hiệu quả. Công tác tuyên truyền kiến thức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ cho các bậc cha mẹ và cộng đồng được thực hiện có nề nếp, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi vào học lớp 1.
- Toàn tỉnh hiện nay có 144 trường mầm non có tổ chức cho trẻ học bán trú và 2 buổi/ngày với 12.540 trẻ, chiếm tỷ lệ 54,5% (trong đó trường có trẻ học bán trú và 2 buổi/ngày là 109 trường (9.595 trẻ), trường chỉ có trẻ học 2 buổi/ngày là 35 trường (2.945 trẻ). Chia ra:
+ Khu vực thành phố, thị xã, thị trấn chiếm tỷ lệ 30,7%.
+ Khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ 22,2%.
+ Khu vực khó khăn, biên giới 1,6% .
3. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên
Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên mầm non của tỉnh là 2.517 người. Trong đó có 1.950 giáo viên trong biên chế Nhà nước, chiếm tỷ lệ 74,54%. Tính đến tháng 05/2013, số giáo viên mầm non đạt chuẩn về trình độ là 95,03%, trên chuẩn là 51.29%. Số giáo viên dạy lớp 5 tuổi là 1.133 người, đạt chuẩn là 1.116 người tỷ lệ 98,50%, trên chuẩn 62,75%.
4. Đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất và thiết bị trường học
- Cơ cấu ngân sách Nhà nước cho giáo dục mầm non đạt 7,31% năm 2005; 7,47% năm 2008; 8,5% năm 2009; 9,7% năm 2010 ; 12,15% năm 2011 và 9,06% năm 2012.
- Quy hoạch đất đai, quy hoạch trường, lớp ở các đơn vị huyện, thị xã, thành phố đều được triển khai thực hiện. Ngành đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thực hiện tốt Đề án kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2 và huy động nhiều nguồn vốn khác để xây dựng cơ sở vật chất, phòng học, các phòng chức năng, khu vệ sinh cho các điểm trường, đặc biệt là cho lớp mẫu giáo 5 tuổi.
- Tổng số phòng học hiện có là 1.491 phòng, trong đó có 385 phòng kiên cố đúng mẫu, 933 phòng học cấp 4 và có 159 bán kiên cố (trong đó có 127 phòng học nhờ trường Tiểu học). Số phòng học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi là 787 phòng (trong đó có 127 phòng học học nhờ trường tiểu học).
- Ngành đã quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia theo Quyết định số 36/QĐ-BGĐT ngày 16/7/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tính đến tháng 12/2012 toàn tỉnh có 57 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (tỷ lệ 30,48%), trong đó có 2 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
- Ngành có kế hoạch trang cấp thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các cơ sở GDMN đáp ứng một phần yêu cầu của danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp mẫu giáo 5 tuổi theo Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT ngày 11/2/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
II. MỘT SỐ HẠN CHẾ, YẾU KÉM
Hiện nay toàn tỉnh còn 22 xã, phường chưa có trường mầm non (Thành phố Tân An: 02 phường; huyện Bến Lức: 01 xã; huyện Thủ Thừa: 02 xã; huyện Cần Đước: 01 xã; huyện Đức Huệ: 02 xã; Thị xã Kiến Tường: 01 phường; huyện Mộc Hóa: 03 xã; huyện Vĩnh Hưng: 01 xã; huyện Tân Hưng: 9 xã); các lớp mẫu giáo ở những xã này phải học nhờ ở trường tiểu học. Mạng lưới trường lớp chưa đủ để huy động trẻ 5 tuổi ra lớp.
- Hầu hết lớp mẫu giáo 5 tuổi ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa ghép với 4 tuổi và trẻ chỉ được học 1 buổi/ngày (45,47% ở năm học 2012-2013). Do vậy chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở vùng này còn thấp.
- Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng toàn tỉnh hiện nay: trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 4,45%, trẻ suy dinh dưỡng thấp còi độ 1 và 2 là 4,40% (trẻ đến trường 0-5 tuổi).
- Đầu năm học 2012 -2013 giáo viên mầm non còn thiếu là 290, trong đó thiếu 229 giáo viên lớp mẫu giáo 5 tuổi. Để đảm bảo đủ số lượng giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi học 2 buổi/ngày và bán trú đến năm 2015 cần phải bổ sung 690 giáo viên mầm non.
- Năng lực quản lý của một số cán bộ quản lý GDMN còn hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức quản lý, điều hành và tham mưu.
- Theo quy định giáo viên mầm non dạy 6 giờ/ ngày (công văn số 1077/LS.SGDĐT-SNV ngày 6/7/2009 của Liên Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Nội Vụ), nhưng đa số giáo viên các nhà trẻ phải làm việc từ 8-10 giờ/1 ngày (do trẻ nhỏ nên để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ trong mọi hoạt động) vì vậy ít có thời gian để giáo viên soạn bài, làm đồ dùng dạy học và đồ chơi cho trẻ, ít có thời gian cho việc tự học nâng cao trình độ chuyên môn.
- Ngân sách nhà nước chi cho GDMN thấp, chưa đạt tỷ lệ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGD&ĐT- BTC-BNV ngày 11/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ (ngân sách chi cho GDMN ít nhất là 10% ngân sách giáo dục thường xuyên). Các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia dành để giải quyết nhiệm vụ của GDMN còn ít.
- Cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị đồ dùng dạy học, đồ chơi cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi chưa đáp ứng được yêu cầu nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ (thiếu 127 phòng, 86 bộ đồ dùng đồ chơi tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 02 của Bộ GDĐT, 220 bộ đồ chơi rèn luyện thể chất cho trẻ, 132 bộ thiết bị làm quen với tin học). Công trình vệ sinh, bếp ăn một chiều và các phòng chức năng chưa đạt yêu cầu và thiếu diện tích.
- Nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về vai trò, vị trí của giáo dục mầm non, đặc biệt là trẻ 5 tuổi chưa đầy đủ; chưa thấy hết ý nghĩa của việc liên thông, đồng bộ phát huy hiệu quả và công bằng của GDMN với giáo dục phổ thông trong giáo dục suốt đời nói chung, dẫn đến chưa quan tâm đến nguyện vọng và lợi ích của trẻ em.
- Chưa có chính sách ưu tiên đầu tư các nguồn lực để phát triển GDMN nói chung và GDMN cho trẻ em 5 tuổi nói riêng.
- Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn riêng để thực hiện phát triển GDMN, dẫn đến thiếu cơ sở vật chất đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm cho chất lượng GDMN nhiều năm qua chưa đạt kết quả cao.
Phần 2.
CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ MỤC TIÊU PHỔ CẬP GDMN CHO TRẺ 5 TUỔI GIAI ĐOẠN 2014-2015
I. NHỮNG CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Luật Giáo dục năm 2005 khẳng định: “GDMN là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em Việt Nam. Trẻ được tiếp cận với GDMN càng sớm, càng thúc đẩy quá trình học tập và phát triển của các giai đoạn tiếp theo. Chính những kỹ năng mà trẻ tiếp thu được qua chương trình GDMN sẽ là nền tảng cho việc học tập sau này”.
- Các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX đều khẳng định nhiệm vụ “chăm lo phát triển GDMN”. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia giáo dục cho mọi người 2003 - 2015” với mục tiêu đảm bảo tất cả trẻ em đều hoàn thành một năm giáo dục tiền học đường có chất lượng để chuẩn bị đi học tiểu học.
- Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2006-2015 nêu rõ: Nhà nước có trách nhiệm quản lý, tăng cường đầu tư cho GDMN; hỗ trợ cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ nhà giáo; đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để mọi tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia phát triển GDMN. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp GDMN, gắn với đổi mới giáo dục phổ thông chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1, góp phần tích cực, thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục.
- Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015;
- Thông tư số 29/2011/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 15/7/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em năm tuổi ở các cơ sở GDMN theo quy định tại Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập GDMN trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015
- Thông báo số 257/TB-VPCP ngày 21/9/2010 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp giao ban triển khai Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015;
- Công văn số 4148/BGDDT-GDMN ngày 15/7/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi;
- Kế hoạch số 6154/ BGDĐT-GDMN ngày 27/9/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Kế hoạch triển khai Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi;
- Công văn số 2853/UBND-VX ngày 17/8/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An về việc xây dựng chương trình phổ cập GDMN;
- Thông tư số 32/2010/TT-BGDĐT ngày 2/12/2010 Ban hành quy định điều liện, tiêu chuẩn, quy trình công nhận phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi;
- Công văn số 858/SXD-XD ngày 3/6/2013 của Sở Xây dựng về việc xác định suất đầu tư xây dựng phòng học thuộc đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2014-2015.
II. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ THÁCH THỨC
1. Thuận lợi
- Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự kết hợp chặt chẽ đồng bộ giữa các ban ngành, đoàn thể và sự đồng tình của các bậc cha mẹ trẻ về phát triển GDMN.
- Công tác xã hội hóa có chiều hướng phát triển tốt, việc đa dạng hóa trường lớp được mở rộng, huy động được các lực lượng xã hội tham gia vào quá trình phát triển GDMN.
- Trẻ 5 tuổi ra lớp khá cao, đạt tỷ lệ 98,6% đây là thuận lợi cơ bản cho việc huy động trẻ 5 tuổi.
2. Thách thức
- Địa bàn dân cư thuần nông có thu nhập thấp, các bậc cha mẹ của trẻ nhận thức chưa đầy đủ về sự cần thiết phải cho trẻ vào học lớp bán trú và 2 buổi/ngày để trẻ có đủ kiến thức và những kỹ năng cần thiết vào học lớp 1.
- Việc quy hoạch đất cho GDMN ở nhiều huyện, thị xã, thành phố còn gặp nhiều khó khăn như: Đức hòa, Bến Lức, Thủ Thừa, Châu Thành , thành phố Tân An,...
- Mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất còn thiếu nên việc thực hiện nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ còn hạn chế về chất lượng.
III. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Huy động 95% trẻ em 5 tuổi được đến lớp và học 2 buổi/ngày đủ một năm học; đảm bảo cho trẻ phát triển tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm thế sẵn sàng vào học lớp 1.
2. Mục tiêu cụ thể
- Củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp đảm bảo đến năm 2015 có 95% số trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi được học 2 buổi/ngày, trong đó ít nhất 70% trẻ học bán trú và 100% xã, phường, thị trấn có trường mầm non.
- Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mẫu giáo 5 tuổi, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân(cân nặng theo tuổi) và thấp còi (chiều cao theo tuổi) dưới 10%, có 100% trẻ 5 tuổi được học chương trình GDMN ban hành tại Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào học lớp 1.
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, đến 2015 bảo đảm 100% giáo viên dạy trẻ em 5 tuổi đạt chuẩn trình độ đào tạo, phấn đấu có trên 70% giáo viên lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 90% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên. 100% cán bộ quản lý giáo dục mầm non được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục.
- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới theo Thông tư 02 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến năm 2015 phấn đấu có trên 45% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
- Đưa số xã ở các huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi đạt 71,58% năm 2014 và 100% năm 2015 (năm 2012 đã đạt 20% , năm 2013 đã đạt 42,10%).
IV. TIÊU CHUẨN PHỔ CẬP
Căn cứ Điều 6 Thông tư số 32/2010/TT-BGDĐT ngày 02/12/2010 về Ban hành Quy định điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình công nhận phổ GDMN cho trẻ em 5 tuổi như sau:
1. Đối với cá nhân
Trẻ em được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi phải hoàn thành Chương trình GDMN (mẫu giáo 5 - 6 tuổi) do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trước 6 tuổi.
2. Đối với đơn vị cơ sở
a) Đối với thành phố, thị xã, thị trấn:
- Bảo đảm có đủ phòng học kiên cố, bảo đảm diện tích xây dựng và các quy định khác về phòng học tại Điều lệ trường mầm non; đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu; giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ.
- Huy động 98% trở lên số trẻ em năm tuổi ra lớp, trong đó bảo đảm 90% số trẻ em trong độ tuổi được học 2 buổi/ngày trong một năm học (9 tháng) theo Chương trình GDMN do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
- Bảo đảm có 90% trở lên trẻ năm tuổi hoàn thành Chương trình GDMN (mẫu giáo 5 - 6 tuổi).
- Tỷ lệ chuyên cần của trẻ: đạt từ 95% trở lên.
- Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng theo tuổi) và thấp còi (chiều cao theo tuổi) dưới 10%.
b) Đối với vùng nông thôn:
- Bảo đảm có đủ phòng học kiên cố hoặc bán kiên cố, bảo đảm diện tích xây dựng và các quy định khác về phòng học tại Điều lệ trường mầm non; đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu; giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ.
- Huy động 95% trở lên số trẻ em năm tuổi ra lớp, trong đó có ít nhất 85% số trẻ em trong độ tuổi được học 2 buổi/ngày trong một năm học (9 tháng) theo Chương trình GDMN do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
- Bảo đảm có 85% trở lên trẻ năm tuổi hoàn thành Chương trình GDMN (mẫu giáo 5 - 6 tuổi).
- Tỷ lệ chuyên cần của trẻ: đạt từ 90% trở lên.
- Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng theo tuổi) và thấp còi (chiều cao theo tuổi) không quá 10%.
c) Đối với vùng nông thôn đặc biệt khó khăn:
- Có đủ phòng học bảo đảm diện tích xây dựng quy định tại Điều lệ trường mầm non; đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu; giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ.
- Huy động 90% trở lên số trẻ em năm tuổi ra lớp, trong đó có ít nhất 80% số trẻ em trong độ tuổi được học 2 buổi/ngày trong một năm học (9 tháng) theo Chương trình GDMN do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
- Bảo đảm có 80% trở lên trẻ năm tuổi hoàn thành Chương trình GDMN (mẫu giáo 5 - 6 tuổi), số trẻ em còn lại được học tăng cường tiếng Việt.
- Tỷ lệ chuyên cần của trẻ: đạt từ 85% trở lên.
- Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng theo tuổi) và thấp còi (chiều cao theo tuổi) không quá 15%.
3. Đối với đơn vị cấp huyện
Bảo đảm 90% số đơn vị cơ sở đạt tiêu chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi.
4. Đối với đơn vị cấp tỉnh
Bảo đảm 100% số đơn vị cấp huyện thuộc tỉnh đạt tiêu chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi.
Phần 3.
NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
I. NHIỆM VỤ
Những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung để đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi đến năm 2015.
1. Phát triển mạng lưới trường lớp
- Xây dựng 100% xã, phường, thị trấn có trường mầm non.
- Huy động hầu hết trẻ em 5 tuổi đến lớp mẫu giáo để thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ ngày và bán trú, duy trì và giữ vững số trẻ dưới 5 tuổi đến các cơ sở GDMN dưới nhiều hình thức. Đến năm 2015, quy mô trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến lớp của tỉnh 24.420 trẻ. Trong đó, công lập chiếm tỷ lệ khoảng 95%, ngoài công lập khoảng 5%.
2. Đổi mới phương pháp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ 5 tuổi
- Triển khai thực hiện chương trình GDMN (Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009) đến tất cả các lớp mẫu giáo 5 tuổi, nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ 5 tuổi.
- Đẩy mạnh khai thác công nghệ thông tin trong các cơ sở GDMN, đến 2015 hầu hết trẻ 5 tuổi ở các trường mầm non được tiếp cận với tin học.
- 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi đánh giá sự phát triển của trẻ theo Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi theo Thông tư số 23/2010/TT-BGDĐT ngày 22/7/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.
3. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên
Để đảm bảo số lượng giáo viên đáp ứng việc thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, nhất là đối với các huyện khó khăn, tỉnh đã chủ động đăng ký chỉ tiêu đào tạo và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Ngày 20/4/2012, UBND tỉnh có Quyết định số 1272/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Đào tạo và tuyển dụng giáo viên mầm non theo địa chỉ các huyện khó khăn trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2012-2015 và thành lập Ban Quản lý thực hiện Đề án. Ban quản lý đã xây dựng kế hoạch số 1917/KH-BQL ngày 07/6/2013 thực hiện công tác đào tạo giáo viên. Dự kiến nguồn giáo viên sẽ ra trường từ 2013-2015 như sau:
Nguồn đào tạo | Kinh phí thực hiện | Năm 2013 | Năm 2014 | Năm 2015 |
- Kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt hàng năm | Từ nguồn đào tạo của ngành giáo dục hàng năm | 188 | 366 | 229 |
- Đào tạo theo Quyết định số 1272/QĐ-UBND ngày 20/4/2012 | Từ Chương trình MTQG năm 2013 (1.050 triệu đồng) dành cho khóa 2012-2014 (125 giáo sinh) | 125 | 150 |
|
Tổng cộng: | 313 | 516 | 229 |
- Đến năm 2015 đảm bảo đủ giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi theo định mức quy định là 2 giáo viên/lớp (bình quân 1 lớp/35 trẻ) có trên 1.823 giáo viên.
- Từ 2010-2015 đào tạo mới 690 giáo viên, đào tạo trên chuẩn 1.000 giáo viên dạy các lớp mẫu giáo 5 tuổi. Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho 100% CBQL các cơ sở GDMN.
4. Tăng cường ngân sách, cơ sở vật chất và thiết bị trường học
- Thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học; xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và các công trình phụ trợ bảo đảm điều kiện NDCSGD trẻ trong các trường, lớp mẫu giáo 5 tuổi. Xây dựng bổ sung mới 394 phòng học và 4.821 m2 phòng chức năng (nhà bếp và kho thực phẩm) theo tiêu chuẩn được quy định tại Điều lệ trường mầm non, bảo đảm đến năm 2015 có khoảng 1.000 phòng học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi.
- Xây dựng và cung cấp 86 bộ thiết bị đồ dùng đồ chơi tối thiểu cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi để thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Trang bị 210 bộ đồ chơi rèn luyện thể chất để đảm bảo đến năm 2015 có 100% số lớp mẫu giáo 5 tuổi có bộ đồ chơi rèn luyện thể chất cho trẻ. Cung cấp khoảng 232 bộ thiết bị làm quen tin học cho các trường, lớp mầm non.
- Hàng năm bổ sung, thay thế đồ chơi rẻ tiền mau hỏng trong các bộ thiết bị đã cấp bằng ngân sách chi thường xuyên.
II. GIẢI PHÁP
1. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi ở các cấp, các ngành, trong toàn xã hội và các bậc cha mẹ để làm cho mọi người nhận thức rõ tầm quan trọng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.
- Thực hiện lồng ghép các hình thức và phương tiện truyền thông khác nhau như: tài liệu, băng hình, thông qua báo, đài, các hội nghị, hội thảo để phổ biến các nội dung của đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các bậc cha mẹ và toàn xã hội tham gia hưởng ứng và hỗ trợ tích cực cho phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.
2. Tăng cường huy động trẻ em 5 tuổi đến lớp
- Đưa chỉ tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương hàng năm, để chỉ đạo thực hiện và đưa kết quả việc thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi vào tiêu chuẩn bình xét, đánh giá các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình văn hóa và đơn vị văn hóa. Cấp uỷ, chính quyền địa phương, giao trách nhiệm cho các đoàn thể trên địa bàn phối hợp vận động các gia đình đưa trẻ em 5 tuổi đến trường, lớp học 2 buổi/ ngày và bán trú.
- Vận động các bậc cha mẹ trẻ đăng ký và đưa trẻ đến trường, lớp để thực hiện phổ GDMN cho trẻ em 5 tuổi.
- Tổ chức các loại hình trường, lớp phù hợp, tạo cơ hội cho trẻ em 5 tuổi được đến trường: Các vùng khó khăn, biên giới 100% số trẻ em 5 tuổi được học tại các trường công lập. Vùng nông thôn phần lớn trẻ em được học tại các trường công lập có thu học phí. Duy trì, giữ vững số trẻ dưới 5 tuổi ra lớp công lập cao hơn mức hiện có, phát triển GDMN ngoài công lập ở những nơi có điều kiện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở các cơ sở GDMN.
- Khuyến khích các huyện, thị xã, thành phố có điều kiện thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi trước năm 2015, tập trung nâng cao chất lượng, đồng thời từng bước phát triển GDMN dưới 5 tuổi nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của của nhân dân.
3. Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên
- Tăng cường công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý, cập nhật kiến thức và kỹ năng cho giáo viên để thực hiện chương trình GDMN theo quy định tại Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Các cơ sở GDMN tư thục bảo đảm chế độ lương cho giáo viên không thấp hơn ở các cơ sở GDMN công lập và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định hiện hành.
- Có chính sách khuyến khích cán bộ, giáo viên đến công tác tại các vùng khó khăn nhằm đảm bảo chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi tại các vùng này.
- Thực hiện cơ chế học phí mới, tăng nguồn thu hợp pháp ở những nơi thuận lợi, để thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên dạy lớp mầm non 5 tuổi.
4. Hỗ trợ kinh phí cho trẻ 5 tuổi ở vùng khó khăn, biên giới và trẻ có hoàn cảnh khó khăn
- Thực hiện hỗ trợ trẻ 5 tuổi ở các cơ sở GDMN có cha mẹ thường trú tại các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nước; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn học tại các trường mầm non tư thục được Nhà nước hỗ trợ một phần học phí, nhằm tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường theo Thông tư số 29/2011/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 15/7/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em năm tuổi ở các cơ sở GDMN theo quy định tại Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015. Trong năm học 2011-2012 đã thực hiện chi từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ ăn trưa cho 3.135 trẻ với số tiền 3.385 triệu đồng, năm học 2012-2013 là 2.884 trẻ với số tiền 3.114 triệu đồng (mỗi trẻ 120.000 đồng/tháng x 9 tháng/1 năm học).
- Trong năm 2014 và 2015 dự kiến số trẻ 5 tuổi trong diện được hưởng là 6.457, với kinh phí là 6.974 triệu đồng.
5. Tăng cường ngân sách, cơ sở vật chất và thiết bị trường học
- Tổng kinh phí đã đầu tư cho các đơn vị đạt chuẩn Phổ cập GDMN từ ngân sách tỉnh (theo Đề án trường Chuẩn quốc gia) và hỗ trợ của Trung ương giai đoạn 2010-2013 là 86,466 tỷ đồng (trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia là 49,137 tỷ đồng).
Từ năm 2014-2015 tiếp tục thực hiện:
- Tăng cường ngân sách chi cho GDMN ít nhất là 10% ngân sách giáo dục thường xuyên. Trong đó, bảo đảm dành khoảng 20% ngân sách GDMN được chi cho hoạt động chuyên môn.
- Đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn vùng kinh tế phát triển, Nhà nước hỗ trợ ngân sách chi thường xuyên cho trường công lập tự chủ một phần với mức độ khác nhau (từ 60 - 75%), phần còn lại được huy động từ đóng góp của cha mẹ trẻ.
- Xây dựng đủ phòng học cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi. Đảm bảo tất cả các xã khó khăn, biên giới đều có trường với quy mô ít nhất 3 lớp ở trung tâm và các điểm lớp lẻ có phòng học được xây kiên cố theo hướng chuẩn hóa.
6. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi
- Lồng ghép các chương trình, dự án khác nhau trên cùng một địa bàn và huy động nguồn lực hợp lý của nhân dân để thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở vật chất theo nhu cầu thực tế, tổ chức hỗ trợ bữa ăn học đường cho trẻ ở nông thôn và vùng khó khăn; kinh phí trung ương và tỉnh bảo đảm đào tạo và trả lương giáo viên, hỗ trợ xây dựng phòng học, phòng chức năng, nhà công vụ, hỗ trợ trẻ em nghèo ở những xã khó khăn, biên giới. Cha mẹ trẻ có trách nhiệm phối hợp với nhà trường để nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ.
- Khuyến khích, huy động các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghịêp đầu tư phát triển trường, lớp mầm non ngoài công lập phù hợp với Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 69/2008/NQ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá.
- Tại các vùng khó khăn có giải pháp thích hợp, huy động sự đóng góp công sức lao động của nhân dân cùng với ngân sách Nhà nước để xây dựng trường, lớp; kết hợp chính sách của địa phương với chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tổ chức bán trú hoặc thực hiện chương trình bữa ăn học đường tại lớp cho tất cả trẻ em 5 tuổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ.
Phần 4.
KINH PHÍ
I. NHU CẦU KINH PHÍ
Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2014-2015 gồm 4 dự án:
1. Dự án 1: Xây dựng phòng học, phòng chức năng theo qui định của Điều lệ trường mầm non
- Nội dung chủ yếu:
+ Xây mới 394 phòng học để đạt tỉ lệ 1 phòng học/1 lớp MG 5 tuổi, với tổng diện tích là 43.244 m2 ( bình quân 110 m2/phòng); dự kiến suất đầu tư ở các huyện: Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc và TP Tân An là 6.600.000 đồng đồng/m2; các huyện còn lại có suất đầu tư là 6.000.000 đồng/m2.
+ Xây dựng 4.821 m2 phòng chức năng (nhà bếp và kho thực phẩm). Suất đầu tư như trên.
- Kinh phí dự kiến: 294.171,8 triệu đồng.
2. Dự án 2: Mua sắm trang thiết bị, đồ chơi
- Nội dung chủ yếu:
+ Năm 2012 và 2013 đã trang bị 606 bộ, mua thêm 86 bộ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trong lớp cho mẫu giáo 5 tuổi, bình quân 35 triệu đồng/bộ
+ Năm 2012 và 2013 đã trang bị 84 bộ, mua thêm 210 bộ đồ chơi rèn luyện thể chất cho lớp mẫu giáo 5 tuổi, bình quân 47 triệu đồng/bộ.
+ Năm 2012 và 2013 đã trang bị 87 bộ, mua thêm 232 bộ thiết bị cho trẻ 5 tuổi làm quen với tin học, bình quân 26 triệu đồng/bộ.
- Kinh phí dự kiến: 18.912 triệu đồng
3. Dự án 3: Hỗ trợ trẻ em nghèo ăn trưa
- Nội dung chủ yếu: Hỗ trợ ăn trưa cho 6.457 trẻ em 5 tuổi vùng biên giới, trẻ em con gia đình nghèo. Mức hỗ trợ bình quân 120.000 đồng/tháng/trẻ (một năm hỗ trợ 9 tháng, bình quân 1.080.000 đồng/năm/trẻ).
- Kinh phí dự kiến: 6.974 triệu đồng.
4. Dự án 4: Xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cho các xã vùng khó khăn
Về dự án này UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015. Trong Đề án đã có mục tiêu xây dựng trường mầm non vùng khó khăn đạt chuẩn quốc gia.
* Tổng kinh phí dự kiến: 320.057,8 triệu đồng. Trong đó:
- Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG): 18.912 triệu đồng;
- Vốn hỗ trợ trẻ vùng khó khăn ăn trưa từ Trung ương: 6.974 triệu đồng;
- Vốn Xây dựng cơ bản của ngân sách tỉnh từ nguồn Xổ số kiến thiết và vốn XDCB tập trung là 294.171,8 triệu đồng;
II. NGUỒN KINH PHÍ
1. Ngân sách Trung ương: 25.886 triệu đồng, Trong đó:
- Kinh phí mua sắm thiết bị từ CTMTQG hàng năm: 18.912 triệu đồng
- Kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ vùng khó khăn: 6.974 triệu đồng
2. Ngân sách tỉnh: 294.171,8 triệu đồng để xây phòng học, bếp ăn.
III. PHÂN KỲ THỰC HIỆN
1. Năm 2014
a) Kinh phí:
- Dự án 1: 146.769,8 triệu đồng
- Dự án 2: 11.196 triệu đồng
- Dự án 3: 3.529 triệu đồng
Tổng kinh phí: 161.494,8 triệu đồng.
b) Nguồn kinh phí:
- Trung ương: 14.725 triệu đồng. Trong đó:
+ CTMTQG năm 2014: 11.196 triệu đồng.
+ Hỗ trợ ăn trưa cho trẻ vùng khó khăn: 3.529 triệu đồng.
- Ngân sách tỉnh : 146.769,8 triệu đồng để xây phòng học, bếp ăn.
2. Năm 2015
a) Kinh phí:
- Dự án 1: 147.402 triệu đồng.
- Dự án 2: 7.716 triệu đồng.
- Dự án 3: 3.445 triệu đồng.
Tổng kinh phí: 158.563 triệu đồng.
b) Nguồn kinh phí:
- Trung ương: 11.161 triệu đồng. Trong đó:
+ CTMTQG năm 2014: 7.716 triệu đồng
+ Hỗ trợ ăn trưa cho trẻ vùng khó khăn: 3.445 triệu đồng
- Ngân sách tỉnh: 147.402 triệu đồng để xây phòng học, bếp ăn.
Phần 5.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH VÀ UBND CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố; hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt hiệu quả cao.
b) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phân bổ kinh phí cho Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi từ Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục giai đoạn 2014-2015 trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
c) Triển khai tiêu chuẩn cụ thể và quy trình công nhận Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
d) Triển khai các văn bản pháp quy để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
đ) Là cơ quan thường trực tổ chức thực hiện đề án; tổ chức kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án, định kỳ hàng năm báo cáo Tỉnh Uỷ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh.
e) Làm chủ đầu tư thực hiện dự án 2, 3.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính tổng hợp, phân bổ kinh phí cho phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi từ chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục giai đoạn 2014-2015 trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
b) Chủ trì phân bổ vốn đầu tư cho các huyện, thành phố thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
3. Sở Tài chính
a) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo phân bổ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn ngân sách tỉnh để đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
b) Kiểm tra, thanh tra tài chính để bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích và thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách.
4. Sở Nội Vụ
Triển khai các chính sách mới đối với giáo viên mầm non, cán bộ quản lý GDMN thuộc các loại hình nhà trường; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo bố trí đủ giáo viên cho các cơ sở giáo dục mầm non.
5. Sở Xây dựng
Căn cứ thiết kế mẫu lớp mẫu giáo, trường mầm non đã được Bộ Xây dựng ban hành, hướng dẫn các chủ đầu tư phương pháp triển khai thiết kế xây dựng công trình, bảo đảm đạt chuẩn diện tích theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo .
6. Sở Tài nguyên-Môi trường
Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các huyện,thị xã,thành phố lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho việc xây dựng trường, lớp học mẫu giáo 5 tuổi.
7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo; các Sở,ngành có liên quan và UBND các huyện,thị xã,thành phố tăng cường công tác truyền thông, vận động xã hội để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phát triển giáo dục mầm non, bảo vệ quyền trẻ em được học đầy đủ chương trình giáo dục mầm non trước khi vào học lớp 1.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc thực hiện chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và các chính sách xã hội khác đối với giáo viên và trẻ em mầm non.
8. Sở Y tế
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các chương trình dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng lồng ghép trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non.
b) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng trong các trường, lớp mẫu giáo 5 tuổi theo các mục tiêu phổ cập; phổ biến kiến thức, kỹ năng và cung cấp dịch vụ chăm sóc, giáo dục tại gia đình.
9. UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An
a) Xây dựng kế hoạch cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn.
b) Chỉ đạo thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, huy động trẻ đến trường.
c) Chỉ đạo việc dành quỹ đất, xây dựng đủ phòng học, bảo đảm thuận tiện cho việc thu hút trẻ em đi học trên địa bàn; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ chơi đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục mầm non; thực hiện tốt chính sách phát triển giáo dục mầm non của địa phương; bảo đảm bố trí đủ ngân sách chi cho phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và giáo dục mầm non nói chung theo quy định hiện hành.
d) Chỉ đạo việc xây dựng phòng học tập trung về một đầu mối làm chủ đầu tư (không giao nhiều chủ đầu tư xây dựng phòng học), mỗi trường chỉ lập 01 báo cáo kinh tế kỹ thuật để thực hiện.
đ) Thực hiện các chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, và các chế độ chính sách khác đối với giáo viên mầm non trên địa bàn theo đúng quy định.
e) Huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, giáo viên và tổ chức bữa ăn học đường cho trẻ em để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi có chất lượng.
g. Tổ chức kiểm tra, ra quyết định công nhận việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn theo các tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã qui định. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi về Sở Giáo dục và Đào tạo.
10. Các đoàn thể và tổ chức xã hội
Tích cực tham gia phát triển giáo dục mầm non, vận động trẻ em đến lớp, góp phần thực hiện tốt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
II. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN
1. Chuẩn bị
- Điều tra phổ cập : Điều tra số liệu từ tháng 7-8/2011.
- Xây dựng Đề án : Xây dựng Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trong tháng 3/2013.
2. Thực hiện Đề án
Việc thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được thực hiện theo lộ trình như sau:
Năm 2014: Tổng kinh phí là 161.494,8 triệu đồng.
- Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến đề án, để chính quyền các cấp, các tổ chức và nhân dân ủng hộ, nhằm huy động trên 95% trẻ 5 tuổi đến lớp. Bảo đảm trên 50% trẻ được học bán trú và 2 buổi/ngày, trong đó trên 40% trẻ học bán trú.
- Thực hiện phân bổ và tăng ngân sách thường xuyên hàng năm theo định mức/ trẻ cho số trẻ công lập, bảo đảm 100% kinh phí cho trẻ ở vùng sâu, vùng khó khăn và các trường công lập vùng nông thôn; thực hiện chính sách hỗ trợ đối với trẻ thuộc hộ nghèo, hộ thuộc diện chính sách học tại trường ngoài công lập.
- Xây dựng mới 201 phòng học (ngoài nguồn kiên cố hoá được duyệt và Đề án xây dựng trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 2010-2015) cho lớp mẫu giáo 5 tuổi ở các xã vùng nông thôn, khó khăn và các xã biên giới để tiến tới đảm bảo tỷ lệ 1 lớp/1 phòng học. Xây dựng 2.129 m2 phòng chức năng (nhà bếp và kho thực phẩm) phục vụ cho hoạt động giáo dục trẻ.
- Thành lập thêm các trường tư thục ở các phường, thị trấn, các khu, cụm công nghiệp.
- Cung cấp bộ đồ dùng đồ chơi thiết bị tối thiểu 86 lớp mẫu giáo 5 tuổi thực hiện chương trình GDMN, trang bị bộ thiết bị đồ chơi rèn luyện thể chất cho 110 lớp nhằm giúp trẻ phát triển thể chất. Cung cấp 116 bộ đồ chơi và phần mềm trò chơi để cho trẻ làm quen với ứng dụng tin học cho trường, lớp có điều kiện.
- Đến năm 2014 số giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi 1.582 người, trong đó 1.197 giáo viên dạy lớp mẫu giáo bán trú. Ngành phải đào tạo bổ sung thêm khoảng 449 giáo viên và bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non có trình độ trên chuẩn là 70%.
- Hỗ trợ tiền ăn trưa cho 3.267 trẻ mẫu giáo 5 tuổi có cha mẹ thường trú tại các xã có điều kiện kinh tế khó khăn, xã biên giới; trẻ khuyết tật, mồ côi, trẻ thuộc diện gia đình nghèo.
- Thực hiện chính sách, để giáo viên mầm non ngoài công lập được trả lương theo thang bảng lương giáo viên mầm non. Thực hiện các chế độ chính sách cho giáo viên và trẻ em thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở 23 xã vùng khó khăn (Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ).
- Huy động thêm nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
- Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Năm 2015: Tổng kinh phí là 158.563 triệu đồng.
- Tiếp tục tập trung vào đối tượng trẻ em vùng nông thôn để huy động đạt 85% số trẻ mẫu giáo 5 tuổi thực hiện phổ cập.
- Phân bổ và tăng ngân sách thường xuyên hàng năm theo định mức trên trẻ cho trẻ học ở các trường, lớp công lập tại vùng nông thôn. Hỗ trợ đối với trẻ diện chính sách học tại các cơ sở ngoài công lập.
- Thực hiện xây mới 193 phòng học còn thiếu và xây dựng thêm 2.692m2 phòng chức năng (nhà bếp và kho thực phẩm) phục vụ cho hoạt động giáo dục trẻ.
- Tiếp tục đào tạo bổ sung thêm 241 giáo viên cho lớp mẫu giáo 5 tuổi, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên lớp mẫu giáo 5 tuổi để đạt trình độ chuẩn là 100%, trong đó khoảng 80% trên chuẩn.
- Cung cấp 100 đồ đồ dùng đồ chơi rèn luyện thể chất và 116 bộ thiết bị cho trẻ làm quen với tin học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi.
- Hỗ trợ tiền ăn trưa cho khoảng 3.190 trẻ mẫu giáo 5 tuổi có cha mẹ thường trú tại các xã có điều kiện kinh tế khó khăn, xã biên giới; trẻ khuyết tật, mồ côi, trẻ thuộc diện gia đình nghèo.
- Thực hiện các chính sách hợp lý cho giáo viên và cán bộ quản lý;
- Nâng cao chất lượng các lớp thực hiện chương trình GDMN.
- Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; chuẩn bị cho giai đoạn 2016-2020./.