cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 23/2013/QĐ-UBND ngày 11/07/2013 Về Quy chế quản lý dịch vụ internet và trò chơi trực tuyến (online games) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 23/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Ngày ban hành: 11-07-2013
  • Ngày có hiệu lực: 21-07-2013
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 08-10-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 809 ngày (2 năm 2 tháng 19 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 08-10-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 08-10-2015, Quyết định số 23/2013/QĐ-UBND ngày 11/07/2013 Về Quy chế quản lý dịch vụ internet và trò chơi trực tuyến (online games) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND ngày 28/09/2015 Về Quy chế quản lý điểm truy nhập Internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2013/QĐ-UBND

Sóc Trăng, ngày 11 tháng 7 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ DỊCH VỤ INTERNET VÀ TRÒ CHƠI TRỰC TUYẾN (ONLINE GAMES) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên mạng internet;

Căn cứ Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01 tháng 6 năm 2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Bưu chính - Viễn thông và Bộ Công an về quản lý trò chơi trực tuyến (online games);

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 440/TTr-STTTT ngày 03/6/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế quản lý dịch vụ internet và trò chơi trực tuyến (online games) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ TTTT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ TP;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- TT.UBMTTQ và đoàn thể tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VX, KS, HC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Văn Mẫn

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ DỊCH VỤ INTERNET VÀ TRÒ CHƠI TRỰC TUYẾN (ONLINE GAME) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
(Kèm theo Quyết định số 23 /2013/QĐ-UBND ngày 11 /7/2013 của UBND tỉnh Sóc Trăng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet, trò chơi trực tuyến (online games) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Điều 2. Những hành vi bị cấm

1. Cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và dịch vụ online games vi phạm những hành vi bị cấm được quy định tại Điều 6, Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên mạng internet; Điều 3, Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01/6/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Bưu chính - Viễn thông và Bộ Công an về quản lý trò chơi trực tuyến (online games) và các văn bản có liên quan.

2. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, online games để lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC I. QUY ĐỊNH VỀ INTERNET

Điều 3. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy cập internet

1. Nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định có liên quan trong Quy chế này.

2. Thực hiện việc cung cấp dịch vụ truy cập internet theo đúng các quy định tại Điều 7, Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên mạng internet và các văn bản có liên quan.

3. Chấp hành nghiêm túc các quy định về thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Triển khai Quy chế này đến các đại lý internet, online games thuộc quyền quản lý để thực hiện. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của đại lý internet; phạt vi phạm hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với đại lý internet, online games vi phạm hợp đồng ký kết với doanh nghiệp và quy định pháp luật liên quan. Báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông các trường hợp vi phạm để phối hợp xử lý.

Điều 4. Trách nhiệm của đại lý cung cấp dịch vụ truy cập internet

1. Nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định có liên quan trong Quy chế này.

2. Chấp hành đúng các quy định pháp luật về đại lý internet được quy định tại Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên mạng internet và các quy định có liên quan.

3. Thực hiện quy định về thời gian cung cấp dịch vụ internet tại địa điểm kinh doanh đại lý internet; quản lý người sử dụng dịch vụ theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Quy chế này.

4. Chỉ được cung cấp dịch vụ online games ở các địa điểm kinh doanh đại lý internet cách cổng ra vào của các trường học (từ tiểu học đến trung học phổ thông) từ 200m trở lên, không phân biệt trường đó thuộc địa phương nào.

5. Lập sổ đăng ký sử dụng dịch vụ trong đó thống kê đầy đủ, chi tiết thông tin về người sử dụng dịch vụ bao gồm họ tên, năm sinh, địa chỉ thường trú, số chứng minh thư hoặc hộ chiếu (đối với người nước ngoài) hoặc các giấy tờ có giá trị khác như: thẻ nghiệp vụ, bằng lái xe, thẻ học sinh, sinh viên,... vị trí máy và thời gian mà người sử dụng dịch vụ đã sử dụng. Đại lý phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong sổ; đồng thời, có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản sổ đăng ký dịch vụ để cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Điều 5. Trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ internet

1. Nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định có liên quan trong Quy chế này.

2. Chấp hành đúng các quy định pháp luật đối với người sử dụng dịch vụ internet quy định tại Điều 12, Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên mạng internet và các quy định có liên quan.

3. Cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cá nhân khi đăng ký sử dụng dịch vụ internet theo quy định tại Điều 7 Quy chế này.

Điều 6. Quy định về thời gian hoạt động kinh doanh dịch vụ internet

Đại lý internet chỉ được cung cấp dịch vụ truy nhập internet cho người sử dụng từ 06 giờ sáng đến không quá 23 giờ đêm hàng ngày.

Điều 7. Thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ internet

1. Khi đăng ký sử dụng dịch vụ truy nhập internet, người sử dụng dịch vụ phải cung cấp đầy đủ, chi tiết những thông tin cá nhân được quy định tại khoản 5, Điều 4 Quy chế này cho chủ đại lý internet.

2. Đại lý internet phải có trách nhiệm yêu cầu người sử dụng dịch vụ cung cấp và lưu giữ, bảo quản các thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ theo quy định về an ninh thông tin.

MỤC II. QUY ĐỊNH VỀ ONLINE GAMES

Điều 8. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ online games

1. Nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định có liên quan trong Quy chế này.

2. Thực hiện việc cung cấp dịch vụ online games theo đúng các quy định tại Điều 9, Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01/6/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Bưu chính - Viễn thông và Bộ Công an về quản lý trò chơi trực tuyến (online games) và các văn bản có liên quan.

Điều 9. Trách nhiệm của đại lý cung cấp dịch vụ truy cập online games

1. Nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định có liên quan trong Quy chế này.

2. Chấp hành đúng các quy định pháp luật về đại lý internet được quy định tại Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên mạng internet và các quy định có liên quan.

3. Thực hiện quy định về thời gian cung cấp dịch vụ online games tại địa điểm kinh doanh đại lý online games; quản lý người sử dụng dịch vụ theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Quy chế này.

4. Đại lý online games phải cách cổng ra vào của các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông từ 200m trở lên; đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

5. Lập sổ đăng ký sử dụng dịch vụ trong đó thống kê đầy đủ, chi tiết thông tin về người sử dụng dịch vụ bao gồm họ tên, năm sinh, địa chỉ thường trú, số chứng minh thư hoặc hộ chiếu (đối với người nước ngoài) hoặc các giấy tờ có giá trị khác như: thẻ nghiệp vụ, bằng lái xe, thẻ học sinh, sinh viên,... vị trí máy và thời gian mà người sử dụng dịch vụ đã sử dụng. Đại lý phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong sổ; đồng thời, có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản sổ đăng ký dịch vụ để cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Điều 10. Trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ online games

1. Nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định có liên quan trong Quy chế này.

2. Chấp hành đúng các quy định pháp luật đối với người sử dụng dịch vụ online games quy định tại Điều 12, Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01/6/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Bưu chính - Viễn thông và Bộ Công an về quản lý trò chơi trực tuyến (online games) và các quy định có liên quan.

3. Không lợi dụng online games để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội.

4. Cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cá nhân khi đăng ký nhập dịch vụ online games theo quy định tại Điều 12 Quy chế này.

Điều 11. Quy định về thời gian hoạt động kinh doanh online games

Đại lý internet có cung cấp dịch vụ online games và đại lý online games chỉ được hoạt động kinh doanh dịch vụ online games từ 08 giờ sáng đến không quá 22 giờ đêm hàng ngày.

Điều 12. Thông tin cá nhân người chơi online games

1. Khi đăng nhập vào trò chơi, người chơi phải cung cấp những thông tin về người sử dụng dịch vụ bao gồm họ tên, năm sinh, địa chỉ thường trú, số chứng minh thư hoặc hộ chiếu (đối với người nước ngoài) cũng như các yếu tố khác có ý nghĩa trong việc xác nhận nhân thân người sử dụng dịch vụ theo yêu cầu của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ online games và của chủ đại lý.

2. Đại lý internet, online games phải có trách nhiệm yêu cầu người chơi cung cấp và lưu giữ các thông tin cá nhân người chơi theo quy định về an ninh thông tin.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Tổ chức thực hiện

1. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chính sách quản lý của nhà nước đối với dịch vụ internet, online games nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, giúp người dân hiểu rõ và chủ động khai thác, phát huy những mặt tích cực, đồng thời hạn chế những mặt tiêu cực của loại hình dịch vụ này.

b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quản lý tốt các đại lý internet, online games công cộng; hướng dẫn và tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra hoạt động của các đại lý internet, online games công cộng cho cấp huyện.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ internet bảo đảm thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về internet.

d) Thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, chỉ đạo, hướng dẫn phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, online games tại địa phương.

2. Công an tỉnh:

a) Chỉ đạo, phối hợp và triển khai công tác phòng, chống các loại tội phạm phát sinh từ hoạt động dịch vụ internet và online games.

b) Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, thành phố, công an các xã, phường, thị trấn phối hợp với thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ internet, online games trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Phổ biến, tham gia hướng dẫn sử dụng dịch vụ internet cho học sinh, sinh viên; chủ động theo dõi, phối hợp với các đơn vị liên quan phát hiện các đại lý gần trường học vi phạm về quản lý và sử dụng internet, online games để đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định pháp luật.

b) Chỉ đạo thực hiện việc phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường nhằm tăng cường quản lý học sinh, sinh viên trong thời gian ở trường và thời gian ở nhà; tuyên truyền nâng cao ý thức và trách nhiệm của học sinh trong khai thác, sử dụng internet và online games.

c) Tập trung chỉ đạo các trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh rà soát, quản lý chặt chẽ học sinh, nắm chắc đối tượng học sinh cá biệt thường xuyên chơi online games để có biện pháp giáo dục phù hợp, kịp thời thông báo đến phụ huynh những học sinh thường xuyên bỏ học, nghỉ tiết không có lý do chính đáng hoặc không có giấy xin phép của phụ huynh.

d) Chỉ đạo các trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh lập danh sách giáo viên dạy thêm, học sinh học thêm và thời gian dạy thêm, học thêm. Từ đó có sự phối hợp quản lý chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh đối với các em học sinh lợi dụng việc học thêm để chơi online games.

4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Chỉ đạo phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao giúp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên rèn luyện thể chất và tinh thần, tránh sa đà vào online games, khai thác hiệu quả những mặt tích cực của online games.

b) Tăng cường các điểm văn hóa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh cho đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh.

c) Phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về những lĩnh vực thuộc thẩm quyền đối với hoạt động quản lý internet và online games.

5. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh:

a) Chỉ đạo Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp huyện, cấp xã tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về dịch vụ internet và online games.

b) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên tham gia sử dụng online games một cách lành mạnh, hợp lý; hạn chế mặt trái của online games tác động lên các đối tượng người chơi, nhất là đối với thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, phát huy vai trò quan trọng của các đoàn thể, của gia đình và nhà trường trong việc tuyên truyền giáo dục, quản lý hướng dẫn thanh, thiếu niên, học sinh tại gia đình, ở nhà trường và ngoài xã hội nhằm khai thác những hiệu quả tích cực, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của internet và online games.

b) Chỉ đạo phòng Văn hóa Thông tin phối hợp các phòng, ban chuyên môn có liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

- Rà soát lại toàn bộ đại lý internet, online games trên địa bàn quản lý, tham mưu cho Ủy ban nhân nhân huyện, thị xã, thành phố kiên quyết xử lý đối với đại lý không đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ hoạt động kinh doanh của các đại lý internet, online games trên địa bàn (đảm bảo thanh tra, kiểm tra ít nhất 01 lần/đại lý/năm); kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có dư luận phản ánh; xử lý nghiêm minh các đại lý, đơn vị vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

- Cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh khi kiểm tra trên địa bàn quản lý.

- Đẩy mạnh các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại các khu văn hóa, nhà văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng ấp, tụ điểm sinh hoạt văn hóa ở các điểm chùa, khu vực đông dân cư...

c) Chỉ đạo phòng Giáo dục - Đào tạo hướng dẫn các trường Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn quản lý:

- Rà soát, quản lý chặt chẽ học sinh, nắm chắc đối tượng học sinh cá biệt thường xuyên chơi online games để có biện pháp giáo dục phù hợp, kịp thời thông báo đến phụ huynh những học sinh thường xuyên bỏ học, nghỉ tiết không có lý do chính đáng hoặc không có giấy xin phép của phụ huynh.

- Lập danh sách theo dõi giáo viên dạy thêm, học sinh học thêm và thời gian dạy thêm, học thêm. Từ đó có sự phối hợp quản lý chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh đối với các em học sinh lợi dụng việc học thêm để chơi online games.

d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh của các đại lý internet, online games trên địa bàn quản lý.

7. Báo Sóc Trăng, Đài Phát thanh Truyền hình Sóc Trăng:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/08/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên Internet; Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA về quản lý trò chơi trực tuyến và các văn bản liên quan đến công tác quản lý, cung cấp và kinh doanh dịch vụ internet, online games để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy cập internet, các đại lý, người sử dụng và nhân dân trên địa bàn biết và thực hiện; kịp thời đưa tin, bài biểu dương ngành, đơn vị, địa phương làm tốt, phê phán đối với những nơi làm chưa nghiêm theo chỉ đạo của UBND tỉnh và bộ, ngành có liên quan.

Điều 14. Điều khoản thi hành

Giao Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh các cơ quan, đơn vị, cá nhân phản ánh về UBND tỉnh thông qua Sở Thông tin và Truyền thông để được chỉ đạo, giải quyết kịp thời.