Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND ngày 28/06/2013 Quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
- Số hiệu văn bản: 08/2013/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Cao Bằng
- Ngày ban hành: 28-06-2013
- Ngày có hiệu lực: 08-07-2013
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-12-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3083 ngày (8 năm 5 tháng 13 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 16-12-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2013/QĐ-UBND | Cao Bằng, ngày 28 tháng 6 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
Căn cứ Thông tư số 142/2007/TTLT/BTC- BCT ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Liên bộ Bộ Tài chính và Bộ Công Thương Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
Căn cứ Thông tư số 39/2011/TT-BCT ngày 28 tháng 10 năm 2011 của Bộ Công Thương Quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ quản lý năng lượng và kiểm toán năng lượng;
Căn cứ Thông tư số 64/2011/TT-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải Quy định biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải;
Căn cứ Thông tư số 07/2012/TT-BCT ngày 04 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công Thương Quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng;
Căn cứ Thông tư số 09/2012/TT-BCT ngày 20 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công Thương Quy định về lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện kiểm toán năng lượng;
Căn cứ Thông tư số 19/2013/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 3 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương Cao Bằng tại Tờ trình số 440/TTr-SCT ngày 23 tháng 5 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Công Thương, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội; Giám đốc Công ty Điện lực Cao Bằng; Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; các biện pháp để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng năng lượng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Năng lượng, tài nguyên năng lượng không tái tạo, tài nguyên năng lượng tái tạo, nhiên liệu, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kiểm toán năng lượng, nhãn năng lượng, dán nhãn năng lượng, hiệu suất năng lượng, mức hiệu suất năng lượng tối thiểu, sản phẩm tiết kiệm năng lượng được quy định tại Điều 3 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 17 tháng 6 năm 2010.
2. ILAC, APLAC, ILAS, ISO, IEC, TCVN được quy định tại Điều 3 Thông tư số 07/2012/TT-BCT ngày 04 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công Thương Quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng.
3. Chứng chỉ quản lý năng lượng, chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng được quy định tại Điều 3 Thông tư số 39/2011/TT-BCT ngày 28 tháng 10 năm 2011 của Bộ Công Thương Quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ quản lý năng lượng và kiểm toán năng lượng.
4. Cổng thông tin điện tử, cơ sở dữ liệu, dữ liệu, hệ thống cơ sở dữ liệu năng lượng quốc gia, thông điệp dữ liệu, trang thông tin điện tử (Website), văn bản điện tử được quy định tại Điều 3 Thông tư số 09/2012/TT-BCT ngày 20 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công Thương Quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện kiểm toán năng lượng.
5. Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm được quy định tại Điều 6 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 03 năm 2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
6. Cơ sở sản xuất công nghiệp được quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 17 tháng 6 năm 2010.
Điều 4. Nguyên tắc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
1. Phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể về năng lượng, chính sách an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
2. Được thực hiện thường xuyên, thống nhất từ quản lý, khai thác tài nguyên năng lượng đến khâu sử dụng cuối cùng.
3. Là trách nhiệm của các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan Đảng, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân và toàn xã hội.
Điều 5. Các hành vi bị cấm
Các hành vi bị cấm được quy định tại Điều 8 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Chương II
SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRONG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Điều 6. Trách nhiệm, nhiệm vụ của cơ sở sản xuất công nghiệp trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
1. Thực hiện theo quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản 2 Điều 9 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
2. Xây dựng kế hoạch và báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hằng năm và 5 năm theo quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Thông tư số 09/2012/TT-BCT.
3. Áp dụng các định mức tiêu chuẩn và định mức kỹ thuật tiên tiến nhằm cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng; đạt mức giảm ít nhất 10% cường độ sử dụng năng lượng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng:
a) Ngành xi măng phải giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân để sản xuất 01 tấn xi măng từ 97 kgOE hiện nay xuống còn 87 kgOE vào năm 2015.
b) Ngành thép phải giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân để sản xuất 01 tấn thép từ 179 kgOE hiện nay xuống còn 160 kgOE vào năm 2015.
4. Phương tiện, thiết bị lắp mới, thay thế phải được dán nhãn năng lượng theo quy định Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ Quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện và Quyết định số 03/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ Quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.
Điều 7. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hoá
1. Thực hiện theo quy định tại Điều 10 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
2. Trên cơ sở kết quả kiểm toán năng lượng định kỳ phải có các giải pháp để cải tiến, hợp lý hoá các quá trình:
a) Đốt nhiên liệu trong lò hơi, lò luyện, lò nung, lò sấy;
b) Trao đổi nhiệt trong hệ thống gia nhiệt, làm lạnh;
c) Chuyển hoá giữa các dạng năng lượng nhiệt năng thành điện năng; điện năng thành nhiệt năng, cơ năng và các dạng năng lượng khác.
3. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật điện để nâng cao hệ số phụ tải cosj, bảo dưỡng định kỳ thiết bị đóng cắt, dây dẫn điện trong phạm vi quản lý để giảm tổn thất điện năng trong hệ thống.
4. Các thiết bị lắp mới, thay thế phải được dán nhãn năng lượng theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Quy định này.
Điều 8. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở chế tạo, sửa chữa phương tiện, thiết bị
1. Thực hiện theo quy định tại Điều 11 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
2. Trên cơ sở kết quả kiểm toán năng lượng định kỳ phải có các giải pháp để cải tiến, hợp hoá các quá trình nung, luyện vật liệu, tạo phôi, rèn dập, phay, tiện, bào và các công đoạn khác để gia công sản phẩm.
3. Thực hiện các quy định tại Khoản 4 Điều 6 và 3 Điều 7 Quy định này.
Điều 9. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở khai thác mỏ
1. Thực hiện theo quy định tại Điều 12 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
2. Trên cơ sở kết quả kiểm toán năng lượng định kỳ phải có các giải pháp để cải tiến, thay thế, hợp lý hoá dây truyền sản xuất trong quá trình sàng, tuyển, rửa, vận chuyển khoáng sản, hệ thống thông gió trong hầm lò để tiết kiệm nhiên liệu, điện, nước.
3. Thực hiện các quy định tại Khoản 4 Điều 6 và 3 Điều 7 Quy định này.
Điều 10. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng
1. Thực hiện theo quy định tại Điều 13 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
2. Định kỳ sửa chữa, bảo dưỡng, vệ sinh thiết bị đóng cắt, cách điện, dây dẫn trong phạm vi quản lý của mình để giảm tổn thất điện năng.
3. Xây dựng định mức, kế hoạch và lộ trình cụ thể (đối với đơn vị hạch toán phụ thuộc trình cấp trên phê duyệt) để thực hiện:
a) Giảm tổn thất điện năng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
b) Loại khỏi hệ thống điện những máy biến áp non tải thay thế bằng những máy biến áp có công suất phù hợp và phải được dán nhãn năng lượng theo quy định Khoản 4 Điều 6 Quy định này.
c) Cải tạo lưới 10 kV lên cấp điện áp 22 kV theo Quy hoạch đã được phê duyệt.
Điều 11. Trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp
Thực hiện theo quy định tại Điều 14 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Chương III
SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRONG XÂY DỰNG, CHIẾU SÁNG CÔNG CỘNG
Điều 12. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động xây dựng
1. Thực hiện theo quy định tại Điều 15 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
2. Phương tiện, thiết bị lắp đặt mới, thay thế phải được dán nhãn năng lượng theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 của Quy định này.
Điều 13. Trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng
1. Thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 17 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
2. Thiết bị lắp đặt mới, thay thế phải được dán nhãn năng theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 của Quy định này.
3. Vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng theo thời gian quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng.
Chương IV
SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRONG GIAO THÔNG VẬN TẢI
Điều 14. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác quy hoạch, xây dựng, cảo tạo công trình giao thông
Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo công trình giao thông thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 64/2011/TT-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2011 của Bộ Giao thông Vận tải Quy định biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải.
Điều 15. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động vận tải
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia vận tải, đầu tư và quản lý sử dụng phương tiện vận tải thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 64/2011/TT-BGTVT.
Điều 16. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thiết bị, phương tiện vận tải
1. Thực hiện theo quy định tại Điều 20 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
2. Thực hiện việc dán nhãn năng lượng theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 của Quy định này.
Chương V
SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Điều 17. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp theo từng lĩnh vực phải thực hiện các biện pháp sau:
1. Lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 19/2013/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 03 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
2. Lĩnh vực chăn nuôi và thú y thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 19/2013/TT-BNNPTNT.
3. Lĩnh vực phát triển rừng, quản lý rừng và sử dụng rừng theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 19/2013/TT-BNNPTNT.
Điều 18. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thuỷ lợi, thuỷ sản
1. Tổ chức, cá nhân tham gia vào lập quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành hệ thống thuỷ lợi thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 19/2013/TT-BNNPTNT.
2. Tổ chức, hộ gia đình tham gia vào nuôi, trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản thực hiện theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư số 19/2013/TT-BNNPTNT.
Điều 19. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các làng nghề
Tổ chức, hộ gia đình tham gia vào sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 19/2013/TT-BNNPTNT.
Điều 20. Biện pháp giảm tổn thất điện năng và sử dụng năng lượng tái tạo trong nông nghiệp và nông thôn
1. Huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn và giảm tổn thất điện năng.
2. Khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, như: Sức nước, sức gió, ánh nắng mặt trời, khí sinh học, phụ phẩm nông nghiệp và các nguồn năng lượng tái tạo khác.
Chương VI
SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRONG HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ VÀ HỘ GIA ĐÌNH
Điều 21. Trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động dịch vụ
1. Thực hiện theo quy định tại Điều 26 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
2. Khi lắp đặt mới, thay thế:
a) Thiết bị chiếu sáng được sản xuất công nghệ tiên tiến, hiệu suất phát sáng cao.
b) Thiết bị gia nhiệt bằng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.
c) Các thiết bị phải được dán nhãn năng lượng theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Quy định này.
Điều 22. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hộ gia đình
1. Thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
2. Khuyến khích sử dụng thiết bị theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 của Quy định này.
Chương VII
SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRONG DỰ ÁN ĐẦU TƯ, CƠ QUAN, ĐƠN VỊ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Điều 23. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong dự án đầu tư từ vốn nhà nước
Thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Điều 24. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước
1. Hằng năm, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố, người đứng đầu các cơ quan Đảng, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trực thuộc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm mục tiêu, biện pháp, định mức về sử dụng năng lượng đối với trụ sở làm việc, công trình xây dựng trực thuộc và báo cáo tình hình tiêu thụ năng lượng; xây dựng và thực hiện Quy chế tiết kiệm năng lượng nội bộ, bảo đảm vận hành phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
2. Cơ quan, đơn vị có cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải thực hiện kiểm toán năng lượng.
3. Danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước theo quy định Quyết định số 68/2011/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước.
Điều 25. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước về thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
1. Hằng năm, xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện tiết kiệm năng lượng; ban hành quy chế sử dụng năng lượng của cơ quan, đơn vị. Nội dung xây dựng kế hoạch và báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hằng năm theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 09/2012/TT-BCT.
2. Đăng ký kế hoạch sử dụng năng lượng với cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng tại địa phương; phổ biến kế hoạch, biện pháp và quy chế thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức.
3. Tổ chức kiểm tra, đánh giá và áp dụng hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức trực thuộc cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng.
Chương VIII
QUẢN LÝ CƠ SỞ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TRỌNG ĐIỂM
Điều 26. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm
1. Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
2. Xây dựng và thực hiện kế hoạch hằng năm và năm năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phù hợp với kế hoạch sản xuất, kinh doanh; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nội dung xây dựng kế hoạch theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư số 09/2012/TT-BCT.
Điều 27. Kiểm toán năng lượng đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm
1. Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
2. Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có thể tự thực hiện kiểm toán năng lượng khi có đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 3 Điền 34 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Điều 28. Điều kiện, nhiệm vụ của người quản lý năng lượng tại cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm
Điều kiện, nhiệm vụ của người quản lý năng lượng tại cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm được quy định tại Khoản 1, 2 Điều 35 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Chương IX
QUẢN LÝ PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG
Điều 29. Dán nhãn năng lượng
1. Phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng thực hiện theo quy định Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 03/2013/QĐ-TTg trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
2. Cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu phương tiện, thiết bị thực hiện việc dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị được quy định tại Thông tư số 07/2012/TT-BCT.
3. Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng được cấp sau khi phương tiện, thiết bị đã được các tổ chức ILAC, APLC, VILAS (các tổ chức này phải được Bộ Công Thương chỉ định) thử nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO, IEC hoặc TCVN.
4. Sở Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp việc đăng ký thử nghiệm phương tiện, thiết bị sử dụng năng lương trong sản xuất, nhập khẩu.
Điều 30. Quản lý phương tiện, thiết bị có mức hiệu suất dưới mức hiệu suất tối thiểu
1. Thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 40 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
2. Sở Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn cơ sở sử dụng năng lượng, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị về danh mục và lộ trình loại bỏ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Chương X
BIỆN PHÁP THÚC ĐẨY SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ
Điều 31. Hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng; phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo và kiểm toán năng lượng
1. Tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo tại địa bàn tỉnh sẽ được Nhà nước ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn, đất đai để xây dựng cơ sở sản xuất theo quy định hiện hành.
2. Phương tiện, thiết bị, phụ tùng, linh kiện tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo mà trong nước chưa sản xuất được thì được miễn, giảm thuế nhập khẩu theo quy định tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP.
3. Hỗ trợ một phần kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các đối tượng sau:
a) Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm:
- Thực hiện lần đầu kiểm toán sẽ được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí kiểm toán, nhưng không quá 50 triệu đồng/một cơ sở.
- Áp dụng mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở các toà nhà, doanh nghiệp theo hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí, nhưng tối đa không quá 70 triệu đồng/ một mô hình.
b) Hộ gia đình thực hiện mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ được Nhà nước hỗ trợ tài chính 30% chi phí vật tư, thiết bị:
- Mô hình gồm 02 đèn compact, một bình đun nước nóng mặt trời, mức tối đa không quá 1.350.000 đồng /mô hình.
- Mô hình gồm 02 đèn compact, một hầm biogas mức tối đa không quá 800.000 đồng /mô hình.
- Hộ nghèo theo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 mức ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa bằng hai lần so với quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 5 Điều này.
Điều 32. Tuyên truyền, giáo dục, phát triển dịch vụ tư vấn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
1. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đưa tin, bài về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, động viên sự tham gia của nhân dân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
2. Đưa nội dung thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng vào hoạt động của các hội khoa học kỹ thuật, tổ chức đoàn thể quần chúng.
3. Tổ chức các phòng trưng bày sản phẩm tiết kiệm năng lượng, tổ chức các cuộc thi sáng tạo về tiết kiệm năng lượng.
Chương XI
KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ
Điều 33. Nội dung kiểm tra, thanh tra về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
1. Chế độ, nội dung báo cáo, kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kiểm toán năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
2. Hoạt động của các tổ chức tư vấn kiểm toán năng lượng.
3. Chế độ báo cáo, thống kê sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng.
4. Việc tuân thủ các quy định về hoạt động dán nhãn năng lượng.
5. Việc tuân thủ các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước.
6. Các hành vi bị cấm tại Điều 5 của Quy định này và hành vi bị cấm trong văn bản quy phạm pháp luật khác về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Điều 34. Quyền hạn và trách nhiệm về kiểm tra, thanh tra sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
1. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quản lý năng lượng có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra việc sử dụng năng lượng của cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; kiểm tra hoạt động dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng theo quy định hiện hành.
2. Đoàn thanh tra, thanh tra viên khi tiến hành thanh tra về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có trách nhiệm:
a) Thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về thanh tra; không được gây phiền hà, sách nhiễu, làm cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của đối tượng thanh tra.
b) Áp dụng kịp thời các biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận thanh tra và biện pháp xử lý do mình quyết định.
Điều 35. Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Đối tượng thanh tra về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Cung cấp cho đoàn thanh tra, thanh tra viên các tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra.
2. Tạo điều kiện để đoàn thanh tra và thanh tra viên thực hiện nhiệm vụ.
3. Chấp hành các quyết định xử lý của đoàn thanh tra, thanh tra viên.
4. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Điều 36. Xử lý hành chính các hành vi vi phạm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Các hành vi vi phạm gồm:
a) Vi phạm quy định về kiểm toán năng lượng;
b) Vi phạm quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, xây dựng, chiếu sáng công cộng, giao thông vận tải, sản xuất nông nghiệp;
c) Vi phạm quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm;
d) Vi phạm quy định về dán nhãn năng lượng trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối phương tiện, thiết bị tiêu thụ năng lượng;
đ) Vi phạm quy định về sản xuất, nhập khẩu, lưu thông phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị bị loại bỏ;
e) Hành vi cản trở hoạt động công vụ trong sử dụng năng tiết kiệm và hiệu quả, sẽ bị xử lý hành chính theo quy định hiện hành.
Chương XII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 37. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
1. Sở Công Thương Cao Bằng chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Quy định này và những quy định khác của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
2. Sở Xây dựng Cao Bằng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động xây dựng và chiếu sáng công cộng.
3. Sở Giao thông Vận tải Cao Bằng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải và trong kinh doanh vận tải.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi, thuỷ sản.
5. Sở Văn hoá thể thao và Du lịch Cao Bằng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động dịch vụ thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Sở.
6. Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng phổ biến và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, bảo quản sau thu hoạch, tận dụng các phế thải của nông nghiệp để chế thành nhiên liệu sinh học phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.
7. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Cao Bằng có trách nhiệm rà soát, xác nhận hộ nghèo đạt tiêu chí theo quy định hiện hành.
8. Sở Tài chính Cao Bằng có trách nhiệm kiểm tra việc mua sắm phương tiện, thiết bị của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước theo quy định hiện hành.
9. Căn cứ nhu cầu thực tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho đối tượng quy định tại Điều 31 Quy định này.
Điều 38. Trách hiệm của Uỷ ban nhân các cấp và Công ty Điện lực Cao Bằng
1. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Tuyên truyền, vận động cơ sở dịch vụ, hộ gia đình thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
b) Quản lý việc thực hiện các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của cơ sở hoạt động dịch vụ tại địa phương;
c) Vận động hộ gia đình thực hiện mô hình hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hưởng ứng các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm.
d) Chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với Điện lực sở tại tư vấn, hướng dẫn hộ gia đình lựa chọn các loại thiết bị chiếu sáng được sản xuất công nghệ tiên tiến, hiệu suất phát sáng cao; thiết bị gia nhiệt bằng năng lượng sạch thân thiện với môi trường.
2. Trách nhiệm của Công ty Điện lực Cao Bằng
Chỉ đạo Điện lực huyện, thành phố Cao Bằng phối hợp với phòng Công Thương các huyện, thành phố thực hiện những nội dung sau:
a) Tiếp tục thực hiện các chương trình quảng bá đèn tiết kiệm năng lượng, đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng tái tạo, thiết bị đun nóng bằng năng lượng mặt trời, các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
b) Tham gia các mô hình thí điểm quy mô hộ gia đình và quy mô lớn sử dụng các dạng năng lượng tái tạo (như mặt trời, khí sinh học...), phổ biến và nhân rộng các mô hình.
c) Tổ chức các cuộc vận động, thi đua gia đình tiết kiệm năng lượng, tạo phong trào phổ biến và giới thiệu các giải pháp và sử dụng các thiết bị gia dụng hiệu suất cao trong mỗi hộ gia đình.
Điều 39. Điều khoản thi hành
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng năng lượng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có nội dung nào chưa phù hợp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh./.