Thông tư số 19/2013/TT-BNNPTNT ngày 15/03/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp
- Số hiệu văn bản: 19/2013/TT-BNNPTNT
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Ngày ban hành: 15-03-2013
- Ngày có hiệu lực: 01-05-2013
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 18-07-2017
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4223 ngày (11 năm 6 tháng 28 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2013 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN BIỆN PHÁP SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM, HIỆU QUẢ TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính Phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính Phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính Phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Hướng dẫn biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản và diêm nghiệp.
Chương 2
BIỆN PHÁP SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ ĐỐI VỚI TỪNG LĨNH VỰC
Điều 3. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật
1. Quy hoạch hợp lý; đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo giống, phát triển cây nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học năng suất cao, chất lượng tốt.
2. Ưu tiên nghiên cứu, chọn tạo và phổ biến các giống cây trồng mới có khả năng chống chịu hạn, úng, mặn và chống chịu sâu bệnh.
3. Điều chỉnh linh hoạt cơ cấu mùa vụ phù hợp với từng vùng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với từng loại đất canh tác.
4. Sử dụng hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ưu tiên áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên đồng ruộng bằng biện pháp phòng trừ tổng hợp.
5. Thu gom, tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, vỏ trấu, bã mía,...) để làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác như: trồng nấm, sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, chất đốt, sinh khối (biomass) sử dụng cho các nhu cầu sinh hoạt, chế biến, bảo quản nông sản.
Điều 4. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y
1. Quy hoạch chuồng trại hợp lý, triệt để sử dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên khi thiết kế và xây dựng chuồng trại, hạn chế sử dụng các loại bóng đèn sợi đốt để chiếu sáng và sưởi ấm trong các trang trại chăn nuôi.
2. Xây dựng và phát triển công trình, thiết bị khí sinh học (biogas) tại các hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi để xử lý chất thải chăn nuôi tạo nguồn năng lượng sinh học.
3. Xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín theo tiêu chuẩn tiên tiến, công nghệ sạch, tiết kiệm nước, giảm rơi vãi thức ăn; sử dụng phù hợp thức ăn cho từng đối tượng vật nuôi và giai đoạn sinh trưởng, sinh sản. Hạn chế sử dụng dư thừa dinh dưỡng trong chăn nuôi.
4. Áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi hợp lý, đảm bảo vệ sinh và các biện pháp phòng bệnh chặt chẽ nhằm giảm thiểu hao hụt đầu con, đồng thời giảm tiêu tốn năng lượng khi tiêu hủy vật nuôi bị ốm, chết.
5. Ưu tiên nghiên cứu chọn tạo và phổ biến các giống vật nuôi mới cho năng suất cao, ít tiêu tốn thức ăn cho một đơn vị sản phẩm.
Điều 5. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực thủy lợi
1. Công tác quy hoạch
Tổ chức quy hoạch hệ thống thủy lợi hợp lý; ưu tiên giải pháp tưới, tiêu tự chảy; ưu tiên xây dựng đường dẫn nước kín thay thế cho kênh dẫn hở hình thang để giảm lượng tiêu hao nước và diện tích chiếm đất; từng bước thay thế hình thức tưới truyền thống (tưới bề mặt chảy tràn) bằng các hình thức tưới khác tiết kiệm nước (tưới phun mưa, phun sương, tưới nhỏ giọt, tưới ủ ẩm, ủ gốc,…);
2. Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả
a) Kiểm tra, đánh giá tình hình thời tiết, hiện trạng nguồn nước (lượng mưa, hồ chứa, sông suối, xâm nhập mặn...) để xây dựng kế hoạch sử dụng nước cân đối với khả năng đáp ứng của nguồn nước.
b) Áp dụng các biện pháp khoa học tưới tiết kiệm nước, thực hiện chủ trương “dồn điền, đổi thửa”, làm phẳng mặt ruộng.
c) Tổ chức nạo vét lòng dẫn các công trình lấy nước, cấp nước; dọn sạch bèo, rác, khơi thông dòng chảy, giải tỏa ách tắc và các vật cản trên hệ thống kênh dẫn nước, cống lấy nước, bể hút trạm bơm; có kế hoạch tiêu nước đệm hợp lý để phòng chống úng.
3. Vận hành hệ thống thủy lợi hợp lý theo từng loại hình công trình
a) Đối với hệ thống tự chảy (hồ, đập, cống...): xây dựng kế hoạch và chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan điều hành hệ thống hồ chứa, cấp nước phục vụ sản xuất đúng thời vụ; thực hiện nghiêm túc việc luân phiên cấp nước theo tuyến kênh; kiểm tra, tu bổ các bờ vùng, bờ thửa, không để tình trạng rò rỉ nước qua bờ kênh, cửa van, cánh cống.
b) Đối với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long: từng bước hoàn thiện hệ thống bờ bao, bờ vùng, bờ thửa, cống, đập đảm bảo chủ động trong việc lấy và tháo nước nhằm khai thác hiệu quả nguồn lợi tổng hợp khi lũ đến và lũ đi.
c) Các trạm bơm điện: xây dựng lịch bơm cấp nước, đảm bảo hoạt động đồng bộ toàn hệ thống giữa các trạm bơm nhỏ với trạm bơm lớn; theo dõi thường xuyên mực nước, tranh thủ bơm vào các giờ thấp điểm để tận dụng nguồn điện lưới và tiết kiệm.
Lập kế hoạch thay thế dần các loại máy bơm và động cơ điện công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp để thay thế bằng các loại máy bơm và động cơ điện mới hiệu suất cao.
d) Đối với vùng triều: thực hiện việc đo đạc, giám sát xâm nhập mặn tại các cửa cống, bể hút trạm bơm để vận hành tối đa năng lực của hệ thống bơm khi điều kiện cho phép.
Điều 6. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực lâm nghiệp
1. Về Phát triển rừng
a) Xúc tiến tái sinh, phục hồi và làm giàu rừng trên các vùng đất quy hoạch.
b) Ưu tiên nghiên cứu, chọn tạo và phổ biến các giống cây lâm nghiệp năng suất cao có khả năng chống chịu sâu bệnh và chống chịu hạn.
c) Điều chỉnh linh hoạt mùa vụ trồng rừng phù hợp với từng vùng;
d) Tăng tỷ lệ cây xanh trong các khu dân cư, khu đô thị giúp cải thiện môi trường sống, điều hòa không khí, tăng lượng hấp thụ khí các bon níc (CO2) và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
2. Về quản lý rừng
a) Thực hiện xử lý thực bì bằng phương thức dọn sống; băm chặt cành nhánh vun thành luống tại chỗ để tạo phân hữu cơ tự nhiên làm giàu đất rừng. Hạn chế xử lý thực bì bằng phương thức đốt.
b) Triển khai thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững.
3. Về sử dụng rừng
a) Quy hoạch công trình vận xuất phục vụ khai thác một cách hợp lý.
b) Lựa chọn công nghệ khai thác và chế biến phù hợp, tiết kiệm năng lượng, tăng tỷ lệ lợi dụng gỗ trong khai thác và chế biến.
c) Triển khai công nghệ xử lý, tái sử dụng các phụ phẩm phát sinh (thực bì, mùn cưa, phụ phẩm,...) để giảm chi phí xử lý chất thải và chi phí đầu vào cho sản xuất, chế biến.
d) Phát triển và ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, đầu tư thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời trong chế biến lâm, đặc sản.
e) Triệt để sử dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên khi thiết kế, xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản.
Điều 7. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản
1. Ưu tiên nghiên cứu, chọn tạo và phổ biến các giống thủy sản chất lượng tốt, năng suất cao; cải tiến kỹ thuật nuôi nhằm tăng tỷ lệ chuyển hóa thức ăn.
2. Hạn chế sử dụng dư thừa thức ăn trong các hệ thống nuôi; kiểm soát dịch bệnh; đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm.
3. Xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản tiết kiệm nước; mở rộng các mô hình nuôi kết hợp, nuôi ghép (luân canh, đa canh – tận dụng bậc dinh dưỡng, nuôi kết hợp – trang trại kết hợp VAC).
4. Áp dụng công nghệ mới trong xử lý ao nuôi theo hướng thân thiện với môi trường (tận dụng thực vật thủy sinh để xử lý môi trường, sử dụng công nghệ lọc tuần hoàn để hạn chế thay nước).
5. Triệt để sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời) trong các hệ thống nuôi.
Điều 8. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
1. Tổ chức dự báo ngư trường và thông báo kịp thời tới ngư dân.
2. Xây dựng mô hình tổ chức sản xuất, khai thác kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển nhằm tăng cường hiệu quả khai thác và bảo vệ ngư trường.
3. Lập kế hoạch loại bỏ dần phương tiện đánh bắt thủy sản có công nghệ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp không thỏa mãn tiêu chuẩn tối thiểu về khí thải để thay thế bằng các phương tiện, ngư cụ, thiết bị chế biến và bảo quản tiên tiến, hiệu suất cao.
Điều 9. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực diêm nghiệp
1. Quy hoạch phát triển sản xuất muối theo hướng tập trung vào vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho năng suất và chất lượng cao, sản lượng lớn.
2. Quy hoạch mặt bằng và bố trí các ô ruộng sản xuất muối một cách hợp lý, tận dụng tối đa địa hình để áp dụng hình thức cấp nước và chuyển nước mặn tự chảy. Tăng cường sử dụng sức gió thay cho dùng bơm động lực trong quá trình sản xuất muối.
3. Chuyển đổi dần mô hình từ sản xuất muối thủ công sang sản xuất muối sạch quy mô lớn gắn với chế biến và thị trường.
Điều 10. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản và muối
1. Quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý, ưu tiên ứng dụng công nghệ sản xuất nguyên liệu sạch hơn để tiết kiệm chi phí trong sản xuất, chế biến.
2. Triệt để sử dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên khi thiết kế, xây dựng cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến.
3. Xây dựng quy trình và tổ chức sản xuất phù hợp với từng khâu công việc, từng loại máy. Thiết bị phải đồng bộ, đạt hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải.
4. Ưu tiên sử dụng công nghệ, thiết bị, máy móc tiến, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn, có dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Từng bước loại bỏ công nghệ, thiết bị, máy móc, phương tiện, trang bị công cụ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp theo quy định và lộ trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Từng bước đổi mới công nghệ, thiết bị. Khuyến khích áp dụng công nghệ, thiết bị, máy móc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển sản phẩm.
Điều 11. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các làng nghề
1. Phát triển và ứng dụng các thiết bị, máy móc sử dụng nhiên liệu sinh học, năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió, biogas, biomass) trong các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất, các cơ sở chế biến khu vực nông thôn.
2. Lựa chọn các loại vật liệu mới, kỹ thuật mới, các thiết bị, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí và giảm phát thải trong các cơ sở sản xuất làng nghề, cơ sở chế biến.
3. Triển khai các công nghệ xử lý và tái sử dụng chất thải sinh hoạt nông thôn, chất thải tại các cơ sở sản xuất làng nghề; các cơ sở chế biến gỗ, thủy sản, cà phê, cơ sở xay xát, các nhà máy mía đường.
4. Phát triển và ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn để tiết kiệm chi phí đầu vào.
Chương 3
TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách nhiệm và tổ chức thực hiện
1. Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối
a) Là đầu mối thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ về các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
b) Tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
c) Chủ trì xây dựng, và trình Bộ phê duyệt kế hoạch thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
2. Các Cục, Vụ, Tổng cục, Trung tâm trực thuộc Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Điều 13. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2013.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |