cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 09/2014/CT-UBND ngày 14/04/2014 Tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch, ngói đất sét nung trên địa bàn tỉnh Phú Yên (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 09/2014/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Ngày ban hành: 14-04-2014
  • Ngày có hiệu lực: 29-04-2014
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-02-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1763 ngày (4 năm 10 tháng 3 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 25-02-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 25-02-2019, Chỉ thị số 09/2014/CT-UBND ngày 14/04/2014 Tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch, ngói đất sét nung trên địa bàn tỉnh Phú Yên (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 252/QĐ-UBND ngày 25/02/2019 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên kỳ 2014-2018”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2014/CT-UBND

Tuy Hòa, ngày 14 tháng 4 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG VÀ HẠN CHẾ SẢN XUẤT, SỬ DỤNG GẠCH, NGÓI ĐẤT SÉT NUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN

Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh việc sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và lò vòng, lò vòng cải tiến sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp, đã gây nhiều yếu tố bất lợi cho con người và môi trường như: Lãng phí tài nguyên đất nông nghiệp, tiêu tốn nhiều nhiên liệu, làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực, năng lượng quốc gia; gây ô nhiễm môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và sản xuất nông nghiệp; ngân sách Nhà nước bị thất thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và các khoản thu khác.

Để thực hiện theo lộ trình quy định tại Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD ngày 24/7/2000 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy định đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung; đồng thời, thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng về việc quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng; Công văn số 73/HĐND ngày 08/4/2014 của Hội đồng nhân dân Tỉnh, với chủ trương phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch ngói đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội, UBND tỉnh Phú Yên chỉ thị:

1. Về lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò sản xuất gạch, ngói đất sét nung:

- Đối với lò thủ công, lò thủ công cải tiến: Đến hết năm 2013 không còn lò thủ công, lò thủ công cải tiến sản xuất gạch, ngói đất sét nung tại thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu và các thị trấn trên địa bàn tỉnh Phú Yên; đến hết năm 2014 không còn lò thủ công, lò thủ công cải tiến sản xuất gạch ngói đất sét nung trên địa bàn Tỉnh.

- Đối với lò đứng liên tục: Đến hết năm 2017 không còn lò đứng liên tục sản xuất gạch ngói đất sét nung tại thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, các thị trấn trên địa bàn tỉnh Phú Yên, các khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu; đến hết năm 2020 các cơ sở sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò đứng liên tục không được phép hoạt động.

- Đối với lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí): Chủ cơ sở sản xuất lên kế hoạch dừng sản xuất hoặc chuyển đổi sang lò tuynen chậm nhất hoàn thành tháng 12/2015.

- Đối với lò vòng, lò vòng cải tiến sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp (còn gọi là lò hoffman): Chủ cơ sở sản xuất lên kế hoạch dừng sản xuất hoặc chuyển đổi sang lò tuynen, chậm nhất hoàn thành tháng 12/2017.

- Từ nay không cho phép mở rộng quy mô công trình: Công suất, diện tích và đầu tư xây dựng mới các lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và lò vòng sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp để sản xuất gạch, ngói đất sét nung.

2. Về sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng:

Vật liệu xây không nung bao gồm:

- Gạch xi măng - cốt liệu;

- Vật liệu nhẹ (gạch từ bêtông khí chưng áp, gạch từ bêtông khí không chưng áp, gạch từ bêtông bọt, tấm Panel từ bêtông khí chưng áp);

- Tấm tường thạch cao, tấm 3D;

- Gạch khác (đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicát...).

Các sản phẩm vật liệu không nung trên phải phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

a) Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung theo lộ trình sau:

- Các công trình xây dựng có sử dụng vật liệu xây tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung kể từ ngày Chỉ thị này có hiệu lực.

- Các công trình xây dựng có sử dụng vật liệu xây tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung kể từ ngày Chỉ thị này có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung.

b) Các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ (gạch từ bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông bọt,...) trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây) (quy định này chỉ áp dụng khi tỉnh Phú Yên có nhà máy sản xuất vật liệu xây không nung loại nhẹ).

c) Đối với một số công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng vật liệu xây không nung thì phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

d) Khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, không phân biệt đô thị, không phân biệt số tầng.

e) Xử lý chuyển tiếp: Các công trình đã được cấp phép xây dựng hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án trước ngày Chỉ thị này có hiệu lực thì thực hiện như Giấy phép đã được cấp hoặc Quyết định đã được phê duyệt; khuyến khích Chủ đầu tư thay đổi thiết kế để sử dụng vật liệu không nung.

3. Tổ chức thực hiện:

a) Sở Xây dựng:

- Hướng dẫn và theo dõi việc tuân thủ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và lò vòng sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp sản xuất gạch ngói đất sét nung trên địa bàn Tỉnh theo đúng lộ trình và việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng theo quy định tại Chỉ thị này. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất vật liệu xây không nung áp dụng các tiêu chuẩn, quy định trong sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tổng hợp và có báo cáo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất cho UBND Tỉnh, Bộ Xây dựng xem xét, chỉ đạo.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Chỉ thị này, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở và các quy định hiện hành.

- Chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường giám sát, kiểm tra việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, đảm bảo tuân thủ quy định tại Chỉ thị này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

- Tăng cường công tác quản lý, triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chủ tịch UBND Tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2139/QĐ-UBND ngày 21/12/2012.

- Xây dựng và công bố đơn giá xây dựng công trình sử dụng vật liệu xây không nung trên cơ sở định mức Bộ Xây dựng đã ban hành để các Chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn tham khảo, sử dụng vào việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn Tỉnh.

b) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Không tiếp nhận thẩm định hồ sơ, trình UBND Tỉnh cấp Giấy phép khai thác các mỏ đất sét cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và lò vòng, lò vòng cải tiến sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng, lò vòng cải tiến sử dụng nhiên liệu hóa thạch và lò vòng sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp có dấu hiệu vi phạm môi trường, khai thác đất làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói nung trái phép, để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ và các quy định hiện hành.

- Rà soát tham mưu cho UBND Tỉnh trình HĐND Tỉnh quyết định nâng mức phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác đất sét làm gạch, ngói nung lên mức tối đa.

c) Sở Khoa học và Công nghệ:

- Ưu tiên bố trí vốn cho các Đề án nghiên cứu công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung và sản xuất thiết bị cho sản xuất vật liệu xây không nung.

- Hướng dẫn áp dụng ưu đãi về chuyển giao công nghệ với các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung và chuyển đổi các lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng, lò vòng cải tiến sử dụng nhiên liệu hóa thạch và lò vòng sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp sang công nghệ lò tuynen.

- Không sử dụng vốn khoa học công nghệ hàng năm hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng công nghệ lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng, lò vòng cải tiến sử dụng nhiên liệu hóa thạch và lò vòng sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp.

d) Sở Công Thương:

Không sử dụng kinh phí khuyến công hàng năm hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng công nghệ lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và lò vòng sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp.

e) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan tham mưu UBND Tỉnh ban hành mức kinh phí hỗ trợ đối với việc xóa bỏ các lò sản xuất gạch, ngói thủ công (hỗ trợ phá dỡ lò, hỗ trợ lao động đang làm việc trực tiếp tại các lò sản xuất gạch, ngói thủ công, đào tạo chuyển đổi nghề).

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm dạy nghề, các phòng ban liên quan và các Hội đoàn thể tiến hành tổ chức rà soát lập danh sách, lên kế hoạch tổ chức đào tạo nghề cho số lao động làm việc trực tiếp ở các lò sản xuất gạch ngói thủ công bị mất việc làm theo nguồn kinh phí của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”; đồng thời, trên cơ sở nghề mới được đào tạo, tư vấn giới thiệu để các đối tượng này có được việc làm ổn định.

g) Sở Tài chính:

Hàng tháng, chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng để đưa giá các loại vật liệu xây không nung vào bảng công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn Tỉnh.

h) Sở Thông tin và Truyền thông:

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các quy định tại Chỉ thị này, quảng bá những chính sách khuyến khích, những mặt có lợi khi sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung và tác hại gây ra từ việc sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công để nhân dân biết, tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu.

i) UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Tuyên truyền vận động và giải thích pháp luật cho nhân dân trong việc không được phép san gạt đồng ruộng để cung cấp nguồn đất sét cho các lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và lò vòng, lò vòng cải tiến sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp. Khi cần thiết cải tạo đồng ruộng thì phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp phép. Đồng thời, có biện pháp kiên quyết trong việc kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm.

- Tổ chức kiểm tra, xây dựng kế hoạch tiến độ chấm dứt hoạt động các lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và lò vòng, lò vòng cải tiến sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp sản xuất gạch ngói đất sét nung trên địa bàn theo lộ trình quy định nêu trên.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra cấp huyện phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng (hoặc Phòng Quản lý đô thị thị xã, thành phố), Phòng Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm theo quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở và Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác theo thẩm quyền.

- Chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường giám sát, kiểm tra, khuyến khích việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, đảm bảo tuân thủ quy định tại Chỉ thị này.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công chuyển đổi nghề nghiệp. Ưu tiên đào tạo nghề theo Đề án đào tạo nghề của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội; đối với khu vực nông thôn thực hiện việc đào tạo nghề theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, ban hành tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Các đối tượng này được ưu tiên giới thiệu địa điểm để xây dựng cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung. Tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất vật liệu xây không nung đầu tư vào địa bàn và được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của Nhà nước hiện hành và các ưu đãi của địa phương.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan trong công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và việc quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn. Tổng hợp và có báo cáo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất cho Sở Xây dựng.

k) Các tổ chức, cá nhân đang hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung:

- Nghiêm túc thực hiện theo các nội dung quy định tại Chỉ thị này và các quy định khác của các cơ quan Nhà nước trong hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung.

- Không được sử dụng các loại đất sét sau để sản xuất gạch ngói nung: Đất sản xuất nông nghiệp, đất trong phạm vi các khu di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh; đất thuộc phạm vi bảo vệ hành lang đường giao thông, đê, kè, cầu, cống, đường sắt, đường điện cao thế. Không được đốt lò nung gạch ngói bằng củi, gỗ.

- Chủ động thực hiện đúng theo lộ trình chấm dứt hoạt động việc sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và lò vòng, lò vòng cải tiến sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp theo quy định tại Chỉ thị này.

l) Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Chỉ thị số 32/2012/CT-UBND ngày 21/12/2012 của UBND Tỉnh.

UBND Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất gạch ngói đất sét nung trên địa bàn Tỉnh nghiêm túc triển khai, thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Đình Cự