Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND ngày 13/08/2012 Về Quy định quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống thoát nước đô thị và khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- Số hiệu văn bản: 33/2012/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Đà Nẵng
- Ngày ban hành: 13-08-2012
- Ngày có hiệu lực: 23-08-2012
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 17-12-2012
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-01-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2331 ngày (6 năm 4 tháng 21 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 10-01-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/2012/QĐ-UBND | Đà Nẵng, ngày 13 tháng 8 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC ĐÔ THỊ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Thông tư số 09/2009/TT-BXD ngày 21 tháng 5 năm 2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết thực hiện một số nội dung của Nghị định 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 413/TTr-SXD ngày 16 tháng 5 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống thoát nước đô thị và khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2. Giám đốc Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 38/2005/QĐ-UB ngày 01 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trưởng ban Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất; Trưởng ban Ban quản lý Khu công nghệ cao; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải; Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng; Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC ĐÔ THỊ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33 /2012/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thoát nước tại khu vực đô thị và các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây gọi tắt là hệ thống thoát nước đô thị); quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có hoạt động liên quan đến thoát nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đối với các khu dân cư tập trung nông thôn có điều kiện xây dựng hệ thống thoát nước tập trung thì khuyến khích áp dụng Quy định này.
2. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến thoát nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Hoạt động thoát nước là các hoạt động có liên quan trong lĩnh vực thoát nước, bao gồm: quy hoạch, tư vấn thiết kế, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác, sử dụng hệ thống thoát nước.
2. Dịch vụ thoát nước là hoạt động quản lý, vận hành hệ thống thoát nước nhằm đáp ứng yêu cầu thoát nước mưa, nước thải và xử lý nước thải của các đối tượng có nhu cầu thoát nước theo các quy định của pháp luật.
3. Hộ thoát nước bao gồm các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cơ quan hành chính sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cơ sở xây dựng, bệnh viện, khu công nghiệp xả nước mưa, nước thải vào hệ thống thoát nước.
4. Nước thải là nước đã bị thay đổi đặc điểm, tính chất do sử dụng hoặc do các hoạt động của con người xả vào hệ thống thoát nước hoặc ra môi trường.
5. Nước thải sinh hoạt là nước thải ra từ các hoạt động sinh hoạt của con người như ăn uống, tắm giặt, vệ sinh cá nhân.
6. Hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (dưới đây gọi tắt là hệ thống thoát nước đô thị) là bộ phận của kết cấu hạ tầng đô thị để thu gom, vận chuyển, tiêu thoát nước mưa, nước thải, chống úng ngập và xử lý nước thải, bao gồm:
a) Toàn bộ mạng lưới cống, kênh mương thu gom và chuyển tải, hồ điều hòa nước, hồ ao thu nước, các công trình đầu mối như trạm bơm, cửa xả và các bộ phận công trình phụ trợ như giếng kiểm tra, hố ga, cửa thu nước.
b) Hệ thống thu gom nước thải, trạm (nhà máy) xử lý nước thải.
c) Những công trình phụ trợ như đường quản lý quanh hồ, đường quản lý dọc hai bên bờ kênh mương thoát nước.
7. Điểm đấu nối là các điểm xả nước của các hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước.
8. Điểm xả là nơi xả nước ra môi trường của hệ thống thoát nước hoặc các hộ thoát nước đơn lẻ.
9. Nguồn tiếp nhận là một bộ phận của môi trường bao gồm: các nguồn nước chảy thường xuyên hoặc định kỳ như ao, hồ, sông, suối, kênh mương, nước ngầm, biển.
10. Cống bao là tuyến cống chính có các giếng tách nước thải để thu gom toàn bộ nước thải khi không có mưa và một phần nước thải đã hòa trộn khi có mưa trong hệ thống thoát nước chung từ các lưu vực khác nhau và vận chuyển đến trạm bơm hoặc trạm xử lý nước thải.
Điều 3. Nội dung quản lý và khai thác hệ thống thoát nước đô thị
1. Phân cấp quản lý hệ thống thoát nước đô thị.
2. Quản lý xây dựng hệ thống thoát nước đô thị.
3. Đấu nối hệ thống thoát nước đô thị.
4. Quản lý khai thác, duy trì thường xuyên hệ thống thoát nước đô thị.
5. Xử lý ngập úng đô thị.
6. Quyền và nghĩa vụ của các đối tượng sử dụng hệ thống thoát nước.
7. Tổ chức thực hiện.
Chương II
PHÂN CẤP, TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC ĐÔ THỊ
Điều 4. Tổ chức và phân cấp quản lý hệ thống thoát nước đô thị
1. Sở Xây dựng là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thoát nước trên địa bàn thành phố, hướng dẫn các đơn vị và địa phương về chuyên môn nghiệp vụ quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống thoát nước đô thị.
2. Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống thoát nước đã bàn giao đưa vào sử dụng, bao gồm:
a) Các tuyến cống chính, tuyến cống liên phường, cống thoát nước khu vực, các tuyến cống bao.
b) Mạng lưới cống thoát nước dọc đường phố, đường quy hoạch trong các khu đô thị mới, khu dân cư.
c) Toàn bộ hệ thống kênh, mương, hồ điều tiết khu vực.
d) Các công trình đầu mối: trạm bơm, cửa xả, trạm xử lý nước thải (ngoại trừ các trạm xử lý thuộc các khu công nghiệp và khu chế xuất, các trạm xử lý do các nhà đầu tư trực tiếp quản lý, vận hành).
3. UBND các quận, huyện trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống thoát nước đã bàn giao đưa vào sử dụng, bao gồm:
a) Mạng lưới cống thoát nước dọc các đường kiệt, hẻm trong các khu dân cư (ngoài trừ cống liên phường).
b) Hệ thống mương, rãnh thoát nước, ao, hồ trong các khu dân cư nhỏ, nhóm nhà ở.
4. Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thuộc phạm vi do đơn vị quản lý theo quy chế hoạt động của đơn vị và các quy định của nhà nước.
5. Các chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án quản lý, bảo đảm thoát nước cho hệ thống thoát nước thuộc phạm vi dự án do đơn vị đang triển khai thực hiện (trong thời gian chưa bàn giao đưa vào quản lý, sử dụng).
Điều 5. Sở Xây dựng có trách nhiệm
1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với toàn bộ hoạt động thoát nước đô thị.
2. Tiếp nhận và hướng dẫn Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải trực tiếp quản lý các công trình thuộc hệ thống thoát nước đô thị.
3. Phê duyệt quy hoạch chiều cao và thoát nước của các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng, các dự án giao thông, thoát nước đơn lẻ trên địa bàn thành phố.
4. Chỉ đạo các đơn vị quản lý thoát nước đô thị xây dựng kế hoạch ngắn hạn, kế hoạch dài hạn nhằm duy trì và phát triển hệ thống thoát nước đô thị trên cơ sở Quy hoạch chung phát triển đô thị, Quy hoạch chiều cao và thoát nước thành phố đã được phê duyệt, kiểm tra, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt để làm cơ sở triển khai thực hiện.
5. Thỏa thuận đấu nối thoát nước vào hệ thống thoát nước đô thị cho các hộ thoát nước theo đề nghị của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải theo phân cấp quy định tại khoản 6 Điều 10 Quy định này.
6. Phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường trong vấn đề xác định danh mục và kinh phí dự toán thực hiện đặt hàng dịch vụ thoát nước đô thị do Sở Tài nguyên Môi trường lập trước khi trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt.
7. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải, thẩm định các giải pháp xử lý thoát nước chống ngập úng trên địa bàn thành phố.
8. Chỉ đạo Thanh tra Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm hệ thống thoát nước đô thị theo đúng quy định.
Điều 6. Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm
1. Xây dựng, phát triển và quản lý hệ thống thoát nước đô thị trong phạm vi quản lý trên địa bàn quận, huyện theo phân cấp quy định tại khoản 3 Điều 4 Quy định này.
2. Hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn quận, huyện sử dụng và bảo quản hệ thống thoát nước đô thị.
3. Thỏa thuận, cấp phép thi công đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị và giám sát việc thi công đấu nối cho các hộ thoát nước theo phân cấp quy định tại khoản 7 Điều 10 Quy định này.
4. Phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan trong việc quản lý, khai thác hệ thống thoát nước đô thị; chỉ đạo Đội quy tắc quận xử lý các trường hợp vi phạm hệ thống thoát nước đô thị theo đúng quy định.
Điều 7. Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải có trách nhiệm
1. Lập hồ sơ, quản lý và vận hành hệ thống thoát nước theo phân cấp quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy định này.
2. Tổ chức hướng dẫn sử dụng các công trình thoát nước phù hợp với yêu cầu kỹ thuật;
3. Có kế hoạch và thường xuyên tổ chức kiểm tra, nạo vét, duy tu, sửa chữa, đề xuất xây dựng bổ sung các hạng mục công trình thuộc hệ thống thoát nước đô thị.
4. Thỏa thuận đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị và giám sát việc thi công đấu nối cho các hộ thoát nước theo phân cấp quy định tại khoản 5 Điều 10 Quy định này.
5. Theo dõi tình trạng ngập úng; phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức thực hiện hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời.
6. Kiểm tra, phát hiện, xử lý hoặc đề xuất,báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm hệ thống thoát nước đô thị.
Chương III
QUẢN LÝ XÂY DỰNG HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC ĐÔ THỊ
Điều 8. Nguyên tắc quản lý xây dựng công trình thoát nước đô thị.
1. Tất cả các dự án, công trình thoát nước đô thị đều phải được thẩm định, xét duyệt trên cơ sở quy hoạch chiều cao và thoát nước thành phố và các đồ án quy hoạch chiều cao thoát nước của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Nhà nước.
2. Các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật khác (giao thông, thủy lợi, cấp nước, thông tin liên lạc...) phải đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống thoát nước đô thị và khu công nghiệp có liên quan và được Sở Xây dựng xem xét, thống nhất bằng văn bản trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Khi cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là công trình giao thông có liên quan đến hệ thống thoát nước đô thị và khu công nghiệp thì chủ đầu tư phải có phương án bảo đảm thoát nước bình thường và có nghĩa vụ cải tạo, phục hồi hoặc xây dựng mới đồng bộ các hạng mục công trình thoát nước có liên quan theo quy hoạch.
4. Trong quá trình thi công công trình thoát nước đô thị, đơn vị thi công phải áp dụng các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; không để đất, cát, vật liệu xây dựng đổ xuống hệ thống thoát nước hiện có, gây ảnh hưởng đến thoát nước và ngập úng; không ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật khác lân cận.
5. Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải có quyền và nghĩa vụ tham gia giám sát quá trình xây dựng các hạng mục công trình thoát nước của các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan.
Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải có quyền từ chối nhận bàn giao công trình thoát nước nếu chất lượng xây dựng không bảo đảm theo quy định.
Điều 9. Bàn giao công trình thoát nước đô thị đưa vào quản lý, vận hành, khai thác.
1. Công trình thoát nước đô thị trước khi bàn giao đưa vào quản lý, khai thác, sử dụng phải được tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình theo đúng quy định hiện hành và được đơn vị trực tiếp quản lý hệ thống thoát nước theo phân cấp kiểm tra, xác nhận bằng văn bản công trình không có vật cản gây tắc dòng chảy, đảm bảo điều kiện đưa vào vận hành, khai thác sử dụng.
2. Khi bàn giao toàn bộ hoặc bộ phận công trình thoát nước đô thị, chủ đầu tư phải bàn giao hồ sơ hoàn công thành phần như sau:
a) Bàn giao cho Sở Xây dựng: Bản vẽ hoàn công, các văn bản pháp lý có liên quan, kèm theo đĩa mềm ghi nội dung bản vẽ hoàn công, thuyết minh hoàn công.
b) Bàn giao cho đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác, sử dụng công trình thoát nước: Toàn bộ hồ sơ hoàn công, bao gồm bản vẽ hoàn công, hồ sơ pháp lý, tài liệu quản lý chất lượng, quy trình hướng dẫn vận hành, bảo trì công trình, kèm theo đĩa mềm ghi các nội dung hồ sơ hoàn công.
3. Việc bảo hành công trình thoát nước đô thị phải được thực hiện theo quy định về bảo hành công trình xây dựng của Nhà nước.
Chương IV
ĐẤU NỐI THOÁT NƯỚC ĐÔ THỊ
Điều 10. Quản lý đấu nối thoát nước đô thị
1. Việc đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị phải được kiểm soát chặt chẽ bởi đơn vị quản lý thoát nước đô thị (Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải) theo các nội dung: lưu lượng đấu nối, khả năng đảm nhận của hệ thống thoát nước hiện hữu, yêu cầu kỹ thuật của điểm đấu nối, phương án thi công, cải tạo vị trí đấu nối (trong trường hợp cần thiết) và quá trình thi công đấu nối.
2. Hộ thoát nước có nhu cầu đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị phải làm thủ tục để được xem xét, giải quyết theo quy định tại Điều 11 Quy định này.
3. Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải, Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ xin phép thi công đấu nối thoát nước của hộ thoát nước, kiểm tra, xử lý hồ sơ xin phép thi công đấu nối và quản lý điểm đấu nối theo phân cấp quản lý quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 Quy định này.
4. Trước khi cấp phép thi công đấu nối thoát nước, phải có văn bản thỏa thuận đấu nối thoát nước của đơn vị quản lý thoát nước đô thị theo phân cấp quy định tại khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều này.
5. Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải có trách nhiệm thỏa thuận đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị do đơn vị trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác theo phân cấp đối với nhà ở riêng lẻ hoặc từ chối thỏa thuận đấu nối theo quy định. Trường hợp đối với các loại hình công trình khác (công trình công cộng, thương mại dịch vụ, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu dân cư, khu đô thị mới...), Công ty có văn bản đề nghị Sở Xây dựng xem xét, thỏa thuận đấu nối theo quy định.
6. Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra và thỏa thuận đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị đối với các loại công trình (trừ nhà ở riêng lẻ) theo đề nghị của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải hoặc từ chối thỏa thuận đấu nối theo quy định.
7. Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thỏa thuận đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị do đơn vị trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác theo phân cấp hoặc từ chối thỏa thuận đấu nối theo quy định. Riêng đối với các loại công trình có khả năng gây ô nhiễm môi trường (công trình y tế, cơ sở sản xuất, dịch vụ), khi thỏa thuận đấu nối phải có ý kiến thống nhất của Sở Xây dựng.
Điều 11. Thủ tục cấp phép thi công đấu nối thoát nước
1. Hộ thoát nước có nhu cầu đấu nối thoát nước liên hệ Công ty Thoát nước và
Xử lý nước thải hoặc Ủy ban nhân dân các quận, huyện để làm thủ tục cấp phép thi công đấu nối thoát nước và nhận kết quả.
2. Hồ sơ đề nghị cấp phép thi công đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị bao gồm:
a) Đơn đề nghị được đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị.
b) Hồ sơ thiết kế đấu nối, thể hiện các nội dung: Vị trí đấu nối, lưu lượng đấu nối, biện pháp đấu nối và chất lượng nước thải (hoặc hồ sơ thiết kế công trình được phê duyệt có thể hiện phần đấu nối).
c) Biện pháp tổ chức thi công đấu nối và đảm bảo an toàn giao thông.
3. Thời gian xem xét, giải quyết cấp phép thi công đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị:
- Đối với trường hợp đấu nối vào hệ thống thoát nước do Ủy ban nhân dân các quận, huyện trực tiếp quản lý theo phân cấp (không liên quan đến hệ thống đường đô thị do Sở Giao thông Vận tải quản lý) là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này. Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm cấp phép thi công đấu nối cho hộ thoát nước (không phải xin giấy phép thi công đấu nối của Sở Giao thông Vận tải).
- Đối với trường hợp đấu nối vào hệ thống thoát nước do Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải trực tiếp quản lý theo phân cấp là 10 ngày làm việc (đối với trường hợp đối tượng có tính chất, quy mô, công suất không thuộc loại đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường), 15 ngày làm việc (đối với trường hợp đối tượng có tính chất, quy mô, công suất thuộc loại đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường), kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải thỏa thuận đấu nối thoát nước theo phân cấp quy định tại khoản 4 Điều 7 Quy định này hoặc đề nghị Sở Xây dựng thỏa thuận đấu nối theo phân cấp quy định tại khoản 5 Điều 5 Quy định này. Nếu không đồng ý cho phép đấu nối (hồ sơ không đảm bảo các yêu cầu theo quy định), đơn vị thỏa thuận đấu nối thoát nước phải trả lời bằng văn bản cho hộ thoát nước trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
Sau khi có văn bản thỏa thuận đấu nối thoát nước, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải có trách nhiệm liên hệ với Sở Giao thông Vận tải hoặc Ủy ban nhân dân các quận, huyện để được cấp giấy phép thi công đấu nối theo quy định và trả kết quả cấp phép thi công đấu nối cho hộ thoát nước.
4. Quá trình triển khai thi công đấu nối, hộ thoát nước có trách nhiệm hoàn trả mặt bằng, đảm bảo việc thoát nước, an toàn cho các công trình hạ tầng kỹ thuật lân cận, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị tại vị trí đấu nối.
5. Kinh phí thực hiện đấu nối thoát nước do hộ thoát nước tự chi trả.
Điều 12. Lệ phí cấp phép xây dựng thi công đấu nối thoát nước
Hộ thoát nước có trách nhiệm nộp lệ phí cấp phép xây dựng liên quan đến việc thi công đấu nối thoát nước cho đơn vị cấp phép khi được cấp phép theo quy định.
Chương V
QUẢN LÝ KHAI THÁC, DUY TRÌ THƯỜNG XUYÊN HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC ĐÔ THỊ
Điều 13. Nội dung quản lý chung hệ thống thoát nước đô thị
1. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải chịu trách nhiệm bảo vệ hệ thống thoát nước, kiểm tra đảm bảo điều kiện vận hành của hệ thống, kịp thời phát hiện những hư hỏng, sự cố công trình thoát nước, có phương án sửa chữa và tiến hành sửa chữa theo quy định hoặc báo cáo Sở Xây dựng xem xét, quyết định.
2. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao có trách nhiệm quản lý tài sản thuộc hệ thống thoát nước đô thị được đầu tư từ nguồn vốn của chủ sở hữu theo phân cấp tại Điều 4 Quy định này, bao gồm:
a) Lập danh mục tài sản được giao quản lý.
b) Tổ chức bảo vệ tài sản được giao quản lý.
c) Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng tài sản.
d) Lập kế hoạch bảo trì công trình, thay thế và mua sắm trang thiết bị mới.
3. Xây dựng và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu hệ thống thoát nước đô thị, phục vụ công tác quản lý, vận hành và phát triển hệ thống thoát nước.
Điều 14. Nội dung quản lý hệ thống thoát nước mưa
1. Quản lý hệ thống thoát nước mưa bao gồm quản lý các công trình từ cửa thu nước mưa, các tuyến cống dẫn nước mưa khu vực, các kênh mương thoát nước chính, hồ điều hoà nước mưa, chống úng ngập, các trạm bơm... các van ngăn triều (nếu có) đến các điểm xả ra môi trường.
2. Các tuyến cống, mương, hố ga phải được nạo vét, duy tu, bảo trì định kỳ, bảo đảm dòng chảy theo thiết kế. Thường xuyên kiểm tra, bảo trì nắp hố ga, cửa thu nước mưa. Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng các tuyến cống, các công trình thuộc mạng lưới để đề xuất phương án thay thế, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo.
3. Thiết lập quy trình quản lý hệ thống thoát nước mưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật quản lý, vận hành theo quy định.
4. Đề xuất các phương án phát triển mạng lưới theo lưu vực, đầu tư xây dựng từng bước hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa.
Điều 15. Nội dung quản lý hệ thống thoát nước thải
1. Quản lý hệ thống thoát nước thải bao gồm quản lý các điểm đấu nối, các tuyến cống thu gom, các tuyến cống dẫn nước đến nhà máy xử lý nước thải và từ nhà máy xử lý nước thải đến các điểm xả ra môi trường. Nội dung quản lý thoát nước thải bao gồm:
a) Định kỳ kiểm tra độ kín, lắng cặn tại các điểm đấu nối, hố ga và tuyến cống để lập kế hoạch nạo vét, sửa chữa, bảo trì cống và công trình trên mạng lưới;
b) Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình, đề xuất các biện pháp thay thế, sửa chữa mạng lưới thoát nước và các công trình trên mạng lưới;
c) Thiết lập quy trình quản lý hệ thống thoát nước thải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật quản lý, vận hành theo quy định;
d) Đề xuất các phương án phát triển mạng lưới theo lưu vực.
2. Trong trường hợp mạng lưới thoát nước chung thì việc quản lý hệ thống thoát nước được thực hiện như quy định tại Điều 14 và khoản 1 Điều 15 Quy định này.
Điều 16. Nội dung quản lý hệ thống hồ điều hòa
1. Quản lý hệ thống hồ điều hòa trong hệ thống thoát nước nhằm điều hòa nước mưa, đồng thời tạo cảnh quan môi trường sinh thái kết hợp làm nơi vui chơi giải trí, nuôi trồng thủy sản.
2. Kiểm soát các hành vi xả nước thải sinh hoạt và nước thải sinh ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ trực tiếp vào hồ điều hòa.
3. Kiểm tra, giám sát việc khai thác, sử dụng hồ điều hoà vào các mục đích khác nhau được cấp có thẩm quyền cho phép (vui chơi giải trí, nuôi trồng thuỷ sản, du lịch...) tuân thủ theo các quy định để bảo đảm chức năng điều hoà nước mưa và môi trường.
4. Duy trì mực nước ổn định của hồ điều hòa, bảo đảm tốt nhiệm vụ điều hòa nước mưa và các yêu cầu khác.
5. Định kỳ nạo vét đáy hồ, vệ sinh lòng hồ và bờ hồ.
6. Lập quy trình quản lý, các quy định khai thác, sử dụng hồ điều hòa.
Điều 17. Nội dung quản lý các công trình đầu mối
1. Vận hành các trạm bơm, các tuyến ống áp lực, nhà máy xử lý nước thải, các điểm xả ra môi trường tuân thủ các quy trình vận hành, bảo trì đã được phê duyệt.
2. Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình đầu mối bảo đảm khả năng hoạt động liên tục của hệ thống, đề xuất các biện pháp thay thế, sửa chữa và kế hoạch phát triển.
Điều 18. Nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước đô thị
Khi tiến hành nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước đô thị phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
1. Thực hiện các biện pháp cần thiết như đặt tín hiệu, biển báo công trình... để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
2. Chất thải nạo vét phải để vào thùng kín, không rò rỉ ra ngoài và vận chuyển đưa ra bãi thải trong ngày. Nghiêm cấm để chất thải qua đêm trên đường phố.
3. Vận chuyển chất thải bằng phương tiện chuyên dùng, không được để chất thải rơi vãi khi lưu thông trên đường giao thông công cộng.
4. Nạo vét đến đâu, phải tiến hành đậy đan, chèn khít mạch hệ thống thoát nước đến đó. Không được để miệng cống, hố ga hở qua đêm.
5. Nghiêm cấm tổ chức nạo vét vào các giờ cao điểm từ 11 giờ đến 13 giờ và từ 17 giờ đến 19 giờ hàng ngày. Trường hợp khẩn thiết, việc tổ chức nạo vét vào giờ cao điểm từ 11 giờ đến 13 giờ và từ 17 giờ đến 19 giờ hàng này phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền và Sở Giao thông vận tải.
6. Trước khi tiến hành nạo vét phải lập kế hoạch cụ thể về thời gian thi công, biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, gửi Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các quận, huyện để phối hợp quản lý.
Chương VI
XỬ LÝ NGẬP ÚNG ĐÔ THỊ
Điều 19. Phân công trách nhiệm xử lý ngập úng đô thị
1. Đối với khu vực chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt và chưa được đầu tư hệ thống thoát nước:
a) UBND các quận, huyện chủ động đề xuất với Sở Xây dựng phương án và giải pháp chống ngập úng cho các khu vực có khả năng bị ngập trên địa bàn đơn vị quản lý.
b) Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì thẩm định phương án, trình UBND thành phố phê duyệt, để UBND các quận, huyện triển khai thực hiện.
2. Đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết được duyệt nhưng chưa triển khai đầu tư hoặc đầu tư dở dang:
a) Chủ đầu tư (hoặc điều hành dự án) có trách nhiệm phối hợp với UBND các quận, huyện đề xuất với Sở Xây dựng phương án và giải pháp chống ngập úng cho các khu vực có khả năng bị ngập úng trong phạm vi dự án đơn vị đang điều hành.
b) Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì thẩm định phương án, trình UBND thành phố phê duyệt để các Chủ đầu tư (hoặc điều hành dự án) triển khai thực hiện.
3. Đối với các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng và các khu dân cư hiện trạng trong khu vực nội thành đã có hệ thống thoát nước:
a) Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải phối hợp với UBND quận, huyện đề xuất UBND thành phố xem xét, phê duyệt phương án xử lý ngập úng cho các khu vực có khả năng ngập úng.
b) Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, thẩm định phương án, trình UBND thành phố phê duyệt để Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải thực hiện.
Điều 20. Nội dung xử lý ngập úng đô thị
1. Xử lý ngập úng đô thị phải dựa trên điều kiện hiện trạng hệ thống thoát nước đô thị, đồng thời phải xét đến yếu tố phát triển của hệ thống trong tương lai, đảm bảo hiệu quả xử lý trước mắt và lâu dài, tiết kiệm kinh phí đầu tư xây dựng.
2. Hàng năm, trước mùa mưa bão, các đơn vị theo phân công trách nhiệm quy định tại Điều 19 Quy định này phải tổ chức rà soát, kiểm tra các điểm ngập úng và có khả năng phát sinh ngập úng, chủ động xử lý hoặc báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền phương án xử lý ngập úng để kịp thời có kế hoạch và triển khai công tác phòng chống ngập úng, giảm thiểu thiệt hại do ngập úng đô thị gây ra.
3. Các đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng hệ thống thoát nước phải tổ chức theo dõi kết quả thực hiện xử lý ngập úng, đánh giá hiệu quả của việc xử lý ngập úng và đề xuất các giải pháp khắc phục, bổ sung cần thiết để nâng cao hiệu quả xử lý ngập úng.
Chương VII
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA ĐỐI TƯỢNG SỬDỤNG HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC ĐÔ THỊ
Điều 21. Quyền của hộ thoát nước khi sử dụng hệ thống thoát nước đô thị
Các hộ thoát nước đều có quyền sử dụng hệ thống thoát nước đô thị để phục vụ nhu cầu thoát nước. Việc đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị phải tuân theo Điều 10, Điều 11 Quy định này. Công trình thoát nước của hộ thoát nước được đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị phải chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý thoát nước về chất lượng nước thải.
Điều 22. Trách nhiệm của hộ thoát nước khi sử dụng hệ thống thoát nước đô thị
1. Chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng hệ thống thoát nước đô thị.
2. Nộp phí thoát nước theo quy định.
3. Khi sửa chữa công trình thoát nước nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
4. Thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý thoát nước và đơn vị thoát nước khi phát hiện các hiện tượng bất thường có thể gây sự cố, hư hỏng công trình thoát nước, các hành vi vi phạm công trình thoát nước.
5. Bồi thường thiệt hại khi vi phạm công trình thoát nước theo quy định của pháp luật.
Điều 23. Trách nhiệm của hộ thoát nước là khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cơ sở xây dựng hoặc bệnh viện khi sử dụng hệ thống thoát nước đô thị
1. Hộ thoát nước là khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cơ sở xây dựng hoặc bệnh viện khi sử dụng hệ thống thoát nước đô thị, phải tuân thủ Điều 22 Quy định này.
2. Khi hệ thống thoát nước (mạng lưới thu gom và trạm xử lý) của khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cơ sở xây dựng, bệnh viện bị hỏng hoặc có sự cố kỹ thuật dẫn đến gây ô nhiễm môi trường thì người đứng đầu đơn vị gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm và phải phối hợp với các cơ quan liên quan áp dụng ngay các biện pháp kỹ thuật cần thiết để đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
3. Yêu cầu xử lý nước thải đối với hộ thoát nước là khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cơ sở xây dựng, bệnh viện:
a) Đối với hộ thoát nước là khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, bệnh viện: Nước thải trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị phải được xử lý đảm bảo quy định theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
b) Đối với hộ thoát nước là cơ sở xây dựng: Nước thải từ các công trình xây dựng trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị phải được xử lý để đảm bảo không bồi lấp hệ thống thoát nước đô thị và đảm bảo quy định theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Chương VIII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 24. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị
1. Sở Xây dựng
1.1 Là cơ quan đầu mối tham mưu giúp việc cho UBND thành phố trong việc quản lý hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố.
1.2 Tham mưu cho UBND thành phố tổ chức triển khai thực hiện các văn bản của Chính phủ về quản lý thoát nước đô thị; ban hành các văn bản quy định về quản lý thoát nước đô thị, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ và phát triển hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố.
1.3 Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này, định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm cân đối phân bổ kinh phí hằng năm từ ngân sách thành phố cho công tác xây dựng, duy trì thường xuyên và phát triển hệ thống thoát nước đô thị.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện xử lý thoát nước chống ngập úng, bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm trong hoạt động thoát nước; chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng lập dự toán đặt hàng dịch vụ thoát nước đô thị theo quy định.
4. Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng trong công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và phát triển hệ thống thoát nước đô thị.
5. Sở Tài chính tham mưu cho UBND thành phố cân đối, bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng, duy trì thường xuyên và phát triển hệ thống thoát nước đô thị.
6. Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm thực hiện quản lý, vận hành, khai thác sử dụng hệ thống thoát nước đô thị theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Quy định này.
7. Công ty Thoát nước và xử lý nước thải có trách nhiệm thực hiện quản lý, vận hành, khai thác sử dụng hệ thống thoát nước đô thị theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy định này.
8. Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin,… có trách nhiệm thực hiện quản lý, vận hành, khai thác sử dụng hệ thống thoát nước đô thị theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Quy định này.
9. Các chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án có trách nhiệm thực hiện quản lý, vận hành, khai thác sử dụng hệ thống thoát nước đô thị theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Quy định này.
10. Kho bạc nhà nước có trách nhiệm thanh quyết toán vốn liên quan đến việc xây dựng mới, nâng cấp cải tạo, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất theo yêu cầu hệ thống thoát nước đô thị.
Điều 25. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh, các ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.