Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 07/05/2012 Về Quy định phân cấp quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Điện Biên (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 08/2012/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Điện Biên
- Ngày ban hành: 07-05-2012
- Ngày có hiệu lực: 17-05-2012
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 04-10-2012
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 08-05-2017
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1817 ngày (4 năm 11 tháng 27 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 08-05-2017
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2012/QĐ-UBND | Điện Biên, ngày 07 tháng 5 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP ngày 30/6/2004 của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 về việc Ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;
Căn cứ Nghị định số 41/2007/NĐ-CP ngày 22/3/2007 của Chính phủ về xây dựng ngầm đô thị;
Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 về quản lý chất thải rắn;
Căn cứ Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Căn cứ Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang;
Căn cứ Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28/9/2009 của Chính phủ về quản lý chiếu sáng đô thị;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ về quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị;
Căn cứ Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị; Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT/BVHTT- BYT-BNN-BXD ngày 28/02/2007 của Bộ Văn hóa thể thao, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng về hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép thực hiện quảng cáo một cửa liên thông; Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị; Thông tư số 09/2009/TT-BXD ngày 21/5/2009 của Bộ Xây dựng về Quy định chi tiết thực hiện một số nội dung của Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và Thông tư số 20/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 của Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của
Bộ Xây dựng Hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị; Xét đề nghị của Sở Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này, Quy định phân cấp quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Xây dựng và Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
PHÂN CẤP QUẢN LÝ HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN.
(Kèm theo Quyết định số: 08/2012/QĐ-UBND ngày 07/5/2012 của UBND tỉnh Điện Biên)
Phần I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về phân cấp, ủy quyền trong quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan được phân cấp, ủy quyền trong quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng, quản lý và sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Điều 3. Mục tiêu, nguyên tắc phân cấp quản lý
1. Mục tiêu phân cấp quản lý: Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hạ tầng kỹ thuật đô thị; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị; tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện quản lý đối với hạ tầng kỹ thuật đô thị.
2. Nguyên tắc phân cấp quản lý: Bảo đảm tuân thủ pháp luật; công khai, minh bạch, thuận tiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng, quản lý và sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị; không mâu thuẫn, chồng chéo trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bảo đảm tổ chức thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ quản lý đối với hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Phần II
PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ
Mục I. Trách nhiệm quản lý đường đô thị
Điều 4. Sở Xây dựng
1. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn tỉnh.
2. Đầu mối tổng hợp, hướng dẫn lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch nâng cấp cải tạo, bảo trì và phát triển đường đô thị.
3. Hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc quản lý, khai thác sử dụng đường đô thị.
4. Là cơ quan đầu mối thực hiện quản lý xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng khác khi xây dựng đường đô thị.
5. Cấp giấy phép đào đường đô thị và cấp giấy phép xây dựng lắp đặt các công trình nổi trên đường đô thị: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; các công trình phục vụ công cộng trên đường đô thị; đào đường để lắp đặt các công trình ngầm; đào đường để lắp đặt các công trình trên mặt đường; trồng cây xanh; dựng biển báo và các công việc tạm thời như thăm dò, khảo sát địa chất. Việc xem xét cấp giấy phép xây dựng thực hiện theo Điểm 3 và Điểm 5, Mục IV, Phần II, Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị.
6. Đối với các công việc đào đường để xử lý sự cố đột xuất về kỹ thuật của các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; đào đường để thi công duy tu bảo dưỡng, sửa chữa đường của đơn vị quản lý đường bộ; đào đường để thi công sửa chữa, cải tạo nâng cấp đường theo các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì không phải lập hồ sơ đề nghị cấp phép đào đường nhưng phải thông báo bằng văn bản về địa điểm, vị trí, quy mô và thời gian đào đường đến phòng quản lý đô thị của thành phố hoặc phòng công thương thuộc cấp huyện và UBND xã, phường, thị trấn nơi tiến hành đào đường để biết và kiểm tra theo dõi việc đào đường và tái lập mặt đường.
7. Cấp giấy phép sử dụng tạm thời đường đô thị ngoài mục đích giao thông như các dịch vụ công cộng, buồng điện thoại, điểm đỗ xe. Việc xem xét cấp giấy phép thực hiện theo Điểm 7, Mục IV, Phần II, Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị.
8. Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng tình hình quản lý giao thông đô thị trên địa bàn tỉnh.
Điều 5. Sở văn hóa, thể thao và Du lịch
Cấp giấy phép thực hiện quảng cáo trên các phương tiện là bảng, biển, pa nô sau khi có văn bản thỏa thuận của Sở Xây dựng, thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT/BVHTT-BYT-BNN-BXD ngày 28/02/2007 về hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép thực hiện quảng cáo một cửa liên thông.
Điều 6. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Hàng năm tổng hợp cân đối kế hoạch vốn tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND thông qua chỉ tiêu kế hoạch cho việc quản lý bảo trì, xây dựng mới, cải tạo nâng cấp đường đô thị.
Điều 7. UBND cấp huyện
1. Chỉ đạo các phòng, ban và UBND cấp dưới thực hiện chức năng quản lý theo thẩm quyền và tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
2. Chịu trách nhiệm quản lý hành chính trong việc sử dụng hè phố, lòng đường, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn, có biện pháp chống lấn chiếm hè phố, lòng đường đảm bảo an toàn giao thông, trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
3. Cấp giấy phép xây dựng lắp đặt mái che mưa, che nắng cho các tổ chức, cá nhân xây dựng các cửa hàng, ki ốt trên hè phố. Việc xem xét cấp giấy phép thực hiện theo Phần II mục IV điểm 11 Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị.
4. Cấp giấy phép xây dựng đào đường để lắp đặt đồng hồ đo điện, nước cho cá nhân, các hộ gia đình có nhu cầu và thực hiện theo hợp đồng cung cấp dịch vụ, việc xem xét cấp giấy phép thực hiện theo Điểm 3 và điểm 5-Mục IV-Phần II Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng.
5. Cấp giấy phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè đường đô thị vào mục đích: Tập kết, chung chuyển vật liệu xây dựng; trông giữ xe đạp, xe máy; tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội, tuyên truyền; các dịch vụ buôn bán nhỏ. Việc xem xét cấp giấy phép thực hiện theo Điểm 7-Mục IV-Phần II-Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng.
6. Đình kì, tháng 6 và tháng 11 hàng năm có trách nhiệm báo cáo, gửi Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.
Điều 8. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
1. Phối hợp tốt với các cơ quan chức năng cấp trên trong việc tham gia quản lý, sử dụng có hiệu quả đường đô thị trên phạm vi địa bàn quản lý.
2. Quản lý và cấp giấy phép sử dụng tạm thời hè phố cho việc cưới, việc tang trên địa bàn mình quản lý. Việc xem xét cấp giấy phép thực hiện theo Điểm 13 - Mục IV - Phần II - Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng.
3. Trực tiếp theo dõi, giám sát, kiểm tra thường xuyên việc sử dụng đường đô thị, nếu phát hiện vi phạm yêu cầu xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên xử lý theo quy định.
4. Tổ chức vận động nhân dân chấp hành tốt và sử dụng hiệu quả đường đô thị.
Mục II. Trách nhiệm quản lý cấp nước sinh hoạt
Điều 9. Sở Xây dựng
1. Là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cấp nước đô thị và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức và chỉ đạo thực hiện Quy chế đảm bảo an toàn cấp nước trên địa bàn, theo dõi, tổng hợp, đánh giá, báo cáo tình hình triển khai thực hiện
2. Phối hợp với Sở Tài chính thẩm định phương án giá nước sạch tại các đô thị.
3. Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng tình hình quản lý cấp nước sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh.
Điều 10. Sở Tài chính
1. Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng thẩm định phương án giá nước sạch sinh hoạt trình UBND tỉnh phê duyệt.
2. Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ sở liên quan kiểm tra việc thực hiện quyết định giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt áp dụng cho các đối tượng sử dụng nước trên địa bàn tỉnh.
Điều 11. Đơn vị quản lý khai thác sản xuất cung cấp nước sạch
1. Tổ chức lập và phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn, nội dung kế hoạch cấp nước an toàn thực hiện theo Điều 5 Chương I của Quy chế đảm bảo an toàn cấp nước ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BXD ngày 31/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
2. Trực tiếp quản lý khai thác, sử dụng các công trình cấp nước đô thị, phối hợp với các sở ban ngành có liên quan và chính quyền địa phương xử lý các hành vi vi phạm công trình cấp nước đô thị, ký kết hợp đồng cung cấp nước sạch cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng nước.
3. Tuân thủ các quy trình, quy phạm vận hành hệ thống cấp nước, trụ nước chữa cháy do đơn vị cấp nước lắp đặt trong phạm vi mạng lưới cấp nước theo đồ án quy hoạch cấp nước và theo đề nghị của cơ quan phòng cháy chữa cháy.
4. Căn cứ khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định tại Thông tư số 100/2009/TT-BTC ngày 20/5/2009 của Bộ Tài chính V/v Ban hành khung giá tiêu thụ nước sinh hoạt. Xây dựng phương án giá nước theo Thông tư liên tịch số 95/2009/TTLT-BTC-BXD-BNN ngày 19/5/2009 về Hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu nông thôn, báo cáo Sở Xây dựng nếu là giá nước sạch tại đô thị, Sở Nông nghiệp & PTNT nếu là giá nước sinh hoạt tại nông thôn để các Sở chuyên ngành phối hợp với Sở Tài chính thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.
5. Thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.
6. Xử lý sự cố, khôi phục việc cấp nước.
7. Đầu tư lắp đặt các điểm đấu nối.
8. Bảo vệ an toàn nguồn cấp nước, xây dựng khu vực phòng hộ nguồn nước, hệ thống cấp nước theo quy định.
9. Đảm bảo cung cấp dịch vụ cấp nước cho khách hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ theo quy định.
10. Bồi thường khi gây thiệt hại cho khách hàng sử dụng nước theo quy định của pháp luật.
11. Định kỳ tháng 6 và tháng 11 hàng năm có trách nhiệm báo cáo gửi UBND huyện và Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.
Điều 12. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nước
1. Thanh toán tiền nước đầy đủ, đúng thời hạn và thực hiện các thỏa thuận khác trong hợp đồng dịch vụ cấp nước.
2. Sử dụng nước tiết kiệm.
3. Thông báo kịp thời cho đơn vị cấp nước khi phát hiện những dấu hiệu bất thường để gây mất nước, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, mất an toàn cho người và tài sản.
4. Tạo điều kiện cho đơn vị cấp nước kiểm tra, ghi chỉ số của đồng hồ đo nước.
5. Đảm bảo các trang thiết bị sử dụng nước đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phù hợp với đặc tính kỹ thuật trang thiết bị của đợn vị cấp nước.
6. Bồi thường gây thiệt hại cho đơn vị cấp nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. Hình thức và mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về quản lý công trình cấp nước được thực hiện theo Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phát vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở và các quy định khác theo quy định của pháp luật.
Mục III. Trách nhiệm quản lý thoát nước
Điều 13. Sở Xây dựng
1. Là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thoát nước đô thị và khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự thảo phương án phí thoát nước đô thị và khu công nghiệp trình UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh thông qua theo quy định.
3. Cấp phép đấu nối công trình thoát nước đô thị (Cống, rãnh, đường ống thoát nước, hố ga...) cho các dự án đầu tư xây dựng của các tổ chức có nhu cầu đấu nối vào hệ thống thoát nước chung đô thị.
4. Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng tình hình quản lý thoát nước đô thị trên địa bàn tỉnh.
Điều 14. Sở Tài nguyên và Môi trường
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động thoát nước đô thị và khu công nghiệp.
Điều 15. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; cấp, thu hồi giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.
Điều 16. Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Đảm bảo nhu cầu vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để phát triển hệ thống thoát nước đô thị và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2. Xây dựng cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư cho các công trình thoát nước.
Điều 17. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư trong việc đảm bảo cân đối vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thu và sử dụng phí thoát nước trên địa bàn tỉnh.
Điều 18. UBND cấp huyện
1. Tổ chức lập quy hoạch, đầu tư hệ thống thoát nước và tổ chức thực hiện các dịch vụ thoát nước trên địa bàn phù hợp với sự phát triển của cộng đồng, lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành ký kết hợp động và tổ chức giám sát thực hiện.
2. Cấp phép đấu nối công trình thoát nước đô thị (Cống, rãnh, đường ống thoát nước, hố ga...) cho các cá nhân hộ gia đình có nhu cầu đấu nối vào hệ thống thoát nước chung đô thị.
3. Tháng 6 và tháng 11 hàng năm có trách nhiệm báo cáo gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.
Điều 19. UBND các xã, phường, thị trấn
1. Phối hợp với đơn vị thoát nước trong việc đảm bảo yêu cầu về thoát nước, chống ngập úng đô thị trên địa bàn do mình quản lý.
2. Phát hiện ngăn chặn, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động thoát nước.
Điều 20. Đơn vị quản lý thoát nước
1. Quản lý tài sản được đầu tư từ nguồn vốn của chủ sở hữu công trình thoát nước theo hợp đồng đã ký kết.
2. Tuân thủ các quy trình, quy phạm về vận hành hệ thống thoát nước.
3. Xử lý sự cố, khôi phục việc thoát nước.
4. Lập phương án phí thoát nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc xác định phí thoát nước theo Điều 49, Điều 50, Điều 51, Điều 52, Điều 53, Điều 54 Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp.
4. Lập kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống thoát nước trình UBND huyện xem xét, quyết định.
5. Thiết lập cơ sở dữ liệu, quản lý các hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước do mình quản lý; phối hợp với đơn vị cấp nước hoặc tổ chức thu phí thoát nước theo quy định.
6. Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
7. Cung cấp thông tin thỏa thuận đấu nối cho các đối tượng tổ chức có nhu cầu.
8. Bảo vệ an toàn hệ thống thoát nước theo quy định.
9. Bảo đảm duy trì ổn định dịch vụ thoát nước theo quy định. Tháng 11 hàng năm báo cáo theo quy định gửi Sở Xây dựng làm cơ sở tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng.
10. Bồi thường khi gây thiệt hại cho bên sử dụng theo quy định của pháp luật.
11. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 21. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng dịch vụ thoát nước
1. Thanh toán phí thoát nước đầy đủ, đúng thời hạn; đối với các hộ thoát nước xả nước thải vào hệ thống thoát nước tập trung của đô thị và khu công nghiệp sẽ thu phí theo Nghị định 88/2007/NĐ-CP đối với các hộ thoát nước không xả nước thải vào hệ thống thoát nước tập trung của đô thị và khu công nghiệp mà xả trực tiếp ra môi trường thì áp dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo Nghị định 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, Nghị định 04/2007/NĐ-CP ngày 08/01/2007 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 67/2003/NĐ-CP.
2. Xả nước thải vào hệ thống đúng quy định, quy chuẩn hiện hành.
3. Thông báo kịp thời cho các đơn vị quản lý thoát nước khi thấy có hiện tượng bất thường có thể gây sự cố đối với hệ thống thoát nước.
4. Xin cấp phép đấu nối hệ thống thoát nước của công trình vào hệ thống thoát nước chung đúng các quy định của thỏa thuận đấu nối của cấp có thẩm quyền.
5. Bồi thường khi gây thiệt hại cho các bên liên quan theo quy định của pháp luật.
6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Mục IV. Trách nhiệm quản lý cây xanh đô thị
Điều 22. Sở Xây dựng
1. Tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với toàn bộ hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh.
2. Tổ chức triển khai thực hiện việc phân cấp quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh.
3. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức lập trình UBND tỉnh ban hành danh mục cây cổ thụ, cây cần bảo tồn, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế trong đô thị.
4. Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ cây xanh đô thị.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho giám đốc Sở Xây dựng cấp giấy phép và ban hành mẫu giấy phép về chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh. Việc xem xét chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị thực hiện theo phần Mục 4 Phần IV Thông tư số: 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị.
6. Xây dựng công trình trên đất có trồng cây xanh: Đối với công trình không phải xin phép xây dựng chỉ được chặt hạ hoặc dịch chuyển các loại cây xanh nằm trong đối tượng quy định phải có giấy phép sau khi được cấp giấy phép xây dựng chặt hạ, dịch chuyển. Đối với các công trình phải xin phép xây dựng, cơ quan cấp giấy phép xây dựng công trình phải có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Sở Xây dựng về việc chặt hạ, dịch chuyển cây trước khi cấp giấy phép xây dựng (trừ các công trình do Sở Xây dựng cấp giấy phép).
7. Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng tình hình quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh.
Điều 23. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị trình UBND tỉnh phê duyệt.
Điều 24. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Hỗ trợ phát triển nguồn giống, chủng loại cây xanh tạo sự đa dạng, phong phú trong hệ thống cây xanh trong đô thị, phát triển cơ sở vườn ươm nhân giống các giống cây mới có, tán, hoa, lá màu sắc đẹp, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, mang bản sắc địa phương, chú trọng vào việc thuần hóa các giống cây rừng đặc hữu ở địa phương.
2. Phối hợp với Sở Xây dựng và các ban ngành có liên quan xây dựng danh mục cây cần bảo tồn, cây cấm trồng, cây cần hạn chế, cây cổ thụ.
Điều 25. UBND cấp huyện
1. Tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn do mình quản lý.
2. Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chuyên ngành cây xanh, kế hoạch phát triển cây xanh đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị được duyệt.
3. Kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn quản lý, đảm bảo tỷ lệ cây xanh theo đúng hồ sơ quy hoạch được duyệt. Lập biên bản xử lý hành vi vi phạm, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử phạt.
4. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn phối hợp cơ quan trực tiếp quản lý cây xanh trong công tác bảo vệ hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn quản lý.
5. Đối với các huyện chưa có đơn vị trực tiếp thực hiện quản lý cây xanh chuyên trách thì giao cho phòng công thương (hoặc phòng quản lý đô thị) thực hiện quản lý việc trồng, duy trì và chăm sóc cây xanh đô thị.
6. Lập kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện việc chặt hạ, thay thế các tuyến cây lâu năm, già cỗi, không còn phát huy tác dụng cải thiện môi trường và không đảm bảo an toàn cho sinh hoạt đô thị.
7. Khảo sát, lập kế hoạch chăm sóc đặc biệt đối với cây cổ thụ, cây cần bảo tồn, cây xanh mang đặc trưng của đô thị.
8. Tuyên truyền, giáo dục và vận động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc và phát triển cây xanh đô thị.
9. Tổ chức chỉ đạo việc thống kê hàng năm và lập cơ sở dữ liệu về cây xanh đô thị trên địa bàn được giao quản lý vµ Tháng 6 và tháng 11 hàng năm có trách nhiệm báo cáo gửi Sở Xây dựng làm cơ sở tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.
Điều 26. Công ty môi trường đô thị và xây dựng và các tổ chức, cá nhân được giao trực tiếp quản lý cây xanh đô thị
1. Thực hiện trồng, chăm sóc và quản lý hệ thống cây xanh đô thị theo hợp đồng đã ký kết, cung cấp các dịch vụ có liên quan tới cây xanh đô thị.
2. Lập danh sách và tổ chức đánh số các loại cây xanh, cây cần bảo tồn trên đường phố, nơi công cộng. Hàng năm có nhiệm vụ lập báo cáo kiểm kê diện tích cây xanh và số lượng cây trồng.
3. Phát hiện, lập kế hoạch, thực hiện việc chặt hạ cây xanh bị sâu bệnh không có khả năng điều trị, bị chết, có nguy cơ đổ ngã và cây xanh thuộc danh mục cây cấm trồng, sau khi xin phép của cơ quan có thẩm quyền.
4. Thường xuyên kiểm tra, kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan về cây xanh.
5. Nghiên cứu đề xuất chủng loại cây, hoa phù hợp với quy hoạch xây dựng, với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và cảnh quan chung, tiếp thu lai tạo các loại cây, hoa đẹp ở các địa phương khác để áp dụng trên địa bàn được giao quản lý.
6. Duy trì và bảo vệ cây xanh đô thị theo quy định tại Mục III Phần II Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị.
7. Phối hợp với chính quyền địa phương vận động thực hiện phong trào nhà nước và nhân dân cùng chăm sóc, quản lý và phát triển hệ thống cây xanh công cộng.
8. Hàng năm có nhiệm vụ lập báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp chặt hạ, di chuyển cây xanh đô thị không xin phép.
Mục V. Trách nhiệm quản lý chiếu sáng đô thị
Điều 27. Sở Xây dựng
1. Là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chiếu sáng đô thị và xây dựng cơ sở dữ liệu về chiếu sáng đô thị phục vụ công tác quản lý chiếu sáng tại các đô thị trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư dài hạn, ngắn hạn hệ thống chiếu sáng công cộng tại các đô thị trình UBND Tỉnh phê duyệt.
3. Thẩm định hoặc tham gia ý kiến thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây dựng và bản vẽ thi công của báo cáo kinh tế kỹ thuật theo phân cấp hiện hành đối với các nội dung liên quan đến hệ thống chiếu sáng công cộng tại các đô thị.
4. Chịu trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý, vận hành, sử dụng và các hoạt động khác liên quan đến hệ thống chiếu sáng công cộng tại các đô thị theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện công tác quản lý của đơn vị quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng.
5. Hướng dẫn, thỏa thuận về quy hoạch - kiến trúc đối với các dự án đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng trên các tuyến đường, khu vực mới chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt.
6. Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng tình hình quản lý chiếu sáng đô thị trên địa bàn tỉnh.
Điều 28. Sở Tài chính
1. Hướng dẫn cơ chế thanh toán và các điều khoản của hợp đồng giữa đơn vị được giao quản lý và đơn vị xây lắp; đơn vị quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng đô thị.
2. Chủ trì, phối hợp với các Sở Xây dựng, Kế hoạch và đầu tư cân đối, bố trí dự toán ngân sách hàng năm đảm bảo cho hoạt động của hệ thống chiếu sáng đô thị.
3. Hướng dẫn việc sử dụng tiền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Điều 29. Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng trình UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư thực hiện xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị.
2. Hướng dẫn cụ thể việc tổ chức, cá nhân được hỗ trợ ưu đãi khi tham gia xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị.
Điều 30. Trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị
1. Đảm bảo quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị theo đúng chế độ vận hành.
2. Báo cáo định kỳ hàng quý với UBND cấp huyện.
3. Lập và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư nâng cấp, thay thế, sửa chữa thuộc hợp đồng đặt hàng duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị đã được phê duyệt; Lập kế hoạch xây dựng mới, cải tạo hệ thống chiếu sáng để báo cáo UBND cấp huyện và Sở Xây dựng trong kỳ kế hoạch 5 năm, hàng năm.
4. Tham gia ý kiến trong quá trình lập quy hoạch chiếu sáng đô thị, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy định này.
5. Quản lý tài sản được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo hợp đồng ký kết với cơ quan được giao quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị theo phân cấp. Kiểm kê toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị định kỳ 2 lần 1 năm, trong đó cập nhật kịp thời mọi sự thay đổi trong kỳ kiểm kê.
6. Chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương kiểm tra, bảo vệ và phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hệ thống chiếu sáng công cộng.
7. Chịu toàn bộ trách nhiệm bảo đảm về tài sản và an toàn hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị trên địa bàn được giao quản lý.
Điều 31. UBND cấp huyện
1. Tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến quy định này và yêu cầu các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nghiêm túc thực hiện.
2. Bảo vệ hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn quản lý.
3. Lập và tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư, nâng cấp, cải tạo và hợp đồng đặt hàng duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng, trang trí theo phân cấp quản lý.
4. Chỉ đạo xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị.
5. Chỉ đạo UBND cấp xã và các đơn vị trực thuộc thực hiện quy định này theo chức năng nhiệm vụ được giao.
6. Xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định này theo thẩm quyền trên địa bàn quản lý.
7. Thông báo kịp thời cho các cơ quan có chức năng những vi phạm nội dung của Quy định này và các quy định pháp lý khác.
8. Tháng 6 và tháng 11 hàng năm có trách nhiệm báo cáo gửi Sở Xây dựng làm cơ sở tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.
Điều 32. Trách nhiệm của Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình
1. Chủ đầu tư các khu đô thị mới, các dự án có liên quan đến hệ thống chiếu sáng đô thị phải tuân thủ các quy định về quản lý, vận hành và xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị. Thiết kế và thi công xây dựng các công trình chiếu sáng đô thị phải gắn kết đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật của các khu vực lân cận theo hướng hiện đại và bảo đảm mỹ quan đô thị.
2. Chủ đầu tư khu đô thị mới, các dự án có hệ thống hạ tầng cơ sở khép kín sau khi xây dựng hoàn thành, có trách nhiệm quản lý đồng bộ hoặc bàn giao theo phân cấp quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị.
Mục V. Trách nhiệm quản lý nghĩa trang
Điều 33. Sở Xây dựng
1. Tổ chức lập, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng nghĩa trang trên phạm vi toàn tỉnh.
2. Lập kế hoạch, tổ chức xây dựng mới, cải tạo, đóng cửa và di chuyển nghĩa trang trên địa bàn tỉnh để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, thiếu mỹ quan, sử dụng đất không hiệu quả và dần tạo lập thói quen mai táng văn minh, hiện đại và phù hợp với phong tục tập quán tốt, nét đẹp văn hóa của từng địa phương trình UBND tỉnh phê duyệt.
3. Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng tình hình quản lý nghĩa trang đô thị trên địa bàn tỉnh.
Điều 34. Sở Tài chính
1. Phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư trong việc đảm bảo cân đối vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thu và sử dụng phí dịch vụ nghĩa trang trên địa bàn tỉnh.
2. Thẩm định giá dịch vụ nghĩa trang đối với các nghĩa trang được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.
Điều 35. UBND cấp huyện
1. Quản lý nhà nước về nghĩa trang trên địa bàn mình quản lý. Có trách nhiệm xác định và giao đơn vị quản lý đối với các nghĩa trang trên địa bàn được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
2. Phê duyệt quy chế quản lý nghĩa trang đối với các nghĩa trang do huyện, thị mình quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
3. Nội dung xây dựng quy chế quản lý nghĩa trang thực hiện theo Điều 21 Nghị định 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang.
4. Thỏa thuận quy chế quản lý nghĩa trang đối với nghĩa trang do các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng.
5. Tháng 6 và tháng 11 hàng năm có trách nhiệm báo cáo gửi Sở Xây dựng làm cơ sở tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.
Điều 36. UBND xã, phường, thị trấn
Có trách nhiệm quản lý và chấp thuận chôn cất người chết phải được thực hiện trong các nghĩa trang. Thực hiện chính sách xã hội đối với các đối tượng đặc biệt theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 7 của Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang.
Điều 37. Đơn vị quản lý nghĩa trang
1. Trực tiếp quản lý nghĩa trang trên địa bàn.
2. Lập và lưu trữ hồ sơ nghĩa trang đồng thời cung cấp thông tin khi có yêu cầu.
3. Lập giá dịch vụ nghĩa trang trình cấp có thẩm quyền quyết định.
4. Lập quy chế quản lý nghĩa trang trình UBND huyện, thị phê duyệt và quản lý nghĩa trang theo quy chế đã được phê duyệt.
5. Cung cấp các dịch vụ nghĩa trang cho người sử dụng, đảm bảo chất lượng dịch vụ theo quy định.
6. Thực hiện các chính sách khác theo quy định của pháp luật.
Điều 38. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nghĩa trang
1. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nghĩa trang và được hỗ trợ ưu đãi đầu tư xây dựng nghĩa trang theo Điều 6 Nghị định số: 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang.
2. Lập và lưu trữ hồ sơ nghĩa trang đồng thời cung cấp thông tin khi có yêu cầu.
3. Tự quyết định giá dịch vụ nghĩa trang do mình cung cấp trên cơ sở khai thác kinh doanh được UBND tỉnh chấp thuận đối với nghĩa trang do mình đầu tư xây dựng.
4. Lập và phê duyệt quy chế quản lý nghĩa trang do mình đầu tư sau khi có thỏa thuận của UBND huyện, thị. Khi ban hành gửi quy chế do UBND huyện, thị để quản lý, giám sát kiểm tra việc thực hiện.
5. Nội dung xây dựng quy chế quản lý nghĩa trang thực hiện theo Điều 21 Nghị định 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang.
6. Quản lý nghĩa trang theo quy chế đã được duyệt.
7. Cung cấp các dịch vụ nghĩa trang cho người sử dụng, đảm bảo chất lượng dịch vụ theo quy định.
8. Thực hiện các chính sách khác theo quy định của pháp luật.
Điều 39. Tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ nghĩa trang
1. Tuân thủ các quy định của nghĩa trang và các quy định có liên quan.
2. Thực hiện các trách nhiệm theo thỏa thuận với đơn vị quản lý nghĩa trang.
Mục VI. Trách nhiệm quản lý chất thải rắn
Điều 40. Sở Xây dựng
1. Lập quy hoạch chung, thẩm định quy hoạch chi tiết quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt. Được thực hiện theo phần I Thông tư số 13/2007/TT-BXD ngày 31/12/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số điều của Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn.
2. Tổ chức công bố quy hoạch chung quản lý chất thải rắn
3. Lập quy hoạch chung xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn được thực hiện theo phần II Thông tư số: 13/2007/TT-BXD ngày 31/12/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số điều của Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn.
4. Thẩm định dự toán chi phí dịch vụ công ích xử lý chất thải rắn trình UBND tỉnh phê duyệt. Việc lập chi phí dịch vụ công ích về thu gom, vận chuyển và xử lý chôn lấp chất thải rắn được lập theo Thông tư số 06/2008/TT-BXD ngày 20/3/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị; Điều 35 của Nghị định 59/2007/NĐ-CP và Phần IV Thông tư số: 13/2007/TT-BXD ngày 31/12/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số điều của Nghị định 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn.
5. Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng tình hình quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
Điều 41. Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính
Cân đối vốn hàng năm trình HĐND tỉnh thông qua chỉ tiêu kế hoạch vốn cho công tác quy hoạch, quản lý và đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn.
Điều 42. UBND cấp huyện
1. Kiểm tra giám sát quản lý chất thải rắn trên địa bàn, chỉ đạo UBND xã; phường; thị trấn thực hiện tốt nhiệm vụ đã được giao tại Điều 38 của bản phân cấp này.
2. Tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng các khu xử lý chất thải rắn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Tháng 6 và tháng 11 hàng năm có trách nhiệm báo cáo gửi Sở Xây dựng làm cơ sở tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.
Điều 43. Công ty môi trường đô thị và xây dựng hoặc đơn vị được giao quản lý chất thải rắn
1. UBND tỉnh giao Công ty môi trường đô thị hoặc UBND các huyện làm chủ đầu tư cơ sở quản lý chất thải rắn trước khi lập dự án đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
2. Thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn và các hạng mục công trình phụ trợ theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
3. Thực hiện nghĩa vụ bồi thường, chi phí giải phóng mặt bằng, di dời mồ mả, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho dân cư thuộc vụng triển khai dự án theo quy định của pháp luật.
4. Khi có nhu cầu thay đổi về nội dung đầu tư xây dựng hoặc thay đổi công nghệ, chủ đầu tư cần thực hiện theo các nội dung và trình tự về đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
5. Báo cáo định kỳ hàng quý với UBND cấp huyện.
Điều 44. UBND xã, phường, thị trấn
1. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn theo quy định phân cấp này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, tuyên truyền vận động, kiểm tra nhắc nhỏ các hộ dân phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan thu gom rác.
2. Thường xuyên kiểm tra xử lý các vi phạm hành chính về quản lý chất thải rắn tại các đô thị.
3. Tổ chức phát động các đợt tổng vệ sinh nhà ở, đường phố, các nơi công cộng các khu phố, thôn, phường, xã theo định kỳ.
4. Chỉ đạo các khu phố, thôn, phường, xã xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ môi trường.
5. Đề xuất với UBND huyện về cơ chế chính sách, biện pháp nhằm cho công tác quản lý chất thải rắn đạt hiệu quả.
Điều 45. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn
1. Thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn và các hạng mục công trình phụ trợ theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
2. Được hỗ trợ chính sách ưu đãi tại Điều 14 Nghị định 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2009 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn.
3. Thực hiện nghĩa vụ bồi thường, chi phí giải phóng mặt bằng, di dời mồ mả, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho dân cư thuộc vùng triển khai dự án theo quy định của pháp luật.
4. Khi có nhu cầu thay đổi về nội dung đầu tư xây dựng hoặc thay đổi công nghệ, chủ đầu tư cần thực hiện theo các nội dung và trình tự về đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
Điều 46. Chủ nguồn chất thải rắn thông thường
1. Mọi cá nhân phải đưa chất thải rắn vào đúng nơi quy định.
2. Các hộ gia đình phải phân loại chất thải rắn bằng các dụng cụ chứa hợp vệ sinh hoặc trong các túi có màu sắc phân biệt, đổ chất thải vào đúng nơi quy định.
3. Các hộ gia đình khi tiến hành các hoạt động cải tạo hoặc phá dỡ công trình xây dựng phải thực hiện đăng ký với Công ty môi trường đô thị hoặc ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị để được thu gom theo quy định.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 47. Các cơ quan, đơn vị cấp nước, thoát nước, bưu điện, điện lực, bưu chính viễn thông khi thực hiện xây dựng công trình trong đô thị
Trong quá trình xây dựng thi công, xử lý kỹ thuật công trình liên quan đến đường đô thị và các công trình kỹ thuật hạ tầng khác của đô thị phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, UBND các huyện thị thực hiện theo quy định phân cấp này để xây dựng các công trình hạ tầng đồng bộ đảm bảo mỹ thuật, kỹ thuật và sự an toàn của các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Điều 48. Xử phạt những hành vi vi phạm trong quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị
Thực hiện theo Nghị định số: 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở và theo các văn bản quy định hiện hành.
Điều 49. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành
Giao cho Sở Xây dựng chủ trì hướng dẫn, tổ chức thực hiện theo quy định phân cấp này. Trong qua trình thực hiện nếu vướng mắc, các ngành; địa phương; tổ chức; cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung./.