cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 09/04/2012 Quy định nội dung và mức chi xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

  • Số hiệu văn bản: 08/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Ngày ban hành: 09-04-2012
  • Ngày có hiệu lực: 19-04-2012
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-08-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3415 ngày (9 năm 4 tháng 10 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 25-08-2021
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 25-08-2021, Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 09/04/2012 Quy định nội dung và mức chi xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 10/08/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk bãi bỏ các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 08/2012/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 09 tháng 04 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH NỘI DUNG VỀ MỨC CHI XỬ LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN BỊ TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC DO VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Thông tư số 12/2010/TT-BTC ngày 20/1/2010 của Bộ Tài chính, hướng dẫn xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng và quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính và Thông tư số 139/2011/TT-BTC ngày 10/10/2011 của Bộ Tài chính, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2010/TT-BTC ngày 20/01/2010 của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 73/TTr-STC ngày 02/3/2012,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định nội dung và mức chi xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 50/2007/QĐ-UBND ngày 10/12/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh, ban hành quy định một số mức chi thực hiện nhiệm vụ quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Công báo tỉnh, Website tỉnh;
- Báo ĐắkLắk; Đài PTTH tỉnh;
- Các phòng: TH, NN&MT, CN, NC, VH&XH;
- Lưu: VT, TCTM (N-TM).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Y DHăm ÊNuôl

 

QUY ĐỊNH

NỘI DUNG VÀ MỨC CHI XỬ LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN BỊ TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC DO VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND, ngày 09/04/2012 của UBND tỉnh)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

1. Quy định này quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thu sung quỹ Nhà nước theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính do người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu.

2. Quy định này chỉ áp dụng thanh toán cho việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiên tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính (bao gồm cả số tiền thu được từ xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng và các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khác); trừ tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận, thương mại, hàng giả.

3. Việc xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận, thương mại, hàng giả thực hiện theo quy định tại Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 14/7/2008 của Bộ Tài chính, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận, thương mại, hàng giả và Thông tư số 51/2010/TT-BTC ngày 14/4/2010 của Bộ Tài chính, về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày14/7/2008 của Bộ Tài chính;

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 2. Quy định về vận chuyển, giao nhận, bảo quản tài sản từ khi có quyết định bắt giữ tang vật, phương tiện đến khi hoàn thành việc xử lý:

- Căn cứ quy định này Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện;

- Đơn vị để tính chi phí vận chuyển là m3, đối với các loại tang vật khác không phải là gỗ được tính qui đổi theo trọng lượng 500 kg tương đương với 1 m3;

Điều 3. Cách xác định khối lượng và thời gian vận chuyển như sau:

1. Trường hợp thuê xe chuyên chở bằng ôtô, xe chuyên dùng khác với khối lượng <=50% trọng tải xe thì được thanh toán bằng 50% trọng tải xe. Nếu khối lượng >50% trọng tải xe thì được thanh toán bằng 100% trọng tải xe.

2. Trường hợp thuê xe chuyên chở tang vật vào ban đêm (thời gian từ 18 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau) thì số tiền thanh toán được nhân hệ số 1,5 lần;

3. Trường hợp vận chuyển bằng xe cơ quan nhà nước thì được thanh toán chi phí nhiên liệu theo định mức quy định hiện hành;

Điều 4. Định mức thanh toán chi phí vận chuyển (đồng/m3/km):

1. Vận chuyển từ rừng, rẫy, vườn nhà đi trên đường đất để chuyên chở tang vật đến tuyến đường đất lưu thông bình thường được thanh toán như sau:

+ Xe ôtô, xe chuyên dùng khác: 100.000 đồng/m3/km;

+ Xe máy cày, xe kéo thô sơ: 110.000 đồng/m3/km;

+ Súc vật kéo: 150.000 đồng/m3/km;

2. Vận chuyển tài sản trên đường nhựa thì được thanh toán bằng 70% mức quy định trên.

Điều 5. Chi phí trông coi, bảo quản:

1. Cơ quan ra quyết định tịch thu tang vật (hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu tang vật) ký hợp đồng thuê kho bãi, mặt bằng và trông coi với cá nhân, tổ chức, đơn vị để quản lý, bảo quản tang vật. Thời gian thuê được tính từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính hoặc tạm giữ tài sản đến ngày vận chuyển tài sản đó đi nơi khác. Chi phí thuê mặt bằng, kho bãi, được thỏa thuận giữa hai bên, bên thuê phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực và hiệu quả, chi phí thuê trông coi, bảo quản được thanh toán: 150.000 đồng/người/ngày đêm.

2. Trường hợp tang vật là súc vật sống thì căn cứ tình hình thực tế cơ quan có trách nhiệm bảo quản lập dự toán chi phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp xem xét thống nhất để thực hiện.

Điều 6. Chi phí bốc dỡ:

1. Tất cả các khoản chi phí bốc lên, xuống xe xếp vào kho bãi hoặc sắp xếp lại tang vật tại kho bãi đều được tính trong chi phí này.

2. Đơn vị để tính chi phí bốc dỡ thực hiện theo Điều 2; Chương II của quy định này. Mỗi lần bốc dỡ lên hoặc xuống xe xếp vào kho bãi đều được tính là 1 lượt.

3. Trường hợp thuê bốc dỡ tang vật vào ban đêm (thời gian từ 18 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau) thì số tiền thanh toán được nhân hệ số 1,5 lần;

4. Định mức thanh toán chi phí bốc dỡ (đồng/m3/lượt):

Đối với phương tiện bốc dỡ bằng cơ giới được thanh toán: 80.000 đồng/m3/lượt.

Đối với bốc dỡ bằng thủ công được thanh toán: 150.000 đồng/m3/lượt.

Chi phí sắp xếp lại tài sản tại kho, bãi bằng thủ công thì được thuê nhân công lao động và được thanh toán: 100.000 đồng/công; nếu bằng phương pháp tiện cơ giới thì được thanh toán: 100.000 đồng/m3.

Điều 7. Chi bồi dưỡng làm thêm giờ, bồi dưỡng công tác kiêm nhiệm của cá nhân tham gia, quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước:

1. Chi bồi dưỡng làm thêm giờ: Thực hiện theo chế độ chi trả quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 của Liên bộ: Bộ nội vụ và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức và các văn bản hướng dẫn có liên quan;

2. Chi bồi dưỡng công tác kiêm nhiệm của cá nhân tham gia điều tra, quản lý xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước được thanh toán: 150.000 đồng/người/ngày.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Các nội dung khác không quy định tại Quyết định này thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12/2010/TT-BTC ngày 20/1/2010 của Bộ Tài chính, hướng dẫn xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng và quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính và Thông tư số 139/2011/TT-BTC ngày 10/10/2011 của Bộ Tài chính, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2010/TT-BTC ngày 20/01/2010 của Bộ Tài chính;

Điều 9. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.