cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 03/2012/QĐ-UBND ngày 04/02/2012 Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ máy, biên chế của báo kinh tế và đô thị do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu văn bản: 03/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Ngày ban hành: 04-02-2012
  • Ngày có hiệu lực: 14-02-2012
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-02-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2571 ngày (7 năm 16 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 28-02-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 28-02-2019, Quyết định số 03/2012/QĐ-UBND ngày 04/02/2012 Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ máy, biên chế của báo kinh tế và đô thị do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 983/QĐ-UBND ngày 28/02/2019 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành đến ngày 31/12/2018”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2012/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ MÁY, BIÊN CHẾ CỦA BÁO KINH TẾ VÀ ĐÔ THỊ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1998; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999;

Căn cứ Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí;

Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế nhân sự và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

Xét đề nghị của Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị tại Tờ trình số 376/TTr-BKT&ĐT ngày 25 tháng 7 năm 2011 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 2107/TTr-SNV ngày 01 tháng 12 năm 2011 về việc quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế của Báo Kinh tế và Đô thị thành phố Hà Nội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí, chức năng

1. Báo Kinh tế và Đô thị là cơ quan ngôn luận của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; là diễn đàn của nhân dân vì sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố Hà Nội và cả nước.

Báo Kinh tế và Đô thị hoạt động theo Luật Báo chí của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chịu sự lãnh đạo, quản lý toàn diện và trực tiếp của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; sự chỉ đạo, định hướng nội dung, hoạt động của Ban Tuyên giáo Thành ủy và sự quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội.

2. Báo Kinh tế và Đô thị có tên giao dịch tiếng Anh: ECONOMIC AND URBAN NEWSPAPER.

Website: www.ktdt.com.vn.

Báo Kinh tế và Đô thị có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội, ngoài ra có cơ quan đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh và phóng viên thường trú ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Báo Kinh tế và Đô thị là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để hoạt động và giao dịch theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Báo Kinh tế và Đô thị có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí theo quy định của Luật Báo chí và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như sau:

1. Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt chương trình, kế hoạch hoạt động dài hạn, 05 năm và hàng năm của Báo; tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Tuyên truyền, phân tích, giải thích, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; phản ánh kịp thời và định hướng dư luận xã hội các sự kiện thời sự, các thành tựu trong phát triển kinh tế, đô thị của thành phố Hà Nội, trong nước và quốc tế.

3. Thông tin kịp thời các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội.

4. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tín ngưỡng và công cuộc đổi mới của Thủ đô và đất nước.

5. Diễn đàn của nhân dân trong việc đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của Nhà nước; là phương tiện thông tin đại chúng quảng bá hình ảnh, thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố Hà Nội.

6. Phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Thành phố thực hiện thông tin, tuyên truyền về định hướng, chính sách, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố Hà Nội và cả nước.

7. Cung cấp và đáp ứng nhu cầu thông tin cần thiết của bạn đọc về các lĩnh vực kinh tế, đô thị; giúp các tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận thông tin, quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu, sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

8. Tiếp nhận và kiểm tra, phản ánh khách quan các vụ việc khiếu nại tố cáo và đề nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Phổ biến, hướng dẫn, giải đáp pháp luật; tuyên truyền vận động nhân dân sống và làm việc theo pháp luật; ưu tiên thông tin tuyên truyền các lĩnh vực: Trật tự an toàn giao thông; tài nguyên và môi trường; chính sách thuế; văn minh đô thị; biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến và phê phán các hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực kinh tế, đô thị và các lĩnh vực khác.

9. Tổ chức biên tập, xuất bản báo đúng định kỳ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tôn chỉ, mục đích, chức năng, kế hoạch đã được phê duyệt và giấy phép hoạt động của Báo do cơ quan có thẩm quyền cấp.

10. Triển khai hiệu quả công tác phát hành báo đến cơ sở theo quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp về lĩnh vực kinh tế và đô thị. Từng bước mở rộng phạm vi phát hành Báo Kinh tế và Đô thị ra vùng Thủ đô, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn trên cả nước.

11. Tổ chức hoạt động kinh doanh, dịch vụ phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, theo đúng tôn chỉ, mục đích của báo và quy định của pháp luật để tạo thêm nguồn thu đầu tư trở lại cho việc phát triển báo chí. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

12. Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và quản lý công chức, viên chức, cộng tác viên và người lao động của Báo theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

13. Thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động của Báo theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

14. Thực hiện chế độ tài chính, kế toán và quản lý tài sản được giao theo quy định của pháp luật và của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

15. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế

1. Lãnh đạo

Lãnh đạo Báo Kinh tế và Đô thị có Tổng biên tập và các Phó Tổng biên tập.

a) Tổng biên tập là người lãnh đạo cao nhất của Báo, chịu trách nhiệm toàn diện trước Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Báo;

b) Các Phó Tổng biên tập giúp Tổng Biên tập quản lý, điều hành hoạt động của Báo; được Tổng Biên tập phân công trực tiếp quản lý, điều hành một số lĩnh vực hoạt động của Báo; chịu trách nhiệm trước Tổng Biên tập và trước pháp luật về việc quản lý, điều hành các lĩnh vực công tác đã được phân công;

c) Việc bổ nhiệm Tổng biên tập và các Phó Tổng biên tập do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định theo tiêu chuẩn chức danh và quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước và Thành phố về công tác cán bộ;

Việc miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách khác đối với Tổng biên tập và các Phó Tổng biên tập thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.

2. Các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương

a) Văn phòng (bao gồm tổ chức, hành chính và tổng hợp);

b) Phòng Tài chính - Kế toán;

c) Ban Thư ký Tòa soạn;

d) Ban Thời sự Chính trị;

đ) Ban Kinh tế - Văn hóa - Xã hội;

e) Ban Đô thị;

g) Ban Pháp luật và Bạn đọc;

h) Ban Nông nghiệp - Ngoại thành;

i) Ban Dịch vụ truyền thông Kinh tế và Đô thị.

k) Ban Báo điện tử Kinh tế và Đô thị (Báo điện tử tiếng Việt và tiếng Anh);

l) Cơ quan đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh và phóng viên thường trú tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương; trách nhiệm của Trưởng, Phó các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương thuộc Báo Kinh tế và Đô thị do Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị quyết định theo quy định của pháp luật.

3. Biên chế

Biên chế của Báo Kinh tế và Đô thị là biên chế sự nghiệp được Ủy ban nhân dân Thành phố giao hàng năm trong tổng số biên chế sự nghiệp của Thành phố do Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định.

Điều 4. Trách nhiệm và mối quan hệ công tác

1. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là cơ quan chủ quản, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của Báo Kinh tế và Đô thị; đảm bảo các điều kiện thuận lợi để Báo hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và quy định của pháp luật.

2. Báo là chủ thể chịu trách nhiệm độc lập về các quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Báo theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân Thành phố.

3. Quan hệ giữa Báo và một số cơ quan, đơn vị có liên quan của Thành phố

a) Báo Kinh tế và Đô thị chịu sự chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nội dung thông tin của Ban Tuyên giáo Thành ủy; sự quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn của Sở Thông tin và Truyền thông;

b) Các sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp của Thành phố, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để Báo Kinh tế và Đô thị thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền;

c) Báo Kinh tế và Đô thị có trách nhiệm phối hợp với Hội Nhà báo Thành phố tập huấn, bồi dưỡng cho hội viên - nhà báo về kiến thức pháp luật, về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ báo chí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên theo Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam và quy định của pháp luật.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

2. Giao Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị căn cứ các quy định trong Quyết định này, xây dựng và ban hành nội quy, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình làm việc và mối quan hệ trong cơ cấu tổ chức trực thuộc.

3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ; Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trực thuộc và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 5;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra văn bản);
- Thường trực Thành ủy, HĐND TP;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP;
- Các Ban thuộc Thành ủy;
- Đoàn ĐBQH TP;
- Các Ban của HĐND TP;
- Website Chính phủ;
- Báo Hà Nội mới, Công báo HN;
- CVP, PVP UBND TP;
- Các Phòng CV;
- Lưu VT, VXXH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Thảo