cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 Về hỗ trợ các chương trình sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012-2015ban hành bởi tỉnh Phú Thọ (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 23/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Ngày ban hành: 20-12-2011
  • Ngày có hiệu lực: 30-12-2011
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 30-12-2013
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 29-07-2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1673 ngày (4 năm 7 tháng 3 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 29-07-2016
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 29-07-2016, Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 Về hỗ trợ các chương trình sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012-2015ban hành bởi tỉnh Phú Thọ (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐND ngày 19/07/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ Về cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú thọ giai đoạn 2016-2020”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2011/QĐ-UBND

Phú Thọ, ngày 20 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V HỖ TRỢ CÁC CHƯƠNG TRÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2012 – 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 36/2011/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2011 của HĐND tỉnh về hỗ trợ các chương trình sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012 - 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Hỗ trợ các chương trình sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012 - 2015 như sau:

I - Đối với các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm

1. Chương trình sản xuất lương thực

- Đối tượng được hỗ trợ, quy mô và định mức hỗ trợ:

+ Hộ dân thuộc các xã, thôn đặc biệt khó khăn, an toàn khu:

* Trường hợp sử dụng giống lúa lai, ngô lai gieo trồng, không giới hạn quy mô diện tích được hỗ trợ 25.000 đồng/kg giống (định mức kỹ thuật gieo trồng: Lúa lai 30kg/ha; ngô lai 20kg/ha).

* Trường hợp các hộ dân cùng liên kết áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa lai bằng phương pháp SRI hoặc gieo thẳng bằng giàn sạ có quy mô diện tích liền vùng, liền thửa từ 3ha trở lên được hỗ trợ 500.000 đồng/ha và 25.000 đồng/kg giống lúa lai (định mức kỹ thuật gieo trồng 20kg/ha).

+ Các hộ dân trên địa bàn còn lại cùng liên kết áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa lai bằng phương pháp SRI hoặc gieo thẳng bằng giàn sạ có quy mô diện tích liền vùng, liền thửa từ 3ha trở lên được hỗ trợ 500.000 đồng/ha.

+ Các cơ sở sản xuất hạt giống lúa lai F1 trên địa bàn tỉnh khi có sản phẩm được chứng nhận đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất thực tế trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 5.000 đồng/kg giống.

- Mùa vụ hỗ trợ: Đối với lúa: Vụ chiêm xuân, vụ mùa; đối với ngô: Vụ xuân, vụ mùa và vụ đông.

- Chủng loại giống lúa lai, ngô lai được hỗ trợ do Sở Nông nghiệp và PTNT công bố.

2. Chương trình phát triển chè

- Đối tượng được hỗ trợ, quy mô và định mức hỗ trợ:

+ Các hộ dân trong vùng quy hoạch phát triển chè của tỉnh sử dụng bầu chè giống mới (chủng loại giống do Sở Nông nghiệp và PTNT công bố) để trồng lại diện tích chè giống cũ, cằn xấu, năng suất thấp có quy mô trồng tập trung từ 0,1ha trở lên được hỗ trợ toàn bộ bầu chè giống (định mức 20.000 bầu/ha) và 5 triệu đồng/ha để mua phân bón.

+ Các doanh nghiệp sản xuất chè xanh chất lượng cao (Kim Tuyên, Phúc Vân Tuyên, Bát Tiên,...) được hỗ trợ 01 lần kinh phí xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm; mức hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/doanh nghiệp. UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho từng dự án.

3. Chương trình phát triển thủy sản

- Đối tượng được hỗ trợ, quy mô và định mức hỗ trợ:

+ Các hộ, nhóm hộ có diện tích nuôi thủy sản liền vùng, liền thửa với quy mô từ 0,5ha trở lên và đảm bảo mật độ nuôi theo quy định được hỗ trợ giống thủy sản, cụ thể: 5 triệu đồng/ha đối với diện tích nuôi chuyên cá rô phi đơn tính, cá rô đồng đầu vuông, cá vược nước ngọt (hỗ trợ 1 năm 1 lần); 2 triệu đồng/ha đối với diện tích nuôi các giống thủy sản chủ lực (chép lai V1, trắm, trôi, mè,...). Chủng loại giống thủy sản được hỗ trợ do Sở Nông nghiệp và PTNT công bố;

+ Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hạ tầng sản xuất giống thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh: Mức hỗ trợ dưới 50% giá trị công trình và không quá 200 triệu đồng/dự án. UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho từng dự án.

+ Hàng năm hỗ trợ triển khai 6 mô hình (mỗi mô hình 1ha/huyện) nuôi thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào nuôi các giống thủy sản chủ lực, đặc sản (cá chép lai V1, cá trắm, cá Anh Vũ, cá Lăng Chấm,...); mức hỗ trợ 80 triệu đồng/mô hình. Đối tượng được hỗ trợ: Các tổ chức, cá nhân tham gia mô hình;

+ Hỗ trợ kinh phí tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Tổng kinh phí hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/năm. UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho từng dự án.

4. Chương trình phát triển rừng sản xuất (hỗ trợ trồng rừng thâm canh)

- Đối tượng được hỗ trợ: Các hộ, nhóm hộ gia đình có đất, thuê đất trồng rừng, thâm canh ít nhất một chu kỳ sản xuất với quy mô liền vùng từ 1ha trở lên.

- Nội dung và mức hỗ trợ:

+ Đối với các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập: Mức hỗ trợ 3,7 triệu đồng/ha, trong đó: Hỗ trợ giống cây keo tai tượng hạt ngoại 2 triệu đồng/ha, hỗ trợ phân bón lót 1,7 triệu đồng/ha;

+ Đối với các huyện, thành, thị còn lại: Hỗ trợ giống cây keo tai tượng hạt ngoại với mức 2 triệu đồng/ha.

II - Đối với các chương trình nông nghiệp khuyến khích phát triển

1. Chương trình phát triển đàn bò thịt chất lượng cao

- Đối tượng được hỗ trợ và định mức hỗ trợ:

+ Hộ gia đình, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi mua bò đực giống 3/4 máu Zebu phục vụ công tác phối giống được hỗ trợ 1 lần với mức 9 triệu đồng/con;

+ Hỗ trợ cho dẫn tinh viên trực tiếp thụ tinh nhân tạo cho bò cái trên địa bàn tỉnh (bằng tinh bò ngoại) đến khi có chửa được hỗ trợ 300.000 đồng/con (Bao gồm chi phí tinh bò ngoại, vật tư thụ tinh, tiền công).

2. Chương trình phát triển cây ăn quả

- Đối với cây bưởi đặc sản huyện Đoan Hùng: Hỗ trợ kinh phí trong 2 năm (2012 - 2013) để triển khai mô hình ứng dụng kỹ thuật mới nhằm cải tạo, phục hồi và phát triển bền vững bưởi đặc sản Đoan Hùng. Kinh phí hỗ trợ 500 triệu đồng/năm. Đối tượng được hỗ trợ: Các tổ chức, cá nhân thực hiện mô hình.

- Đối với cây bưởi Diễn:

+ Đối tượng được hỗ trợ: Các tổ chức, doanh nghiệp, trang trại, hộ dân trồng mới bưởi Diễn theo dự án của huyện, thành, thị được UBND tỉnh phê duyệt có diện tích trồng tập trung từ 0,1ha trở lên, đảm bảo mật độ 400 cây/ha.

+ Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ cây giống với định mức 4 triệu đồng/ha. Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ sau khi nghiệm thu cây bưởi có quả (năm thứ 4).

- Đối với cây hồng không hạt:

+ Đối tượng được hỗ trợ: Các tổ chức, doanh nghiệp, trang trại, hộ dân trồng mới hồng không hạt (hồng Hạc Trì, hồng Gia Thanh) theo dự án của huyện, thành, thị được UBND tỉnh phê duyệt và có diện tích trồng tập trung từ 0,1ha trở lên, đảm bảo mật độ 300 cây/ha.

+ Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ cây giống và phân bón; mức hỗ trợ 15 triệu đồng/ha, bao gồm: Hỗ trợ cây giống 12 triệu đồng/ha; hỗ trợ mua phân bón 3 triệu đồng/ha.

3. Chương trình phát triển nông nghiệp cận đô thị

- Đối tượng được hỗ trợ: Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp cận đô thị: Sản xuất rau an toàn, hoa, nấm, lúa chất lượng cao, giống cây, con có giá trị cao, chăn nuôi các con đặc sản,... gắn với áp dụng khoa học công nghệ thân thiện với môi trường.

- Quy mô được hưởng hỗ trợ: Vùng sản xuất rau an toàn tập trung từ 3ha trở lên; sản xuất hoa, nấm từ 0,1ha trở lên; sản xuất lúa chất lượng cao tập trung từ 10ha trở lên; chăn nuôi các con đặc sản quy mô theo dự án được UBND tỉnh phê duyệt.

- Nội dung hỗ trợ:

+ Hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn cho người sản xuất;

+ Hỗ trợ kinh phí đầu tư giống cây, con;

+ Hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay 2 năm đầu để đầu tư cơ sở hạ tầng;

+ Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại;

- Về mức hỗ trợ: UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho từng dự án.

III - Hỗ trợ đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp

1. Đối tượng được hỗ trợ: Hộ dân, tổ hợp tác, các hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản đầu tư đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh.

2. Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ mua máy làm đất, thu hoạch, máy chế biến thức ăn thủy sản. Mức hỗ trợ 20% giá trị máy, tối đa 15 triệu đồng/máy.

Điều 2. Tổ chức thực hiện và phân công nhiệm vụ

1. Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính hướng dẫn thực hiện các nội dung hỗ trợ.

 2. Sở Nông nghiệp và PTNT công bố chủng loại giống cây, con được hỗ trợ theo kế hoạch từng vụ, từng năm; lựa chọn địa bàn và đề xuất với UBND tỉnh các mô hình: Nuôi thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào nuôi các giống thủy sản chủ lực, đặc sản; ứng dụng kỹ thuật mới nhằm cải tạo, phục hồi và phát triển bền vững bưởi đặc sản Đoan Hùng theo kế hoạch hàng năm; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định; đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung những nội dung hỗ trợ chưa hợp lý trong quá trình thực hiện, báo cáo UBND tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt các dự án đầu tư theo quy định hiện hành.

4. Sở Tài chính:

- Căn cứ kế hoạch hàng năm của từng chương trình, dự án, cân đối bố trí nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để đảm bảo thực thi, có hiệu quả từng chương trình, dự án; thực hiện cấp phát và quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí hỗ trợ; hướng dẫn việc thanh, quyết toán vốn hỗ trợ theo quy định hiện hành.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt mức hỗ trợ từ ngân sách tỉnh đối với các dự án, nội dung chưa có định mức hỗ trợ cụ thể (bao gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hạ tầng sản xuất giống thủy sản tập trung; dự án tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp cận đô thị; dự án xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp sản xuất chè xanh chất lượng cao).

5. UBND các huyện, thành, thị: Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nội dung hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn biết và thực hiện; thực hiện nghiệm thu, quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí hỗ trợ và thực hiện thanh, quyết toán vốn hỗ trợ theo quy định hiện hành; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; các tổ chức và cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thực hiện.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Dân Mạc