cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 17/11/2011 Quy định cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 33/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Ngày ban hành: 17-11-2011
  • Ngày có hiệu lực: 27-11-2011
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 26-04-2013
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 29-01-2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1524 ngày (4 năm 2 tháng 4 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 29-01-2016
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 29-01-2016, Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 17/11/2011 Quy định cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 438/QĐ-UBND ngày 29/01/2016 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành hết hiệu lực toàn bộ và hết hiệu lực một phần trong năm 2015”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 33/2011/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 17 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CƠ CHẾ HỖ TRỢ ĐẨY MẠNH CƠ GIỚI HOÁ MỘT SỐ KHÂU TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM, GIAI ĐOẠN 2011-2015

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 48/2009/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ về chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thuỷ sản;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 389/TTr-SNN&PTNT ngày 08/11/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Ngân sách tỉnh hỗ trợ mua các loại máy móc, thiết bị được buôn bán hợp pháp ở thị trường trong nước, phù hợp với việc áp dụng theo điều kiện ruộng đất từng vùng trên địa bàn tỉnh để đẩy mạnh cơ giới hoá một số khâu trong sản xuất nông nghiệp, cụ thể như sau:

a) Các loại máy làm đất 4 bánh, có công suất từ 18 CV trở lên, máy gặt đập liên hợp, máy sấy hạt giống đối với các huyện đồng bằng và các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn;

b) Các loại máy làm đất nhỏ, máy gặt xếp hàng đối với các huyện miền núi cao.

2. Hằng năm, ngân sách tỉnh bố trí kinh phí để hỗ trợ mua các loại máy móc, thiết bị nêu trên; sử dụng nguồn kinh phí từ chương trình đào tạo nghề để hỗ trợ đào tạo cho chủ sử dụng máy móc, thiết bị về cơ khí nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/2011/NQ-HĐND ngày 19/7/2011 của HĐND tỉnh Quảng Nam về Chương trình mục tiêu việc làm và dạy nghề tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2015.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Hộ gia đình, Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác có địa chỉ cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhu cầu mua các loại máy móc, thiết bị, nhu cầu học nghề theo quy định tại khoản 1 Điều này, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là chủ thể trực tiếp sản xuất và dịch vụ sản xuất (không phải mua đi, bán lại).

Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Ngân sách tỉnh thực hiện hỗ trợ sau đầu tư cho các đối tượng theo quy định tại Điều 4, Quyết định này;

2. Các đối tượng được hỗ trợ phải cam kết sử dụng đúng mục đích là phục vụ sản xuất ít nhất 3 năm (tính từ ngày được nhận vốn hỗ trợ) và khi hết thời vụ hoặc chưa đến thời vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, mới được đưa đi phục vụ sản xuất ở nơi khác. Nếu vi phạm sẽ bị thu hồi phần kinh phí ngân sách tỉnh đã hỗ trợ theo cơ chế;

3. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng vốn tự có và tranh thủ cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước để mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;

4. Các địa phương căn cứ vào dự toán được phân bổ để lập kế hoạch, công khai kế hoạch và thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, theo kế hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt;

5. Các đối tượng được hỗ trợ theo Cơ chế này, vẫn được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng quy định tại Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách hiện hành của Trung ương ưu đãi về tín dụng đối với cơ giới hoá nông nghiệp. Các loại máy móc, thiết bị của HTX nông nghiệp mua sắm, đã được hưởng hỗ trợ của cơ chế về ứng dụng công nghệ mới theo Nghị quyết 113/2008/NQ-HĐND ngày 30/7/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, thì không được hưởng hỗ trợ theo Cơ chế này.

Điều 4. Mức hỗ trợ

1. Đối với máy làm đất (bao gồm máy kéo và công cụ kèm theo như rơ - moóc, cày, bừa...), thiết bị sấy, máy gặt xếp hàng: hỗ trợ 20% giá mua máy ghi trong hoá đơn bán hàng (hoá đơn đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước), nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 30 triệu đồng/máy.

2. Máy gặt đập liên hợp: Hỗ trợ 25% giá mua máy ghi trong hoá đơn bán hàng, nhưng tối đa không quá 40 triệu đồng/máy;

3. Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ một lần và tổng số máy được hỗ trợ tối đa không quá: 01 máy đối với hộ gia đình; 02 máy đối với Tổ hợp tác; 03 máy đối với Hợp tác xã (không phân biệt máy cùng chủng loại hoặc khác chủng loại).

Điều 5. Trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ

1. Trình tự lập, phân bổ kế hoạch

a) Trên cơ sở nhu cầu mua máy móc, thiết bị, nhu cầu đào tạo nghề cơ khí nông nghiệp của các đối tượng được hỗ trợ nêu tại Điều 2, Quyết định này; UBND cấp xã tổng hợp, báo cáo UBND cấp huyện. Tháng 8 hằng năm, UBND cấp huyện lập kế hoạch về nhu cầu kinh phí hỗ trợ theo từng loại máy thuộc phạm vi điều chỉnh của cơ chế này, gửi đến Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, lập kế hoạch gửi Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện trong dự toán thu, chi ngân sách hằng năm;

b) Căn cứ kinh phí bổ sung có mục tiêu được phân bổ, UBND cấp huyện phân bổ vào dự toán của Phòng Nông nghiệp và PTNT (hoặc Phòng Kinh tế) huyện, thành phố; sau đó, thông báo kế hoạch kinh phí được hỗ trợ cho UBND cấp xã. UBND cấp xã có trách nhiệm công khai rộng rãi, để các đối tượng có nhu cầu mua máy móc, thiết bị biết làm đơn đề nghị hỗ trợ gửi UBND cấp xã (đơn này viết theo mẫu và được Ban nhân dân thôn, hoặc Ban nhân dân khối phố chứng nhận);

c) Sau khi nhận đơn của các đối tượng, UBND xã tiến hành xét, chọn đối tượng được hỗ trợ, loại máy móc, thiết bị do các đối tượng đề nghị được mua sắm, kinh phí dự kiến hỗ trợ theo đúng với các quy định của Quyết định này (có lập biên bản xét, chọn). Thành phần tham dự xét, chọn đối tượng hỗ trợ do Chủ tịch UBND cấp xã quy định. Căn cứ vào kết quả xét, chọn, UBND cấp xã thông báo và niêm yết công khai danh sách đối tượng được hỗ trợ tại trụ sở cấp xã. Kinh phí UBND cấp xã dự kiến hỗ trợ cho đối tượng qua việc xét chọn, không vượt quá kế hoạch kinh phí đã được UBND cấp huyện thông báo.

2. Thủ tục giải ngân kinh phí hỗ trợ

a) Kiểm tra, nghiệm thu máy móc đã mua sắm để giải ngân kinh phí hỗ trợ (hỗ trợ sau đầu tư):

- Sau khi đối tượng (theo danh sách UBND cấp xã đã xét chọn) mua sắm máy móc, UBND cấp xã phải xác nhận việc kiểm tra, nghiệm thu máy móc đã mua sắm để thực hiện việc hỗ trợ và tổng hợp danh sách đối tượng đã mua sắm máy móc (theo mẫu), gửi đến Phòng Nông nghiệp và PTNT (hoặc Phòng Kinh tế) huyện, thành phố;

- Căn cứ vào danh sách đối tượng đã mua sắm máy móc UBND cấp xã gửi đến, Phòng Nông nghiệp và PTNT hoặc Phòng Kinh tế huyện, thành phố chủ trì việc kiểm tra, nghiệm thu và giải ngân kinh phí hỗ trợ cho đối tượng. Thành phần kiểm tra nghiệm thu gồm: Phòng Nông nghiệp và PTNT (hoặc Phòng Kinh tế), Phòng Tài chính- Kế hoạch cấp huyện; Hội Nông dân cấp huyện; UBND cấp xã; Ban nhân dân thôn, Khối phố và đối tượng được hỗ trợ;

 - Ngay sau khi kiểm tra, nghiệm thu xác nhận đầy đủ thủ tục, đúng với quy định hỗ trợ (có biên bản kiểm tra, nghiệm thu theo mẫu), Phòng Nông nghiệp và PTNT (hoặc Phòng Kinh tế) huyện, thành phố lưu hồ sơ, thủ tục, đồng thời cấp kinh phí trực tiếp cho đối tượng được hỗ trợ (kinh phí tạm ứng từ ngân sách cấp huyện). Nếu thủ tục hỗ trợ chưa đầy đủ, thì Phòng Nông nghiệp và PTNT (hoặc Phòng Kinh tế) huyện, thành phố hướng dẫn cho đối tượng tiến hành bổ sung. Trường hợp cần thiết phải kiểm tra lại giá mua máy móc, thiết bị nhằm đảm bảo sự chính xác trong việc hỗ trợ kinh phí thì Phòng Tài chính-Kế hoạch cấp huyện chủ trì, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT (hoặc Phòng Kinh tế) huyện, thành phố thực hiện việc kiểm tra.

b) Hồ sơ để thực hiện giải ngân gồm

- Đơn xin hỗ trợ của đối tượng;

- Biên bản kiểm tra, xét chọn do UBND cấp xã xác lập và Thông báo của UBND cấp xã về danh sách đối tượng được hỗ trợ, như đã nêu điểm c, khoản 1 của Điều này;

- Hoá đơn bán hàng, như đã nêu tại Điều 4, Quyết định này;

- Biên bản kiểm tra, nghiệm thu máy móc đã mua sắm, nêu ở điểm a, khoản 2 của Điều này.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh giao kế hoạch hằng năm; kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung kế hoạch; báo cáo UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng các mô hình cơ giới hoá nông nghiệp, phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo nghề cơ khí nông nghiệp cho chủ sử dụng máy móc; hướng dẫn các loại mẫu, biểu giúp các đối tượng được hỗ trợ lập hồ sơ, thủ tục, tạo sự thống nhất trong quản lý, thực hiện.

2. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các Sở, ngành liên quan xây dựng quy hoạch phát triển ngành cơ khí; tham mưu đề xuất UBND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến công; chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu chế tạo máy nông nghiệp.

3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí ngân sách hàng năm để thực hiện cơ chế.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT có kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 14/2011/NQ-HĐND ngày 19/7/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam về Chương trình mục tiêu việc làm và dạy nghề tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2015.

5. Các Sở, ngành: Tài nguyên - Môi trường, Giao thông - Vận tải, Liên minh HTX, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Quảng Nam và các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức thực hiện tốt cơ chế này.

6. UBND các huyện, thành phố

- Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp; phổ biến rộng rãi cơ chế hỗ trợ tại Quyết định này và chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thuỷ sản tại Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ;

- Xây dựng Đề án đẩy mạnh cơ giới hoá nông nghiệp từ năm 2012 đến 2015 gắn với phương án dồn điền đổi thửa, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế ở địa phương để triển khai thực hiện. Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT (hoặc Phòng Kinh tế), Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu lập kế hoạch hằng năm sát đúng, thực hiện hỗ trợ và đảm bảo chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 2, Quyết định này. Bố trí kinh phí cho công tác quản lý, điều hành để chỉ đạo triển khai, sơ kết và tổng kết việc thực hiện cơ chế theo đúng quy định;

- Tổ chức giám sát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh tỉnh cùng phối hợp vận động, tuyên truyền tổ chức thực hiện tốt các nội dung của Quyết định này.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và kết thúc vào 31/12/2015.

Điều 8. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang