Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 16/03/2012 Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 07/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Ngày ban hành: 16-03-2012
- Ngày có hiệu lực: 16-03-2012
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 18-04-2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 398 ngày (1 năm 1 tháng 3 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 18-04-2013
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CT-UBND | Nghệ An, ngày 16 tháng 03 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG
Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ cháy và diện tích rừng bị cháy giảm đáng kể so với những năm trước đây. Tuy vậy, trên địa bàn tỉnh, tại nhiều địa phương vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, mùa nắng nóng sắp đến nếu không có biện pháp PCCCR có hiệu quả thì cháy rừng rất dễ xảy ra.
Thực hiện nghiêm túc Công điện số 300/CĐ-TTg ngày 06/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phòng cháy, chữa cháy rừng; nhằm chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, Thủ trưởng các đơn vị chủ rừng, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ cấp bách sau đây:
1. UBND các huyện, thành, thị (gọi tắt là UBND cấp huyện)
- Chỉ đạo hoạt động có hiệu quả Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng, chữa cháy rừng (BVR&PCCCR) cấp huyện và các đơn vị chủ rừng, xây dựng, thực hiện phương án PCCCR. Phân công các thành viên Ban chỉ huy tăng cường kiểm tra các điều kiện an toàn PCCCR đối với các địa phương cấp xã và chủ rừng. Tổ chức, cá nhân nào vi phạm, không chấp hành các quy định về PCCCR tiến hành lập biên bản kiến nghị và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật;
- Phối hợp với các ngành chức năng chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, các chủ rừng, các ngành chức năng cấp huyện và các địa phương cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt công tác PCCCR; Tổ chức lực lượng thường trực tuần tra bảo vệ rừng, quản lý chặt chẽ người ra vào rừng, nghiêm cấm những người không có nhiệm vụ tự ý vào rừng khai thác lâm sản trái phép, tự ý mang lửa, chất nổ, chất dễ cháy vào rừng, phá rừng đốt nương làm rẫy. Tập trung cao độ vào các khu vực Mộ Bà Hoàng Thị Loan, khu Đền thờ Vua Mai Hắc Đế, Khu Lâm viên Núi Quyết, Khu rừng Đền Cuông, Khu rừng thông Đền Cờn và các khu rừng ở các địa phương có các hoạt động sản xuất nương rẫy;
- Vào những này nắng nóng cấp cháy rừng từ cấp 3 trở lên phải duy trì chế độ trực ban 24/24h hàng ngày tại văn phòng Ban chỉ huy các cấp và các chòi canh lửa, mở sổ theo dõi nhật ký trực PCCCR tại văn phòng Ban chỉ huy các cấp;
- Chỉ đạo địa phương cấp xã và chủ rừng thành lập các Tổ đội cơ động PCCCR tại địa bàn cơ sở ứng cứu các tình huống xảy ra đồng thời tổ chức lực lượng ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng;
- Ký kết hợp đồng đảm bảo về việc huy động lực lượng chữa cháy rừng khi sử dụng lực lượng của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn huyện;
- Chuẩn bị phương án 4 tại chỗ trong PCCCR: Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Địa phương nào xảy ra cháy rừng thì chủ rừng, chính quyền cơ sở huy động lực lượng tổ chức chữa cháy rừng khi đám cháy mới hình thành, đồng thời báo cáo Ban chỉ huy PCCCR cấp trên để có phương án hỗ trợ lực lượng khi đám cháy vượt tầm kiểm soát của địa phương;
- Vận hành cơ chế chỉ huy chữa cháy rừng: Cháy rừng ở địa phương nào thì Chủ tịch UBND địa phương đó trực tiếp huy động lực lượng và chỉ huy chữa cháy rừng, dưới sự tham mưu về chuyên môn nghiệp vụ của Hạt Kiểm lâm. Thủ trưởng các đơn vị có lực lượng tham gia chữa cháy chỉ huy lực lượng của đơn vị mình trực tiếp chữa cháy dưới sự điều hành chỉ huy của chính quyền địa phương.
Sau khi đám cháy kết thúc, chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân, lập hồ sơ vụ cháy và bàn các giải pháp khắc phục hậu quả.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan
- Tăng cường kiểm tra đôn đốc việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR tại các địa phương và chủ rừng, tập trung cao độ ở những địa phương vùng trọng điểm cháy của tỉnh gồm các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu và Hưng Nguyên;
- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thực hiện nghiêm chế độ trực ban 24/24h hàng ngày tại văn phòng Ban chỉ huy, làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện việc cảnh báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, diễn tập PCCCR tại các địa phương; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư phương tiện, hậu cần phục vụ công tác chữa cháy rừng;
- Chỉ đạo các huyện, thành, thị xây dựng và triển khai phương án PCCCR, thành lập các tổ đội cơ động chữa cháy rừng ở cơ sở nhằm sẵn sàng ứng cứu các tình huống khi có cháy rừng xảy ra;
- Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng xây dựng và tổ chức thực hiện phương án PCCCR sát đúng với yêu cầu công tác PCCCR của các địa phương. Đối với những vùng rừng trọng điểm cháy cần tập trung thu dọn thực bì, vệ sinh rừng, xây dựng đường băng trắng cản lửa, đốt trước vật liệu cháy, quản lý chặt chẽ việc khai thác nhựa thông đảm bảo quy trình kỹ thuật và an toàn tuyệt đối về PCCCR;
- Chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với các địa phương, đơn vị để xảy ra cháy rừng, phá rừng nghiêm trọng.
3. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Tổ chức tổng kết công tác cứu hộ, cứu nạn, PCCCR và triển khai nhiệm vụ năm 2012 và có văn bản chỉ đạo giao nhiệm vụ Ban chỉ huy Quân sự cấp huyện, các đơn vị đóng quân trên địa bàn tỉnh chủ động làm tốt công tác PCCCR;
- Thống nhất phương án hợp đồng đảm bảo với các địa phương và chủ rừng trong việc huy động lực lượng Quân đội tham gia chữa cháy rừng;
- Chuẩn bị phương án đảm bảo lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần thường trực tại địa phương sẵn sàng phối hợp với các lực lượng ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy rừng.
4. Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An, Báo Nghệ An
- Phối hợp với Văn phòng thường trực BCH các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và PCCCR, thông báo cấp dự báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng kịp thời;
- Có văn bản chỉ đạo các Đài cấp huyện tăng cường thời lượng tuyên truyền bảo vệ rừng và PCCCR, mở các chuyên mục, chuyên đề về PCCCR, thông báo cấp dự báo cháy rừng ở các Đài cấp huyện.
5. Tỉnh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
- Chỉ đạo các cơ sở Đoàn (ở các địa phương, trường học…) triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về công tác bảo vệ rừng và PCCCR.
- Phát động phong trào, ký cam kết thi đua làm tốt công tác PCCCR, thành lập các tổ đội tham gia chữa cháy rừng tại các địa phương. Triển khai các hoạt động hè tình nguyện thu gom vật liệu cháy tại các khu rừng trọng điểm cháy như khu rừng thông vùng Khu Mộ Bà Hoàng Thị Loan, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn; khu rừng gắn với khu Di tích Vua Mai Hắc Đế; khu Núi Quyết…
6. Văn phòng thường trực Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR tỉnh (Chi cục Kiểm lâm)
Theo dõi, cập nhật, tổng hợp mọi diễn biến tình hình cháy rừng, kịp thời báo cáo Trưởng Ban chỉ huy và Chủ tịch UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời có hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình để phối hợp chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
| KT. CHỦ TỊCH |