cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 01/03/2012 Tăng cường biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Cúm gia cầm (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 05/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Ngày ban hành: 01-03-2012
  • Ngày có hiệu lực: 01-03-2012
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 31-12-2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 670 ngày (1 năm 10 tháng 5 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 31-12-2013
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 31-12-2013, Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 01/03/2012 Tăng cường biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Cúm gia cầm (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Chỉ thị số 37/CT-UBND ngày 31/12/2013 Tăng cường biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N1, H7N9 và H10N8”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Nghệ An, ngày 01 tháng 3 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM

Cục Thú y thông báo, từ đầu năm 2012 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 30 xã, phường của 23 huyện, quận thuộc 12 tỉnh, thành phố là Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Giang, Quảng Trị, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam và Bắc Ninh. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 35.135 con, trong đó gà là 4.888 con, vịt là 29.876 con, ngan là 366 con.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2012 đến nay dịch Cúm gia cầm đã xảy ra tại 4 xã thuộc 03 huyện: Yên Thành (02 xã: Lăng Thành và Phú Thành); xã Quỳnh Giang huyện Quỳnh Lưu và xã Lạc Sơn huyện Đô Lương, gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi. Tổng số gia cầm mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy là: 6.331 con gia cầm (4.180 con vịt, 1.920 con gà và 231 con ngan).

Nguyên nhân chủ yếu là, đàn gia cầm chưa được tiêm phòng hoặc đã hết thời gian miễn dịch hoặc nuôi mới, chưa có vắc xin phù hợp để tiêm phòng, kết hợp với điều kiện thời tiết mưa, rét bất lợi làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm... Mặt khác, các hoạt động vận chuyển, giết mổ gia cầm và di chuyển của người dân trong nhiều hoạt động lễ hội tăng cao, nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian tới rất lớn.

Để nhanh chóng dập tắt các ổ dịch, hạn chế tới mức thấp nhất các ổ dịch phát sinh và ngăn ngừa dịch lây lan, bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định sản xuất, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện, các Sở, ban, ngành liên quan tập trung triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm theo nội dung: Công điện số 04/CĐ-BNN-TY ngày 05/02/2012, Chỉ thị số 395/CT-BNN-TY ngày 22/02/2012 của Bộ Nông nghiệp & PTNT; Công điện số 11/CĐ-UBND ngày 14/02/2012 về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm và Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 27/02/2012 của UBND tỉnh Nghệ An, về việc triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, trong đó chú trọng các nội dung sau:

1. Chủ tịch UBND cấp huyện

- Triển khai họp BCĐ phòng chống dịch cúm gia cầm cấp huyện, xã; phân công và giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên BCĐ trong việc triển khai các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch cúm gia cầm.

- Thành lập các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương, đặc biệt chú trọng những khu vực đang có dịch và các địa bàn có nguy cơ cao (khu vực giết mổ gia cầm, chợ buôn bán gia cầm sống...);

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương tổ chức, triển khai, thực hiện nghiêm các giải pháp sau:

+ Tuyên truyền trên hệ thống loa phóng thanh của xã, xóm về tình hình dịch bệnh Cúm gia cầm, sự nguy hiểm của bệnh cúm, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện.

+ Tăng cường giám sát, phát hiện dịch sớm, báo cáo dịch kịp thời để xử lý dịch trong diện hẹp; Khi có gia cầm ốm, chết nghi mắc bệnh cúm gia cầm cần báo ngay cho cơ quan Thú y để kiểm tra, chẩn đoán bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm.

+ Tập trung mọi lực lượng, phương tiện thường trực, để chủ động ứng phó khi có dịch xảy ra. Riêng các xã có ổ dịch cúm, thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm nhanh chóng dập tắt dịch, không để dịch lan rộng; phải tổ chức quản lý chặt ổ dịch, không để người dân bán chạy gia cầm làm lây lan dịch, không cho phép người chăn nuôi di chuyển đàn vịt chạy đồng ra khỏi địa bàn.

+ Tổ chức, triển khai đồng bộ công tác khử trùng tiêu độc vùng dịch, vùng nguy cơ cao, khu vực chăn nuôi, chuồng trại bằng hóa chất Benkocid. Hướng dẫn người chăn nuôi mua vôi bột thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên, thu gom phân rác, ủ phân nhiệt sinh học để tiêu diệt mầm bệnh.

- Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trạm thú y huyện phối hợp với cơ quan y tế chỉ đạo chính quyền cấp xã và các tổ chức đoàn thể của địa phương tăng cường công tác giám sát đến tận trại, hộ chăn nuôi gia cầm, tổ chức quản lý đàn vịt chạy đồng, lò ấp, cơ sở kinh doanh, chợ buôn bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh các trường hợp gia cầm mắc bệnh, chết nghi do cúm gia cầm để xử lý kịp thời.

- Những địa phương được cấp vắc xin cúm gia cầm phải tổ chức ngay việc tiêm phòng vắc xin triệt để cho đàn gia cầm, đàn nuôi mới hoặc đàn đã hết thời gian miễn dịch.

2. Sở Nông nghiệp & PTNT

- Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại một số địa bàn trọng yếu.

- Chỉ đạo Chi cục thú y tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vắc xin, hóa chất, vật tư… chủ động phòng chống dịch; Thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát nghiêm ngặt vận chuyển gia cầm và sản phẩm từ gia cầm ra vào địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong

vận chuyển động vật. Triển khai đồng bộ công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên toàn tỉnh.

3. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh kịp thời nắm bắt thông tin về trường hợp ca bệnh nghi cúm trên người để chủ động tổ chức lấy mẫu giám sát, phối hợp với ngành thú y để điều tra dịch tễ bệnh cúm trên đàn gia cầm tại các địa bàn có liên quan với bệnh nhân.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT và TH tỉnh, Báo Nghệ An: Phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp & PTNT tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, các biện pháp phòng chống.

5. Sở Tài chính: Chủ động tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để phục vụ cho công tác phòng chống dịch; hỗ trợ người chăn nuôi có gia cầm bị bệnh phải tiêu hủy kịp thời, đúng quy định hiện hành.

6. Các thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm tại địa bàn được phân công.

7. Sở Công Thương và Công an tỉnh phối hợp với cơ quan thú y, cử lực lượng bổ sung cho các Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, kiểm tra, ngăn chặn việc đưa gia cầm và sản phẩm gia cầm từ vùng đang có dịch vào địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện; các Sở, ban, ngành khẩn trương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, khó khăn các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp & PTNT để tổng hợp, trình UBND tỉnh giải quyết kịp thời./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng