cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 21/2011/CT-UBND ngày 29/12/2011 Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh Gia Lai (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 21/2011/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Ngày ban hành: 29-12-2011
  • Ngày có hiệu lực: 08-01-2012
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-11-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1407 ngày (3 năm 10 tháng 12 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-11-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-11-2015, Chỉ thị số 21/2011/CT-UBND ngày 29/12/2011 Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh Gia Lai (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Chỉ thị số 18/2015/CT-UBND ngày 05/11/2015 Về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2011/CT-UBND

Gia Lai, ngày 29 tháng 12 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Thực hiện Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Thông tư số 08/2008/TT-BLĐTBXH ngày 10/6/2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 34/2008/NĐ-CP UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp trong việc quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Gia Lai theo Quyết định số 37/2009/QĐ-UBND ngày 18/12/2009.

Qua theo dõi, số lượng lao động nước ngoài đến làm việc tại địa bàn tỉnh không nhiều. Trong ba năm 2009-2011 đã có 121 lao động nước ngoài thuộc 17 nước đến tỉnh làm việc theo hợp đồng ngắn hạn tại 13 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 98 lao động được cấp phép chiếm tỉ lệ 81%; 19 lao động đăng ký làm việc. Hầu hết lao động nước ngoài là công nhân kỹ thuật, kỹ sư quốc tịch Trung Quốc đến lắp đặt thiết bị cho các công trình thủy điện nhỏ; một số là cầu thủ bóng đá, số còn lại là giáo viên giảng dạy tiếng Anh, bác sỹ, chuyên gia và tình nguyên viên của dự án ODA

Thực hiện Quy chế phối hợp trong việc quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Gia Lai theo Quyết định số 37/2009/QĐ-UBND ngày 18/12/2009, các cơ quan chức năng của tỉnh đã có sự phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp trong công tác tuyển dụng, quản lý lao động nước ngoài làm việc tại địa bàn tỉnh. Đến nay chưa có trường hợp lao động nước ngoài vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của tỉnh và doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động nước ngoài chưa thường xuyên, chặt chẽ; công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật cho doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động nước ngoài chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; công tác thanh tra, kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên. Một số ít doanh nghiệp, đơn vị chưa thực hiện đúng chế độ báo cáo tình hình di biến động của lao động nước ngoài làm việc tại đơn vị; không báo cáo xin phép UBND tỉnh khi làm việc với người nước ngoài hoặc sau khi UBND tỉnh cho phép làm việc với người nước ngoài , một số đơn vị không làm thủ tục cấp phép cho số lao động nước ngoài theo quy định của Pháp luật.

Trong thời gian tới, để nghiêm túc thực hiện Nghị định số 46/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP và Thông tư số 31/2011/BLĐ-TBXH ngày 03/11/2011 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 và Nghị định số 46/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 và để tăng cường công tác quản lý người nước ngoài làm việc tại tỉnh, UBND tỉnh chỉ thị:

1. Các doanh nghiệp, đơn vị có sử dụng lao động nước ngoài phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại địa bàn tỉnh. Các đơn vị hiện đang sử dụng lao động nước ngoài chưa có Giấy phép lao động hoặc (giấy phép không còn giá trị) phải liên hệ với Sở Lao động-TB & XH để được hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép cho lao động nước ngoài theo đúng quy định. Kể từ ngày 01/2/1012, người nước ngoài làm việc tại Việt nam thuộc diện phải cấp phép mà không có giấy phép lao động (hoặc giấy phép không còn giá trị) hoặc không có giấy tờ chứng minh đã nộp hồ sơ đề nghị cấp phép tại cơ quan quản lý lao động địa phương , cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sẽ không gia hạn tạm trú và buộc xuất cảnh.

Khi người nước ngoài đến làm việc tại tỉnh, các doanh nghiệp, đơn vị phải báo cáo xin phép UBND tỉnh và thực hiện đăng ký tạm trú cho khách nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật

2. Sở Lao động- TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương về lĩnh vực này tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan trực tiếp đến lao động là người nước ngoài; Cụ thể hóa các hướng dẫn, trình tự, thủ tục tuyển dụng và cấp phép lao động cho người nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài và đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước đối với công tác này. Đồng thời tăng cường bố trí đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ.

Thực hiện việc cấp phép lao động , gia hạn giấy phép lao động và cấp lại giấy phép lao động theo qui định và gửi danh sách người nước ngoài được cấp phép lao động , gia hạn giấy phép lao động và cấp lại giấy phép lao động cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để kiểm tra và làm thủ tục nhập cảnh cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài làm việc tại tỉnh.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam về tuyển dụng, cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động, đặc biệt là các nhà thầu nước ngoài trúng thầu đang hoạt động tại địa phương có sử dụng người nước ngoài. Khi thanh tra, kiểm tra phát hiện các trường hợp cố tình vi phạm thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.

Chủ trì phối hợp với cơ quan Công an và các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh để quản lý chặt chẽ lao động nước ngoài, Định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại tỉnh.

3. Công an tỉnh có trách nhiệm:

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với người nước ngoài đến làm việc tại tỉnh và triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Công an tại công văn số 371/A72-P2 ngày 06/9/2011 về việc giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh cho người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố để kiểm tra và quản lý người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh, xử lý đối với các doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân vi phạm theo thẩm quyền , nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ Công an theo quy định của pháp luật hiện hành .

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

Kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng. Đối với chủ đầu tư của gói thầu EPC(gói thầu tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành) phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về đấu thầu (mời thầu, lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng…) và người nước ngoài làm việc tại các gói thầu EPC. Phối hợp với cơ quan Công an tỉnh đối với các chủ đầu tư là người nước ngoài, nhà thầu nước ngoài về nhân thân, lai lịch, khả năng tài chính… khi có các nghi vấn về hoạt động kinh tế và công tác an ninh trước khi cấp phép đầu tư hoặc đưa vào danh sách đấu thầu.

5. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của tỉnh để quản lý lao động là người nước ngoài trên địa bàn theo đúng quy định pháp luật hiện hành, kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo đối với các vấn đề nảy sinh liên quan đến quản lý, cấp phép cho lao động nước ngoài.

6. Các cơ quan thông tin truyền thông có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về lao động người nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.

7. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng