cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 11/02/2011 Phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2010-2020 và dự báo đến năm 2025 do Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 15/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Ngày ban hành: 11-02-2011
  • Ngày có hiệu lực: 21-02-2011
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-06-2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2321 ngày (6 năm 4 tháng 11 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 30-06-2017
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 30-06-2017, Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 11/02/2011 Phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2010-2020 và dự báo đến năm 2025 do Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định 20/2017/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do- Hạnh phúc
----------------

Số: 15/2011/QĐ-UBND

Rạch Giá, ngày 11 tháng 02 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG VÀ THAN BÙN TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2010 - 2020 VÀ DỰ BÁO ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị quyết số 153/2010/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2010 - 2020 và dự báo đến năm 2025;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 62/TTr-STNMT ngày 21 tháng 01 năm 2011 về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2010 - 2020 và dự báo đến năm 2025,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2010 - 2020 và dự báo đến năm 2025 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu:

a) Đáp ứng được cơ bản nhu cầu chủng loại vật liệu xây dựng thông thường và than bùn như: vật liệu xây, vật liệu lợp, đá xây dựng, vật liệu san lấp và than bùn trên địa bàn như đã dự báo và thực tế;

b) Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng giai đoạn 2010 đến năm 2020 đạt 7 đến 8% năm; năm 2020 có giá trị sản xuất bằng 2 đến 2,5 lần so với năm 2010;

c) Thu hút thêm hơn 5.000 lao động phục vụ cho các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó khoảng 10% là cán bộ kỹ thuật chuyên ngành từ trung cấp trở lên.

2. Quan điểm phát triển:

a) Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn phải đi trước một bước để làm căn cứ pháp lý cho việc quản lý cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác mỏ, đáp ứng kịp thời yêu cầu khai thác nguyên liệu của tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và các năm sau;

b) Phát triển quy mô thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2010 - 2020 và dự báo đến 2025 phải đảm bảo tính bền vững, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo đảm không ảnh hưởng đến các di tích lịch sử văn hóa, tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái;

c) Phát triển quy mô thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2010 - 2020 và dự báo đến 2025 phải phù hợp với quy hoạch tổng thể và quy hoạch theo ngành, lĩnh vực của tỉnh đã được xây dựng như Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2006 đến 2020; Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Kiên Giang đến năm 2020; Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2006 đến 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2001 đến 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

d) Phát triển sản xuất các loại vật liệu xây dựng thông thường và than bùn phù hợp với điều kiện tài nguyên và tập quán xây dựng trong tỉnh, có quy mô sản xuất hợp lý; kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đạt hiệu quả cao như đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng lợp nung và không nung, đá xây dựng, cát nghiền, bê tông, một số vật liệu mới như vật liệu trang trí hoàn thiện, vật liệu san lấp… Trong đó ưu tiên phát triển sản xuất chế biến than bùn và vật liệu xây dựng là một ngành mũi nhọn có giá trị kinh tế cao để phục vụ cho nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Khuyến khích phát triển các công nghệ sạch, công nghệ làm giảm ô nhiễm môi trường;

đ) Tiếp tục đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, trang thiết bị theo hướng tiên tiến tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể hội nhập với thị trường trong nước và quốc tế;

e) Hướng phân bố các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng thông thường và than bùn, xây dựng mới tập trung vào các khu công nghiệp, góp phần hình thành các trung tâm công nghiệp của tỉnh. Các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng thông thường phân bố gần với vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ để giảm bớt việc vận chuyển sản phẩm đi xa;

g) Có chính sách phù hợp để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế đầu tư khoa học công nghệ khai thác có hiệu quả tiềm năng tài nguyên khoáng sản, phát triển sản xuất than bùn và vật liệu xây dựng trên địa bàn với các nguồn vốn tự có, vốn vay trong và ngoài nước.

3. Nội dung quy hoạch:

Trên cơ sở điều tra, khảo sát bổ sung các điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã phát hiện mới thêm 83 mỏ nâng tổng số điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh lên thành 237 mỏ khoáng sản (trong đó có 167 điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn). Trong đó quy hoạch thăm dò, khai thác 86 mỏ (đá xây dựng: 21 mỏ, cát xây dựng: 01 mỏ, sét gạch ngói: 19 mỏ, vật liệu san lấp: 32 mỏ và than bùn: 13 mỏ); 45 mỏ nằm trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản.

Tổng hợp số mỏ, diện tích và tài nguyên các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (kèm theo Phụ lục I).

Nhu cầu trữ lượng các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn thực tế cần đáp ứng cho nhu cầu của tỉnh từ nay đến năm 2020 và dự báo đến năm 2025 (kèm theo Phụ lục II).

Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2010 - 2020 và dự báo đến năm 2025 (kèm theo Phụ lục III).

4. Các giải pháp để thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2010 - 2020 và dự báo đến năm 2025:

a) Thực hiện quy hoạch và áp dụng Luật Khoáng sản sửa đổi:

Trong thời gian tới sẽ áp dụng Luật Khoáng sản sửa đổi, để thực hiện quy hoạch có hiệu quả cần có các giải pháp sau:

- Đối với những mỏ hiện có phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, cần đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm;

- Đối với những mỏ thăm dò và cấp phép khai thác mới tuân thủ theo quy hoạch được duyệt và Luật Khoáng sản sửa đổi được Quốc hội thông qua và ban hành. Đấu thầu thăm dò, khai thác và cấp mỏ cho các doanh nghiệp có năng lực thực hiện các quy định của Luật Khoáng sản.

b) Xây dựng các chính sách hỗ trợ:

Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển thăm dò, khai thác đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao như chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng đối với việc vay vốn để đổi mới thiết bị và công nghệ, đặc biệt ưu tiên cho các sản phẩm có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, các sản phẩm mới.

c) Công tác đào tạo và tuyển dụng kỹ thuật chuyên ngành:

Đẩy mạnh đào tạo và tuyển dụng cán bộ khoa học kỹ thuật ngành thăm dò, khai thác mỏ, môi trường như: kỹ sư địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình, môi trường, khai thác mỏ; giám đốc điều hành mỏ và các kỹ thuật, công nhân chuyên ngành.

Theo ước tính từ nay đến năm 2020 số nhân lực cần được đào tạo và cung cấp cho các cơ sở khai thác còn ít kể cả lực lượng lao động thay thế cho số lao động tại các cơ sở hiện có. Tiến hành rà soát điều chỉnh và quy hoạch nhu cầu đào tạo và dạy nghề trên địa bàn tỉnh theo hướng: đào tạo phải gắn với yêu cầu, mục tiêu của sự phát triển, đảm bảo cho người sau đào tạo có thể sớm phát huy được kiến thức đào tạo trong thực tiễn.

d) Liên doanh, liên kết:

Đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết để phát triển sản xuất mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Một số sản phẩm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn khai thác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có công suất lớn, ngoài thỏa mãn nhu cầu trong tỉnh còn có thể cung ứng cho các tỉnh khác trong vùng như đá xây dựng, sét gạch ngói. Một số loại vật liệu xây dựng tỉnh không có điều kiện sản xuất hoặc sản xuất còn thiếu so với nhu cầu được cung ứng từ các tỉnh khác đến như các vật liệu gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, cát xây dựng… Vì vậy cần đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các tỉnh xung quanh để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng, bảo đảm cho sản xuất ổn định và đẩy mạnh lưu thông trên thị trường.

đ) Quản lý khai thác, giám sát môi trường:

Tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác.

Quá trình khai thác, chế biến khoáng sản trực tiếp hoặc gián tiếp thải ra một lượng khói, bụi, tiếng ồn gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Vì vậy cần thiết phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các nội dung phải thực hiện trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp để kịp thời xử lý vi phạm của các doanh nghiệp, nhằm đảm bảo phát triển sản xuất vật liệu xây dựng một cách bền vững.

e) Tổ chức và phối hợp thực hiện:

Để thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2010 - 2020 và dự báo đến năm 2025 đạt hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp thống nhất đồng bộ để thực hiện tốt theo nội dung quy hoạch.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản có trách nhiệm:

a) Công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; công bố danh mục các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn được quy hoạch thăm dò, khai thác;

b) Hoàn chỉnh đề án khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nói chung, công tác cấp phép hoạt động khoáng sản nói riêng;

c) Phối hợp với chính quyền các địa phương khoanh định và công bố rộng rãi các diện tích phân bố khoáng sản được quy hoạch thăm dò, khai thác nhằm bảo vệ tài nguyên và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thăm dò, khai thác khi có nhu cầu.

2. Sở Xây dựng tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt; định kỳ cập nhật tình hình thực hiện và điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo đồng bộ và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đề xuất cơ chế, chính sách để phát triển ổn định và bền vững ngành khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường;

b) Cập nhật, bổ sung và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 để làm cơ sở tổ chức công tác điều tra cơ bản địa chất, thăm dò khoáng sản kịp thời và trên các diện tích hợp lý;

c) Thống kê về hiện trạng nguồn tài nguyên khoáng sản, tình hình thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, chất lượng, trữ lượng khoáng sản, tác động môi trường, cập nhật tăng hoặc giảm số tấn trữ lượng và tài nguyên các cấp.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Phối hợp với các ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố có quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản trình Ủy ban nhân dân tỉnh chuyển đổi diện tích đất rừng sang đất khai thác khoáng sản đối với diện tích đất đã được quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản theo Quyết định này;

b) Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chuyển đổi trên đúng theo diện tích đã được phê duyệt cho khai thác khoáng sản.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Căn cứ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch này thẩm định năng lực đầu tư, sự phù hợp quy hoạch của các dự án đầu tư khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trước khi cấp giấy phép đầu tư.

Tổ chức thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn theo quy định.

5. Sở Công thương:

Nghiên cứu đề xuất các chính sách nhằm khuyến khích việc đầu tư các thiết bị, công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến để khai thác triệt để nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn để thu được sản phẩm sau chế biến có chất lượng tốt nhất.

6. Sở Khoa học và Công nghệ:

Nghiên cứu áp dụng các công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến và phát triển việc chế tạo thiết bị máy móc thăm dò, khai thác phù hợp với những điều kiện của tỉnh.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố:

a) Tổ chức quản lý, giám sát việc thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản, phục hồi môi trường, tránh tình trạng quy hoạch chồng chéo với các quy hoạch khác trên địa bàn;

b) Tổ chức quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn khi mỏ chưa cấp phép; ngăn ngừa tình trạng khai thác trái phép;

c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong công việc này trên địa bàn;

d) Đưa các nội dung quy hoạch trong từng giai đoạn vào kế hoạch hàng năm, 5 năm và quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương để triển khai thực hiện;

đ) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, đặc biệt đối với những nơi có khoáng sản và hoạt động khoáng sản.

8. Tổ chức, cá nhân tham gia thăm dò, khai thác, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn:

Đối với chủ đầu tư các dự án khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn chưa lập dự án ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường (hoặc dự án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung) theo quy định (tại Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản và Thông tư số 34/2009/TT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về lập, phê duyệt, kiểm tra, xác nhận dự án cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản) hoặc đã lập dự án ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường nhưng chưa tiến hành ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Kiên Giang thì phải nhanh chóng lập và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 239/QĐ-UB ngày 04 tháng 02 năm 1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp khoáng sản tỉnh Kiên Giang đến năm 2010./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Nam

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN