Quyết định số 1972/QĐ-UBND ngày 22/11/2010 Về cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng trên địa bàn thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2011-2015
- Số hiệu văn bản: 1972/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hải Phòng
- Ngày ban hành: 22-11-2010
- Ngày có hiệu lực: 22-11-2010
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 15-05-2014
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-10-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3235 ngày (8 năm 10 tháng 15 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-10-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1972/QĐ-UBND | Hải Phòng, ngày 22 tháng 11 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ BẢO VỆ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG, GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg ngày 06/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 260/TTr-SNN ngày 05/11/2010 về việc ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng trên địa bàn thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2011 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sử dụng ngân sách thành phố bố trí trong kinh phí sự nghiệp kinh tế của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng năm để hỗ trợ công tác bảo vệ rừng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 2015, với nội dung cụ thể như sau:
1. Đối tượng rừng được hỗ trợ bảo vệ:
- 100% diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ bảo vệ đê biển, đê sông;
- Diện tích rừng đồi núi trọng điểm, gồm:
+ Diện tích rừng đặc dụng đồi núi thuộc khu vực trọng yếu của Vườn quốc gia Cát Bà - vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, có giá trị đa dạng sinh học cao;
+ Diện tích rừng khu vực đồi núi trọng điểm tại các đô thị (thị trấn, quận), các khu di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng từ cấp thành phố trở lên, có tầm quan trọng đặc biệt về phòng hộ môi sinh môi trường, cảnh quan và khó khăn phức tạp trong công tác quản lý, bảo vệ cần được bố trí kinh phí bảo vệ thường xuyên hàng năm, bao gồm: Rừng đồi núi quận Đồ Sơn, Kiến An; rừng núi Đối và núi Trà Phương huyện Kiến Thụy; rừng đồi núi thị trấn Minh Đức, núi Đèo, núi Sơn Đào, rừng tại cụm khu di tích thuộc xã Quảng Thanh và xã Chính Mỹ huyện Thủy Nguyên; rừng núi Voi huyện An Lão.
2. Mức hỗ trợ:
2.1. Mức hỗ trợ kinh phí giao khoán bảo vệ rừng trực tiếp cho các chủ rừng:
- Rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, ven sông: 100.000đ/ha/năm
- Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ khu vực đồi núi: 200.000đ/ha/năm
2.2. Hỗ trợ kinh phí quản lý: Mức hỗ trợ bằng 10% chi phí hỗ trợ trực tiếp (trong đó: cấp thành phố 3%; các địa phương, đơn vị 7%), chi cho công tác triển khai, hướng dẫn, chỉ đạo, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình giao khoán bảo vệ rừng theo quy định hiện hành.
3. Thời gian thực hiện: 05 năm, từ năm 2011 đến năm 2015.
4. Quy mô hỗ trợ hàng năm:
Tổng diện tích hỗ trợ: 7.737,51ha.
Tổng kinh phí hỗ trợ: 1.176.253.000,0 đồng/năm (Một tỷ, một trăm bẩy mươi sáu triệu, hai trăm năm mươi ba nghìn đồng), trong đó:
4.1. Hỗ trợ trực tiếp cho các chủ rừng: 1.069.321.000,0 đồng, gồm:
- Rừng ngập mặn, rừng phòng hộ bảo vệ đê biển, đê sông: 4781,81ha x 100.000đ/ha= 478.181.000 đồng/năm;
- Rừng đồi núi trọng điểm 2.955,7ha x 200.000đ/ha= 591.140.000,0 đồng/năm (trong đó Vườn quốc gia Cát Bà 2.157,9ha, các địa phương 797,8ha).
4.2. Hỗ trợ kinh phí quản lý: 106.932.000,0 đồng/năm.
(Tổng kinh phí hỗ trợ sẽ được điều chỉnh cho phù hợp trong trường hợp có biến động về diện tích rừng trong đối tượng được hỗ trợ).
4.3. Thời gian hỗ trợ: trong 5 năm, từ năm 2011.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Lập, phê duyệt kế hoạch:
Hàng năm Ủy ban nhân dân các huyện, quận và các đơn vị chủ dự án có rừng căn cứ đối tượng và mức hỗ trợ quy định, lập kế hoạch và dự toán ngân sách (bao gồm cả quản lý phí) về nhiệm vụ giao khoán bảo vệ rừng, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt để thực hiện;
2. Công tác nghiệm thu:
Tổ chức nghiệm thu theo quy trình hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm căn cứ để tạm ứng và thanh quyết toán;
3. Nguồn vốn thực hiện:
- Hàng năm, cùng thời gian lập dự toán ngân sách, Sở Tài chính căn cứ mức hỗ trợ quy định trên và kế hoạch được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, bố trí kinh phí cho ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn để thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng; cấp phát kinh phí kịp thời theo kế hoạch; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thanh quyết toán theo quy định.
- Ngoài mức hỗ trợ quy định trên, căn cứ tình hình thực tế, các địa phương, đơn vị sử dụng nguồn ngân sách của mình và các nguồn huy động hợp pháp khác để xem xét hỗ trợ thêm nhằm tăng cường công tác bảo vệ rừng.
4. Về điều chỉnh kế hoạch hỗ trợ hàng năm:
Trường hợp có biến động về quy mô diện tích của các đối tượng rừng được hỗ trợ, các địa phương, đơn vị tổ chức rà soát, tổng hợp, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
5. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện cơ chế chính sách này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giám đốc Kho bạc nhà nước Hải Phòng, Chủ tịch UBND các huyện, quận và Thủ trưởng các ngành liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |