Quyết định số 09/2010/QĐ-UBND ngày 06/07/2010 Ban hành Quy định về sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 09/2010/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Cà Mau
- Ngày ban hành: 06-07-2010
- Ngày có hiệu lực: 16-07-2010
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 15-10-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 13-10-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1550 ngày (4 năm 3 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 13-10-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2010/QĐ-UBND | Cà Mau, ngày 06 tháng 7 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ SÊN, VÉT ĐẤT, BÙN CẢI TẠO AO, ĐẦM NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 140/TTr-SNN ngày 31/5/2010 về việc sửa đổi Quyết định số 28/2007/QĐ-UBND ngày 14/8/2007 của UBND tỉnh ban hành Quy định về sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau;
Xét Báo cáo thẩm định số 74/BC-STP ngày 17/5/2010 của Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là “Quy định về sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.
Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 28/2007/QĐ-UBND ngày 14/8/2007 của UBND tỉnh Cà Mau ban hành “Quy định về sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau” và có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC SÊN, VÉT ĐẤT, BÙN ĐỂ CẢI TẠO AO, ĐẦM NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 09 /2010/QĐ-UBND ngày 6 /7/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
Quy định này quy định về điều kiện để được sên, vét đất, bùn; thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động sên, vét đất, bùn; trách nhiệm của tổ chức và cá nhân đối với hoạt động sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Điều 2. Đối tượng áp dụng.
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu cải tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản bằng cơ giới trên địa bàn tỉnh Cà Mau, phải tuân thủ theo Quy định này và chịu sự kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng; chính quyền cơ sở; các chủ rừng (nếu đất thuộc lâm phần).
2. Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân cải tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản bằng phương pháp thủ công không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này, nhưng phải đảm bảo các điều kiện về bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường chung.
Điều 3. Giải thích thuật ngữ.
Các từ ngữ được sử dụng trong quy định này được hiểu như sau:
1. Sên, vét cải tạo ao đầm nuôi trồng thủy sản: Là hoạt động đưa lượng đất bùn, mùn bã hữu cơ hình thành trong quá trình nuôi thủy sản ra khỏi ao nuôi.
2. Phương pháp cải tạo bằng thủ công: Là phương pháp cải tạo sên, vét bằng sức người với công cụ gàu, len, giá, vật chứa bùn khác.
3. Phương pháp cải tạo bằng cơ giới: Là phương pháp sử dụng cơ giới để sên, vét cải tạo ao đầm như xáng dây, cần cuốc, máy khoan, bơm bùn...
4. Đơn vị chủ rừng: Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp, Vườn Quốc gia, các đơn vị tự túc, hộ gia đình, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Điều kiện để được sên, vét đất, bùn.
Trước khi sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải có bờ bao không để đất, bùn và chất thải khác tràn ra sông, rạch. Trưởng ấp, khóm kiểm tra thực tế, nếu đủ điều kiện thì xác nhận chuyển lên UBND cấp xã, phường, thị trấn. Thời gian để cơ quan quản lý trả lời không quá 3 ngày.
Riêng với đất lâm phần của các chủ rừng: Nếu tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khi có nhu cầu sên, vét đất, bùn cải tạo ao đầm nuôi trồng thủy sản phải đăng ký với tiểu khu hoặc phân trường trên địa bàn của mình canh tác và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đảm bảo chứa đất, bùn và chất thải khác không cho tràn ra sông, rạch. Tiểu khu hoặc phân trường sau khi kiểm tra thực tế nếu tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đảm bảo các điều kiện trên thì lập danh sách trình thủ trưởng đơn vị phê duyệt cho thực hiện. Thời gian để cơ quan quản lý trả lời không quá 3 ngày.
Điều 5. Thời gian sên, vét đất, bùn.
Thời gian được phép sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản là quanh năm đối với các hình thức sên, vét bằng thủ công, xáng dây, cần cuốc. Còn đối với máy khoan hút bùn chỉ cho thực hiện trong tháng 9 và tháng 10 hàng năm với điều kiện phải có diện tích chứa đất, bùn và các chất thải khác, không cho đổ thẳng ra sông, rạch.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VÀ CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG SÊN, VÉT ĐẤT, BÙN.
Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Thanh tra chuyên ngành phối hợp với UBND cấp huyện, thành phố, cấp xã, phường, thị trấn, thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra về hoạt động sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm theo quy định hiện hành.
Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình lợi dụng việc sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản để lấn chiếm, nới rộng, gây ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong khu vực hoặc làm thiệt hại đến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Mọi hành vi vi phạm phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 7. Trách nhiệm của UBND cấp huyện, thành phố.
Chỉ đạo UBND cấp xã, phường, thị trấn hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt Quy định này.
Kiểm tra việc thực hiện Quy định này trên địa bàn quản lý.
Phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác quản lý và xử lý vi phạm quy định về sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn quản lý.
Điều 8. Trách nhiệm của UBND cấp xã, phường, thị trấn.
UBND cấp xã, phường, thị trấn, có trách nhiệm giám sát để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện đúng cam kết khi sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng; lập biên bản, đình chỉ hành vi vi phạm và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý rừng.
Các đơn vị chủ rừng tổ chức triển khai Quy định này đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn quản lý; cho phép và giám sát việc sên, vét đất, bùn cải tạo ao đầm nuôi trồng thủy sản của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong khu vực quản lý của đơn vị theo đúng quy định. Nếu phát hiện hành vi vi phạm thì phải lập biên bản, đình chỉ hoạt động và thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Điều 10. Trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.
1. Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khi có nhu cầu sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản phải quy hoạch đủ diện tích chứa đất, bùn và các chất thải khác; không đưa chất thải ra sông, rạch; trước khi sên, vét phải thông báo cho các hộ xung quanh khu vực có khả năng bị ảnh hưởng để chủ động trong sản xuất và phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
2. Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có hành vi vi phạm các quy định trong quyết định này phải khắc phục, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương IV
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 11. Khen thưởng, kỷ luật.
1. Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định này sẽ được xem xét khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Địa phương, đơn vị nào quản lý tốt hoạt động sên, vét đất bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quản lý, không để ảnh hưởng xấu đến môi trường thì được xem xét khen thưởng theo quy định hiện hành.
Điều 12. Xử lý vi phạm.
1. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vi phạm Quy định này, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Địa phương, đơn vị nào vi phạm quy định này; quản lý không tốt hoạt động sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quản lý, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, thì thủ trưởng địa phương, đơn vị đó phải bị kiểm điểm, xử lý các hình thức kỷ luật theo đúng quy định của Nhà nước./.