Chỉ thị số 09/2010/CT-UBND ngày 13/09/2010 Tăng cường công tác quản lý sản xuất-kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh An Giang (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 09/2010/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
- Ngày ban hành: 13-09-2010
- Ngày có hiệu lực: 23-09-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 02-01-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1197 ngày (3 năm 3 tháng 12 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 02-01-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2010/CT-UBND | Long Xuyên, ngày 13 tháng 9 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ SẢN XUẤT-KINH DOANH RƯỢU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
Trong thời gian qua việc sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải quyết công ăn việc làm và tạo thu nhập cho người lao động ở các địa bàn, đặc biệt là vùng nông thôn. Việc sản xuất, kinh doanh rượu cũng đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng tại địa phương trong các dịp lễ, hội. Tuy nhiên, các điều kiện về chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu hàng hoá, về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh rượu thời gian qua chưa thực hiện chặc chẽ.
Theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn tỉnh An Giang có trên 1.300 cơ sở sản xuất rượu nhằm mục đích kinh doanh, đa số là sản xuất dạng thủ công, sản lượng trên dưới 10 triệu lít/năm. Còn số cơ sở kinh doanh rượu thì chưa thể thống kê chính xác được vì ngoại trừ một số ít cơ sở chuyên kinh doanh rượu, còn đa số thường kinh doanh rượu chung với các hàng hóa khác như tại các cửa hàng tạp hóa, quán ăn, nhà hàng, khách sạn… nên việc thống kê gặp nhiều khó khăn. Trong đó, chỉ mới có 40 cơ sở, doanh nghiệp có Giấy phép (GP) sản xuất, kinh doanh rượu (GP sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh là 19, GP kinh doanh bán buôn rượu là 04 và GP kinh doanh bán lẻ rượu là 17) theo quy định tại Thông tư số 10/2008/TT-BCT ngày 25 tháng 7 năm 2008 của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu (sau đây gọi tắt là Thông tư số 10).
Như vậy, còn rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu tại các địa phương chưa được cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu theo đúng quy định, dẫn đến tình trạng một số sản phẩm rượu lưu hành chưa đảm bảo chất lượng cũng như tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, tiềm ẩn nguy cơ cao về xảy ra ngộ độc do rượu.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên đồng thời tăng cường đẩy mạnh công tác quản lý sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chất lượng rượu lưu thông trên thị trường đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn tình trạng rượu kém chất lượng, rượu giả gây ngộ độc làm ảnh hưởng về lâu dài sức khỏe của người tiêu dùng, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dung sau:
a) Tiếp tục triển khai thực hiện theo các nội dung tại Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh rượu và Thông tư số 10; thực hiện thẩm định cấp Giấy phép sản xuất rượu, Giấy phép kinh doanh rượu cho các doanh nghiệp theo thẩm quyền được phân cấp tại Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh rượu và Thông tư số 10.
b) Hướng dẫn cho các Phòng Công Thương, Phòng Kinh tế huyện, thị xã, thành phố các quy định và thủ tục cần thiết về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu theo quy định.
c) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tham mưu, đề xuất thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh rượu, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành theo quy định của pháp luật.
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục công tác thông tin, tuyên truyền đến các hộ, cơ sở, doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của nhà nước về sản xuất, kinh doanh rượu, chấp hành việc đăng ký để được cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu nhằm nâng cao hiệu lực trong công tác quản lý theo quy định hiện hành.
đ) Khảo sát hiện trạng hoạt động sản xuất rượu thủ công trên địa bàn, đề xuất phương án tổ chức, công nhận làng nghề sản xuất rượu thủ công đủ tiêu chí và đảm bảo các điều kiện về quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ…
e) Tổ chức các đợt khảo sát, tham quan học tập kinh nghiệm các cơ sở sản xuất rượu đạt tiêu chuẩn chất lượng trong và ngoài tỉnh để nhân rộng mô hình.
2. Sở Y tế
a) Chủ trì, phối hợp các Sở, Ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn quy trình, thủ tục và cấp “Giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất rượu trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
b) Hướng dẫn thủ tục thực hiện “Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm” cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu theo Quyết định số 42/2005/QĐ-BYT ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Bộ Y tế về việc ban hành “Quy chế về công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm”.
c) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu; công tác quản lý sản xuất và kinh doanh rượu thuốc trên địa bàn tỉnh.
d) Phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc phát hiện, kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất rượu giả, rượu lậu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định liên quan về việc tuân thủ tiêu chuẩn sản phẩm rượu trong sản xuất cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất rượu trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
3. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn cho các hộ, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất rượu trên địa bàn thực hiện theo quy trình công nghệ sản xuất rượu thủ công đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hàng hóa, nhãn hiệu tập thể, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho các cơ sở, doanh nghiệp, làng nghề sản xuất rượu trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
b) Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách, chủ trương của Nhà nước về hỗ trợ ứng dụng đổi mới thiết bị công nghệ sản xuất rượu phù hợp tiêu chuẩn quốc gia cho các hộ, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất rượu.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề để chuyển đổi nghề đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ, không có điều kiện duy trì cơ sở sản xuất đáp ứng đủ điều kiện theo quy định; thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề.
b) Chỉ đạo các cơ sở dạy nghề tư vấn và tạo điều kiện để người lao động thuộc đối tượng phải chuyển đổi nghề tham gia các lớp dạy nghề, giúp họ sớm ổn định cuộc sống.
c) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các Sở, Ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh có chính sách hỗ trợ về vốn cho các hộ sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh có nhu cầu đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ sản xuất rượu theo đúng các điều kiện qui định hoặc chuyển đổi ngành nghề đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ, không có điều kiện duy trì cơ sở sản xuất theo quy chuẩn.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp các Sở, Ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường; hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường cho cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu theo đúng quy định.
b) Chỉ đạo các Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thị, thành phố:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, lập danh sách các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường theo đúng quy định.
- Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường theo quy định.
6. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan triển khai thực hiện các nội dung sau:
a) Tổ chức thực hiện triển khai nội dung Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh rượu và Thông tư số 10 cho các Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
b) Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật hiện hành về sản xuất, kinh doanh rượu nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về việc chấp hành các quy định của Nhà nước.
Chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp làm rõ nguyên nhân khi xảy ra ngộ độc rượu trên địa bàn, có các biện pháp xử lý theo thẩm quyền.
c) Chỉ đạo Phòng Công Thương, Phòng Kinh tế, các cơ quan chuyên môn liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát nắm chắc số lượng hộ, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn và lập kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung công việc sau:
+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ gia đình, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu về các quy định và thủ tục cần thiết về sản xuất, kinh doanh rượu.
+ Hướng dẫn các hộ, cơ sở, doanh nghiệp tiến hành đăng ký cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu theo đúng quy định tại Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh rượu và Thông tư số 10.
+ Thẩm định cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu cho các hộ, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu theo thẩm quyền. Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ 6 tháng về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo theo quy định.
+ Chủ động phối hợp các ngành có liên quan kiểm tra xử lý các hộ, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu không chấp hành đúng các quy định của Nhà nước.
7. Các cơ quan thông tin của tỉnh (Báo An Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang, Website An Giang)
Phối hợp với Sở Y tế dành thời lượng thích hợp để phổ biến về tác hại của rượu đối với sức khoẻ con người; phản ánh kịp thời các thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh rượu trên địa bàn nhằm tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ cho người dân qua các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu, gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, sản xuất kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chất lượng rượu lưu thông trên thị trường đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn tình trạng rượu kém chất lượng, rượu giả gây ngộ độc làm ảnh hưởng về lâu dài sức khỏe của người tiêu dùng.
Giao Giám đốc Sở Công Thương chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm tinh thần Chỉ thị này; định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện; đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |