Quyết định số 25/2009/QĐ-UBND ngày 30/10/2009 Ban hành Quy định về tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn, chế độ chính sách, công tác tuyển chọn và quản lý đối với cán bộ thú y cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 25/2009/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Trị
- Ngày ban hành: 30-10-2009
- Ngày có hiệu lực: 09-11-2009
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-08-2017
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2836 ngày (7 năm 9 tháng 11 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-08-2017
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2009/QĐ-UBND | Đông Hà, ngày 30 tháng 10 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH, CÔNG TÁC TUYỂN CHỌN VÀ QUẢN LÝ ĐỐI VỚI CÁN BỘ THÚ Y CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y 2004;
Căn cứ Nghị định số 33/CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Nghị quyết số 17/2009/NQ-HĐND ngày 30 tháng 7 năm 2009 của HĐND tỉnh Quảng Trị khóa V, kỳ họp thứ 18 về việc Tổ chức mạng lưới thú y cơ sở;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tại Tờ trình số 985/TTr-SNN ngày 24 tháng 9 năm 2009) và Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định về tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn, chế độ chính sách, công tác tuyển chọn và quản lý đối với cán bộ thú y cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỂN HẠN, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH, CÔNG TÁC TUYỂN CHỌN VÀ QUẢN LÝ ĐỐI VỚI CÁN BỘ THÚ Y CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2009/QĐ-UBND ngày 30/10/2009 của UBND tỉnh Quảng Trị)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Bản quy định này quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ chính sách, công tác tuyển chọn và quản lý đối với cán bộ thú y cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 2. Tổ chức thú y cơ sở
Mạng lưới thú y cơ sở được tổ chức đối với các xã, phường, thị trấn (Sau đây gọi là cấp xã) trên địa bàn tỉnh. Mỗi xã, phường, thị trấn có một Trưởng thú y (Sau đây gọi là Trưởng thú y xã); mỗi thôn, bản, khu phố (Sau đây gọi là Cấp thôn) có một Thú y viên. Riêng huyện đảo Cồn Cỏ có một Trưởng Thú y, không có Thú y viên.
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn.
Trưởng thú y xã có trách nhiệm giúp UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ quản lý về công tác thú y (Đảm nhận cả nhiệm vụ chuyên ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) ở địa phương, đồng thời chịu sự chỉ đạo, quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ của Trạm Thú y huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Sau đây gọi là Trạm Thú y cấp huyện). Nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Đối với Trưởng thú y xã:
a) Giúp UBND cấp xã tham gia xây dựng và tổ chức, hướng dẫn việc thiết hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát triển và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi (Bao gồm cả thủy sản) trong sản xuất nông nghiệp;
b) Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách và chuyên môn nghiệp vụ về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thú y;
c) Tổng hợp, hướng dẫn kế hoạch phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hàng năm; hướng dẫn nông dân về quy trình sản xuất, thực hiện các biện pháp kỹ thuật về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thú y và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt;
d) Tổng hợp và báo cáo kịp thời tình hình chăn nuôi, dịch bệnh động vật; đề xuất, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh và chữa bệnh cho động vật theo kế hoạch, hướng dẫn của Trạm Thú y cấp huyện; đi xây dựng kế hoạch, biện pháp huy động lực lượng và thực hiện hoặc phối hợp thực hiện nội dung được duyệt và hướng dẫn của Trạm Thú y cấp huyện;
e) Hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng bệnh bắt buộc cho động vật, cách ly động vật, mua bán động vật, sản phẩm động vật, vệ sinh, khử trùng tiêu độc và việc sử dụng, thực hiện tiêm phòng vác xin phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn cấp xã;
g) Phối hợp thực hiện việc khử trùng, tiêu độc cho các cơ sở hoạt động liên quan đến công tác thú y, các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và phục hồi môi trường sau khi dập tắt dịch bệnh đối với thủy sản trên địa bàn cấp xã theo quy định;
h) Giúp Chủ tịch UBND cấp xã hướng dẫn hoạt động đối với hệ thống cung cấp dịch vụ công về chăn nuôi, thú y và cá nhân kinh doanh thuốc thú y. Thực hiện công tác khuyến nông về thú y theo kế hoạch được duyệt và các dịch vụ về thú y trên địa bàn xã theo quy định;
i) Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình dịch bệnh động vật, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn cấp xã cho Trạm Thú y cấp huyện và UBND cấp xã;
k) Thực hiện nhiệm vụ về quản lý chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn cấp xã theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên;
l) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trạm Thú y cấp huyện và UBND cấp xã giao.
2. Đối với thú y viên: Thú y viên có nhiệm vụ giúp Trưởng thú y xã thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn cấp thôn như sau:
a) Tham gia xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát triển và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi (Bao gồm cả thủy sản) trong sản xuất nông nghiệp; thống kê, quản lý đàn vật nuôi;
b) Tham gia tuyến truyền, phổ biến chế độ, chính sách và chuyên môn nghiệp vụ về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thú y;
c) Tổng hợp và báo cáo kịp thời tình hình chăn nuôi, dịch bệnh động vật; đề xuất, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh;
d) Hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng bệnh bắt buộc cho động vật, cách ly động vật, mua bán động vật, sản phẩm động vật, vệ sinh, khử trùng tiêu độc và việc sử dụng, thực hiện tiêm phòng vắcxin phòng chống dịch bệnh động vật;
e) Phối hợp thực hiện việc khử trùng, tiêu độc cho các cơ sở hoạt động liên quan đến công tác thú y, các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và phục hồi môi trường sau khi dập tắt dịch bệnh đối với thủy sản theo quy định;
f) Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh, tình hình sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản báo cáo cho Trưởng thú y xã;
g) Ngoài những nhiệm vụ nêu trên Thú y viên giúp Trường thú y xã thực hiện các nhiệm vụ đột xuất (Lúc dịch bệnh xảy ra ...) khi được UBND cấp xã huy động.
Điều 4. Tiêu chuẩn cán bộ thú y cơ sở
1. Trưởng thú y xã:
a) Trình độ chuyên môn:
- Đối với các xã, phường, thị trấn đồng bằng: Có trình độ từ Trung cấp chăn nuôi, thú y trở lên;
- Đối với các xã miền núi vùng sâu vùng xa (Theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ): Có trình độ Trung cấp chăn nuôi thú y hóa tốt nghiệp trung học phổ thông và đã qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn về công tác thú y (Đến năm 2015, Trưởng thú y xã phải có trình độ từ Trung cấp chăn nuôi, thú y trở lên).
b) Có khả năng tập hợp và điều hành được thú y viên của địa phương;
c) Có sức khỏe và tinh thần trách nhiệm cao với công việc được giao, gắn bó với nghề nghiệp, được bà con nông dân tín nhiệm.
Đối với các xã phường, thị trấn đã bố trí Trưởng thú y xã trước ngây quyết định này có hiệu lực, nếu các cán bộ đó có sức khỏe có kinh nghiệm nhiệt tình có nguyện vọng tham gia công tác thú y ở địa phương thì ưu tiên tuyển chọn làm Trưởng thú y xã.
2. Thú y viên:
a) Đối với các xã, phường, thị trấn đồng bằng: Có trình độ từ Trung cấp chăn nuôi, thú y trở lên hoặc tốt nghiệp trung học phổ thông và đã qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng tập huấn ngắn hạn về công tác thú y trở lên;
b) Đối với các xã miền núi, vùng sâu vùng xa: Có trình độ Trung cấp chăn nuôi, thú y hoặc tốt nghiệp trung học cơ sở và đã qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng tập huấn ngắn hạn về công tác thú y trở lên;
c) Có sức khỏe và tinh thần trách nhiệm cao với công việc được giao, gắn bó với nghề nghiệp, được bà con nông dân tín nhiệm.
Điều 5. Tuyển chọn và quản lý
1. Tổ chức tuyển chọn:
a) UBND cấp xã căn cứ vào tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 của quyết định này thành lập Hội đồng tuyển chọn từ 3- 5 thành viên (Có mời đại diện Trạm thú y cấp huyện làm thành viên Hội đồng) để tuyển chọn Trưởng thú y xã; đồng thời chỉ đạo Trưởng các thôn, bản, khu phố phối hợp với Trưởng thú y tuyển chọn thú y viên, báo cáo UBND cấp xã;
b) Ưu tiên tuyển chọn những người tại địa phương, có kinh nghiệm trong công tác thú y;
c) Việc tuyển chọn phải đam bảo tính công khai, minh bạch, đúng tiêu chuẩn;
d) Kết quả tuyển chọn Trưởng thú y xã, Thú y viên báo cáo về UBND cấp huyện (Qua phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc phòng Kinh tế) và Trạm thú y cấp huyện.
2. Quản lý, sử dụng.
a) Trưởng thú y xã làm việc theo chế độ hợp đồng dài hạn và Thú y viên làm việc theo chế độ hợp đồng có thời hạn với UBND cấp xã.
b) Trưởng thú y xã chịu sự quản lý trực tiếp của UBND cấp xã đồng thời chịu sự giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của các Trạm thú y cấp huyện.
c) Các Thú y viên thuộc địa bàn cấp xã do Trưởng thú y xã quản lý.
3. Về việc điều động, thay đổi Trưởng thú y xã và Thú y viên cơ sở.
a) Trong trương hợp cần thiết do yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản; UBND cấp xã có quyền điều động thú y viên để phòng chống dịch bệnh trong địa bàn cấp xã và UBND cấp huyện có quyền điều động Trưởng thú y xã và Thú y viên các xã, phường, thị trấn để phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn cấp huyện;
b) Trong quá trình hoạt động, Trạm thú y cấp huyện hoặc Chi cục Thú y tỉnh có quyền đề nghị UBND cấp huyện thay đổi Trưởng thú y xã và Thú y viên nếu cán bộ đó không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm các quy định của pháp luật về thú y.
Điều 6. Chế độ phụ cấp
1. Đối với Trưởng thú y xã: Được hưởng mức phụ cấp hàng tháng và được đóng bảo hiểm xã hội bảo hiểm y tế theo quy định.
a) Mức phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 1 so với mức tiền lương tối thiểu chung theo quy định của Chính phủ.
b) Kinh phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do ngân sách địa phương cấp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
2. Đối với Thú y viên: Được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 0,3 so với mức tiền lương tối thiểu chung theo quy định của Chính phủ.
3. Thời gian thực hiện chi trả phụ cấp hàng tháng, đóng bảo hiểm xã hội bảo hiểm y tế cho Trưởng thú y xã được thực hiện tù năm 2010; chi trả phụ cấp cho Thú y viên được thực hiện từ năm 2012.
4. Việc chi trả phụ cấp hàng tháng, kinh phí đóng bảo hiểm xã hội bảo hiểm y tế cho Trưởng thú y xã và phụ cấp hàng tháng cho thú y viên do ngân sách tỉnh cân cân đối qua ngân sách cấp huyện và chi trả thông qua ngân sách cấp xã.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp UBND cấp huyện triển khai tổ chức mạng lưới thú y cơ sở trên địa bàn tỉnh;
- Theo dõi, đề xuất UBND tỉnh các vấn đề liên quan đến mạng lưới thú y cơ sở.
2. UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:
- Xây dựng kế hoạch ngân sách địa phương hàng năm cho mạng lưới thú y cơ sở của huyện, thành phố thị xã báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định;
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã tuyển chọn, quản lý, sử dụng Trưởng thú y và Thú y viên cơ sở theo đúng quy định;
- Thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thú y cơ sở. Xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng và phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho mạng lưới thú y cơ sở.
3. Chi cục Thú y tỉnh:
- Chi đạo Trạm Thú y cấp huyện phối hợp với UBND cấp xã tuyển chọn Trưởng thú y xã và Thú y viên và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho mạng lưới Thú y cơ sở. Báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả tổ chức mạng lưới thú y cơ sở.
4. Trạm Thú y cấp huyện:
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho mạng lưới thú y cơ sở và bà con nông dân; điều động Trưởng thú y xã và thú y viên các xã phường thị trấn phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong trường hợp cần thiết;
- Phối hợp với UBND cấp xã tuyên chọn Trưởng thú y xã và Thú y viên trên địa bàn;
- Trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động chuyên môn nghiệp vụ đối với mạng lưới thú y cơ sở trên địa bàn;
- Kiểm tra, giám sát các hoạt động của mạng lưới thú y cơ sở. Định kỳ tổ chức giao ban với các Trưởng thú y xã. Tiếp nhận, xử lý thông tin từ cơ sở, báo cáo kịp thời với Chi cục Thú y và UBND cấp huyện.
5. UBND xã, phường, thị trấn:
- Chủ trì và phối hợp Trạm thú y cấp huyện tuyển chọn, quản lý và sử dụng Trưởng thú y xã và Thú y viên cơ sở theo đúng quy định;
- Tạo điều kiện về địa điểm, phương tiện làm việc cho Trưởng thú y xã, thú y viên hoạt động.
Điều 8. Điều khoản thi hành
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các sở ban ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phân án dân tỉnh (Qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.