Quyết định số 25/2009/QĐ-UBND ngày 28/09/2009 Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 150/2009/NQ-HĐND về công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình tỉnh Lai Châu giai đoạn 2009-2015 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 25/2009/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lai Châu
- Ngày ban hành: 28-09-2009
- Ngày có hiệu lực: 08-10-2009
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 27-02-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3429 ngày (9 năm 4 tháng 24 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 27-02-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2009/QĐ-UBND | Lai Châu, ngày 28 tháng 9 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 150/2009/NQ-HĐND VỀ CÔNG TÁC DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2009 - 2015
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 04/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình;
Căn cứ Nghị quyết số 150/2009/NQ-HĐND12 ngày 14/7/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XII, kỳ họp thứ 14 về việc thông qua Đề án về công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình tỉnh Lai Châu giai đoạn 2009 - 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 150/2009/NQ-HĐND về công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình tỉnh Lai Châu giai đoạn 2009 - 2015
(có kế hoạch chi tiết kèm theo).
Điều 2. Giao Sở Y tế căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết hàng năm, hướng dẫn tổ chức thực hiện Kế hoạch.
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư căn cứ Kế hoạch tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí ngân sách hàng năm để thực hiện Kế hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Y tế, Kế hoạch - Đầu tư; Giám đốc Khoc bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 150/2009/NQ-HĐND VỀ CÔNG TÁC DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2009 - 2015
(Kèm theo Quyết định số 25/2009/QĐ-UBND, ngày 28 tháng 9 năm 2009 của UBND tỉnh Lai Châu)
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Thực hiện quy mô gia đình mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con, ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực góp phần nâng cao chất lượng dân số cả về thể lực, trí lực và tinh thần, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá; sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015
(1). Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,2% để ổn định quy mô dân số.
(2). Tỷ lệ giảm sinh trung bình mỗi năm từ 0,6 đến 0,9‰.
(3). Tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại 70%.
(4). Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên mỗi năm 2,5 đến 3% .
(5). Giảm tỷ lệ chết trẻ dưới 1 tuổi xuống còn 26‰.
(6). Giảm tỷ lệ chết mẹ liên quan đến thai sản còn 40/100.000 trẻ sinh ra sống.
(7). Phấn đấu nâng chỉ số phát triển con người (HDI) lên khoảng 0,600 – 0,650 điểm.
(8). Tăng tuổi thọ trung bình lên 70 tuổi.
(9). Tăng số năm đi học trung bình mỗi người lên 9 năm học.
(10). Hạ tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn 23,34% (mỗi năm giảm 1,5%).
(11). Hạ tỷ lệ nhiễm mới HIV/AIDS mỗi năm dưới 0,3%. Giảm tỷ lệ trẻ sinh ra bị khuyết tật, di truyền.
II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
TT | NỘI DUNG | ĐVT | CHỈ TIÊU THỰC HIỆN TỪNG NĂM | ||||||
2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | |||
1 | Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 12‰ để ổn định quy mô dân số | ‰ | 18,75 | 17,75 | 16,7 | 15,65 | 14,6 | 13,6 | 12,95 |
2 | Tỷ lệ giảm sinh trung bình mỗi năm từ 0,6 đến 0,9‰ | ‰ | 1,0 | 1,0 | 1,05 | 1,05 | 1,0 | 0,95 | 0,9 |
3 | Tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại 70% | % | 63,4 | 64,6 | 65,7 | 66,9 | 68,4 | 69,2 | 70 |
4 | Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên mỗi năm 2,5 đến 3% | % | 19,58 | 17,08 | 14,58 | 12,38 | 10,84 | 8,84 | 7,10 |
5 | Giảm tỷ lệ chết trẻ dưới 1 tuổi xuống còn 26‰ | ‰ | 40 | 38 | 36 | 33 | 30 | 28 | 26 |
6 | Giảm tỷ lệ chết mẹ liên quan đến thai sản còn 40/100.000 trẻ sinh ra sống | ‰O | 120 | 115 | 100 | 80 | 65 | 50 | 40 |
7 | Phấn đấu nâng chỉ số phát triển con người (HDI) lên khoảng 0,600 - 0,650 điểm | Điểm | 0,486 | 0,495 | 0,535 | 0,562 | 0,588 | 0,614 | 0,648 |
8 | Tăng tuổi thọ trung bình lên 70 tuổi |
| 67 |
|
|
|
|
| 70 |
9 | Tăng số năm đi học trung bình mỗi người lên 9 năm học | Năm TB | 8 |
|
|
|
|
| 9 |
10 | Hạ tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn 23,34% (mỗi năm giảm 1,5%) | % | 29,6 | 28,1 | 26,6 | 25,3 | 24,4 | 23,7 | 23 |
III. KINH PHÍ
Đơn vị tính: Đồng
* NĂM 2009: | 764.430.000 |
Trong đó: |
|
1. Khen thưởng. | 54.000.000 |
2. Chính sách đối với cán bộ làm công tác Dân số. | 560.430.000 |
3. Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. | 50.000.000 |
4. Xây dựng và nâng cấp trang thiết bị. | 100.000.000 |
* NĂM 2010: | 2.773.910.000 |
Trong đó: |
|
1. Khen thưởng. | 133.750.000 |
2. Chính sách đối với cán bộ làm công tác Dân số. | 2.240.160.000 |
3. Truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi . | 100.000.000 |
4. Mở rộng mô hình giải pháp can thiệp nâng cao chất lượng dân số. | 150.000.000 |
5. Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. | 50.000.000 |
6. Xây dựng và nâng cấp trang thiết bị. | 100.000.000 |
* NĂM 2011. | 3.323.850.000 |
Trong đó: |
|
1. Khen thưởng. | 176.000.000 |
2. Chính sách đối với cán bộ làm công tác Dân số. | 2.152.800.000 |
3. Truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi . | 99.800.000 |
4. Mở rộng mô hình giải pháp can thiệp nâng cao chất lượng dân số. | 195.000.000 |
5. Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. | 100.250.000 |
6. Xây dựng và nâng cấp trang thiết bị. | 600.000.000 |
* NĂM 2012. | 3.415.200.000 |
Trong đó: |
|
1. Khen thưởng. | 195.000.000 |
2. Chính sách đối với cán bộ làm công tác Dân số. | 2.145.000.000 |
3. Truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi . | 102.200.000 |
4. Nâng cao chất lượng thông tin quản lý chuyên ngành dân số. | 50.000.000 |
5. Mở rộng mô hình giải pháp can thiệp nâng cao chất lượng dân số. | 216.000.000 |
6. Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. | 107.000.000 |
7. Xây dựng và nâng cấp trang thiết bị. | 600.000.000 |
* NĂM 2013. | 3.170.000.000 |
Trong đó: |
|
1. Khen thưởng. | 232.000.000 |
2. Chính sách đối với cán bộ làm công tác Dân số. | 2.152.800.000 |
3. Truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi . | 102.200.000 |
4. Nâng cao chất lượng thông tin quản lý chuyên ngành dân số. | 60.000.000 |
5. Mở rộng mô hình giải pháp can thiệp nâng cao chất lượng dân số. | 216.000.000 |
6. Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. | 107.000.000 |
7. Xây dựng và nâng cấp trang thiết bị. | 300.000.000 |
* NĂM 2014. | 3.186.300.000 |
Trong đó: |
|
1. Khen thưởng. | 252.000.000 |
2. Chính sách đối với cán bộ làm công tác Dân số. | 2.113.800.000 |
3. Truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi . | 101.500.000 |
4. Nâng cao chất lượng thông tin quản lý chuyên ngành dân số. | 70.000.000 |
5. Mở rộng mô hình giải pháp can thiệp nâng cao chất lượng dân số. | 200.000.000 |
6. Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. | 149.000.000 |
7. Xây dựng và nâng cấp trang thiết bị. | 300.000.000 |
NĂM 2015. | 3.671.369.000 |
Trong đó: |
|
1. Khen thưởng. | 292.000.000 |
2. Chính sách đối với cán bộ làm công tác Dân số. | 2.056.860.000 |
3. Truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi . | 101.500.000 |
4. Nâng cao chất lượng thông tin quản lý chuyên ngành dân số. | 80.000.000 |
5. Mở rộng mô hình giải pháp can thiệp nâng cao chất lượng dân số. | 200.000.000 |
6. Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. | 143.009.000 |
7. Xây dựng và nâng cấp trang thiết bị. | 798.000.000 |
TỔNG CỘNG: 2009 - 2015. | 20.305.059.000 |
IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình. Thực hiện có hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh xã hội hoá đối với công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình
- Tăng cường tuyên truyền pháp luật về dân số- kế hoạch hoá gia đình, Pháp lệnh Dân số sửa đổi, Kết luận số 44-KL/TW, ngày 01/4/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình, Thông báo số 160 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 150/HĐND12 (khoá XII kỳ họp thứ 14).
- Xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, phân công cán bộ phụ trách, định thời gian hoàn thành đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát.
- Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên; xây dựng quy chế tăng cường sự phối kết hợp giữa các đơn vị có liên quan trong công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình trên các lĩnh vực quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số.
- Định kỳ sơ, tổng kết chương trình, đề án đã và đang triển khai trên địa bàn, đánh giá hiệu quả, kịp thời rút kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Thực hiện tốt việc tổng kết giai đoạn thực hiện Chiến lược dân số quốc gia (2005-2010); tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng một số yếu tố tác động tới chất lượng dân số ở một số dân tộc và địa bàn ưu tiên làm cơ sở xây dựng Chiến lược dân số giai đoạn 2011 - 2020. Nâng cao chất lượng tham mưu với cấp uỷ, chính quyền các cấp về công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình.
- Khen thưởng kịp thời các tập thể, dòng họ, cá nhân có thành tích trong công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ, đảng viên vi phạm.
- Tranh thủ uy tín, sự ủng hộ của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình. Đa nội dung công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình vào hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn và tăng cường sự cam kết thực hiện.
2. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình
- Xây dựng quy hoạch cán bộ, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình đảm bảo đủ năng lực và điều kiện để tham mưu cho các cấp uỷ đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các mục tiêu về dân số - kế hoạch hoá gia đình, nhất là ở cấp cơ sở.
- Từng bước chuẩn hoá cán bộ chuyên trách dân số ở xã, phường, thị trấn để đưa vào biên chế viên chức trạm y tế. Trước mắt thực hiện nghiêm túc việc hợp đồng công việc và nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên trách.
- Đảm bảo đúng chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác dân số. Cung cấp đầy đủ tài liệu, sổ sách đồng thời tăng cường kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số.
3. Đẩy mạnh công tác tuyền thông, vận động và giáo dục
- Phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường phát sóng bằng tiếng dân tộc; chú trọng hình thức tuyên truyền trực tiếp và hình ảnh minh hoạ phù hợp với từng nhóm đối tượng và trình độ nhận thức của nhân dân.
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả chiến dịch hằng năm về tăng cường truyền thông vận động, lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hoá gia đình tới vùng đông dân, vùng có nhiều khó khăn và vùng có mức sinh cao.
- Phối hợp với Trường Chính trị, Trung tâm bồi dưỡng chính trị và các hệ thống trường học mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục dân số - kế hoạch hoá gia đình và sức khoẻ sinh sản trong và ngoài nhà trường cho cán bộ cấp xã, thanh niên và vị thành niên hiểu biết về giới tính, tình dục lành mạnh, an toàn; giảm thiểu nạo phá thai ngoài ý muốn và phòng lây nhiễm qua đường tình dục.
- Chăm sóc người cao tuổi nhất là những người già cô đơn, không nơi nương tựa. Vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi đang gặp khó khăn.
- Tích cực tuyên truyền, vận động kết hôn đúng độ tuổi, nuôi con bằng sữa mẹ, thực hiện vệ sinh môi trường, phòng lây nhiễm HIV, toàn dân đưa trẻ đến trường và tham gia học tập xoá mù chữ…góp phần từng bước nâng cao chất lượng dân số.
4. Đảm bảo cung cấp phương tiện và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hoá gia đình
- Cung cấp đa dạng và đáp ứng đủ nhu cầu phương tiện tránh thai đối với khách hàng, từng bước thực hiện tiếp thị xã hội về bao cao su và thuốc tránh thai.
- Nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư thiết bị y tế và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế nhất là ở trạm y tế và trung tâm y tế ở vùng sâu, vùng xa, bảo đảm chăm sóc sức khoẻ nhân dân, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hoá gia đình an toàn, thuận tiện, gần dân.
- Từng bước kiện toàn cán bộ và thành lập thêm các trung tâm tư vấn về chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho thanh niên và vị thành niên, chăm sóc người cao tuổi. Triển khai thêm các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số như: kiểm tra sức khoẻ và tư vấn tiền hôn nhân, điều trị vô sinh, chẩn đoán sàng lọc sơ sinh, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
5. Tăng cường đầu tư nguồn lực và thực hiện các chế độ, chính sách về công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình
- Vận động các cấp chính quyền, đoàn thể dành phần kinh phí hỗ trợ cho việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (tổ chức thực hiện chiến dịch, thi đua khen thưởng, hoạt động truyền thông…) nhằm thu hút sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình.
- Thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình theo quy định của Trung ương từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia. Hỗ trợ đối với cán bộ chuyên trách dân số cấp xã chưa được vào biên chế viên chức trạm y tế và cộng tác viên dân số từ kinh phí địa phương theo mức mà nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua.
6. Phối hợp lồng ghép các chương trình, dự án, đề án trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng dân số
- Gắn việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình với việc thực hiện quy hoạch, bố trí di dân tái định cư các dự án thuỷ điện, quy hoạch cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
- Bảo tồn, mở rộng các làng nghề, mở rộng sản xuất theo hướng hàng hoá và đào tạo nghề, tạo cơ hội cho mọi người có việc làm và có thu nhập.
- Xây dựng giao thông nông, đầu tư nâng cấp và mở rộng các tuyến đường liên xã, tạo cơ hội giao lưu giữa các dân tộc và lưu thông hàng hoá.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Uỷ ban nhân dân các các cấp
- Tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình từ cấp tỉnh đến cơ sở do đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng ban. Phó ban là các đồng chí Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình ( đối với cấp tỉnh); giám đốc Trung tâm Y tế, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (đối với cấp huyện), trưởng trạm y tế (đối với cấp xã). Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, cá nhân (cán bộ chuyên trách dân số cấp xã) có liên quan là thành viên.
- Chỉ đạo gắn công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và trong từng giai đoạn phù hợp với điều kiện của địa phương, dành nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương hỗ trợ các hoạt động công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình. Chỉ đạo xây dựng quy hoạch, đào tạo cán bộ làm công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình từ tỉnh đến cơ sở.
2. Sở Y tế
Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai các hoạt động thuộc lĩnh vực dân số - kế hoạch hoá gia đình. Cụ thể hoá các nội dung chỉ đạo, phối hợp liên ngành; thực hiện công tác báo cáo UBND tỉnh và cơ quan chuyên môn cấp trên, đồng thời là cơ quan tham mưu về khen thưởng trong thực hiện chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình.
3. Sở Tư pháp
Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về lĩnh vực dân số - kế hoạch hoá gia đình và các các văn bản pháp luật có liên quan. Chỉ đạo cơ quan tư pháp các huyện, thị tổ chức trợ giúp pháp lý cho nhân dân về những vấn đề liên quan tới thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Tham mưu với UBND tỉnh đưa các chỉ tiêu dân số - kế hoạch hoá gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh; cân đối, bố trí kinh phí cho mục tiêu dân số - kế hoạch hoá gia đình từ nguồn ngân sách Trung ương và của địa phương; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình.
5. Sở Tài chính
Căn cứ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu dân số - kế hoạch hoá gia đình của Trung ương phân bổ, các mục tiêu nhiệm vụ và khả năng ngân sách hàng năm của tỉnh, tham mưu đề xuất với UBND tỉnh cân đối, bổ sung kinh phí đối ứng cho các hoạt động dân số - kế hoạch hoá gia đình; hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, đơn vị sử dụng đúng quy định, có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư cho chương trình dân số - kế hoạch hoá gia đình, đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
6. Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch
Tăng cường công tác tuyên truyền về lĩnh vực dân số - kế hoạch hoá gia đình thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thông tin cổ động của ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch, chỉ đạo đưa chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình vào cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, quy ước làng bản văn hoá, khu dân cư văn hoá và gia đình văn hoá mới.
7. Sở Giáo dục - Đào tạo
Triển khai nội dung, chương trình giáo dục về dân số, sức khoẻ sinh sản trong nhà trường; tổ chức các hoạt động tuyên truyền kiến thức về dân số, sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình cho thanh niên và vị thành niên trong trường học.
8. Sở Lao động Thương bình và Xã hội
Triển khai nội dung về an toàn lao động, lao động trước tuổi và hết độ tuổi lao động; làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chính sách về dân số - kế hoạch hoá gia đình. Thành lập và củng cố hoạt động của các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, trung tâm bảo trợ xã hội…
9. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh
Phối hợp với Sở Y tế tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên đài phát thanh - truyền hình đại phương các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình, phổ biến nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình, đặc biệt bằng các tiếng dân tộc.
10. Công an tỉnh
Tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng xâm hại, lợi dụng trẻ em, buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, dụ dỗ trẻ em vào các tệ nạn xã hội; phối hợp với cơ quan tư pháp kịp thời điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em. Tạo môi trường lành mạnh, an toàn để trẻ em được học tập và phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
11. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng
Phối hợp với Công an trong phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới. Phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn các xã biên giới thực hiện tốt chính sách dân số - chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình. Thực hiện tốt công tác quân dân y phối hợp chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
12. Ban Dân tộc tỉnh
Chỉ đạo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đang, Nhà nước của tỉnh và các văn bản có liên quan đến lĩnh vực dân số - kế hoạch hoá gia đình. Tham mưu cho UBND tỉnh về tổ chức thực hiện chính sách và công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình phù hợp với đặc điểm, phong tục, tập quán của từng dân tộc nhất là đối với dân tộc đặc biệt khó khăn, có nguy cơ suy giảm giống nòi.