cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 28/2009/QĐ-UBND ngày 18/08/2009 Ban hành Đề án chuẩn hoá và hỗ trợ nghỉ việc đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăngban hành bởi Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 28/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Ngày ban hành: 18-08-2009
  • Ngày có hiệu lực: 28-08-2009
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-01-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3437 ngày (9 năm 5 tháng 2 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 25-01-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 25-01-2019, Quyết định số 28/2009/QĐ-UBND ngày 18/08/2009 Ban hành Đề án chuẩn hoá và hỗ trợ nghỉ việc đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăngban hành bởi Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 241/QĐ-UBND ngày 25/01/2019 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ, ngưng hiệu lực một phần của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng năm 2018”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 28/2009/QĐ-UBND

Sóc Trăng, ngày 18 tháng 8 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN CHUẨN HOÁ VÀ HỖ TRỢ NGHỈ VIỆC ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước, ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Quyết định số 85/2002/QĐ-TTg ngày 28/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TW, ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở;
Căn cứ Nghị quyết số 08/2009/NQ-HĐND ngày 10/7/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh kỳ họp thứ 16 về việc thông qua Đề án chuẩn hoá và hỗ trợ nghỉ việc đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án chuẩn hoá và hỗ trợ nghỉ việc đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành.

 

 

Nơi nhận:  
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- TT. Tỉnh uỷ, TT. HĐND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh uỷ;
- Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông;
- Trung tâm Công báo;
- Lưu: NC, VT
.

TM . ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Thành Hiệp

 

ĐỀ ÁN

CHUẨN HOÁ VÀ HỖ TRỢ NGHỈ VIỆC ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số : 28 /2009/QĐ-UBND, ngày 18 / 8 /2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng)

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU:

1. Mục tiêu:

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) có trình độ chuyên môn, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế; từng bước đáp ứng yêu cầu và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX).

2. Yêu cầu:

a) Tổ chức quán triệt sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và các quy định về tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ chuyên trách, công chức xã, phường, thị trấn.

b) Quá trình thực hiện phải được tiến hành thận trọng, nghiêm túc, dân chủ, công khai minh bạch, đúng pháp luật. Khi tiến hành cần xem xét từng trường hợp cụ thể phải đảm bảo đúng quy trình, đầy đủ thủ tục, khách quan, chính xác.

c) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các đoàn thể; thực hiện nghiêm túc, đúng đối tượng, tránh cảm tính, cá nhân, ngại va chạm dẫn đến tình trạng thiếu công bằng, không khách quan, mất dân chủ... ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện Đề án.

II. NỘI DUNG ĐỀ ÁN:

Để chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, thực hiện các giải pháp và chế độ chính sách sau:

1. Cho thôi việc có hỗ trợ chính sách:

a) Đối tượng:

- Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã không đạt chuẩn (theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ chuyên trách, công chức xã, phường, thị trấn), có tuổi đời từ 45 tuổi trở lên, không thể tiếp tục đào tạo.

- Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã không đạt chuẩn, có tuổi đời chưa đến 45 tuổi, cần có thời gian đào tạo hơn 02 năm để đạt chuẩn (trừ trường hợp được cử tham dự các lớp đại học).

- Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã đạt chuẩn nhưng do sức khoẻ không đảm bảo, hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc vì lý do khác không thể tiếp tục công tác.

b) Chính sách hỗ trợ:

Ngoài các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định, được hỗ trợ các khoản sau:

- Mỗi năm công tác được hỗ trợ 01 tháng lương, kể cả phụ cấp (nếu có).

- Khoản hỗ trợ bổ sung tính theo năm công tác:

+ Dưới 10 năm: 2.000.000 đồng;

+ Từ 10 năm đến dưới 20 năm: 4.000.000 đồng;

+ Từ 20 năm trở lên: 6.000.000 đồng.

2. Tiếp tục bố trí công tác và đào tạo:

a) Đối tượng:

- Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã không đạt chuẩn nhưng đang được cử đi đào tạo hoặc tuổi đời dưới 45 mà có quá trình công tác tốt và có thể tiếp tục đào tạo trong thời gian tối đa là 02 năm để đạt chuẩn.

- Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã là nữ hoặc người dân tộc thiểu số (Khmer, Hoa) không đạt chuẩn nhưng chưa có người thay thế thì tuỳ chức danh, trường hợp cụ thể có thể xem xét tiếp tục bố trí công tác.

b) Chính sách đào tạo: Thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Chuyển đổi vị trí công tác:

Chuyển đổi vị trí công tác đối với những cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã không đạt chuẩn theo quy định đối với chức danh, vị trí đang đảm nhiệm sang vị trí khác phù hợp hơn.

4. Thu hút nguồn nhân lực về công tác tại xã:

a) Hỗ trợ một lần khi nhận nhiệm vụ là 5.000.000 đồng đối với người có trình độ đại học và 4.000.000 đồng đối với người có trình độ cao đẳng.

b) Chính sách ưu đãi:

- Được ưu tiên xét tuyển.

- Xếp lương theo trình độ được đào tạo.

- Nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn theo quy định.

- Được bố trí vào các chức danh cán bộ chuyên trách hoặc công chức, được giữ mức lương đang hưởng và mọi quyền lợi khác theo quy định đối với cán bộ, công chức cấp xã.

5. Các giải pháp khác:

a) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, triển khai quán triệt cho cấp uỷ Đảng, cán bộ, đảng viên thông suốt chủ trương của Tỉnh ủy và UBND tỉnh đối với việc thực hiện Đề án.

b) Tiếp tục tổ chức mở lớp đào tạo về chính trị, chuyên môn, quản lý hành chính và các chuyên ngành khác phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương. Trong đó, ưu tiên cho các đối tượng thuộc diện tiếp tục bố trí công tác và phải đưa đi đào tạo.

c) Thu hút nguồn nhân lực có trình độ (cán bộ dự nguồn) để thay thế kịp thời số cán bộ thôi việc theo Đề án.

d) Hàng năm, các huyện, thành phố tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định.

e) Thực hiện nghiêm Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức cấp xã, đặc biệt là các chức danh bầu cử phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn mới đưa ra ứng cử; trường hợp điều chuyển cán bộ là trưởng các đoàn thể sang các chức danh cán bộ chuyên trách, công chức phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn mới được điều chuyển.

g) Tiến hành kiểm tra, rà soát lại việc lập sổ BHXH, BHYT đối với tất cả cán bộ, công chức cấp xã để thực hiện tốt các chế độ chính sách của nhà nước theo quy định.

III. ĐỐI TƯỢNG KHÔNG THUỘC PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA ĐỀ ÁN:

1. Cán bộ chuyên trách, công chức do cấp trên luân chuyển, tăng cường xuống cấp xã.

2. Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Thời gian thực hiện: Từ tháng 01/2010 đến hết tháng 12/2014.

2. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai quán triệt Đề án đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; thành lập Hội đồng cấp huyện và chỉ đạo thành lập Hội đồng cấp xã để xét duyệt đối tượng thực hiện Đề án; xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án của huyện, thành phố gửi Sở Nội vụ thẩm định.

3. Giám đốc Sở Nội vụ phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Tài chính thẩm định Kế hoạch của các huyện, thành phố, trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện. Đồng thời phối hợp Sở Tài chính, Bảo hiểm Xã hội hướng dẫn, theo dõi việc triển khai thực hiện Đề án, định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

4. Hiệu trưởng Trường Chính trị chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hoá cán bộ, công chức cấp xã.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, khó khăn, Sở Nội vụ báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh kịp thời.