cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 28/2009/QĐ-UBND ngày 24/04/2009 Quy định quản lý Nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh Kon Tum do Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 28/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Ngày ban hành: 24-04-2009
  • Ngày có hiệu lực: 09-05-2009
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-02-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 657 ngày (1 năm 9 tháng 22 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 25-02-2011
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 25-02-2011, Quyết định số 28/2009/QĐ-UBND ngày 24/04/2009 Quy định quản lý Nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh Kon Tum do Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 15/02/2011 Quy định quản lý Nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh Kon Tum do Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 28/2009/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 24 tháng 4 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 của Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội ngày 26/04/2002;
Căn cứ Nghị định số 170/2003/NĐ-CP Ngày 25/12/2003 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giá;
Căn cứ Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 9/6/2008 của Chính phủ, về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Thông t­ư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính, về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp Lệnh giá và Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 9/6/2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 09/TT-QLCSG ngày 05/3/2009; ý kiến của Sở Tư pháp tại Công văn số 105/STP-PL ngày 31/3/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định các nội dung quản lý Nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Điều 2. Các Ông: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 15/2006/QĐ-UBND ngày 19/4/2006; các nội dung trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Quang Vinh

 

QUY ĐỊNH

CÁC NỘI DUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 28/2009/QĐ-UBND, ngày 24/4/2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng bản quy định này.

Bản quy định này quy định danh mục các loại tài sản, hàng hoá, dịch vụ do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định giá, hồ sơ phương án giá, nội dung phương án giá, trình tự và thủ tục trình cấp có thẩm quyền quyết định mức giá.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 2. Danh mục hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định giá của UBND tỉnh và trình tự thực hiện.

1. Giá cước vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trong đô thị, khu công nghiệp do nhà nước tổ chức đấu thầu hoặc đặt hàng cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách:

Sở Giao thông vận tải xây dựng phương án giá trình UBND tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tài chính.

2. Giá cước vận chuyển hàng hoá bằng ô tô thuộc danh mục được trợ giá, trợ cước vận chuyển chi từ nguồn ngân sách nhà nước; Giá cước vận chuyển hàng hóa do nhà nước đặt hàng mà không qua hình thức đấu giá được thanh toán từ ngân sách nhà nước:

Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải xây dựng phương án giá trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

3. Giá báo của cơ quan Đảng bộ tỉnh Kon Tum, khi có quyết định của nhà nước về việc hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước:

Cơ quan Báo Kon Tum xây dựng phương án giá trình UBND tỉnh quyết định sau khi có ý kiến bằng văn bản của Văn phòng Tỉnh ủy và ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tài chính.

4. Giá bán hoặc giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; giá bán hoặc giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho các đối tượng tái định cư; đối tượng chính sách; giá bán hoặc cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để làm văn phòng hoặc kinh doanh; giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; giá cho thuê nhà ở công vụ:

Sở Xây dựng xây dựng phương án giá trình UBND tỉnh quyết định sau khi có ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan và ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tài chính.

5. Giá bán lẻ điện sinh hoạt tại khu vực nông thôn, miền núi mà việc đầu tư và hoạt động điện lực không có hiệu quả kinh tế:

Sở Công thương xây dựng phương án giá trình UBND tỉnh quyết định sau khi có ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan và ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tài chính.

6. Giá bán nước sạch cho sinh hoạt, cho các mục đích sử dụng khác:

Đơn vị kinh doanh nước sạch xây dựng phương án giá trình UBND tỉnh quyết định sau khi có ý kiến bằng văn bản của Sở Xây dựng và ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tài chính.

7. Giá sản phẩm, dịch vụ công ích được sản xuất theo đặt hàng, giao kế hoạch; giá hàng hóa, dịch vụ được sản xuất theo đặt hàng của nhà nước thuộc ngân sách địa phương thực hiện theo phương thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu, tự thực hiện theo quy định của luật đấu thầu và không qua hình thức đấu giá:

Doanh nghiệp, đơn vị cung ứng xây dựng phương án giá trình UBND tỉnh quyết định, sau khi có ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan và ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tài chính.

8. Mức trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hoá thuộc danh mục được trợ giá, trợ cước vận chuyển chi từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; mức giá hoặc khung giá bán lẻ hàng hoá được trợ giá, trợ cước vận chuyển:

Đơn vị được giao nhiệm vụ cung ứng hàng hóa, dịch vụ phối hợp với các phòng chuyên môn của các huyện, thị xã xây dựng phương án giá báo cáo Liên ngành: Ban Dân tộc, Sở Tài chính xem xét thẩm định, trước khi trình UBND tỉnh quyết định.

9. Giá rừng, giá cho thuê các loại rừng cụ thể trên địa bàn tỉnh:

Thực hiện theo văn bản quy định của UBND tỉnh và hướng dẫn của Liên ngành: Sở Tài chính - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở Tài nguyên và Môi trường về thực hiện Đề án định giá rừng để giao, cho thuê và bồi rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Kon tum.

10. Giá cụ thể các loại đất, giá cho thuê đất, mặt nước tại địa phương:

Sở Tài nguyên & Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng phương án giá trình UBND tỉnh quyết định sau khi có ý kiến của UBND các huyện, thị xã.

11. Giá các loại cây trồng phục vụ cho công tác bồi thường khi nhà nước thu hồi đất:

Sở Nông nghiệp & PTNT xây dựng phương án giá trình UBND tỉnh quyết định sau khi có ý kiến của Sở Tài chính.

12. Giá nhà cửa, vật kiến trúc làm căn cứ bồi thường khi nhà nước thu hồi đất:

Sở Xây dựng xây dựng phương án giá trình UBND tỉnh quyết định sau khi có ý kiến của Sở Tài chính.

13. Giá vật liệu xây dựng công bố hàng tháng:

Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Tài chính công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định để chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn tham khảo.

14. Giá tính thuế tài nguyên:

Cục thuế tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và môi trường và các cơ quan liên quan, xây dựng phương án giá trình UBND tỉnh quyết định theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và các văn bản quy định hiện hành của nhà nước.

15. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, các quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, Ngành. Sở Tài chính chủ trì phối hợp cùng với các đơn vị có liên quan trình UBND tỉnh ban hành giá các loại tài sản, hàng hoá, dịch vụ mà địa phương xét thấy cần thiết phải quản lý giá.

Điều 3. Thẩm quyền quyết định giá khởi điểm các loại tài sản, hàng hoá của nhà nước để bán đấu giá.

Thực hiện theo Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12/5/2005 về hướng dẫn xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá và Thông tư số 13/2007/TT-BTC ngày 06/3/2007 về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12/5/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá và các văn bản quy định hiện hành của nhà nước.

Điều 4. Hồ sơ phương án giá và nội dung phương án giá.

Hồ sơ phương án giá và nội dung phương án giá thực hiện theo quy định tại mục III Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp Lệnh giá và Nghị định số 75/2008/NĐ-CP Ngày 9/6/2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số: 170/2003/NĐ-CP Ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá.

Điều 5. Đăng ký giá, Kê khai giá.

Thực hiện theo mục VI. Đăng ký giá hàng hóa dịch vụ và mục VII. Kê khai giá hàng hóa dịch vụ thuộc phần B Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp Lệnh giá và Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 9/6/2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số: 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá.

Điều 6. Niêm yết giá.

1. Tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải thực hiện niêm yết giá bán và bán đúng giá đã niêm yết tại cửa hàng, nơi giao dịch bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ. Việc niêm yết phải rõ ràng, không gây nhầm lẫn cho khách hàng. Các loại hàng hoá, dịch vụ do nhà nước quy định giá thì phải niêm yết và bán đúng mức giá đã quy định.

2. UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc niêm yết giá bán hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn huyện, thị xã theo đúng quy định. Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra và xử lý các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân vi phạm các quy định về niêm yết giá theo đúng quy định.

Điều 7. Nhiệm vụ của các Sở, Ngành, UBND các huyện, thị xã trong việc tổ chức thực hiện và quản lý giá trên địa bàn.

1. Sở Tài chính:

a. Chủ trì và phối hợp với các Sở, Ngành, UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện mức giá các mặt hàng thuộc thẩm quyền quyết định giá của Trung ương, xây dựng hoặc thẩm định phương án giá đối với các mặt hàng thuộc thẩm quyền quyết định giá của UBND tỉnh.

b. Phối hợp với Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định các biện pháp thực hiện bình ổn giá hàng hóa trên địa bàn theo đúng quy định.

c. Tổ chức, phối hợp các đơn vị có liên quan kiểm tra, thanh tra giá trên địa bàn; kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ theo quy định của nhà nước.

2. Các Sở, Ngành có liên quan:

a. Thực hiện các văn bản quy định của Trung ương và UBND tỉnh về chính sách giá, nội dung quản lý nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh.

b. Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị trực thuộc chấp hành đúng các chính sách, chế độ về quản lý giá của nhà nước.

c. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các nội dung quản lý nhà nước về giá của các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định; xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số: 107/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại và các văn bản quy định hiện hành của nhà nước.

d. Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 2 chương II của bản quy định này.

3. UBND các huyện, thị xã:

a. Tổ chức triển khai thực hiện các chính sách giá, nội dung quản lý nhà nước về giá của Trung ương và của UBND tỉnh trên địa bàn các huyện, thị xã.

b. Quyết định và xây dựng mức giá các loại tài sản, hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền quản lý của UBND các huyện, thị xã.

c. Chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các nội dung quản lý nhà nước về giá, việc thực hiện niêm yết giá đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn theo đúng quy định; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số: 107/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại và các văn bản quy định hiện hành của nhà nước.

4. Các Doanh nghiệp:

a. Chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh chế độ, chính sách, mức giá hàng hoá, dịch vụ do cơ quan có thẩm quyền quy định.

b. Thực hiện việc đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ quy định của nhà nước; thực hiện niêm yết giá bán và bán đúng giá đã niêm yết tại cửa hàng, nơi giao dịch mua bán.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Sở Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện có những vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thì báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Tài chính) xem xét quyết định./.