cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 58/2008/QĐ-UBND ngày 22/12/2008 Về Điều lệ Quỹ Hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu văn bản: 58/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Ngày ban hành: 22-12-2008
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-2009
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-02-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3710 ngày (10 năm 2 tháng )
  • Ngày hết hiệu lực: 28-02-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 28-02-2019, Quyết định số 58/2008/QĐ-UBND ngày 22/12/2008 Về Điều lệ Quỹ Hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 983/QĐ-UBND ngày 28/02/2019 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành đến ngày 31/12/2018”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 58/2008/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ QUỸ HỖ TRỢ ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG, HỌC TẬP, ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ VIỆC LÀM CHO CÁC HỘ DÂN BỊ THU HỒI TRÊN 30% DIỆN TÍCH ĐẤT SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Chỉ thị số 11/2006/CT-TTg ngày 27/03/2006 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp hỗ trợ dạy nghề và việc làm cho lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp;
Căn cứ Nghị quyết số 04/2008/NQ-HĐND ngày 19 tháng 4 năm 2008 của Hội đồng nhân dân Thành phố về Đề án “Một số giải pháp hỗ trợ ồn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp và Đề án Hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2008 – 2010”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại Công văn số 778/SLĐTBXH-QLĐTN ngày 01 tháng 12 năm 2008 về việc Ban hành Điều lệ Quỹ hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; Báo cáo thẩm định số 525/STP-VBPQ ngày 21 tháng 11 năm 2008 của Sở Tư Pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ Quỹ Hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc Sở: Nội vụ, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giáo dục và đào tạo; Trưởng Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Thành phố; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thành phố; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện và thành phố trực thuộc; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ LĐ-TB&XH (để báo cáo);
- Thường trực: Thành ủy, HĐNDTP (để báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND TP;
- Tổng cục Dạy nghề;
- Chánh VPUBNDTP;
- PVP Nguyễn Ngọc Sơn;
- LDDCSXH, KT, XD, TN-MT, NNNT;
- Trung tâm công báo (để đăng công báo);
- Lưu: VT, NqSon.(2)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Thảo

 

ĐIỀU LỆ

QUỸ HỖ TRỢ ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG, HỌC TẬP, ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ VIỆC LÀM CHO CÁC HỘ DÂN BỊ THU HỒI TRÊN 30% DIỆN TÍCH ĐẤT SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
(ban hành kèm theo Quyết định số 58/2008/QĐ-UBND ngày 22/12/2008 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí, chức năng

1. Tên gọi đầy đủ: Quỹ hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

2. Tên gọi tắt: Quỹ hỗ trợ đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm (sau đây viết tắt là Quỹ hỗ trợ).

3. Quỹ hỗ trợ là tổ chức tài chính có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, hạch toán độc lập, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để theo dõi toàn bộ các khoản thu, chi của Quỹ hỗ trợ.

4. Địa bàn hoạt động của Quỹ hỗ trợ: Trên địa bàn Thành phố Hà Nội

5. Văn phòng giao dịch của Quỹ hỗ trợ: đặt tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội – 75 Nguyễn Chí Thanh Hà Nội.

6. Điện thoại: 043.7732426. Fax: 043.7732424

Điều 2. Mục đích hoạt động của Quỹ hỗ trợ:

Hoạt động của Quỹ hỗ trợ nhằm hỗ trợ việc học tập, học nghề, trợ cấp khó khăn, ổn định đời sống cho các hộ dân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được Nhà nước giao trên phạm vi địa bàn Thành phố Hà Nội sau ngày 01/7/2008.

Quỹ không hỗ trợ không hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ hỗ trợ

1. Quỹ hỗ trợ tổ chức, hoạt động theo các quy định của Điều lệ này và không trái với các quy định của pháp luật.

2. Quỹ hỗ trợ thành lập và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Kết dư của Quỹ hỗ trợ được chuyển sang năm tiếp theo.

3. Hoạt động thu, chi của Quỹ hỗ trợ được giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội (cơ quan thường trực) quản lý, thực hiện theo chỉ đạo thống nhất của Ban điều hành Quỹ hỗ trợ.

Chương 2.

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN ĐIỀU HÀNH QUỸ HỖ TRỢ

Điều 4. Nhiệm vụ:

1. Chấp hành các quy định của Nhà nước và Thành phố;

2. Hỗ trợ tài chính cho các hộ dân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được Nhà nước giao dưới các hình thức: Hỗ trợ đời sống; Hỗ trợ học tập; Hỗ trợ đào tạo nghề và việc làm;

3. Tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Thành phố theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố;

4. Tiếp nhận, quản lý và sử dụng đúng mục đích tài sản, kinh phí do các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật và Điều lệ Quỹ hỗ trợ;

5. Tổ chức thẩm định, phê duyệt đối tượng được hỗ trợ tài chính;

6. Điều tra, đánh giá hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ so với mục tiêu đề ra; định kỳ hàng năm tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng chính sách chung của Thành phố và công tác quản lý, điều hành Quỹ hỗ trợ;

7. Quản lý, giữ gìn bảo quản tài sản, trang thiết bị của Quỹ hỗ trợ an toàn;

8. Thực hiện nghiêm các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Quyền hạn

1. Tổ chức, quản lý, điều hành Quỹ hỗ trợ hoạt động theo đúng mục tiêu, Điều lệ;

2. Có quyền đình chỉ hỗ trợ tài chính cho các hộ dân đối với những trường hợp không đúng đối tượng quy định của Điều lệ;

3. Được mời các chuyên gia của các sở, ngành khi thấy cần thiết phục vụ cho các hoạt động của Quỹ hỗ trợ;

4. Được trực tiếp quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các chủ đầu tư được giao đất sản xuất kinh doanh, dịch vụ để vận động, tiếp nhận sự đóng góp, tài trợ cho Quỹ hỗ trợ;

Chương 3.

TỔ CHỨC CỦA BAN ĐIỀU HÀNH

Điều 6. Cơ cấu tổ chức Quỹ hỗ trợ

Quỹ hỗ trợ có Ban điều hành và kế toán riêng. Ban điều hành do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định thành lập.

Bộ phận giúp việc Ban điều hành gồm Văn phòng, tổ chuyên viên.

Điều 7. Ban điều hành

1. Ban điều hành có 8 thành viên do Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố phụ trách văn xã làm trưởng ban, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội làm Phó trưởng ban; đại diện lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, đại diện lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố làm thành viên.

2. Ban điều hành chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và trước pháp luật về tổ chức, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ.

3. Sở Lao động Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Ban điều hành.

4. Chế độ làm việc của Ban điều hành:

Ban điều hành làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và theo Quy chế hoạt động do Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành.

Điều 8. Văn phòng của Quỹ hỗ trợ gồm một số cán bộ, công chức kiêm nhiệm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Điều 9. Chế độ đối với người làm việc tại Quỹ hỗ trợ.

Cán bộ kiêm nhiệm làm việc cho Quỹ hỗ trợ được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo mức quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Cán bộ, viên chức, lao động hợp đồng của Quỹ hỗ trợ được hưởng lương, thưởng và các chế độ khác theo quy định hiện hành.

Chương 4.

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH QUỸ HỖ TRỢ

Điều 10. Nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ:

1. Nguồn từ ngân sách Thành phố

- Nguồn kinh phí ban đầu do ngân sách Thành phố cấp là 50.000.000.000 đồng (năm mươi tỷ đồng Việt Nam).

- Nguồn kinh phí ngân sách Thành phố cấp bổ sung hàng năm theo dự toán của Ban điều hành quỹ hỗ trợ được Hội đồng Thành phố phê chuẩn và Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định.

2. Trích 50% nguồn thu kinh phí hỗ trợ của các nhà đầu tư cho Thành phố khi nhà đầu tư được giao đất;

3. Nguồn vận động, đóng góp Quỹ hỗ trợ của các chủ đầu tư được giao đất sản xuất kinh doanh, dịch vụ;

4. Nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước bao gồm tiền và tài sản do các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đóng góp tự nguyện và tài trợ cho Quỹ hỗ trợ phù hợp với các quy định của pháp luật.

Điều 11. Sử dụng Quỹ hỗ trợ

Quỹ hỗ trợ được sử dụng vào những hoạt động sau:

1. Hoạt động hỗ trợ học văn hóa, học nghề:

- Chi hỗ trợ học văn hóa cho học sinh thuộc đối tượng của Quỹ hỗ trợ không để bỏ học dở dang.

- Chi hỗ trợ học nghề và bổ sung nghề cho người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ để chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm.

2. Hoạt động hỗ trợ đời sống:

- Chi hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người hết tuổi lao động thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ.

- Chi trợ cấp khó khăn cho người già, cô đơn có hoàn cảnh đặc biệt thuộc đối tượng được hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ nhằm ổn định đời sống.

Điều 12. Chi hoạt động quản lý Quỹ hỗ trợ

1. Nội dung chi hoạt động quản lý Quỹ hỗ trợ bao gồm:

a. Chi tiền lương và các khoản phụ cấp cho bộ máy quản lý Quỹ hỗ trợ (Ban Điều hành, tổ chuyên viên giúp việc Ban Điều hành; cán bộ công chức, lao động hợp đồng).

b. Chi tập huấn nghiệp vụ, văn phòng phẩm, tài liệu, in ấn, quản lý, phát hành Thẻ học nghề; sổ sách theo dõi, quản lý;

c. Chi kiểm tra, giám sát, tổng hợp, báo cáo hàng tháng, quý, 6 tháng, năm …

d. Chi cho các hoạt động điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động vùng bị thu hồi đất nông nghiệp.

đ. Chi công tác phí.

e. Chi cho công tác sơ kết, tổng kết hàng năm; Chi cho công tác thi đua khen thưởng, tuyên truyền, vận động. Chi khác có liên quan đến hoạt động của Quỹ hỗ trợ.

2. Định mức chi hoạt động quản lý Quỹ hỗ trợ.

Theo định mức, tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước và quy định của Thành phố.

Điều 13. Quản lý tài chính Quỹ hỗ trợ

1. Quỹ hỗ trợ phải tổ chức công tác kế toán, thống kê theo đúng quy định của Luật Kế toán, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật hiện hành.

a) Chấp hành các quy định về chứng từ kế toán, hạch toán kế toán toàn bộ các nghiệp vụ tài chính đã phát sinh có liên quan đến Quỹ hỗ trợ;

b) Mở sổ sách kế toán ghi chép, hệ thống và lưu trữ toàn bộ các nghiệp vụ tài chính đã phát sinh liên quan đến các hoạt động của Quỹ hỗ trợ theo quy định của pháp luật;

c) Lập và gửi đầy đủ, đúng hạn các báo cáo tài chính và quyết toán Quỹ hỗ trợ hàng năm cho cơ quan tài chính có thẩm quyền;

d) Chịu sự thanh tra, kiểm tra về việc thu, chi, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ của cơ quan quản lý theo quy định của pháp luật;

2. Quỹ hỗ trợ phải thực hiện công khai báo cáo tài chính năm và công khai quyết toán thu, chi tài chính năm theo quy định hiện hành;

3. Năm tài chính của Quỹ hỗ trợ bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 của năm.

Chương 5.

CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ HỌC VĂN HÓA

Điều 14. Đối tượng, điều kiện được hỗ trợ học văn hóa

1. Đối tượng:

a) Học sinh đang theo học các cấp học phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, ngoài công lập trên địa bàn Thành phố Hà Nội theo các hình thức.

b) Học sinh đang theo học các chương trình giáo dục thường xuyên để lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân tại các cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

2. Điều kiện:

Những học sinh trên phải đảm bảo 3 điều kiện:

- Dưới 25 tuổi

- Có hộ khẩu thường trú tại Thành phố Hà Nội

- Thuộc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được Nhà nước giao.

Điều 15. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Chỉ được hỗ trợ 1 lần khi bị thu hồi đất.

2. Mức hỗ trợ được quy định thống nhất áp dụng chung không phân biệt học tại cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập hoặc theo các hình thức khác nhau.

3. Hỗ trợ theo Quyết định của Ban điều hành Quỹ hỗ trợ.

Điều 16. Mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ

1. Mức hỗ trợ

Tiền hỗ trợ gồm các khoản:

a) Học phí theo quy định mức đóng học phí của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cho từng cấp học phổ thông ở các trường công lập và giáo dục thường xuyên theo từng thời kỳ.

b) Tiền đóng góp cơ sở vật chất do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội quy định cho từng cấp học phổ thông ở các trường công lập và giáo dục thường xuyên theo từng thời kỳ.

2. Thời gian hỗ trợ:

a) Thời gian được hỗ trợ là số năm để đối tượng được quy định tại Điều 14 theo học đến khi tốt nghiệp phổ thông trung học, nhưng không quá 3 năm kể từ lần nhận hỗ trợ đầu tiên (trừ trường hợp quy định tại khoản b mục 2 Điều này).

b) Trường hợp gia đình thuộc diện hộ nghèo, thời gian học phổ thông hoặc chương trình giáo dục thường xuyên phải kéo dài trên 3 năm thì thời gian hỗ trợ sẽ được kéo dài đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông (nếu có nhu cầu) nhưng không quá 5 năm kể từ lần nhận hỗ trợ đầu tiên.

Điều 17. Phương thức, hồ sơ, thủ tục hỗ trợ

1. Hỗ trợ trực tiếp cho người thuộc đối tượng được hỗ trợ.

2. Quỹ hỗ trợ thực hiện chi trả 1 lần vào đầu năm học cho cả năm học

3. Hồ sơ, thủ tục hỗ trợ:

a) Hồ sơ

- Công văn đề nghị hỗ trợ của Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố trực thuộc Thành phố Hà Nội.

- Danh sách học sinh, học viên đang theo học cấp học phổ thông theo các hình thức do Ủy ban nhân dân phường, xã nơi có đất bị thu hồi lập và chịu trách nhiệm về tính chính xác của danh sách, có xác nhận của phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện đối với cấp học phổ thông cơ sở và xác nhận của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đối với bậc học trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên sau khi đã được Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố trực thuộc Thành phố Hà Nội thẩm định.

- Biên bản thẩm định.

b) Cơ quan, nội dung thẩm định

- Cơ quan thẩm định:

Phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận, huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với phòng Địa chính Nhà đất, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thành phố trực thuộc Thành phố Hà Nội tổ chức thẩm định.

- Nội dung thẩm định:

+ Căn cứ vào đối tượng, điều kiện được hỗ trợ theo quy định tại Điều lệ này cơ quan thẩm định xem xét, kiểm tra, đối chiếu từng người trong danh sách do xã, phường lập để xác nhận danh sách, mức tiền được hỗ trợ của những người thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ.

+ Lập biên bản thẩm định và trình Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố trực thuộc Thành phố Hà Nội phê duyệt danh sách.

c) Thủ tục

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội:

- Tiếp nhận hồ sơ của Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố trực thuộc Thành phố Hà Nội trình Ban điều hành Quỹ hỗ trợ ban hành Quyết định danh sách và mức hỗ trợ đối với từng trường hợp trong danh sách theo từng năm.

- Chuyển danh sách kèm theo Quyết định phê duyệt về Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận, huyện, thành phố trực thuộc để chi trả cho các đối tượng.

Chương 6.

CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ HỌC NGHỀ

Điều 18. Đối tượng, điều kiện được hỗ trợ học nghề

1. Đối tượng:

a) Những người lao động trong độ tuổi lao động chưa có việc làm đang theo học nghề một trong ba cấp trình độ: sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề tại các cơ sở dạy nghề được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật.

b) Những người lao động trong độ tuổi lao động chưa có việc làm tại thời điểm xét hỗ trợ học nghề chưa tham gia học nghề nhưng có nhu cầu học nghề.

2. Điều kiện:

Những đối tượng trên phải đảm bảo 3 điều kiện:

- Có hộ khẩu thường trú tại Thành phố Hà Nội

- Thuộc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được Nhà nước giao.

- Người được hỗ trợ phải là người còn khả năng lao động nằm trong độ tuổi lao động.

Đối với nam: từ đủ 15 tuổi đến dưới 60 tuổi

Đối với nữ: Từ đủ 15 đến dưới 55 tuổi

Điều 19. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Chỉ hỗ trợ 1 lần để học 1 nghề khi bị thu hồi đất.

2. Mức hỗ trợ được quy định thống nhất áp dụng chung theo từng loại hình, trình độ đào tạo.

3. Hỗ trợ theo Quyết định phê duyệt của Ban điều hành Quỹ hỗ trợ.

Điều 20. Nội dung, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ

1. Nội dung hỗ trợ:

Hỗ trợ để chi trả học phí học nghề theo các cấp trình độ đào tạo nghề: sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề ở các cơ sở dạy nghề được Nhà nước cho phép hoặc các doanh nghiệp nhận tuyển dụng lao động lâu dài tự tổ chức đào tạo nghề cho người được tuyển dụng.

2. Mức hỗ trợ:

- Mức hỗ trợ học phí ở các nội dung trên tối đa không quá 6 triệu đồng/ Thẻ học nghề/khóa học.

- Mức hỗ trợ để chi trả học phí học nghề theo các cấp trình độ đào tạo nghề: sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề tại các trường dạy nghề thuộc quản lý của UBND Thành phố Hà Nội theo quy định của UBND Thành phố;

- Khi đối tượng học ở các cơ sở dạy nghề được Nhà nước cho phép thuộc Trung ương hoặc các tỉnh, thành phố khác mức hỗ trợ theo mức học phí thực tế (nhưng không quá 6 triệu đồng).

- Khi đối tượng học nghề tại các doanh nghiệp nhận tuyển dụng lao động lâu dài tự tổ chức đào tạo nghề cho người được tuyển dụng thì mức hỗ trợ theo quy định (nhưng không quá 6 triệu đồng).

3. Thời gian hỗ trợ:

Thời gian được tính để hỗ trợ là số tháng thực tế để đối tượng có Thẻ học nghề được hỗ trợ đến khi kết thúc khóa học nghề theo từng cấp trình độ nhưng không vượt quá thời hạn sử dụng của Thẻ học nghề là 5 năm.

Đối với trường hợp đang học nghề theo quy định tại Khoản a Mục 1 Điều 18 Điều lệ này, thời gian hỗ trợ được tính từ khi Quyết định hỗ trợ có hiệu lực thi hành đến khi kết thúc khóa học nghề nhưng không vượt quá thời hạn sử dụng của Thẻ học nghề.

Điều 21. Phương thức hỗ trợ

1. Hỗ trợ cho người thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Điều 18 Điều lệ này thông qua Thẻ học nghề.

2. Quỹ hỗ trợ thực hiện chi trả 1 lần vào cuối khóa học cho người học nghề hoặc thanh toán 1 lần cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định.

Điều 22. Hồ sơ, thủ tục thanh toán học phí học nghề

1. Hồ sơ:

a) Đối với người học nghề tại các cơ sở dạy nghề

- Thẻ học nghề;

- Hóa đơn thu học phí hợp lệ của cơ sở dạy nghề;

- Chứng chỉ nghề hoặc bằng nghề;

b) Đối với doanh nghiệp nhận người vào học nghề và bố trí việc làm ổn định từ 2 năm trở lên.

- Công văn đề nghị cấp kinh phí của doanh nghiệp

- Danh sách những người có Thẻ học nghề có chữ ký của thủ trưởng và đóng dấu của doanh nghiệp kèm theo Thẻ học nghề còn giá trị và thời hạn sử dụng.

- Hợp đồng lao động ký giữa doanh nghiệp với người lao động đã được đào tạo với thời hạn xác định từ 2 năm trở lên.

2. Thủ tục:

- UBND quận, huyện, thành phố trực thuộc Thành phố Hà Nội tiếp nhận hồ sơ của người học nghề theo quy định tại mục a khoản 1 điều này thẩm định trình Ban điều hành Quỹ hỗ trợ qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội.

- Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội là cơ quan tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, của UBND quận, huyện, thành phố trực thuộc thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xác định mức kinh phí hỗ trợ trình Ban điều hành Quỹ hỗ trợ quyết định.

- Quỹ hỗ trợ chuyển kinh phí hỗ trợ theo Quyết định của Ban điều hành Quỹ hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân quận, huyện hoặc doanh nghiệp.

Điều 23. Thẻ học nghề

1. Thẻ học nghề là một loại chứng chỉ xác định người đứng tên thuộc đối tượng được hỗ trợ học nghề và được hưởng chế độ hỗ trợ học phí học nghề theo quy định tại Điều lệ này và do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cấp.

2. Đối tượng được cấp Thẻ học nghề: Là những người thuộc đối tượng quy định tại Điều 18 của Điều lệ này. Thẻ học nghề chỉ được cấp 1 lần cho 1 người.

3. Thẻ học nghề được thiết kế để dễ nhận biết, tiện lợi và phù hợp trong quản lý và sử dụng. Thẻ hình chữ nhật rộng 100mm, dài 80 mm gồm 2 mặt, mặt trước, mặt sau được in trên giấy TOKY cứng màu trắng kèm theo hoa văn mờ vàng nhạt biểu tượng khuê văn các của Thủ đô Hà Nội ở 2 mặt. Chữ trên Thẻ học nghề: màu đen. Nội dung cụ thể do Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội quy định.

4. Thẻ học nghề có giá trị sử dụng ngay và liên tục trong 5 năm kể từ ngày cấp

5. Thẻ học nghề không có giá trị sử dụng trong những trường hợp sau:

- Thẻ đã hết thời hạn sử dụng

- Người được cấp Thẻ học nghề quá tuổi lao động

- Thẻ không phải do cơ quan có thẩm quyền ban hành;

- Người được cấp Thẻ học nghề bị chết hoặc mất tích.

- Thẻ học nghề được cấp không đúng quy định của quy định này.

- Thẻ học nghề sử dụng bị chuyển nhượng, cho người khác mượn, cho, tặng

- Thẻ bị sửa chữa, tẩy xóa, rách nát, mất góc, không có ảnh ở trang 1

6. Thẻ học nghề có giá trị thanh toán kinh phí học nghề với mức tối đa là 6.000.000 đồng. Người có Thẻ học nghề chỉ được hỗ trợ một lần kinh phí đào tạo nghề cho một nghề đào tạo.

Điều 24. Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội thiết kế, ban hành mẫu Thẻ học nghề theo quy định tại Điều lệ này, thống nhất quản lý và phát hành Thẻ học nghề.

Điều 25. Hồ sơ, thủ tục cấp Thẻ học nghề

1. Hồ sơ:

- Công văn của Ủy ban nhân dân quận, huyện đề nghị cấp Thẻ học nghề.

- Đơn xin đăng ký học nghề của đối tượng (theo mẫu do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội phát hành) đối với những người chưa đi học nghề hoặc giấy xác nhận đang theo học nghề của cơ sở dạy nghề đối với những người đang theo học nghề.

- Danh sách những người trong độ tuổi lao động thuộc đối tượng hỗ trợ học nghề do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi lập và chịu trách nhiệm về tính chính xác của danh sách sau khi đã được Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố trực thuộc Thành phố Hà Nội thẩm định (kèm theo mỗi người 2 ảnh cỡ 2 x 3).

- Nội dung, cơ quan thẩm định như quy định tại khoản 3 Điều 17 Điều lệ này.

2. Thủ tục:

- Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp nhận hồ sơ của UBND quận, huyện chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng Thành phố xem xét, sau đó Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cấp Thẻ học nghề.

Chương 7.

HỖ TRỢ KINH PHÍ BẢO HIỂM Y TẾ

Điều 26. Đối tượng, điều kiện được hỗ trợ kinh phí bảo hiểm y tế

1. Đối tượng:

Là những người đã hết tuổi lao động (nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên) chưa có Thẻ bảo hiểm y tế bắt buộc.

2. Điều kiện:

- Có hộ khẩu thường trú tại Thành phố Hà Nội

- Thuộc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được Nhà nước giao.

Điều 27. Hình thức, thời gian hỗ trợ kinh phí bảo hiểm y tế.

1. Hình thức:

a) Hỗ trợ kinh phí bảo hiểm y tế bằng hình thức mua Thẻ bảo hiểm y tế để cấp cho đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Điều 26 Điều lệ này.

b) Mệnh giá Thẻ bảo hiểm y tế bằng 3% mức lương tối thiểu hiện hành do Nhà nước quy định.

c) Niên hạn thẻ bảo hiểm y tế là 2 năm

2. Thời gian hỗ trợ:

- 5 năm kể từ lần đầu tiên được cấp Thẻ bảo hiểm y tế

3. Chi phí khám chữa bệnh:

Thanh toán theo quy định của Nhà nước trong phạm vi tổng mức đóng bảo hiểm y tế của Thành phố. Trường hợp chi phí khám chữa bệnh vượt so với tổng mức đóng, ngân sách Thành phố cấp bù chênh lệch theo thực tế cho cơ quan bảo hiểm y tế.

Điều 28. Hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp Thẻ bảo hiểm y tế

1. Hồ sơ:

- Công văn của Ủy ban nhân dân quận, huyện đề nghị cấp Thẻ bảo hiểm y tế

- Danh sách người dân thuộc đối tượng hỗ trợ kinh phí bảo hiểm y tế do Ủy ban nhân dân phường, xã, nơi có đất bị thu hồi lập và chịu trách nhiệm về tính chính xác của danh sách, đồng thời được Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố trực thuộc Thành phố Hà Nội thẩm định.

- Nội dung, cơ quan thẩm định theo quy định tại khoản 3 Điều 17 của Điều lệ này.

2. Thủ tục:

Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp nhận hồ sơ của UBND quận, huyện chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng Thành phố xem xét trình Ban điều hành Quỹ hỗ trợ quyết định.

Trên cơ sở danh sách được Ban điều hành Quỹ hỗ trợ quyết định, Quỹ hỗ trợ chuyển tiền cho Bảo hiểm Xã hội Thành phố để mua Thẻ bảo hiểm y tế.

Chương 8.

TRỢ CẤP KHÓ KHĂN

Điều 29. Đối tượng, điều kiện được xét trợ cấp khó khăn

1. Đối tượng:

Những người đủ 60 tuổi trở lên cô đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

2. Điều kiện:

- Có hộ khẩu thường trú tại Thành phố Hà Nội

- Thuộc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được Nhà nước giao.

Điều 30. Mức trợ cấp khó khăn

Mức trợ cấp khó khăn: thực hiện như mức trợ cấp đối với người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.

Điều 31. Thời gian hỗ trợ: 5 năm kể từ lần đầu tiên được nhận trợ cấp.

Điều 32. Hồ sơ, thủ tục, trình tự xét duyệt

1. Hồ sơ:

- Công văn của Ủy ban nhân dân quận, huyện đề nghị

- Danh sách người dân thuộc đối tượng hỗ trợ do Ủy ban nhân dân phường, xã, nơi có đất bị thu hồi lập và chịu trách nhiệm về tính chính xác của danh sách, đồng thời được Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố trực thuộc Thành phố Hà Nội thẩm định.

- Nội dung, cơ quan thẩm định theo quy định tại khoản 3 Điều 17 của Điều lệ này.

2. Thủ tục:

Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp nhận hồ sơ của UBND quận, huyện chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng Thành phố xem xét trình Ban điều hành Quỹ hỗ trợ quyết định.

Điều 33. Quỹ hỗ trợ thực hiện cấp trợ cấp khó khăn qua Ủy ban nhân dân quận, huyện.

Chương 9.

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 34. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác tổ chức thực hiện Điều lệ này được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Điều 35. Các tập thể, cá nhân vi phạm các quy định của Điều lệ này, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 10.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 36. Điều khoản thi hành

1. Hiệu lực thi hành: Điều lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

2. Trong quá trình thực hiện Điều lệ có thể được bổ sung, sửa đổi. Việc sửa đổi, bổ sung do Ban điều hành Quỹ hỗ trợ trình UBND thành phố Hà Nội quyết định.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Thảo