Quyết định số 43/2008/QĐ-UBND ngày 01/12/2008 Ban hành Quy định về trình tự, thủ tục xuất cảnh của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 43/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Tiền Giang
- Ngày ban hành: 01-12-2008
- Ngày có hiệu lực: 11-12-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 11-08-2011
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 973 ngày (2 năm 8 tháng 3 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 11-08-2011
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/2008/QĐ-UBND | Mỹ Tho, ngày 01 tháng 12 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XUẤT CẢNH CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC TỈNH TIỀN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;
Căn cứ Thông tư số 02/2008/TT-BNG ngày 04/02/2008 của Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở trong nước và ở nước ngoài theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;
Căn cứ Thông tư số 27/2007/TT-BCA (A11) ngày 29/11/2007 của Bộ Công an hướng dẫn việc cấp, sửa đổi hộ chiếu phổ thông ở trong nước theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định về trình tự, thủ tục xuất cảnh của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tỉnh Tiền Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 24/2006/QĐ-UBND ngày 24/5/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định tạm thời về trình tự, thủ tục xuất cảnh của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tỉnh Tiền Giang.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công căn cứ Quyết định thi hành.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ TRÌNH TỰ THỦ TỤC XUẤT CẢNH CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2008/QĐ-UBND ngày 01/12/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quy định này được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn của Nhà nước, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân (kể cả những người làm công theo chế độ hợp đồng dài hạn từ 01 năm trở lên, những người được cơ quan, doanh nghiệp nhà nước cử sang làm việc tại các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài).
Điều 2. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tỉnh Tiền Giang khi xuất cảnh về việc công hoặc việc riêng phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
1. Thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quy định của nước sở tại. Trong quan hệ giao tiếp với người nước ngoài phải tuyệt đối giữ bí mật quốc gia, không phát biểu hoặc làm những việc phương hại đến lợi ích đất nước và an ninh quốc gia; không được mang tài liệu mật, tài liệu chưa được phép lưu hành của Đảng, Nhà nước ra nước ngoài nếu không được phép của cơ quan có thẩm quyền.
2. Chấp hành nghiêm chế độ bảo quản và sử dụng tài liệu mật, khi về nước phải giao nộp lại đầy đủ cho cơ quan quản lý; luôn đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa và đấu tranh với những hoạt động chia rẽ, lôi kéo, chống đối của các thế lực thù địch, kịp thời phát hiện và báo cáo với trưởng đoàn (nếu đi theo đoàn) hoặc thủ trưởng cơ quan đại diện của nước ta ở nước sở tại về những âm mưu, thủ đoạn mua chuộc, móc nối, khống chế của các thế lực thù địch.
3. Khi về nước phải báo cáo đầy đủ bằng văn bản, trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian ở nước ngoài cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý và cho lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền ký quyết định cử đi chậm nhất là 15 ngày sau khi về nước. Ủy ban nhân dân tỉnh khuyến khích và có chế độ khen thưởng đối với các cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài báo cáo đề xuất những kinh nghiệm học hỏi, tích lũy được trong thời gian đi nước ngoài cũng như những giải pháp khả thi giúp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của tỉnh.
Điều 3. Quản lý việc xuất cảnh của cán bộ, công chức, viên chức và hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ
Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn của Nhà nước, đơn vị Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chấp thuận cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị mình đi nước ngoài; đồng thời chịu trách nhiệm quản lý hộ chiếu công vụ của cán bộ, công chức, viên chức cơ quan mình. Việc quản lý hộ chiếu ngoại giao theo quy định riêng. Cán bộ, công chức, viên chức sau khi đi nước ngoài về phải có trách nhiệm giao hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cho thủ trưởng cơ quan quản lý. Hộ chiếu ngoại giao và công vụ chỉ được sử dụng đi nước ngoài vì mục đích công vụ. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã được cấp hộ chiếu công vụ hoặc ngoại giao đã về hưu, nhưng hộ chiếu vẫn còn thời hạn, đơn vị quản lý phải nộp lại cơ quan thẩm quyền xử lý theo quy định và không được sử dụng để đi nước ngoài nếu không có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.
Chương II
HỒ SƠ, THỦ TỤC XUẤT CẢNH
Điều 4. Xuất cảnh về việc công (dự hội nghị, hội thảo, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề, học tập trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến đầu tư, khảo sát tìm hiểu thị trường, trang thiết bị,…)
Hồ sơ thủ tục gồm có:
1. Văn bản đề nghị của cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và văn bản đề nghị của cơ quan thẩm quyền gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh (nếu cơ quan đơn vị sử dụng cán bộ, công chức là đơn vị trực thuộc). Cụ thể như sau:
a) Đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp xã và các phòng, ban trực thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công phải có ý kiến đề nghị chính thức bằng văn bản của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công. Nếu là Đảng viên phải có văn bản chấp thuận của Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy gửi đính kèm. Trường hợp Đảng viên thuộc diện Tỉnh ủy quản lý phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Ban Tổ chức Tỉnh ủy hoặc Thường trực Tỉnh ủy.
b) Đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh phải có văn bản đề nghị của cơ quan trực tiếp sử dụng (nếu có) và văn bản đề nghị cử đi công tác nước ngoài của các sở, ban, ngành, đoàn thể chủ quản của tỉnh. Nếu là Đảng viên phải có văn bản chấp thuận của Đảng ủy Khối cơ quan Dân chính Đảng gửi đính kèm. Trường hợp Đảng viên thuộc diện Tỉnh ủy quản lý phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Ban Tổ chức Tỉnh ủy hoặc Thường trực Tỉnh ủy.
c) Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn của Nhà nước trực thuộc cấp nào, phải có văn bản đề nghị của cấp đó. Nếu không có cấp quản lý trực tiếp, thủ trưởng đơn vị có văn bản đề nghị gửi Ủy ban nhân dân tỉnh. Nếu là Đảng viên phải có văn bản chấp thuận của Đảng ủy Khối doanh nghiệp gửi đính kèm. Trường hợp Đảng viên thuộc diện Tỉnh ủy quản lý phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Ban Tổ chức Tỉnh ủy hoặc Thường trực Tỉnh ủy.
d) Đối với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, ngoài đề nghị của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các văn bản liên quan như đã nêu ở điểm b, phải gửi đính kèm văn bản chấp thuận cho đi nước ngoài của cơ quan quản lý cấp trên căn cứ quy chế quản lý cán bộ, chiến sĩ của các cơ quan này (nếu có).
e) Văn bản đề nghị phải đảm bảo đúng thể thức theo quy định và nội dung cần nêu rõ: họ tên, chức danh của người được cử đi nước ngoài, cơ quan công tác, có phải là đảng viên hay không, mục đích đi nước ngoài, thời gian ở nước ngoài, nước đến, nguồn kinh phí cho chuyến đi (chi phí đi lại trong nước và nước ngoài, tiền ăn, lưu trú và các chi phí khác liên quan kể cả tiền tiêu vặt). Nếu là công chức, viên chức phải ghi rõ mã, ngạch, loại, chức vụ của công chức, viên chức (cán bộ, công chức do bầu cử thì ghi rõ thời hạn nhiệm kỳ được bầu; cán bộ, công chức mới tuyển dụng thì ghi rõ thời hạn dự bị hay thử việc); nếu là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ghi rõ cấp, hàm, chức vụ; nếu thuộc doanh nghiệp nhà nước phải ghi rõ chức danh quản lý và tên đầy đủ của đơn vị trực thuộc doanh nghiệp đó. Không sử dụng các từ có nội dung chức danh cán bộ, công chức không rõ ràng như: cán bộ, phóng viên, biên tập viên, bác sĩ, họa sĩ, giảng viên, giáo viên, chuyên viên, kỹ thuật viên, chẩn đoán viên, bảo tàng viên, kỹ sư…
2. Công văn, thư mời, giấy chiêu sinh, giấy triệu tập,... của cơ quan, tổ chức, đơn vị mời, đề nghị hoặc cử đi nước ngoài. Nếu văn bản bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch bằng tiếng Việt của tổ chức, cơ quan, đơn vị mời, đề nghị hoặc cử đi nước ngoài; hoặc bản dịch sang tiếng Việt có công chứng hoặc xác nhận của cơ quan có chức năng dịch thuật hoặc cơ quan đề nghị cho cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài về nội dung bản dịch.
Hồ sơ đi nước ngoài về việc công do cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng và quản lý trực tiếp cán bộ, công chức, viên chức đề nghị bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 5. Xuất cảnh về việc riêng (tham quan, du lịch, điều trị bệnh, thăm thân nhân,…)
Hồ sơ thủ tục gồm có:
1. Đơn xin đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức, trong đó nêu rõ các thông tin về cá nhân như liệt kê ở điểm e, khoản 1, Điều 4. Nếu là Đảng viên phải đính kèm văn bản chấp thuận của cơ quan Đảng có thẩm quyền như đã nêu ở các điểm a, b, c và d, khoản 1, Điều 4.
2. Các văn bản có liên quan đến việc xin đi nước ngoài: thư mời, thư bảo lãnh,... (nếu có) ở khoản 2 Điều 4.
Hồ sơ đi nước ngoài về việc riêng được lập bởi cán bộ, công chức, viên chức, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
Điều 6. Cơ quan tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ
- Phòng Hành chính - Tổ chức Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp nhận hồ sơ đi nước ngoài về việc công.
- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đi nước ngoài về việc riêng do thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định.
Điều 7. Thời gian giải quyết hồ sơ đi nước ngoài
- 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
- Trường hợp cần có ý kiến xác minh của Công an tỉnh về việc đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị được nêu trên, thời gian giải quyết không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Điều 8. Thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu: xem phụ lục đính kèm.
Chương III
THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN
Điều 9. Thẩm quyền quyết định cho đi nước ngoài
1. Đối với trường hợp đi nước ngoài về việc công:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định hoặc ủy quyền cho các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định về việc đi nước ngoài của các đối tượng quy định tại Điều 4 của quy định này.
2. Đối với trường hợp đi nước ngoài về việc riêng:
Ủy quyền Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền của mình theo quy định tại Điều 5 của quy định này.
3. Trách nhiệm các cơ quan tham mưu:
a) Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh:
- Phòng Hành chính Tổ chức tiếp nhận hồ sơ đề nghị cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài về việc công và chuyển giao Phòng Ngoại vụ xử lý theo quy định.
- Phòng Ngoại vụ tiếp nhận, kiểm tra và thẩm định hồ sơ, sau đó trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định về việc cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài về việc công. Sau khi hồ sơ được phê duyệt, nếu được đề nghị, Phòng Ngoại vụ có trách nhiệm làm hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và công hàm cho cán bộ, công chức, viên chức đi công tác nước ngoài và hướng dẫn các thủ tục liên quan đến việc xin thị thực nhập cảnh vào các nước và các vấn đề khác liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh theo quy định.
- Phòng Ngoại vụ phối hợp với các tổ chức và đơn vị liên quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, theo dõi cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đi nước ngoài.
b) Sở Nội vụ:
- Phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh (Phòng Ngoại vụ) xem xét, kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề nghị cử cán bộ, công chức, viên chức (kể cả đối tượng thuộc diện đào tạo nguồn của tỉnh) đi đào tạo đại học và sau đại học ở nước ngoài.
- Quản lý, theo dõi các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức (kể cả đối tượng học sinh thuộc diện đào tạo nguồn của tỉnh) đi đào tạo đại học và sau đại học ở nước ngoài.
- Quản lý và cấp phát kinh phí đi công tác nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh và các quy định hiện hành của các bộ, ngành Trung ương.
c) Công an tỉnh:
- Phối hợp với Sở Nội vụ và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh (Phòng Ngoại vụ) tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh.
- Phối hợp với Sở Nội vụ, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh (Phòng Ngoại vụ) và các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tiến hành xác minh, đề xuất về việc cán bộ, công chức, viên chức xuất cảnh đi nước ngoài về việc công và việc riêng khi có yêu cầu.
d) Giám đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công:
Xem xét, quyết định, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình đi nước ngoài về việc riêng và quản lý hộ chiếu công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị mình khi cán bộ, công chức, viên chức đi công tác nước ngoài trở về đơn vị. Phối hợp với các tổ chức và đơn vị liên quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, theo dõi cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đi nước ngoài.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Tổ chức thực hiện
Quy định này được phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị Quân đội và Công an nhân dân, các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước và các tổ chức khác thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định này và chịu trách nhiệm về việc xuất cảnh đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thuộc quyền quản lý của cơ quan, đơn vị mình theo các quy định hiện hành.
Điều 11. Xử lý vi phạm
Mọi tổ chức, cá nhân vi phạm quy định này, tùy theo tính chất, mức độ sai phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định hiện hành.
Điều 12. Phối hợp thực hiện
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công tổ chức thực hiện và hướng dẫn cho các đối tượng đã nêu ở Điều 1 của Quy định này./.
PHỤ LỤC
THỦ TỤC, HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CẤP HỘ CHIẾU TẠI CỤC LÃNH SỰ BỘ NGOẠI GIAO, SỞ NGOẠI VỤ TP. HCM, CỤC QUẢN LÝ XUẤT NHẬP CẢNH BỘ CÔNG AN
(LƯỢC TRÍCH TỪ CÁC VĂN BẢN QUY ĐỊNH CỦA BỘ NGOẠI GIAO VÀ BỘ CÔNG AN)
1. Tờ khai cấp hộ chiếu: (Tờ khai cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ theo mẫu quy định, có thể nhận miễn phí tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc Sở Ngoại vụ Tp. HCM hoặc Phòng Ngoại vụ - Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Tờ khai cấp hộ chiếu phổ thông theo mẫu quy định của Bộ Công an, có thể nhận miễn phí tại Đội Quản lý Xuất nhập cảnh Công an Tiền Giang) phải được chính đương sự kê khai đầy đủ, chính xác các mục theo yêu cầu và ký trực tiếp.
2. Ảnh để làm hộ chiếu: Mới chụp trong vòng 01 năm, kích cỡ 4x6 cm (trẻ em dưới 14 tuổi đi cùng hộ chiếu của bố mẹ hoặc người đỡ đầu thì ảnh cỡ 3x4 cm); ảnh chụp trên phông nền màu trắng; đầu để trần, mặt nhìn thẳng, rõ vành tai.
3. Nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và công hàm: Tại Phòng Ngoại vụ - Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang (Số 23, đường 30/4, phường 1, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh (Số 6, Alexandre de Rhodes, Q.1, TP. Hồ Chí Minh) bao gồm:
3.1 Đối với đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ:
+ 01 Tờ khai xin đề nghị cấp hộ chiếu đã điền đầy đủ theo quy định và có xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi đương sự đang công tác;
+ Văn bản cử đi nước ngoài của Ủy ban nhân dân tỉnh;
+ Thư mời đi nước ngoài (nếu có);
+ 01 ảnh 4x6 cm kèm theo như quy định nêu trên;
+ Hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ đã hết hạn (nếu có).
3.2 Đối với đề nghị cấp công hàm:
+ Văn bản chấp thuận hoặc cử đi nước ngoài của Ủy ban nhân dân tỉnh;
+ Thư mời đi nước ngoài (nếu có);
+ Hộ chiếu công vụ hoặc ngoại giao còn thời hạn sử dụng trên 06 tháng.
Lưu ý: Trường hợp nộp hồ sơ tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM cần kèm theo Giấy giới thiệu của cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
4. Đối với đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông: Nộp hồ sơ tại Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an (Số 254, Nguyễn Trãi, Q. 1, Tp. HCM) hoặc Đội Quản lý Xuất nhập cảnh - Công an tỉnh Tiền Giang (Số 152A, Đinh Bộ Lĩnh, Tp. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), bao gồm:
- 01 Tờ khai xin cấp hộ chiếu đã điền đầy đủ theo quy định.
- 04 ảnh 4x6 cm theo như quy định nêu trên;
- Chứng minh nhân dân (bản chính còn giá trị sử dụng) để kiểm tra, đối chiếu.
Lưu ý:
- Trường hợp nộp trực tiếp, tờ khai không cần xác nhận của cơ quan nơi công tác hoặc chính quyền phường, xã, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú. Khi đến nộp hồ sơ và nhận kết quả phải xuất trình chứng minh nhân dân còn giá trị sử dụng để đối chiếu.
- Trường hợp có trẻ em dưới 14 tuổi đi kèm, tờ khai phải có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú và nộp thêm 01 bản sao giấy khai sinh có công chứng.
- Trường hợp công dân thuộc diện ủy thác cho cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi hộ chiếu, người ủy thác khai và ký tên vào tờ khai đề nghị cấp, sửa đổi hộ chiếu theo mẫu quy định, phải có đóng dấu giáp lai ảnh và xác nhận của thủ trưởng cơ quan, tổ chức được ủy thác. Cơ quan, tổ chức được ủy thác có công văn gửi Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị giải quyết. Nếu đề nghị giải quyết cho nhiều người thì phải gửi kèm danh sách những người ủy thác có chữ ký, đóng dấu của thủ trưởng cơ quan, tổ chức được ủy thác. Cán bộ, nhân viên của cơ quan, tổ chức được ủy thác khi nộp hồ sơ và nhận kết quả đề nghị cấp, sửa đổi hộ chiếu của người ủy thác phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, chứng minh nhân dân của bản thân và của người ủy thác để kiểm tra, đối chiếu theo quy định.
- Nộp lệ phí hộ chiếu, công hàm theo quy định của Bộ Tài chính, ngoài ra không nộp thêm lệ phí nào khác./.