Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND ngày 04/08/2008 Về Quy chế kiểm tra và hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh và san lấp bằng vật liệu cát sông trên địa bàn tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
- Số hiệu văn bản: 26/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
- Ngày ban hành: 04-08-2008
- Ngày có hiệu lực: 14-08-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-09-2020
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4430 ngày (12 năm 1 tháng 20 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 30-09-2020
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2008/QĐ-UBND | Long Xuyên, ngày 04 tháng 8 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ KIỂM TRA VÀ HƯỚNG DẪN XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG KHAI THÁC, VẬN CHUYỂN, KINH DOANH VÀ SAN LẤP BẰNG VẬT LIỆU CÁT SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 25 tháng 10 năm 2004;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản được Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 106/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 77/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2005 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa;
Căn cứ Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quy định hành chính thuế;
Căn cứ Nghị định số 175/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại:
Căn cứ Nghị định 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 của Chính phủ về việc quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại;
Căn cứ Chỉ thị số 12/2005/CT-UB ngày 05 tháng 4 năm 2005 của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác cát lòng sông;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 24/STNMT.KS ngày 25/4/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế kiểm tra và hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh và san lấp bằng vật liệu cát sông trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ
VỀ VIỆC KIỂM TRA VÀ HƯỚNG DẪN XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG KHAI THÁC, VẬN CHUYỂN, KINH DOANH VÀ SAN LẤP BẰNG VẬT LIỆU CÁT SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND ngày 04 tháng 8 năm 2008 của UBND tỉnh An Giang)
Hoạt động khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh An Giang thời gian qua đã từng bước đi vào nề nếp. Các đơn vị khai thác cát sông chấp hành khá tốt các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản và các quy định khác liên quan. Các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã tăng cường công tác quản lý và thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra hoạt động khai thác cát theo chức năng quản lý của ngành.
Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra, xử lý chỉ tập trung cho việc chấp hành các quy định của pháp luật trong khai thác cát sông của các tổ chức, cá nhân, chưa kiểm tra quá trình vận chuyển, kinh doanh, san lấp mặt bằng và thi công xây dựng bằng vật liệu cát sông nên công tác quản lý vẫn còn bất cập và để chấn chỉnh tình trạng này, Ủy ban nhân dân tỉnh quy định:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về kiểm tra và hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác; vận chuyển bằng phương tiện thủy, bộ; kinh doanh tại các bãi, vựa và điểm bán vật liệu xây dựng; san lấp mặt bằng và thi công xây dựng bằng vật liệu cát sông trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có tham gia các hoạt động liên quan đến việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh và san lấp bằng vật liệu cát sông trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Khai thác cát sông là hoạt động nhằm thu gom cát trên các tuyến sông, kênh, rạch.
2. Kinh doanh cát sông là hoạt động mua hoặc bán cát sông.
3. Thi công xây dựng, san lấp mặt bằng và tôn tạo nền nhà bằng cát là hoạt động đưa cát sông vào phục vụ xây dựng công trình, san lấp nâng cao trình của công trình hoặc nền nhà.
4. Vận chuyển cát sông là hoạt động sử dụng các phương tiện thủy hoặc phương tiện bộ để đưa cát từ các nơi khai thác đến các bãi, vựa, công trình hoặc từ các bãi, vựa, điểm bán vật liệu xây dựng đến công trrình.
5. Bãi vựa chứa cát sông là nơi thu gom, tạm chứa vật liệu cát sông do vận chuyển từ nơi khai thác đến, bao gồm cả các địa điểm mua bán vật liệu cát sông cố định hoặc tạm thời.
Điều 4. Hình thức kiểm tra
Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, huyện hoặc thanh tra chuyên ngành Tài nguyên, Thuế, Thương mại, Giao thông đường thủy, Giao thông đường bộ được tiến hành kiểm tra các hành vi sau:
1. Kiểm tra các phương tiện
a) Đang khai thác.
b) Đang vận chuyển cát sông.
c) Đang neo, đậu mà trên phương tiện có chứa cát sông.
d) Đang bơm cát vào vựa, bãi vựa, công trình san lấp.
2. Kiểm tra việc thực hiện các phương án
a) Phương án khai thác mỏ.
b) Phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa.
c) Phương án bảo vệ môi trường.
3. Kiểm tra nguồn gốc cát
a) Tại các vựa, bãi vựa.
b) Tại công trình đang thi công san lấp.
4. Kiểm tra việc lập hoá đơn hoặc kê khai thuế tại các khu vực khai thác và bãi, vựa, điểm bán vật liệu xây dựng.
Chương 2.
HƯỚNG DẪN XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Điều 5. Căn cứ pháp lý xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác cát sông
1. Các hành vi sau đây phải được xử lý theo quy định tại Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29/7/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 77/2007/NĐ-CP ngày 10/5/2007 của Chính phủ:
a) Khai thác không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn; khai thác theo giấy phép chuyển nhượng không đúng theo quy định.
b) Khai thác không có thiết kế mỏ hoặc khai thác sai thiết kế mỏ, khai thác không bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ; khai thác ngoài khu vực được cấp giấy phép.
c) Không thực hiện báo cáo định kỳ hoặc báo cáo sai số liệu về hoạt động khai thác khoáng sản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
2. Các hành vi sau đây phải được xử lý theo quy định tại Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27/01/2005 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa:
a) Khai thác không có phương án đảm bảo an toàn giao thông được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ phương án đảm bảo an toàn giao thông được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
b) Sử dụng phương tiện không đúng số hiệu hoặc vượt quá số lượng phương tiện cho phép để khai thác; khai thác vượt quá thời gian cho phép hoạt động trong ngày theo quy định của giấy phép; không lắp đặt hoặc có lắp đặt biển báo nhưng nội dung không đúng với nội dung ghi trong giấy phép.
c) Dịch chuyển phao báo hiệu hoặc hành vi khác làm mất tác dụng của báo hiệu trong quá trình khai thác.
d) Không tháo dỡ phao báo hiệu, biển báo khu vực khai thác, di chuyển phương tiện khai thác sau khi chấm dứt việc khai thác;
đ) Điều khiển phương tiện khai thác, vận chuyển cát mà không có chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn theo quy định.
e) Phương tiện khai thác, vận chuyển không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện; không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện; tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện không đúng tiêu chuẩn theo quy định.
3. Hành vi sau đây phải được xử lý theo quy định tại Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quy định hành chính thuế và Nghị định số 106/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí:
Đơn vị khai thác bán cát sông không thực hiện đúng các quy định của Luật thuế, pháp lệnh về thuế hiện hành, các văn bản quy định về thuế và các văn bản quy định về phí, lệ phí.
Điều 6. Căn cứ pháp lý xử lý vi phạm hành chính trong vận chuyển, lưu thông vật liệu cát sông
1. Hành vi sau đây phải được xử lý theo quy định tại Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quy định hành chính thuế:
Vận chuyển cát sông bằng đường bộ hoặc đường thủy mà không cung cấp được hoá đơn, chứng từ của đơn vị khai thác hoặc bãi, vựa, điểm bán vật liệu xây dựng kèm theo vật liệu đang vận chuyển để chứng minh vật liệu cát sông được khai thác hợp pháp hoặc đã nộp thuế hoặc đã được quản lý thuế trong kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Hành vi sau đây phải được xử lý theo quy định tại Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27/01/2005 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa:
Phương tiện thủy vận chuyển cát sông không đảm bảo điều kiện hoạt động và không trang bị hoặc trang bị không đủ số lượng, không đúng chủng loại các trang thiết bị theo quy định; neo đậu phương tiện ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Điều 7. Căn cứ pháp lý xử lý vi phạm hành chính trong kinh doanh cát sông tại các bãi, vựa, điểm bán vật liệu xây dựng
1. Các hành vi sau đây phải được xử lý theo quy định tại Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quy định hành chính thuế:
a) Kinh doanh không kê khai đăng ký thuế.
b) Không xuất trình được hóa đơn, chứng từ mua cát có nguồn gốc hợp pháp.
c) Bán cát sông không lập hoá đơn theo quy định.
2. Các hành vi sau đây phải được xử lý theo quy định tại Nghị định số 06/2007/NĐ-CP ngày 16/01/2007 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại:
a) Kinh doanh cát sông dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm, địa bàn ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
b) Kinh doanh cát sông dưới hình thức doanh nghiệp mà không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm, địa bàn ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3. Hành vi sau đây phải được xử lý theo quy định tại Nghị định 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ:
Để vật liệu cát sông gây chướng ngại đường bộ; chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh cát sông, buôn bán vật liệu xây dựng.
Điều 8. Căn cứ pháp lý xử lý vi phạm trong sử dụng cát sông
Hành vi sau đây phải được xử lý theo quy định tại Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quy định hành chính thuế:
Thi công công trình; san lấp mặt bằng; tôn tạo nền nhà mà không xuất trình được hoá đơn, chứng từ hoặc hợp đồng mua, bán còn hiệu lực kèm theo vật liệu đã và đang san lấp, sử dụng để chứng minh vật liệu cát sông được khai thác hợp pháp đã nộp thuế hoặc đã được quản lý thuế trong kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm các sở, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra, nội dung kiểm tra định kỳ 2 lần/năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh hoặc UBND huyện, thị, thành phố, đồng thời kiểm tra việc thực hiện quy chế này tại các huyện dưới hình thức Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, tổng hợp tình hình và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh. Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Cục Thuế, Công an tỉnh, Đội Thanh tra giao thông đường thủy nội địa số 7 và UBND huyện, thị xã, thành phố liên quan.
b) Dự thảo Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và quy chế hoạt động của Đoàn, trình UBND tỉnh phê duyệt.
c) Thực hiện chức năng về quản lý tài nguyên nói chung, không để việc khai thác cát ảnh hưởng gây sạt lở bờ sông.
2. Công an tỉnh
a) Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, đường bộ, cảnh sát môi trường tăng cường công tác tuần tra, xử lý các phương tiện và chủ phương tiện hoạt động khai thác, vận chuyển cát sông đúng các quy định về an toàn giao thông đường thủy, đường bộ.
b) Hỗ trợ cho lực lượng liên ngành thực hiện nhiệm vụ theo quy định của quy chế này.
3. Cục Thuế tỉnh
a) Tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý việc kê khai, đăng ký các hoạt động liên quan đến khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sông đúng quy định của pháp luật.
b) Theo chức năng, nhiệm vụ được giao đề xuất UBND tỉnh các giải pháp nhằm tránh thất thu ngân sách từ các hoạt động khai thác, kinh doanh cát lòng sông.
4. Sở Công Thương
a) Tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý việc kê khai, đăng ký các hoạt động liên quan đến khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sông đúng quy định của pháp luật.
b) Theo chức năng, nhiệm vụ được giao đề xuất UBND tỉnh các giải pháp nhằm tránh thất thu ngân sách từ các hoạt động khai thác, kinh doanh cát lòng sông.
5. Đội Thanh tra đường thủy nội địa số 7
Tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý việc thực hiện các biện pháp an toàn giao thông trong khai thác khoáng sản; điều kiện, tiêu chuẩn của người vận hành phương tiện thủy, người điều khiển phương tiện để khai thác khoáng sản trên đoạn sông quản lý.
6. Sở Giao thông vận tải
Tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý việc thực hiện các biện pháp an toàn giao thông trong khai thác khoáng sản; điều kiện, tiêu chuẩn của người vận hành phương tiện thủy, người điều khiển phương tiện để khai thác khoáng sản trên đoạn sông quản lý.
7. Sở Tài chính
Chịu trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cân đối ngân sách, thống nhất phần trăm kinh phí xử phạt được trích lại và quy định các khoản chi để sử dụng phục vụ cho công tác kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, huyện.
8. UBND huyện, thị xã, thành phố nơi có hoạt động khai thác cát sông thực hiện nghiêm các nội dung sau đã được quy định tại Chỉ thị số 12/2005/CT-UB ngày 05/4/2005 của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác cát lòng sông:
a) Phối hợp, hỗ trợ cho Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh hoạt động trên địa bàn trong việc quản lý, kiểm tra các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, vận chuyển, kinh doanh và san lấp bằng vật liệu cát lòng sông.
b) Thành lập các bãi cố định dùng để neo đậu phương tiện thủy vi phạm bị tạm giữ trong thời gian chờ các ngành chức năng xử lý.
c) Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện với thành phần như Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh; thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh và san lấp bằng vật liệu cát lòng sông trên địa bàn quản lý.
d) Xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh và san lấp bằng vật liệu cát sông.
9. UBND các xã, phường, thị trấn
Thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra trên địa bàn quản lý và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm hành chính trong san lấp mặt bằng, tôn tạo nền nhà có nguồn gốc từ cát lòng sông không xuất trình được chứng từ hoặc hợp đồng mua, bán còn hiệu lực kèm theo vật liệu đang san lấp để chứng minh vật liệu cát sông được khai thác hợp pháp đã nộp thuế hoặc đã được quản lý thuế trong kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh và san lấp bằng vật liệu cát sông có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định tại quy chế này.
Điều 11. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp yêu cầu của công tác quản lý./.