cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 08/2008/QĐ-UBND ngày 22/04/2008 Quy định tiêu chuẩn của Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện-thị xã hệ Nhà nước do tỉnh Trà Vinh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 08/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Trà Vinh
  • Ngày ban hành: 22-04-2008
  • Ngày có hiệu lực: 02-05-2008
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 27-02-2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3223 ngày (8 năm 10 tháng 3 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 27-02-2017
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 27-02-2017, Quyết định số 08/2008/QĐ-UBND ngày 22/04/2008 Quy định tiêu chuẩn của Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện-thị xã hệ Nhà nước do tỉnh Trà Vinh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định 257/QĐ-UBND năm 2017 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành tính đến 31/12/2016”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2008/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 22 tháng 4 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN CỦA TRƯỞNG PHÒNG, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG THUỘC SỞ - NGÀNH TỈNH VÀ UBND HUYỆN - THỊ XÃ (HỆ NHÀ NƯỚC) TỈNH TRÀ VINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26/02/1998 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 28/4/2000 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 29/4/2003 và các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện Pháp lệnh Cán bộ, công chức;

Căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện;

Căn cứ Quyết định số 414/TCCP-VC ngày 29/5/1993 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức hành chính;

Căn cứ Quyết định số 28/2007/QĐ-UBND ngày 08/11/2007 của UBND tỉnh ban hành quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Trà Vinh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy định tiêu chuẩn của Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở - ngành tỉnh và UBND huyện- thị xã (hệ Nhà nước) tỉnh Trà Vinh.

Điều 2. Thủ trưởng các Sở - ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện - thị xã căn cứ Quy định này để áp dụng cụ thể đối với các chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở - ngành tỉnh và UBND huyện - thị xã theo quy định.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các Sở- Ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện- thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trần Hoàn Kim

 

QUY ĐỊNH

TIÊU CHUẨN CỦA TRƯỞNG PHÒNG, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG THUỘC SỞ - NGÀNH TỈNH VÀ UBND HUYỆN - THỊ XÃ (HỆ NHÀ NƯỚC) TỈNH TRÀ VINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2008 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tư tưởng, chính trị.

1. Có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lênin trong cả nhận thức và hành động, chấp hành đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước.

2. Có đạo đức cách mạng và lối sống lành mạnh, trung thực, gương mẫu; có tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí; không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, không quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực; được cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tín nhiệm. Có tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Điều 2. Hồ sơ, lý lịch.

Có đầy đủ hồ sơ, lý lịch cá nhân rõ ràng bảo đảm tiêu chuẩn chính trị theo đúng Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị, được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận, trong đó có kê khai tài sản, nhà đất theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/03/2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập.

Điều 3. Tuổi đời

1. Cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh được bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi đối nam và không quá 50 đối với nữ.

2. Cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện - thị xã được bổ nhiệm lần đầu không quá 45 tuổi đối nam và nữ.

Điều 4. Hiểu biết.

1. Am hiểu tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương.

2. Nắm vững chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành.

3. Nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành và các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành.

4. Hiểu biết sâu về nghiệp vụ quản lý của lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành, có kinh nghiệm tổ chức, quản lý, điều hành.

Điều 5. Các tiêu chuẩn khác.

1. Có đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Có ít nhất 3 năm công tác trong ngành trở lên (trong đó có ít nhất 1 năm công tác về lĩnh vực chuyên môn được giao).

3. Cán bộ, công chức, viên chức phải đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ (nếu là đảng viên) ít nhất là 02 năm trở lên.

4. Cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật từ khiển trách trở lên, trong thời gian ít nhất một năm kể từ khi có quyết định kỷ luật thì không được bổ nhiệm vào chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương.

4. Thời hạn mỗi lần bổ nhiệm là 5 năm.

Chương II

TIÊU CHUẨN CỤ THỂ CỦA TRƯỞNG PHÒNG VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG

Điều 6. Vị trí, chức trách.

Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở - ngành tỉnh; Trưởng phòng và tương đương thuộc UBND huyện - thị xã (gọi chung là Trưởng phòng) là công chức, viên chức lãnh đạo đứng đầu một Phòng, chịu trách nhiệm lãnh, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Phòng, để tham mưu giúp Giám đốc Sở - ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện - thị xã thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được phân công phụ trách.

Điều 7. Nhiệm vụ.

1. Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND huyện - thị xã và trước pháp luật trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ để tham mưu giúp Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND huyện - thị xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được phân công phụ trách cụ thể là:

a) Tham mưu xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được phân công phụ trách.

b) Tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương về lĩnh vực chuyên môn.

c) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, tham gia thanh tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chế độ, chính sách đã ban hành thuộc chức năng, nhiệm vụ lĩnh vực phụ trách.

d) Sơ kết, tổng kết đánh giá hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ.

đ) Tổng hợp thông tin, thống kê, báo cáo, lưu trữ về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành.

2. Hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn đối với các cơ quan chức năng ở địa phương về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành phụ trách.

3. Tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực chuyên môn của ngành.

4. Quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong phòng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo phân cấp, sử dụng có hiệu qủa tài chính, tài sản được giao theo quy định.

5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND huyện - thị xã phân công.

Điều 8. Năng lực

1. Có năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành phụ trách.

2. Có khả năng nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất các giải pháp kinh tế kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành, phục vụ cho hoạt động quản lý của Sở, UBND huyện - thị xã.

3. Có năng lực tổ chức, điều hành cán bộ, công chức trong phòng và phối hợp với các cấp, các cơ quan có liên quan thực hiện nhiệm vụ đang phụ trách.

Điều 9. Trình độ.

1. Tốt nghiệp Đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao.

2. Đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ từ ngạch chuyên viên và tương đương.

3. Trình độ lý luận chính trị từ Trung cấp trở lên.

4. Đã học qua lớp bồi dưỡng quản lý hành chính Nhà nước ngạch chuyên viên.

5. Có trình độ từ B Ngoại ngữ trở lên (cán bộ dân tộc, cán bộ nữ tùy theo trường hợp xem xét cụ thể).

6. Có trình độ từ A Tin học trở lên.

Chương III

TIÊU CHUẨN CỤ THỂ CỦA PHÓ TRƯỞNG PHÒNG VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG

Điều 10. Vị trí, chức trách.

Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở - ngành tỉnh; Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc UBND huyện - thị xã (gọi chung là Phó Trưởng phòng) giúp Trưởng phòng phụ trách một hoặc nhiều lĩnh vực chuyên môn do Trưởng phòng phân công.

Điều 11. Nhiệm vụ

1. Phó trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng điều hành tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

2. Tham mưu xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được phân công phụ trách, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các chế độ, chính sách.

3. Hướng dẫn nghiệp vụ về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành.

4. Tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực chuyên môn của ngành.

5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng phòng phân công.

Điều 12. Năng lực

1. Có năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành.

2. Có khả năng nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất các giải pháp kinh tế kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành, phục vụ cho hoạt động quản lý của Sở, UBND huyện - thị xã.

3. Có năng lực quản lý, điều hành một số hoạt động của Phòng theo nhiệm vụ được Trưởng phòng phân công.

Điều 13. Trình độ

1. Tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành.

2. Đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ ở ngạch Cao đẳng trở lên.

3. Trình độ lý luận chính trị từ Trung cấp trở lên.

4. Đã học qua lớp bồi dưỡng quản lý hành chính Nhà nước ngạch chuyên viên.

5. Có trình độ từ B Ngoại ngữ trở lên (cán bộ dân tộc, cán bộ nữ tùy theo trường hợp xem xét cụ thể).

6. Có trình độ từ A Tin học trở lên.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Trách nhiệm của Giám đốc Sở, Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện - thị xã.

Căn cứ tiêu chuẩn quy định Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở - ngành tỉnh và UBND huyện - thị xã, Giám đốc Sở - ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện - thị xã có trách nhiệm thực hiện việc quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí để bổ nhiệm cho phù hợp với từng lĩnh vực.

Điều 15. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Nội vụ

Triển khai, quán triệt, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định này báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo định kỳ hàng năm.