Quyết định số 10/2008/QĐ-UBND ngày 02/04/2008 Ban hành Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 10/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Ngày ban hành: 02-04-2008
- Ngày có hiệu lực: 12-04-2008
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 05-10-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-08-2010
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 841 ngày (2 năm 3 tháng 21 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-08-2010
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2008/QĐ-UBND | Tam Kỳ, ngày 02 tháng 4 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung ngày 29 tháng 4 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị quyết số 100/2007/NQ-HĐND ngày 14/12/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam về Quy định một số chính sách nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2007 - 2010 và đến năm 2015;
Căn cứ Công văn số 22/TTHĐ-VP ngày 28/02/2008 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh tại Tờ trình số 182/TTr-SNV ngày 21 tháng 3 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Bãi bỏ các Quyết định: Quyết định số 04/2004/QĐ-UBND ngày 15/01/2004 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về chế độ trợ cấp cho cán bộ, công chức đi học và phương thức quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước; tiết 1.1 khoản 1 và tiết a khoản 2 mục III Đề án ban hành kèm theo Quyết định số 17/2002/QĐ-UB ngày 25/03/2002 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án Cơ chế chính sách đào tạo và thu hút nhân tài phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Nam; tiết 2.2 khoản 2 mục IV Đề án ban hành kèm theo Quyết định số 130/2003/QĐ-UB ngày 23/12/2003 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc ban hành Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở của tỉnh Quảng Nam.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10 /2008/QĐ-UBND ngày 02 tháng 4 năm 2008 của UBND tỉnh Quảng Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Văn bản này quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng (sau đây gọi tắt là đi học) và đào tạo tạo nguồn cán bộ có trình độ sau đại học.
Điều 2. Mục tiêu
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở có chất lượng, số lượng, cơ cấu phù hợp với thực tiễn, chuyên nghiệp, hiện đại; có phẩm chất đạo đức và năng lực thi hành công vụ, tận tâm, tận tuỵ phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở các ngành, các địa phương, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ sau đại học, đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, khoa học kỹ thuật.
Điều 3. Yêu cầu
Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phải căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh công chức, tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ của ngạch công chức; quy hoạch, kế hoạch xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh, của cơ quan, đơn vị và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.
Đào tạo và đào tạo tạo nguồn cán bộ có trình độ sau đại học nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới.
Chương II
CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH
Mục 1. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO CHUYÊN MÔN TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC, TRUNG CẤP; HỌC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ VÀ BỒI DƯỠNG
Điều 4. Đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ
1. Cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, chính trị - xã hội nghề nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (tỉnh Quảng Nam) giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng cấp huyện, cấp tỉnh (và tương đương) trở lên và cán bộ dự nguồn cho các chức danh này được cơ quan có thẩm quyền quyết định cử đi học:
- Lý luận chính trị trình độ cao cấp, cử nhân;
- Chuyên môn trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học các chuyên ngành xây dựng đảng, công tác đoàn thể;
- Chuyên môn trình độ đại học các chuyên ngành hành chính, quan hệ quốc tế, luật quốc tế;
- Bồi dưỡng có thời gian tập trung học tập từ 01 tháng trở lên.
2. Ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã):
2.1. Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã;
2.2. Cán bộ không chuyên trách có thời gian làm việc tại cấp xã ít nhất 05 năm, nằm trong quy hoạch dự nguồn cán bộ chuyên trách cấp xã
được cơ quan có thẩm quyền quyết định cử đi học:
- Lý luận chính trị trình độ trung cấp, cao cấp, cử nhân.
- Chuyên môn trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học (trừ đi học bằng thứ 2 cùng trình độ hoặc học hệ đào tạo từ xa).
- Bồi dưỡng có thời gian tập trung học tập từ 01 tháng trở lên.
3. Cán bộ y tế cơ sở (trạm y tế cấp xã) được cử đi học bác sĩ chuyên ngành y tế cộng đồng và thoả mãn các điều kiện:
- Có tuổi đời từ 35 tuổi trở xuống;
- Có trình độ trung cấp, cao đẳng thuộc một trong các chuyên ngành y khoa;
- Có thời gian công tác ít nhất 05 năm tại trạm y tế cấp xã (biên chế hoặc hợp đồng lao động theo Quyết định số 58/TTg ngày 03/02/1994 của Thủ tướng Chính phủ), hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và có triển vọng phát triển;
- Có cam kết sau khi tốt nghiệp bác sĩ trở về công tác tại trạm y tế cấp xã ít nhất 05 năm.
Điều 5. Mức hỗ trợ
1. Trợ cấp đi học (trừ đi học lý luận chính trị chương trình cao cấp, cử nhân hệ tập trung tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực III Đà Nẵng): các đối tượng quy định tại Điều 4 Quy định này được hỗ trợ 200.000đồng/người/tháng tập trung học tập. Ngoài ra:
- Nếu cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số hoặc là nữ thì được hỗ trợ thêm 100.000đồng/người/tháng tập trung học tập.
- Nếu là nữ đang nuôi con nhỏ từ 24 tháng tuổi trở xuống trong thời gian đi học thì hỗ trợ thêm 300.000đồng/người/tháng tập trung học tập.
Mức chi hỗ trợ cho một người trong một năm học tối đa không quá 10 tháng.
2. Hỗ trợ tiền học phí (theo biên lai thu tiền học phí của cơ sở đào tạo):
- Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định này được thanh toán 50% tiền học phí. Đối tượng này nếu đi học lý luận chính trị chương trình cao cấp, cử nhân thì được thanh toán 100% tiền học phí;
- Đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Quy định này được thanh toán 70% tiền học phí. Đối tượng này nếu đi học lý luận chính trị chương trình trung cấp, cao cấp, cử nhân hoặc là người dân tộc thiểu số thì được thanh toán 100% tiền học phí;
3. Hỗ trợ tiền tàu xe: đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy định này nếu là người dân tộc thiểu số thì được thanh toán tiền tàu xe 01 lần (cả lượt đi và về) cho mỗi đợt tập trung học tập hoặc trong dịp nghỉ hè, nghỉ Tết Nguyên đán.
Các đối tượng khác, tuỳ khả năng, đơn vị có thể sử dụng nguồn kinh phí khoán chi thường xuyên của mình để hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ tiền tàu xe cho cán bộ, công chức trong mỗi đợt tập trung học tập hoặc trong dịp nghỉ hè, nghỉ tết Nguyên đán.
4. Chính sách hỗ trợ đi học đối với các trường hợp khác:
Đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Quy định này được cử đi học lý luận chính trị chương trình cao cấp, cử nhân hệ tập trung tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh hoặc Học viện Chính trị Khu vực III Đà Nẵng, ngoài mức hỗ trợ hằng tháng do các cơ sở đào tạo này chi trả theo hướng dẫn số 38-HD/BTCTW ngày 30/3/2005 của Ban Tổ chức Trung ương, kinh phí tỉnh hỗ trợ thêm mỗi tháng:
- 200.000đồng/người/tháng tập trung học tập nếu học tại Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
- 100.000đồng/người/tháng tập trung học tập nếu học tại Học viện Chính trị-Hành chính Khu vực III Đà Nẵng.
Hỗ trợ đi học bổ túc văn hoá: đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy định này công tác tại các xã, thị trấn của 6 huyện miền núi cao (Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang); xã Tam Trà (huyện Núi Thành); các xã Phước Gia, Phước Trà, Sông Trà (huyện Hiệp Đức) có tuổi đời từ 35 tuổi trở xuống được cử đi học bổ túc văn hoá để đạt chuẩn theo quy định hoặc nâng chuẩn thì được thanh toán 100% tiền học phí và hỗ trợ 200.000đồng/người/tháng tập trung học tập.
Ngoài ra, UBND huyện có thể sử dụng kinh phí chi thường xuyên của huyện để hỗ trợ thêm về học phẩm và các khoản chi phí khác để mở lớp học bổ túc văn hoá tập trung tại huyện.
Điều 6. Hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền quyết định cử cán bộ, công chức đi học
1. Hồ sơ, thủ tục: ngoài các hồ sơ theo quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, sau khi có thông báo nhập học, cơ quan sử dụng cán bộ, công chức lập hồ sơ, thủ tục gửi cơ quan có thẩm quyền quyết định cử cán bộ, công chức đi học. Hồ sơ gồm có:
- Công văn đề nghị quyết định (hoặc thoả thuận) cử cán bộ, công chức đi học;
- Giấy báo nhập học của cơ sở đào tạo;
- Tuỳ theo đối tượng, nộp một trong các quyết định sau (bản photocoppy):
+ Quyết định bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo hoặc phê duyệt chức danh dự nguồn (nếu là cán bộ dự nguồn thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định này).
+ Quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử (đối với cán bộ chuyên trách).
+ Quyết định tuyển dụng vào công chức cấp xã.
+ Đối tượng quy định tại điểm 2.2 khoản 2 Điều 4 Quy định này phải nộp giấy tờ chứng minh đã làm việc tại cấp xã ít nhất 05 năm và quyết định phê duyệt cán bộ dự nguồn của một trong các chức danh công chức cấp xã.
2. Thẩm quyền quyết định cử đi học:
2.1 Đi học chuyên môn trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp và bồi dưỡng: trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đơn vị (qua Sở Nội vụ),
+ Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cử cán bộ lãnh đạo (khối nhà nước) thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh quản lý đi học.
+ Thủ trưởng các địa phương, đơn vị quyết định cử cán bộ, công chức (khối nhà nước) thuộc thẩm quyền quản lý đi học sau khi có thoả thuận của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh và cử đi bồi dưỡng.
+ Quyết định cử cán bộ khối đảng, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội, chính trị xã hội nghề nghiệp đi học thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
2.2 Quyết định cử cán bộ, công chức đi học lý luận chính trị (khối đảng và khối nhà nước): thực hiện theo quy định của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Điều 7. Quy định đối với việc mở lớp bồi dưỡng có thời gian tập trung học tập dưới 01 tháng:
Đối với các lớp bồi dưỡng được tổ chức với thời gian học tập trung dưới 01 tháng thì nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 79/2005/TT-BTC ngày 15/9/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn thực hiện Thông tư số 79/2005/TT-BTC phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Mục 2. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO VÀ ĐÀO TẠO TẠO NGUỒN CÁN BỘ CÓ TRÌNH ĐỘ SAU ĐẠI HỌC
Điều 8. Đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học (bao gồm tiến sĩ; thạc sĩ; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa II; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I; bác sĩ nội trú) ở trong nước
1. Cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan thuộc khối đảng, mặt trận, đoàn thể; các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh quản lý thoả mãn các điều kiện:
- Nam không quá 45 tuổi, nữ không quá 40 tuổi (những người giữ chức vụ từ trưởng phòng cấp Sở (và tương đương) trở lên thì độ tuổi có thể cao hơn nhưng cao hơn không quá 05 tuổi so với quy định này);
- Có thời gian công tác ít nhất 02 năm được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quyết định cử đi học;
- Chuyên ngành đào tạo sau đại học nằm trong danh mục các ngành tỉnh có nhu cầu đào tạo cán bộ sau đại học phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội được UBND tỉnh phê duyệt;
- Sau khi tốt nghiệp tiếp tục công tác tại tỉnh Quảng Nam ít nhất 05 năm;
- Đối với đào tạo thạc sĩ: phải có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy (nếu hệ đào tạo tại chức thì phải xếp loại khá, giỏi) chuyên ngành đào tạo phù hợp hoặc gần với chuyên ngành đào tạo thạc sĩ (ưu tiên tốt nghiệp đại học loại khá trở lên);
- Có phẩm chất đạo đức tốt; có ý thức tổ chức kỷ luật; có triển vọng trở thành cán bộ quản lý, chuyên gia, cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi.
2. Sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại giỏi tiếp tục học sau đại học ở trong nước thoả mãn các điều kiện:
- Có tuổi đời không quá 30 tuổi;
- Có hộ khẩu thường trú hoặc có cha, mẹ đang công tác, sinh sống tại Quảng Nam;
- Có chuyên ngành đào tạo sau đại học phù hợp với chuyên ngành học ở bậc đại học và nằm trong danh mục các ngành tỉnh có nhu cầu đào tạo cán bộ sau đại học phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội được UBND tỉnh phê duyệt.
- Cam kết sau khi tốt nghiệp về công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Quảng Nam ít nhất 5 năm;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật, bản thân và gia đình chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
3. Đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nếu không thoả mãn các điều kiện quy định nêu trên, trong trường hợp đặc biệt, được Thường trực Tỉnh uỷ hoặc Thường trực UBND tỉnh quyết định cử đi học.
Điều 9. Mức hỗ trợ
1. Các khoản và mức hỗ trợ:
- Nghiên cứu sinh tiến sĩ: Hỗ trợ sinh hoạt phí 800.000đồng/người/tháng (thanh toán tối đa 3 năm, mỗi năm 10 tháng (hệ đào tạo chính quy tập trung hoặc chính quy không tập trung)). Hỗ trợ tiền làm và bảo vệ luận án tốt nghiệp 15.000.000đồng/người.
- Thạc sĩ; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa II: Hỗ trợ sinh hoạt phí 600.000đồng/người/tháng (thanh toán 2 năm, mỗi năm 10 tháng (hệ đào tạo chính quy tập trung hoặc chính quy không tập trung)). Hỗ trợ tiền làm và bảo vệ luận án tốt nghiệp 7.000.000đồng/người.
- Bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I; bác sĩ nội trú: Hỗ trợ sinh hoạt phí 500.000đồng/người/tháng (thanh toán 2 năm , mỗi năm 10 tháng (hệ đào tạo chính quy tập trung hoặc chính quy không tập trung)). Hỗ trợ tiền làm và bảo vệ luận án tốt nghiệp 5.000.000đồng/người.
2. Thanh toán 50% tiền học phí (theo phiếu thu học phí của cơ sở đào tạo).
Riêng đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 8 Quy định này sau khi tốt nghiệp sau đại học về nhận công tác tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh thì hỗ trợ tiền để mua đất làm nhà ở là 22.500.000đồng.
Điều 10. Hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền quyết định cử đi học sau đại học
1. Hồ sơ, thủ tục: sau khi có thông báo nhập học của cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý trực tiếp cán bộ, công chức lập hồ sơ, thủ tục gửi cơ quan có thẩm quyền quyết định cử cán bộ, công chức đi học. Hồ sơ gồm có:
1.1 Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 8 Quy định này:
- Giấy triệu tập đi học của cơ sở đào tạo;
- Quyết định tuyển dụng vào công chức, viên chức;
- Bằng tốt nghiệp đại học (hoặc sau đại học đối với nghiên cứu sinh tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II);
(các giấy tờ trên nộp bản photocopy)
- Công văn đề nghị quyết định cử cán bộ, công chức đi học của cơ quan quản lý trực tiếp cán bộ, công chức;
- Bản cam kết sau khi tốt nghiệp tiếp tục phục vụ công tác tại Quảng Nam.
1.2 Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 8 Quy định này:
- Bằng tốt nghiệp đại học;
- Bản điểm học tập tại trường đại học;
- Giấy triệu tập đi học của cơ sở đào tạo;
(các giấy tờ trên nộp bản photocopy và mang theo bản chính để đối chiếu)
- Sơ yếu lý lịch theo mẫu 2C/TCTW (có chứng thực của chính quyền địa phương);
- Bản hợp đồng cử đi đào tạo giữa đại diện cơ quan quản lý đào tạo (Sở Nội vụ tỉnh) với cha mẹ hoặc người có trách nhiệm nuôi dưỡng và cá nhân được cử đi đào tạo (có công chứng và theo mẫu quy định);
- Bản cam kết phục vụ công tác tại tỉnh Quảng Nam;
- Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp (không quá 6 tháng).
2. Thẩm quyền quyết định cử đi học sau đại học: trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đơn vị,
2.1 Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cử cán bộ lãnh đạo (khối nhà nước) thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh quản lý đi học.
2.2 Giám đốc Sở Nội vụ quyết định cử đi học các đối tượng cán bộ, công chức (khối nhà nước) không thuộc các đối tượng nêu trên và đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 8 Quy định này.
2.3 Quyết định cử cán bộ, công chức khối đảng đi học thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Chương III
QUYỀN LỢI, NGHĨA VỤ, TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT CỦA NGƯỜI ĐƯỢC CỬ ĐI HỌC
Điều 11. Quyền lợi, nghĩa vụ của người được cử đi học
1. Quyền lợi:
1.1. Được cơ quan, đơn vị bố trí thời gian, sắp xếp công việc và tạo điều kiện thuận lợi để đi học;
1.2. Trong thời gian cử đi học, cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương theo quy định, được hưởng tiền lương theo quy định hiện hành;
1.3. Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 8 Quy định này sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng vào công chức, viên chức nhà nước không qua thi tuyển.
2. Nghĩa vụ:
2.1. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 8 Quy định này: chậm nhất 15 ngày kể từ ngày kết thúc khoá học, người được cử đi học phải báo cáo kết quả học tập cho cơ quan quyết định cử đi học và cho Thủ trưởng đơn vị đang công tác.
2.2. Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 8 Quy định này:
2.2.1. Kết thúc mỗi năm học phải báo cáo (bằng văn bản) kết quả học tập, nghiên cứu, tình hình sinh hoạt học tập tại cơ sở đào tạo cho Sở Nội vụ tỉnh để theo dõi;
2.2.2. Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày kết thúc khoá học phải đến Sở Nội vụ tỉnh để báo cáo kết quả học tập và nhận công tác theo sự phân công của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 12. Trách nhiệm vật chất của người được cử đi học
Người được cử đi học nếu không tốt nghiệp khoá học hoặc thực hiện không đúng hợp đồng, cam kết ban đầu thì phải bồi thường kinh phí hỗ trợ đào tạo như sau:
1. Hoàn trả chi phí đào tạo khi không tốt nghiệp khoá đào tạo, bồi dưỡng;
2. Đối với đào tạo sau đại học, hoàn trả 100% kinh phí đào tạo khi không thực hiện đúng cam kết về thời gian làm việc tại tỉnh Quảng Nam sau khi tốt nghiệp.
3. Riêng đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 8 Quy định này, bồi thường gấp 02 (hai) lần chi phí đào tạo và các khoản trợ cấp ưu đãi đã nhận trong các trường hợp:
3.1. Tự ý bỏ học hoặc không tốt nghiệp khoá đào tạo;
3.2. Sau khi tốt nghiệp không về công tác tại tỉnh Quảng Nam;
3.3. Không thực hiện đúng cam kết hoặc hợp đồng cử đi đào tạo, không chấp hành sự phân công, bố trí công tác của cơ quan quyết định cử đi đào tạo;
Không quá 01 (một) năm kể từ khi có quyết định chấm dứt học tập và bồi thường chi phí đào tạo có hiệu lực, người bồi thường chi phí đào tạo phải có trách nhiệm nộp trả đầy đủ các khoản tiền phải bồi thường cho đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định. Riêng đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 8 Quy định này nộp tại Sở Nội vụ tỉnh.
Nếu không thực hiện việc hoàn trả tiền hỗ trợ đúng thời hạn thì cơ quan trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo pháp luật.
Thành lập Hội đồng và quy trình xét, thu hồi chi phí đào tạo, bồi dưỡng thực hiện theo quy định tại điều 14 và điều 15 Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
1. Trước ngày 15/9 hằng năm, Thủ trưởng các địa phương, đơn vị xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào bồi dưỡng cán bộ, công chức của đơn vị mình gửi Sở Nội vụ (khối nhà nước) hoặc gửi Ban Tổ chức Tỉnh uỷ (khối đảng - bao gồm cơ quan đảng các cấp, mặt trận, đoàn thể và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội).
2. Sở Nội vụ thẩm định, tổng hợp kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc khối nhà nước; Ban Tổ chức Tỉnh uỷ thẩm định, tổng hợp kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị của các cơ quan, đơn vị thuộc khối đảng (kể cả học lý luận chính trị thuộc khối nhà nước) gửi Sở Nội vụ.
3. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tổng hợp, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh hằng năm báo cáo Hội đồng đào tạo cán bộ, công chức tỉnh trước ngày 15/10 hằng năm và báo cáo UBND tỉnh quyết định phê duyệt kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức hằng năm trước ngày 15/11.
Điều 14. Quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng
1. Nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng bao gồm:
1.1. Kinh phí đào tạo của các cấp ngân sách địa phương;
1.2. Kinh phí đào tạo do Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương cấp;
1.3. Các nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp;
1.4. Các nguồn tài trợ khác (học bổng, các dự án, các nguồn tài trợ ...).
2. Lập dự toán, quản lý, cấp phát và quyết toán kinh phí:
2.1. Lập dự toán: Căn cứ kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hằng năm, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Tỉnh uỷ lập dự toán kinh phí đào tạo trình UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh phê duyệt trước ngày 15/12 hằng năm.
2.2. Quản lý, cấp phát, sử dụng và quyết toán kinh phí đào tạo:
Căn cứ vào dự toán ngân sách chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được HĐND tỉnh phê duyệt và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức được UBND tỉnh ban hành, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tham mưu UBND tỉnh quyết định phân bổ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho các địa phương, đơn vị. Trách nhiệm cụ thể như sau:
- Kinh phí cấp để mở lớp đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ đi học chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức khối nhà nước do Sở Nội vụ tổng hợp phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh quyết định.
- Kinh phí cấp để mở lớp đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ đi học chuyên môn, chính trị cho cán bộ, công chức khối đảng, mặt trận, các đoàn thể, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thuộc Tỉnh uỷ (kể cả cho cán bộ, công chức khối nhà nước đi học lý luận chính trị) do Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tổng hợp phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh quyết định.
- Các địa phương, đơn vị được UBND tỉnh phân bổ kinh phí đào tạo (gồm kinh phí hỗ trợ cho cán bộ, công chức đi học hoặc kinh phí được cấp để mở lớp đào tạo, bồi dưỡng) có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, tiết kiệm và thanh quyết toán với cơ quan tài chính cùng cấp theo đúng quy định của nhà nước.
- Riêng kinh phí đào tạo tạo nguồn cán bộ sau đại học thuộc các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 8 Quy định này cấp về Sở Nội vụ tỉnh để quản lý, sử dụng. Việc chi và thanh quyết toán được thực hiện như sau:
Người được cử đi học được tạm ứng tiền hỗ trợ đi học hằng năm. Năm đầu tiên, được tạm ứng sau khi hợp đồng trách nhiệm giữa các bên được ký kết và có quyết định cử đi học của Tỉnh uỷ hoặc UBND tỉnh; các năm học tiếp theo sẽ được tiếp tục tạm ứng nếu kết quả học tập, sinh hoạt của từng năm đạt yêu cầu. Trường hợp kết quả học tập, sinh hoạt không đạt yêu cầu thì không được tiếp tục tạm ứng và nếu vì lý do nào đó phải chấm dứt học tập thì phải hoàn trả lại kinh phí đã tạm ứng trước đó theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Quy định này.
Sau khi tốt nghiệp khoá học, được cơ quan chức năng phân công công tác, Sở Nội vụ thanh toán đầy đủ các khoản kinh phí hỗ trợ đi học và tiền hỗ trợ để mua đất làm nhà ở theo quy định tại văn bản này.
Điều 15. Lập danh mục chuyên ngành đào tạo sau đại học
1. Thủ trưởng các địa phương, đơn vị có trách nhiệm lập danh mục các chuyên ngành cần đào tạo cán bộ có trình độ sau đại học của địa phương, đơn vị mình báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) vào tháng 10 hằng năm.
2. Sở Nội vụ tỉnh tổng hợp danh mục các chuyên ngành đào tạo sau đại học theo định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh báo cáo Hội đồng đào tạo cán bộ, công chức tỉnh xem xét trước khi trình UBND tỉnh quyết định ban hành vào tháng 12 hằng năm.
Điều 16. Tổ chức thực hiện
1. Giám đốc các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai Quy định này đến cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý để thực hiện.
2. Ngoài các đối tượng quy định Điều 4 và Điều 8 Quy định này, Thủ trưởng các địa phương, đơn vị có thể sử dụng kinh phí của địa phương, cơ quan, đơn vị để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức được Thủ trưởng đơn vị quyết định cử đi học với mức chi không vượt quá mức quy định tại văn bản này.
3. Khuyến khích các Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh được áp dụng chính sách này bằng kinh phí của đơn vị để chi cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được đơn vị cử đi học.
Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh, vướng mắc đề nghị thủ trưởng các địa phương, đơn vị báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ tỉnh) để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét sữa đổi, bổ sung./.