Quyết định số 03/2008/QĐ-UBND ngày 07/01/2008 Ban hành Quy định về quản lý một số lĩnh vực trong hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh do Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 03/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Trà Vinh
- Ngày ban hành: 07-01-2008
- Ngày có hiệu lực: 17-01-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 19-05-2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1949 ngày (5 năm 4 tháng 4 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 19-05-2013
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2008/QĐ-UBND | Trà Vinh, ngày 07 tháng 01 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ MỘT SỐ LĨNH VỰC TRONG HOẠT ĐỘNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh Giống vật nuôi ngày 24 tháng 3 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Thú y; Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản; Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Nghị định số 123/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;
Căn cứ Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản; Quyết định số 04/2002/QĐ-BTS ngày 24 tháng 01 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc ban hành Quy chế quản lý môi trường vùng nuôi tôm tập trung; Quyết định số 15/2002/QĐ-BTS ngày 17 tháng 5 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc ban hành Quy chế kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi; Quyết định số 06/2006/QĐ-BTS ngày 10 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc ban hành Quy chế quản lý vùng và cơ sở nuôi tôm an toàn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thủy sản,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý một số lĩnh vực trong hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
2. Quyết định này thay thế Quyết định số 12/2005/QĐ-UBT ngày 21 tháng 02 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định tạm thời về quản lý giống tôm, cá, thức ăn, thuốc thú y thủy sản và môi trường vùng nuôi tôm, cá tập trung trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Quyết định số 56/2005/QĐ-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc bổ sung điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 6 của Quy định tạm thời về quản lý giống tôm, cá, thức ăn, thuốc thú y thủy sản và môi trường vùng nuôi tôm, cá tập trung trên địa bàn tỉnh Trà Vinh ban hành kèm theo Quyết định số 12/2005/QĐ-UBT ngày 21 tháng 02 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Chỉ thị số 15/1998/CT-UBT ngày 15 tháng 7 năm 1998 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, đăng mùng, đáy mùng để khai thác trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thủy sản, Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ MỘT SỐ LĨNH VỰC TRONG HOẠT ĐỘNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2008/QĐ-UBND ngày 07 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về quản lý một số lĩnh vực trong hoạt động thủy sản đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, ương, thuần dưỡng, vận chuyển, dịch vụ con giống thủy sản; nuôi thủy sản thương phẩm; khai thác thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Một số từ ngữ dùng trong Quy định này được hiểu như sau:
1. Cơ sở sản xuất tôm giống, cá giống là nơi thực hiện việc cho tôm, cá bố mẹ sinh sản nhân tạo, ương, thuần dưỡng và kinh doanh tôm giống, cá giống, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Cơ sở ương, thuần dưỡng tôm giống, cá giống là nơi thực hiện việc ương, thuần dưỡng và dịch vụ tôm giống, cá giống, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3. Chủ hàng vận chuyển tôm giống, cá giống là chủ sở hữu tôm giống, cá giống hoặc người quản lý, người đại diện, người áp tải (được ủy quyền) đại diện cho chủ sở hữu tôm giống, cá giống thực hiện việc vận chuyển tôm giống, cá giống trong tỉnh, từ các tỉnh (thành phố) ngoài vào tỉnh Trà Vinh và ngược lại, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
4. Chất thải từ hoạt động sản xuất giống tôm, cá và nuôi tôm, cá gồm chất thải rắn, chất thải lỏng như: thức ăn thừa, phân tôm, cá, xác tôm, cá chết, dư lượng các loại thuốc, hóa chất phòng trị bệnh cho tôm, cá, chế phẩm sinh học và các chất xử lý môi trường ao nuôi, bùn đáy ao, nước thải từ ao, bể sản xuất, ương, thuần dưỡng giống và ao nuôi.
5. Vùng biển ven bờ là vùng nước được tính từ bờ biển (ngấn nước khi thủy triều thấp nhất) đến đường nối liền các điểm cách bờ biển 24 hải lý. Tại các cửa sông lớn, bờ biển được quy ước trùng với đường giới hạn các cửa sông lớn, cụ thể như sau:
a) Đường giới hạn cửa sông Cổ Chiên, Cung Hầu là đường thẳng vuông góc hướng chảy chính của dòng nước trên sông tại điểm gốc bờ Trạm Biên phòng Hiệp Thạnh (tọa độ: 9o44’46’’vĩ Bắc; 106o32’30’’ kinh Đông);
b) Đường giới hạn cửa sông Định An là đường thẳng vuông góc hướng chảy chính của dòng nước trên sông tại điểm gốc Trạm Biên phòng Vàm Rạch Cỏ thuộc Đồn Biên phòng 626 (toạ độ: 9o33’12’’ vĩ Bắc; 106o22’25’’ kinh Đông);
c) Tại các cửa sông, rạch tiếp giáp biển không phải là sông lớn, đường bờ biển quy ước là đường thẳng nối liền cửa sông, rạch.
6. Lạch cửa sông lớn ven biển là phần ngập nước của cửa sông lớn ở mức thủy triều thấp nhất, tính từ đường giới hạn cửa sông đến đường nối liền các điểm có cùng độ sâu 05m thuộc địa bàn tỉnh Trà Vinh quản lý.
7. Vùng nước nội địa là vùng nước tiếp giáp với vùng biển ven bờ trở vào nội địa bao gồm tất cả các sông, rạch và vùng nước nội đồng.
8. Sông lớn là các nhánh cửa sông Cửu Long nằm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, gồm: Cổ Chiên, Cung Hầu và Định An.
9. Khai thác thủy sản có sử dụng cơ giới là sử dụng các phương tiện có trang bị máy động lực để khai thác thủy sản.
10. Ngư cụ cố định là các loại ngư cụ mà trong quá trình hoạt động khai thác thủy sản không di chuyển vị trí như: đóng đáy, đăng nò, chà rạo...
Chương II
QUẢN LÝ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Điều 3. Điều kiện nuôi tôm thương phẩm
Tổ chức, cá nhân nuôi tôm thương phẩm phải có đủ các điều kiện và thực hiện các quy định sau đây:
1. Đối với nuôi tôm theo hình thức thâm canh:
a) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về nuôi thủy sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định;
b) Công trình nuôi phải được xây dựng trong vùng quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
c) Tôm giống trước khi đưa vào nuôi phải được thuần dưỡng và kiểm tra dịch bệnh (virut, vi khuẩn, ký sinh trùng,...). Chất lượng tôm giống phải bảo đảm theo Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 124 : 1998 đối với tôm sú giống P15;
d) Thả giống nuôi đúng lịch thời vụ theo thông báo hàng năm của Sở Thủy sản;
đ) Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại Pháp lệnh Thú y năm 2004 và Nghị định số 33/2005/NĐ-CP của Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh; phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi thủy sản, tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo Quy định này và quy định của pháp luật hiện hành. Trong quá trình nuôi, khi phát hiện tôm nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh phải thực hiện các biện pháp cách ly để tránh lây lan, đồng thời phải báo ngay cho Phòng Nông nghiệp - Thủy sản huyện, thị xã để được hướng dẫn xử lý, không được xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn quy định vào môi trường xung quanh;
e) Khi sử dụng các loại thức ăn nuôi thủy sản, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất phải đảm bảo:
- Nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố;
- Không chứa các chất nằm trong danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng theo quy định hiện hành;
- Tuân thủ các quy định về sử dụng thức ăn nuôi thủy sản, thuốc thú y thủy sản;
- Ngừng việc dùng thuốc kháng sinh cho tôm nuôi thương phẩm trước thu hoạch ít nhất là 04 tuần;
- Kiểm soát dư lượng các chất độc hại theo quy định.
g) Có hồ sơ theo dõi quá trình nuôi.
2. Đối với nuôi tôm theo hình thức bán thâm canh và quảng canh cải tiến:
a) Khi xây dựng công trình nuôi trên diện tích đất có rừng phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường;
c) Tôm giống trước khi đưa vào nuôi phải được thuần dưỡng và kiểm tra dịch bệnh (virut, vi khuẩn, ký sinh trùng,...). Chất lượng tôm giống phải bảo đảm theo Tiêu chuẩn Ngành (28 TCN 124 : 1998 đối với tôm sú giống P15; 28 TCN 96 : 1996 đối với tôm sú giống từ P25 đến P30);
d) Thả giống nuôi đúng lịch thời vụ theo thông báo hàng năm của Sở Thủy sản;
đ) Khi sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất phải đảm bảo:
- Nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố;
- Không chứa các chất nằm trong danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng theo quy định;
- Tuân thủ các quy định về sử dụng thức ăn nuôi thủy sản, thuốc thú y thủy sản;
- Kiểm soát dư lượng các chất độc hại theo quy định.
Điều 4. Về lịch thời vụ thả nuôi tôm sú
1. Sở Thủy sản chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện có nuôi tôm sú, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất, điều kiện thời tiết, môi trường, kinh nghiệm thời vụ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh trong các năm trước; trao đổi với các tỉnh lân cận, tham khảo ý kiến các Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu thủy sản xây dựng lịch thời vụ thả nuôi tôm sú cho từng khu vực cụ thể.
2. Sở Thủy sản thực hiện việc thông báo lịch thời vụ thả nuôi tôm sú trên địa bàn tỉnh hàng năm.
Điều 5. Điều kiện nuôi cá thương phẩm
Tổ chức, cá nhân nuôi cá thương phẩm theo hình thức thâm canh phải có đủ các điều kiện và thực hiện các quy định sau đây:
1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về nuôi thủy sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định;
2. Cơ sở nuôi phải được xây dựng trong vùng quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt;
3. Cá giống trước khi đưa vào nuôi phải kiểm tra dịch bệnh theo quy định;
4. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại Pháp lệnh Thú y năm 2004 và Nghị định số 33/2005/NĐ-CP của Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh; phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi thủy sản, tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo Quy định này và quy định của pháp luật hiện hành. Trong quá trình nuôi, khi phát hiện cá nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh phải thực hiện các biện pháp cách ly để tránh lây lan, đồng thời phải báo ngay cho Phòng Nông nghiệp - Thủy sản huyện, thị xã để được hướng dẫn xử lý, tuyệt đối không được xả nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn quy định vào môi trường xung quanh;
5. Khi sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất phải đảm bảo:
a) Nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố;
b) Không chứa các chất nằm trong danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng theo quy định;
c) Tuân thủ các quy định về sử dụng thức ăn nuôi thủy sản, thuốc thú y thủy sản;
d) Ngừng việc dùng thuốc kháng sinh cho cá nuôi thương phẩm trước thu hoạch ít nhất là 04 tuần;
đ) Kiểm soát dư lượng các chất độc hại theo quy định.
6. Có hồ sơ theo dõi quá trình nuôi.
Điều 6. Điều kiện sản xuất, ương, thuần dưỡng, vận chuyển, dịch vụ tôm giống, cá giống
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, ương, thuần dưỡng, vận chuyển, dịch vụ tôm giống, cá giống phải có đủ các điều kiện và thực hiện nghiêm các quy định tại Điều 11 Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản và khoản 3 Mục III Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản.
2. Khi xây dựng mới hoặc nâng cấp mở rộng trại sản xuất tôm giống, cá giống có tổng thể tích bể ương ấu trùng trên 20m3, chủ cơ sở phải lập dự án đầu tư gởi Hội đồng khoa học công nghệ Sở Thủy sản thẩm định và chỉ được xây dựng khi có quyết định phê duyệt của Giám đốc Sở Thủy sản và các thủ tục khác theo quy định.
3. Tổng thể tích bể ương, thuần dưỡng giống tôm sú bằng xi măng (hoặc bằng nhựa) tối thiểu của mỗi cơ sở là 20m3, thể tích tối thiểu của mỗi bể là 04m3 (Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 92: 2005).
4. Cở sở sản xuất, ương, thuần dưỡng, dịch vụ tôm giống, cá giống phải có biển hiệu, địa chỉ rõ ràng, công khai.
5. Chủ cơ sở sản xuất, ương, thuần dưỡng, dịch vụ tôm giống, cá giống phải:
a) Chấp hành việc kiểm tra vệ sinh thú y thủy sản trước khi đưa vào sản xuất, ương, thuần dưỡng, dịch vụ giống thủy sản;
b) Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại Pháp lệnh Thú y năm 2004 và Nghị định số 33/2005/NĐ-CP của Chính phủ về vệ sinh thú y thủy sản và phòng, chống dịch bệnh. Trong quá trình sản xuất, ương, thuần dưỡng, phải thực hiện tốt việc xử lý nước thải theo quy định tại Điều 8 của Quy định này, khi phát hiện tôm giống, cá giống mắc bệnh, nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh phải nhanh chóng cách ly riêng biệt các cá thể hoặc quần thể bị bệnh và báo ngay cho Phòng Nông nghiệp - Thủy sản huyện, thị xã để có biện pháp kịp thời ngăn chặn, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan;
c) Không sử dụng các chất nằm trong danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng theo quy định;
d) Không ương, thuần dưỡng giống tôm sú trong ao đất;
đ) Có hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất, ương, thuần dưỡng từng lô tôm giống, cá giống để có thể truy xuất được nguồn gốc lô tôm giống, cá giống khi cần thiết;
e) Tôm, cá bố mẹ đưa vào sản xuất phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo đạt Tiêu chuẩn Ngành;
g) Khi xuất bán cho người nuôi phải có hóa đơn hoặc phiếu bán hàng có ghi rõ kích cỡ, số lượng, ngày tuổi của con giống do cơ sở bán ra.
6. Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh có kế hoạch định kỳ kiểm tra (06 tháng đến 12 tháng một lần) hoặc kiểm tra đột xuất về vệ sinh thú y và dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất, ương, thuần dưỡng, dịch vụ tôm giống, cá giống.
Điều 7. Kiểm dịch tôm giống, cá giống xuất, nhập tỉnh; sản xuất, ương, thuần dưỡng trong tỉnh; công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và ghi nhãn hàng hóa
1. Tôm giống, cá giống di nhập vào tỉnh
a) Đối với tôm sú giống:
- Tôm giống nhập vào tỉnh phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh đầu vàng (YHV/GAV) bằng phương pháp PCR của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Trà Vinh theo từng lô hàng cụ thể. Nếu kết quả kiểm dịch là dương tính với bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng thì buộc chủ hàng phải hủy bỏ toàn bộ số tôm giống bị nhiễm bệnh;
- Tôm giống bán ra cho người nuôi phải đạt kích cỡ P15 (có chiều dài 1,2cm) trở lên;
- Cơ sở sản xuất, ương, thuần dưỡng tôm sú giống nhập Nauplius về ương phải có hợp đồng với nơi cung cấp Nauplius;
- Việc di nhập tôm giống vào tỉnh phải thực hiện đúng mùa vụ thả nuôi đối với từng khu vực theo thông báo hàng năm của Sở Thủy sản.
b) Đối với cá giống và các loài tôm giống khác:
Cá giống và các loài tôm giống khác nhập vào tỉnh phải đảm bảo đạt chất lượng theo quy định. Nếu cá giống, tôm giống bị nhiễm bệnh sẽ giữ lại từ 03 (ba) đến 05 (năm) ngày để theo dõi, điều trị, kiểm dịch lại và buộc phải tiêu hủy khi không thể điều trị được.
2. Tôm giống, cá giống sản xuất, ương, thuần dưỡng trong tỉnh
a) Đối với tôm sú giống:
- Trước khi xuất bán phải có Giấy chứng nhận đã qua kiểm dịch bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh đầu vàng (YHV/GAV) bằng phương pháp PCR của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh. Nếu kết quả kiểm dịch là dương tính thì buộc chủ cơ sở phải tiêu hủy toàn bộ số tôm giống bị nhiễm bệnh;
- Khi xuất bán trực tiếp cho người nuôi, tôm giống phải đạt kích cỡ P15 (chiều dài 1,2 cm) trở lên;
- Cơ sở sản xuất, ương, thuần dưỡng tôm sú giống khi xuất bán phải có hợp đồng mua bán theo quy định.
b) Đối với cá giống và các loài tôm giống khác: Trước khi xuất bán phải có Giấy chứng nhận đã qua kiểm dịch. Nếu cá giống, tôm giống bị nhiễm bệnh phải giữ lại từ 03 (ba) đến 05 (năm) ngày để theo dõi, điều trị, kiểm dịch lại và buộc phải tiêu hủy khi không thể điều trị được.
3. Tôm giống, cá giống xuất tỉnh phải được kiểm dịch tại Trạm Kiểm dịch động vật thủy sản tỉnh và chỉ được xuất tỉnh đúng theo nội dung của Giấy chứng nhận kiểm dịch đã được cấp cho từng lô hàng.
4. Thời hạn xuất bán từng lô tôm sú giống thực hiện theo thời hạn được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm dịch. Hết thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận kiểm dịch, chủ cơ sở phải khai báo kiểm dịch lại. Nếu chủ cơ sở không khai báo kiểm dịch lại xem như không có Giấy chứng nhận kiểm dịch.
Sở Thủy sản hướng dẫn, kiểm tra việc ghi thời hạn trong Giấy chứng nhận kiểm dịch.
5. Cơ sở sản xuất, ương, thuần dưỡng, dịch vụ tôm giống, cá giống không được trộn lẫn con giống của các lô khác nhau để bán cho người nuôi. Khi giao giống cho khách hàng, chủ cơ sở phải bảo đảm đúng chủng loại, số lượng và chất lượng; chủ cơ sở phải niêm yết Giấy chứng nhận kiểm dịch của đúng lô tôm giống, cá giống đang bán ra tại cơ sở để người mua dễ nhận biết.
6. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua tôm giống, cá giống ngoài tỉnh về ương nuôi phải chấp hành nghiêm việc kiểm dịch giống nhập tỉnh và các quy định về quản lý giống, không được lợi dụng việc mua giống về nuôi để kinh doanh sai quy định.
7. Tổ chức, cá nhân sản xuất, ương, thuần dưỡng, vận chuyển, dịch vụ tôm sú giống nếu vi phạm quy định lịch thời vụ sẽ bị xử lý theo quy định, buộc đưa toàn bộ số lượng tôm sú giống ra khỏi tỉnh.
8. Giống thủy sản lưu thông trên địa bàn tỉnh phải được công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và ghi nhãn hàng hóa theo quy định.
9. Sở Thủy sản quyết định việc thành lập Hội đồng xử lý giống thủy sản đối với trường hợp giống thủy sản bị nhiễm bệnh quy định tại điểm a, b khoản 1 và điểm a, b khoản 2 Điều này; thành phần Hội đồng, thủ tục tiêu hủy thực hiện đúng theo quy định hiện hành.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỐNG VÀ NUÔI THỦY SẢN
Điều 8. Đối với cơ sở sản xuất, ương, thuần dưỡng, dịch vụ giống thủy sản
1. Hệ thống xử lý nước thải:
a) Các cơ sở sản xuất, ương, thuần dưỡng, dịch vụ giống thủy sản phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đúng theo các quy định sau:
- Thể tích hệ thống bể, ao xử lý nước thải chiếm không dưới 50% tổng thể tích bể ương;
- Hệ thống xử lý nước thải bao gồm: 01 bể xi măng (hoặc các vật liệu khác) chiếm không dưới 10% tổng thể tích bể ương và 01 ao đất hoặc 02 ao đất với điều kiện phải đảm bảo không để nước thải rò rỉ ra môi trường bên ngoài.
b) Cấu tạo, vận hành hệ thống xử lý nước thải:
- Hệ thống xử lý nước thải có cấu tạo theo kiểu liên hoàn khép kín từ bể xi măng (hoặc vật liệu khác) hoặc ao đất 01 đến ao đất 02;
- Nước thải được đưa vào bể (ao) 01 phải được xử lý cơ học, sau đó chuyển sang ao 02 được xử lý hóa học hoặc sinh học trước khi thải ra môi trường nước công cộng.
2. Phương pháp xử lý nước thải:
a) Đối với hệ thống gồm 01 bể xi măng (hoặc vật liệu khác) và 01 ao đất.
Tại bể 01, dùng than hoạt tính hoặc hỗn hợp cát + đá + than để lọc (hấp thụ) các chất lơ lửng và vi sinh vật gây bệnh có trong nước thải. Sau đó, đưa nước của bể 01 sang ao đất tiếp tục xử lý bằng sinh học hoặc hóa học đến khi đạt tiêu chuẩn theo quy định đối với nước thải mới được thải ra môi trường công cộng.
b) Đối với hệ thống gồm 02 ao đất:
Tại ao 01, dùng chất keo tụ hữu cơ tổng hợp hoặc chế phẩm sinh học kết dính các chất lơ lửng trong nước cho kết tủa lắng xuống đáy ao và sử dụng hóa chất để xử lý. Sau đó, đưa tầng nước mặt của ao 01 sang ao 02 tiếp tục xử lý bằng sinh học hoặc hóa học đến khi đạt tiêu chuẩn theo quy định đối với nước thải mới được thải ra môi trường công cộng.
c) Cơ sở sản xuất, ương, thuần dưỡng, dịch vụ giống thủy sản được áp dụng các phương pháp khác để xử lý nước thải nhưng phải đảm bảo chất lượng nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Phụ lục 12 và Phụ lục 13 kèm theo Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản.
Điều 9. Đối với nuôi tôm, cá theo hình thức thâm canh
Đối với nuôi tôm, cá theo hình thức thâm canh phải thực hiện đầy đủ các điều kiện và quy định sau:
1. Phải có ao chứa và xử lý chất thải với thể tích không dưới 10% tổng thể tích ao nuôi;
2. Sau mỗi vụ nuôi hoặc trong quá trình nuôi, chất thải của ao nuôi phải được đưa vào ao xử lý. Tuyệt đối không được xả nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn quy định vào môi trường xung quanh.
Điều 10. Đối với vùng nuôi tôm, cá tập trung
1. Công trình sản xuất, ương, thuần dưỡng tôm giống và nuôi tôm, cá trong vùng nuôi tôm, cá tập trung phải được xây dựng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh môi trường theo quy định của ngành Thủy sản.
2. Nước thải trong quá trình sản xuất và bùn đáy ao khi làm vệ sinh ao hồ phải được xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước, đảm bảo không gây hại cho môi trường chung.
3. Nguồn nước nuôi tôm, cá phải đảm bảo các chỉ tiêu theo quy định; chất đất phù hợp với yêu cầu nuôi tôm, cá.
4. Sở Thủy sản thường xuyên tổ chức quan trắc, dự báo, cảnh báo các yếu tố môi trường nước; thu mẫu giáp xác ngoài tự nhiên phân tích các chỉ tiêu (pH, S%o, COD, nhiệt độ, bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng,...) vào thời điểm đầu vụ nuôi và định kỳ theo con nước trong mùa vụ nuôi ở các vùng nuôi tôm, cá tập trung, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người nuôi theo dõi.
5. Hàng năm, Ủy ban nhân dân các huyện có nuôi tôm sú phải có lịch sên vét cải tạo ao hồ cụ thể trước khi vào vụ nuôi tôm sú, thông báo cho người nuôi tôm trên địa bàn biết, thực hiện.
Điều 11. Kiểm tra quy trình xử lý chất thải
Việc kiểm tra quy trình xử lý chất thải là một trong những nội dung bắt buộc khi kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y thủy sản của cơ sở sản xuất, ương, thuần dưỡng, dịch vụ giống thủy sản và nuôi thủy sản theo hình thức thâm canh trên địa bàn tỉnh, do Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh tiến hành kiểm tra lần đầu, kiểm tra định kỳ hàng năm hoặc đột xuất khi cần thiết.
Chương IV
QUẢN LÝ KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN
Điều 12. Về xác định và công bố vùng biển ven bờ của tỉnh
1. Đối với vùng biển tiếp giáp với các tỉnh khác:
Sở Thủy sản căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển và hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương có liên quan, phối hợp với Sở Nội vụ làm việc với Sở Thủy sản, Sở Nội vụ các tỉnh có vùng biển ven bờ tiếp giáp tỉnh Trà Vinh, xác định việc phân chia ranh giới trên biển, trình Ủy ban nhân dân tỉnh công bố.
2. Đối với vùng biển trong phạm vi của tỉnh:
Sở Thủy sản chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân các huyện ven biển căn cứ vào hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương có liên quan, đặc điểm cụ thể về địa lý vùng biển của tỉnh, xác định tọa độ một số điểm cách bờ 6 hải lý, 24 hải lý để xác định đường cách bờ biển 06 hải lý, 24 hải lý, trình Ủy ban nhân dân tỉnh công bố.
Điều 13. Phân cấp quản lý tàu cá và ngư cụ
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý tàu cá dưới 20 sức ngựa;
2. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý các tổ chức, cá nhân sử dụng ngư cụ có kích điện để thu hoạch tôm nuôi thương phẩm.
Điều 14. Các loài thủy sản, phương pháp, loại nghề, ngư cụ, thời hạn (tính theo dương lịch) cấm khai thác theo từng vùng nước
1. Đối với vùng biển thuộc tuyến bờ:
- Cấm khai thác cá đường, cá gộc, cá chẽm từ ngày 01/3 đến ngày 31/5 hàng năm;
- Cấm khai thác cua biển giống từ ngày 01/12 đến ngày 01/3 năm sau;
- Cấm khai thác nghêu, sò huyết bố mẹ ở vùng lạch cửa sông;
- Cấm khai thác nghêu, sò huyết giống từ ngày 01/3 đến ngày 01/7 hàng năm;
- Cấm khai thác cá kèo giống từ ngày 01/5 đến ngày 01/8 hàng năm;
- Cấm khai thác ruốc (moi) từ ngày 01/9 đến ngày 01/4 năm sau và sử dụng lưới có kích thước mắt lưới (2a) nhỏ hơn 4 mm để khai thác thủy sản;
- Cấm khai thác bằng các nghề lưới kéo, te, xiệp có sử dụng cơ giới;
- Cấm đặt các hàng đáy để khai thác thủy sản chiếm quá 2/3 lạch cửa sông và đặt mới các hàng đáy;
2. Đối với vùng nước nội địa:
a) Trên các sông lớn: Cổ Chiên, Cung Hầu và Định An:
- Cấm khai thác tôm càng xanh đang mang trứng;
- Cấm khai thác cá hô, cá chìa vôi;
- Cấm khai thác ruốc (moi) từ ngày 01/9 đến ngày 01/4 năm sau và sử dụng lưới có kích thước mắt lưới (2a) nhỏ hơn 4 mm để khai thác thủy sản;
- Cấm khai thác cua biển giống từ ngày 01/12 đến ngày 01/3 năm sau;
- Cấm khai thác cá kèo giống từ ngày 01/5 đến ngày 01/8 hàng năm;
- Cấm các nghề khai thác thủy sản sử dụng cơ giới có tổng công suất máy chính trên 25 sức ngựa;
- Cấm đặt các hàng đáy và các ngư cụ cố định khác để khai thác thủy sản chiếm quá 2/3 lòng sông và đặt mới các hàng đáy.
b) Trên các vùng nước không thuộc sông lớn:
- Cấm khai thác tôm càng xanh đang mang trứng;
- Cấm khai thác cá hô, cá chìa vôi;
- Cấm khai thác ruốc (moi) từ ngày 01/9 đến ngày 01/4 năm sau và sử dụng lưới có kích thước mắt lưới (2a) nhỏ hơn 4 mm để khai thác thủy sản;
- Cấm khai thác cá kèo giống từ ngày 01/5 đến ngày 01/8 hàng năm;
- Cấm các nghề khai thác thủy sản sử dụng cơ giới;
- Cấm đặt các hàng đáy, chà, nò, vó, đục và các ngư cụ cố định khác để khai thác thủy sản chiếm quá 2/3 lòng sông và đặt mới các hàng đáy;
- Cấm đánh bắt cá ròng ròng (cá lóc giống tự nhiên giai đoạn cá hương), cá lóc bố mẹ đang nuôi con.
Điều 15. Về hoạt động khai thác thủy sản
1. Mọi hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng nước tự nhiên chỉ được tiến hành khi được Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cấp Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định, trừ những nghề khai thác thủy sản bằng tàu cá có trọng tải dưới 0,5 tấn hoặc không sử dụng tàu cá.
2. Đối với các bãi giống tự nhiên: nghêu, sò huyết, cua biển, hến, cá kèo,... thuộc địa phương (cấp huyện, xã) nào thì do địa phương đó quản lý; các tổ chức, cá nhân chỉ được khai thác con giống khi được Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cấp Giấy phép khai thác thủy sản.
Chương V
KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 16. Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy định này sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
Điều 17. Xử lý vi phạm
1. Mọi hành vi vi phạm các quy định của Quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;
2. Thanh tra thủy sản được phép tiêu hủy lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định (lưới mùng) sử dụng vào việc khai thác thủy sản trái mùa vụ (ngoài mùa vụ khai thác ruốc) và thu gom, tiêu hủy trong trường hợp vắng chủ.
Điều 18. Khiếu nại, tố cáo
Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước về những hành vi vi phạm trong việc thực hiện Quy định này.Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Tổ chức thực hiện
1. Sở Thủy sản có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Quy định này trên địa bàn tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm Quy định này./.