Chỉ thị số 05/2007/CT-UBND ngày 30/06/2007 Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 05/2007/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
- Ngày ban hành: 30-06-2007
- Ngày có hiệu lực: 10-07-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-12-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1977 ngày (5 năm 5 tháng 2 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 07-12-2012
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2007/CT-UBND | Tuyên Quang, ngày 30 tháng 6 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
Công tác cải cách hành chính được xác định là khâu đột phá, là nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo, điều hành trong giai đoạn 2006 - 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh; bước đầu thùc hiÖn đã đạt một số kết quả nhất định trên các nội dung thuộc Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 của Chính phủ, góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra, công tác cải cách hành chính của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu: cải cách thủ tục hành chính chưa đồng bộ; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, chưa giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho tổ chức và cá nhân.
Nguyên nhân chủ yếu là do công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị chưa kiên quyết, mang tính hình thức, thiếu chặt chẽ trong kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cấp dưới; nhận thức và cải cách hành chính của người đứng đầu cơ quan hành chính chưa đầy đủ. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc. Việc triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa trên một số lĩnh vực chưa đạt mục tiêu đề ra.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn:
- Tổ chức thực hiện nghiêm Chương trình cải cách hành chính tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2006 - 2010, phê duyệt kèm theo Quyết định số 08/2006/QĐ-UBND ngày 13/4/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
- Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành; chú trọng việc giáo dục đạo đức, phẩm chất, tinh thần phục vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; tăng cường giám sát hoạt động tác nghiệp, quản lý cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa.
- Củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; củng cố lại nhân sự và nền nếp hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa.
- Rà soát các thủ tục hành chính và việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính trên các mặt: quy định pháp luật; quy trình giải quyết công việc, hồ sơ giấy tờ; thẩm quyền giải quyết; công tác phối hợp và kỷ luật, kỷ cương trong giải quyết thủ tục hành chính; những khó khăn, vướng mắc đối với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính; thời hạn giải quyết; tính khả thi, phù hợp của thủ tục hành chính để sửa đổi, điều chỉnh hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp.
- Tổ chức tự kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, tập trung các lĩnh vực: Đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; cấp giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; đăng kiểm, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông; đăng ký kinh doanh; đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, công chứng, chứng thực; quản lý tài nguyên, môi trường.
- Thực hiện nghiêm Nghị định số 144/2005/NĐ-CP ngày 16/11/2005 của Chính phủ về công tác phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong xây dựng và kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; chấn chỉnh, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện, thực hiện không tốt trách nhiệm phối hợp.
- Tiếp nhận và xử lý những vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính theo Quyết định số 22/2006/QĐ-TTg ngày 24/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, chậm trễ trong thực hiện thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
- Thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai các quy trình, thủ tục, thời hạn giải quyết, họ tên, chức vụ cán bộ, công chức có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết... tại điểm tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, những nơi làm việc với người dân, doanh nghiệp; việc đeo thẻ công chức trong khi thi hành công vụ theo Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
- Triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 13/10/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh, gắn với việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành, truyền đạt thông tin, trao đổi công việc nhằm giảm văn bản, giấy tờ hành chính, giảm các cuộc họp theo Chỉ thị số 10/2006/CT-TTg ngày 23/3/2006, Quyết định số 114/2006/QĐ-TTg ngày 25/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
- Rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của cơ quan, đơn vị mình để điều chỉnh kịp thời, tránh chồng chéo, trùng lắp.
- Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá thông tin, thể dục thể thao; việc giao quyền thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.
- Tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, kịp thời, thường xuyên, liên tục, sâu rộng các nội dung về cải cách hành chính, phù hợp với nhu cầu, nhiệm vụ của từng đối tượng, trên từng địa bàn và từng ngành theo kế hoạch đã được phê duyệt.
- Phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giám sát thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.
2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng nội dung, tiến độ, trình tự, thủ tục soạn thảo, trình ban hành theo đúng quy định.
3. Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh:
- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện chương trình công tác, chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
- Phối hợp với Sở Nội vụ, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã và các cơ quan liên quan tổng hợp việc rà soát thủ tục hành chính, đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh phương án sửa đổi, đơn giản hoá các thủ tục hành chính do tỉnh ban hành; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền ở trung ương về những thủ tục hành chính không còn phù hợp.
4. Sở Tư pháp:
- Thực hiện việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ và văn bản được ban hành dưới các hình thức khác nhưng nội dung có chứa đựng quy phạm pháp luật; rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành, kịp thời đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những văn bản không còn phù hợp.
- Kiểm tra theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, văn bản có chứa đựng quy phạm pháp luật do các cơ quan, đơn vị ban hành để kịp thời phát hiện những văn bản trái pháp luật, văn bản quy định thêm các thủ tục hành chính hoặc quy định kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính, kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
5. Sở Nội vụ:
- Tham mưu, đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh việc áp dụng thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của cơ chế một cửa tại các cơ quan, đơn vị; huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ thực hiện cơ chế một cửa cho cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa từ tỉnh đến cơ sở.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang:
Tăng cường tuyên truyền về cải cách hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kịp thời phản ánh về: tiến độ triển khai và kết quả thực hiện chủ trương cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh; những điển hình làm tốt, chưa tốt và kết quả kiểm điểm, xử lý của các cơ quan có thẩm quyền đối với những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
7. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cải cách hành chính cho đoàn viên, hội viên tổ chức mình; vận động nhân dân tham gia giám sát thực hiện cải cách hành chính nhà nước.
Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và hàng năm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng gửi Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Sở Nội vụ - Thường trực Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |