cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 25/2007/QĐ-UBND ngày 23/11/2007 Sửa đổi Quy định thực hiện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, ban hành kèm theo Quyết định số 06/2007/QĐ-UBND ngày 23/3/2007 của UBND tỉnh Lai Châu (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 25/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Lai Châu
  • Ngày ban hành: 23-11-2007
  • Ngày có hiệu lực: 03-12-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-05-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 518 ngày (1 năm 5 tháng 3 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 04-05-2009
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 04-05-2009, Quyết định số 25/2007/QĐ-UBND ngày 23/11/2007 Sửa đổi Quy định thực hiện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, ban hành kèm theo Quyết định số 06/2007/QĐ-UBND ngày 23/3/2007 của UBND tỉnh Lai Châu (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 24/04/2009 Ban hành Quy định thực hiện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn tỉnh Lai Châu (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25 /2007/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 23 tháng 11 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V: SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY ĐỊNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU, BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 06/2007/QĐ-UBND NGÀY 23/3/2007 CỦA UBND TỈNH LAI CHÂU

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Lưuật tổ chức HĐND, UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 676/2006/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NN&PTNT ngày 08 tháng 8 năm 2006 của Liên Bộ Uỷ ban Dân tộc, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010;

Theo đề nghị của Ban Dân tộc tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Quy định thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, ban hành kèm theo Quyết định số 06/2007/QĐ-UBND ngày 23/3/2007 của UBND tỉnh Lai Châu:

1. Sửa đổi, bổ sung điểm 1.3 khoản 1 Điều 5 như sau:

“1.3. Quy hoạch xây dựng công trình cơ sở hạ tầng:

Các xã mới được bổ sung vào Chương trình 135 trong giai đoạn II phải có quy hoạch xây dựng trước khi triển khai các hoạt động xây dựng. Các xã chuyển tiếp vào diện đầu tư Chương trình phải được rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng phù hợp với quy hoạch sản xuất và bố trí dân cư ở xã, thôn bản. Các công trình hạ tầng phải tính toán đầu tư có hiệu quả, phục vụ cho nhiều hộ dân sống tập trung, không được đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ở nơi dân cư sống quá phân tán, nhỏ lẻ.

Giao cho UBND các huyện, thị xã lập quy hoạch tổng thể về cơ sở hạ tầng đối với tất cả các xã, bản thuộc Chương trình 135 giai đoạn II và chịu trách nhiệm tổ chức phê duyệt quy hoạch. Sau khi phê duyệt quy hoạch yêu cầu các huyện gửi hồ sơ về UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc để tổng hợp theo dõi (hồ sơ gửi về bao gồm quyết định phê duyệt quy hoạch và danh mục công trình kèm theo).

Trong quá trình triển khai kế hoạch hàng năm nếu có những vấn đề không phù hợp so với quy hoạch, các đơn vị báo cáo UBND huyện xem xét, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, đồng thời báo cáo bằng văn bản về cơ quan Thường trực Chương trình 135 của tỉnh để tổng hợp, theo dõi. Kế hoạch thực hiện dự án phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 giai đoạn II của các huyện, thị phải thực hiện theo quy hoạch mới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt."

2. Sửa đổi, bổ sung tiết 1.4.1 điểm 1.4 khoản 1 Điều 5 như sau:

“1.4.1. Công trình giao thông từ xã đến thôn bản, liên thôn bản: Bao gồm các công trình cầu, cống, đường giao thông.

a) Công trình cầu: Chỉ đầu tư công trình cầu treo dân sinh trên các tuyến đường từ xã đến thôn bản hoặc liên thôn bản, từ thôn bản đến khu vực sản xuất tập trung.

b) Đường giao thông: Chương trình 135 giai đoạn II đầu tư những công trình đường giao thông cho xe cơ giới (từ xe máy trở lên) từ trung tâm xã hoặc từ các điểm của trục giao thông chính của xã đến các thôn bản.

- Đối với công trình đường giao thông nông thôn, tuỳ theo tính chất và hiệu quả kinh tế của công trình, Chủ đầu tư quyết định đầu tư cho phù hợp. Nhưng tổng mức đầu tư cho một công trình đường giao thông nông thôn từ xã đến thôn bản hoặc liên thôn bản không quá 1 tỷ đồng. Chi phí khảo sát, thiết kế, lập dự toán thực hiện theo quy định hiện hành.

- Đối với công trình đường giao thông dân sinh nhằm phục vụ người đi bộ, ngựa thồ và xe máy đi lại có nền rộng từ 2m đến 2,5m, Nhà nước đầu tư mìn phá đá và phần chi phí nhân công kỹ thuật, công lao động trực tiếp với mức hỗ trợ 30 triệu/km (kể cả chi phí khảo sát, lập dự án, dự toán, hướng dẫn thi công). Giao cho Phòng Hạ tầng kinh tế huyện tiến hành khảo sát, trắc dọc tuyến, cắt ngang điển hình, tính toán khối lượng lập dự án, dự toán, hướng dẫn kiểm tra và chỉ đạo công tác thi công, nổ mìn phá đá. Chi phí khảo sát, thiết kế và lập dự toán bằng 3,5% tổng giá trị công trình.

UBND xã huy động nhân dân trong thôn bản có công trình hoặc có thể huy động thêm nhân công của các bản khác trong xã để tổ chức thi công."

3. Sửa đổi, bổ sung điểm 1.5 khoản 1 Điều 5 như sau:

“1.5. Phân bổ vốn hàng năm:

Từ kế hoạch năm 2008, định mức để các huyện, thị làm căn cứ phân bổ vốn theo xã có cấp độ khó khăn khác nhau như sau:

+ Xã được xếp vào loại I: Mức vốn được cấp tối thiểu không dưới 600 triệu đồng; tối đa không quá 700 triệu đồng/xã/năm.

+ Xã được xếp vào loại II: Mức vốn được cấp tối thiểu không dưới 800 triệu đồng; tối đa không quá 900 triệu đồng cho 1 xã/năm."

4. Sửa đổi, bổ sung điểm 2.1 khoản 2 Điều 5 như sau:

"2.1. Phân bổ vốn: Từ kế hoạch năm 2008, định mức để các huyện, thị làm căn cứ phân bổ vốn theo xã có cấp độ khó khăn khác nhau như sau:

+ Xã được xếp vào loại I: Mức vốn được cấp tối thiểu không dưới 150 triệu đồng; tối đa không quá 180 triệu đồng/xã/năm.

+ Xã được xếp vào loại II: Mức vốn được cấp tối thiểu không dưới 200 triệu đồng; tối đa không quá 220 triệu đồng /xã/năm.

2.2. Định mức hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 22/2007/QĐ-UBND ngày 18/10/2007 của UBND tỉnh Lai Châu V/v Ban hành quy định thực hiện dự án phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2006 - 2010."

5. Bổ sung điểm 1.6 khoản 1 Điều 5 như sau:

“1.6. Lựa chọn nhà thầu xây dựng:

a) Chỉ định thầu xây dựng: Khuyến khích hình thức đấu thầu đối với tất cả các hoạt động xây dựng. Các trường hợp sau đây được áp dụng hình thức chỉ định thầu: Gói thầu về dịch vụ tư vấn xây dựng có giá dưới 500 triệu đồng; gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp có giá dưới 1 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển; gói thầu mua sắm hàng hoá có giá dưới 100 triệu đồng thuộc dự án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên. Các trường hợp trên nếu thấy cần thiết thì tổ chức đấu thầu.

Quy trình thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo Lưuật đấu thầu năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành Lưuật đấu thầu.

b) Thông báo mời thầu: Đối với đấu thầu rộng rãi, phải thực hiện đăng tải thông báo mời thầu trên tờ báo (01 số) và truyền hình (03 lần liên tiếp) của địa phương.

Sau thời hạn 10 ngày kể từ ngày đăng tải đầu tiên thông báo mời nộp hồ sơ.

c) Gửi thư mời thầu: Đối với đấu thầu hạn chế. Thời gian gửi thư mời thầu đến khi phát hành hồ sơ mời thầu tối thiểu là 5 ngày đối với đấu thầu trong nước, 7 ngày đối với đấu thầu quốc tế".

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 5 như sau:

"3. Dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng:

Từ kế hoạch năm 2008, giao Ban Dân tộc là cơ quan thường trực Chương trình 135 giai đoạn II chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Dự án đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và tập huấn nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn bản, cộng đồng và được được phép hợp đồng với các ngành, các cơ sở đào tạo có đủ điều kiện mở lớp để thực hiện nhiệm vụ.

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng: Căn cứ Quyết định số 04/2007/QĐ-UBDT ngày 19/7/2007 của Uỷ ban Dân tộc về ban hành Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II để lựa chọn nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với thời gian, đối tượng đào tạo và nhu cầu của cơ sở."

Điều 2. Xử lý chuyển tiếp:

1. Các dự án đã được thực hiện trước ngày Quyết định này có hiệu lực thì không phải lập thủ tục phê duyệt lại dự án, về thủ tục thanh toán, quyết toán thực hiện theo các văn bản quy định tại thời điểm triển khai dự án.

2. Các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện thì phải lập lại thủ tục để thực hiện theo quy định tại Quyết định này.

3. Ngoài các nội dung được quy định tại Quyết định này, khi thực hiện các dự án thuộc Chương trình 135 giai đoạn II yêu cầu các đơn vị thực hiện theo các văn bản sau: Quyết định số 06/2007/QĐ-UBND ngày 23/3/2007; Quyết định số 22/2007/QĐ-UBND ngày 18/10/2007 của UBND tỉnh; Thông tư số 676/2006/TT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT ngày 08/8/2006 của Liên bộ; Thông tư số 01/2006/TT-BXD ngày 17/5/2006 của Bộ Xây dựng; Thông tư số 01/2007/TT-BNN ngày 15/01/2007, Thông tư số 79/2007/TT-BNN ngày 20/9/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các văn bản có liên quan khác.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đăng Đạo