Chỉ thị số 11/2007/CT-UBND ngày 30/03/2007 Triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2007 trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 11/2007/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Ngày ban hành: 30-03-2007
- Ngày có hiệu lực: 09-04-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-02-2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 664 ngày (1 năm 9 tháng 29 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-02-2009
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2007/CT-UBND | Vinh, ngày 30 tháng 3 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG NĂM 2007 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Năm 2006, tuy các cấp, các ngành và chủ rừng đã có nhiều cố gắng, nhưng việc khai thác, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép và cháy rừng vẫn xảy ra ở một số địa phương, gây thiệt hại đáng kể tài nguyên rừng, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống kinh tế và trật tự an toàn xã hội.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, hiện tượng Elnino đã hoạt động trở lại và đã gây ra khô hạn ở một số vùng của nước ta, trong đó có Nghệ An. Do đó, mùa khô năm nay trên địa bàn tỉnh ta nguy cơ xảy ra cháy rừng cao và rất khó lường.
Trước tình hình trên, để công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2007 trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các chủ rừng tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò; các xã, phường có rừng phải tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các ban, ngành, đơn vị liên quan và chủ rừng trên địa bàn chủ động thực hiện tốt các biện pháp quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ngay từ đầu năm để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ khai thác, chặt phá rừng trái phép và cháy rừng.
Các địa phương, đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2007. Đặc biệt là việc xây dựng phương án bảo vệ rừng; phương án tác chiến phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý; phương án phối hợp tác chiến vùng rừng giáp ranh giữa các huyện, các xã, đơn vị chủ rừng phải đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao. Nếu địa phương, đơn vị nào để rừng bị xâm hại cũng như cháy rừng xẩy ra, gây thiệt hại lớn tài nguyên rừng thì Chủ tịch UBND địa phương và Thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
2. Khẩn trương xây dựng lực lượng bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng từ cấp tỉnh đến cơ sở. Mỗi huyện, thành phố, thị xã; xã, phường có rừng và đơn vị chủ rừng đều phải thành lập Đội cơ động bảo vệ rừng, sẵn sàng xử lý mọi tình huống xảy ra. Riêng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng phải củng cố, duy trì các tổ đội quần chúng tham gia cứu chữa cháy rừng của các thôn bản, khối phố có rừng và tổ đội sản xuất của các đơn vị chủ rừng.
Tăng cường tập huấn, huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho tất cả các lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng. Chuẩn bị dụng cụ, phương tiện, hậu cần thiết yếu để đảm bảo thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ ngay tại cơ sở, sẵn sàng ứng phó khi có cháy rừng xảy ra. Các chủ rừng, chủ hộ phải tự trang bị các dụng cụ thủ công cần thiết để sử dụng khi có cháy rừng xảy ra.
3. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho cán bộ, nhân dân và các chủ rừng.
Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An, Đài truyền thanh truyền hình các huyện, thành, thị tăng cường thời lượng tuyên truyền, đưa tin hoạt động bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của các cấp; biểu dương các điển hình tiên tiến; phổ biến, quán triệt kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn để dự báo, cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn trong thời kỳ có nguy cơ xảy ra cháy rừng từ cấp III trở lên, giúp chính quyền các cấp, các ngành, các chủ rừng và nhân dân chủ động thực hiện có hiệu quả.
4. Các Công ty Lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, UBND các xã có rừng thông hoàn chỉnh hệ thống đường băng cản lửa, chòi canh lửa rừng, phát quang thực bì dưới tán rừng đối với các vùng rừng trọng điểm, rừng dễ xảy ra cháy, rừng đang khai thác nhựa. Đặc biệt phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các khu rừng đặc dụng, rừng văn hoá, di tích lịch sử và lâm viên. Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt thời gian cao điểm của mùa cháy rừng. Rà soát, chấn chỉnh công tác khoán bảo vệ, khoán khai thác nhựa thông trên tinh thần công khai dân chủ, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không để xảy ra tranh chấp, nhất là các địa phương, đơn vị, chủ rừng thường xuyên xảy ra cháy rừng thời gian qua.
5. Đối với các huyện miền núi có sản xuất nương rẫy phải tiến hành quy vùng và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đảm bảo cho nhân dân đốt rẫy an toàn không để cháy lan vào rừng. Nghiêm cấm việc sử dụng lửa đểử lý thực bì chuẩn bị đất trồng rừng trong mùa khô hanh.
6. Những địa phương có tình trạng xâm lấn rừng, đất rừng để ở, để sản xuất nông nghiệp trái phép thì phải kiên quyết xử lý, đình chỉ sản xuất, đồng thời có giải pháp đưa dân ra khỏi vùng rừng và tạo điều kiện ổn định đời sống, không để xảy ra tình trạng du canh, du cư.
7. Chi cục Kiểm lâm tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực tuần tra rừng, phát hiện các điểm nóng về khai thác, tập kết, mua bán, tàng trữ, chế biến lâm sản trái phép để có giải pháp xử lý dứt điểm, không để kéo dài. Đồng thời có trách nhiệm tham mưu cho chính quyền địa phương về các giải pháp giải quyết, xác định trách nhiệm của chủ rừng trong việc để rừng của mình bị xâm hại. Các ngành chức năng có kế hoạch phối hợp chặt chẽ, kịp thời với ngành Kiểm lâm để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng.
8. Các ngành, các cấp liên quan; các chủ rừng và đơn vị có quản lý rừng phải tổ chức trực ban, trực chỉ huy 24/24 giờ hàng ngày trong thời kỳ có dự báo nguy cơ xảy ra cháy rừng từ cấp III trở lên, để điều động lực lượng, phương tiện kịp thời xử lý mọi tình huống xảy ra.
Khi xảy ra cháy rừng thì Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp và chủ rừng phải trực tiếp huy động lực lượng, phương tiện, chỉ huy mọi lực lượng tại hiện trường để nhanh chóng dập tắt đám cháy. Lực lượng Công an chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương, ban ngành và đơn vị liên quan khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, thủ phạm gây ra cháy rừng, nhất là đối với địa bàn xảy ra cháy rừng do cố ý thì phải có giải pháp để phá án hiệu quả, nghiêm trị những kẻ cố tình huỷ hoại rừng.
9. Văn phòng thường trực Ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh có trách nhiệm theo dõi, cập nhật, tổng hợp tình hình, kịp thời báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh và Ban chỉ huy tỉnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả.
UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò; Các chủ rừng tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và chịu trách nhiệm về tình hình cháy rừng; khai thác, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán lâm sản, động vật hoang dã trái phép xảy ra ở địa phương, đơn vị mình. Trong quá trình triển khai thực hiện có gì vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Giao cho Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |