cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 15/2007/QĐ-UBND ngày 04/09/2007 Ban hành Chính sách hỗ trợ sản xuất Nông-Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên do Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 15/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Ngày ban hành: 04-09-2007
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1461 ngày (4 năm 1 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-01-2011
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-01-2011, Quyết định số 15/2007/QĐ-UBND ngày 04/09/2007 Ban hành Chính sách hỗ trợ sản xuất Nông-Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên do Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND ngày 30/07/2010 Ban hành Quy định về Chính sách hỗ trợ sản xuất Nông-Lâm nghiệp-Thủy sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên do Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 15/2007/QĐ-UBND

Điện Biên Phủ, ngày 04 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ SẢN XUẤT NÔNG - LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03 tháng 11 năm 2004;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2002;
Căn cứ Nghị quyết số: 96/2007/NQ-HĐND kỳ họp thứ 11, Khóa XII ngày 16 tháng 7 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc Chính sách hỗ trợ sản xuất Nông - Lâm nghiệp và sửa đổi bổ sung chính sách đầu tư hỗ trợ xây dựng kênh mương loại 3 trên địa bàn tỉnh Điện Biên;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về Chính sách hỗ trợ sản xuất Nông - Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2007 ký và thay thế Quyết định số: 18/2005/QĐ-UBND ngày 9/8/2005 của UBND tỉnh về việc Ban hành Chính sách hỗ trợ sản xuất Nông - Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Thủ trưởng các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lò Mai Trinh

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ SẢN XUẤT NÔNG - LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
(Kèm theo Quyết định số: 15/2007/QĐ-UBND ngày 04 tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh Điện Biên)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ sản xuất Nông - Lâm nghiệp và định mức giới hạn thực hiện chính sách hỗ trợ áp dụng trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Các nội dung khác không quy định tại quy định này, được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng:

Các đơn vị, tập thể, cá nhân tham gia sản xuất Nông - Lâm nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn vùng I, II, III theo quyết định của Uỷ Ban dân tộc và theo quy định hỗ trợ cụ thể tại quyết định này của UBND tỉnh.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. NỘI DUNG CHÍNH SÁCH

Điều 3. Chính sách hỗ trợ nông nghiệp

1. Hỗ trợ giống cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày:

a) Vùng I: Gồm các xã thuộc vùng I của huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ:

- Hỗ trợ 50% giá giống ngô lai, ngô kỹ thuật và đậu tương trên đất một vụ lúa, 2 vụ lúa.

- Hỗ trợ 30% giá giống ngô lai, ngô kỹ thuật và đậu tương trên đất nương rẫy, đất bãi.

- Hỗ trợ 30% giá giống lúa xác nhận, 25% giá giống lúa lai chất lượng.

b) Vùng II: Gồm các xã vùng I còn lại (trừ các xã thuộc vùng I huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ) và tất cả các xã thuộc vùng II của tỉnh.

- Hỗ trợ 40% giá giống lúa xác nhận, 50% giá giống lúa lai.

- Hỗ trợ 50% giá giống ngô lai, ngô kỹ thuật, đậu tương trên đất nương rẫy, đất bãi, hỗ trợ 80% trên đất ruộng 1 vụ lúa; 2 vụ lúa.

c) Vùng III: Gồm toàn bộ các xã vùng III của tỉnh.

- Hỗ trợ 100% giá giống các loại: lúa lai, lúa xác nhận (lúa nước, lúa chịu hạn) ngô lai, ngô kỹ thuật, đậu tương.

2. Hỗ trợ cây công nghiệp dài ngày và cây dược liệu, cây ăn quả:

a) Cây Cà phê:

- Hỗ trợ 50% giá giống trồng mới.

- Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay chăm sóc theo định mức 8 triệu đồng/ha/năm trong thời gian 3 năm (thời kỳ KTCB).

- Hỗ trợ 70% lãi suất tiền vay của cơ quan phát triển Pháp (AFD) cho đến khi kết thúc dự án.

b) Chè cây cao, Chè tuyết shan:

- Hỗ trợ 100% giá giống trồng mới.

- Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay chăm sóc theo định mức 8 triệu đồng/ha/năm trong thời gian 4 năm (thời kỳ KTCB).

c) Thảo quả: hỗ trợ 3 triệu/1 ha trồng mới.

d) Cây ăn quả: Hỗ trợ 50% giá giống trồng mới, theo quy hoạch được duyệt.

3. Hỗ trợ chăn nuôi:

a) Hỗ trợ cải tạo đàn bò địa phương: Chỉ được hỗ trợ khi tỷ lệ thụ thai đạt 70% trở lên so với kế hoạch cải tạo đàn bò được giao đối với từng vùng, từng dự án.

+ Vùng I:

- Hỗ trợ: 100% tinh bò, Ni tơ, cước vận chuyển.

- Hỗ trợ 50% công phối giống.

+ Vùng II:

- Hỗ trợ: 100% tinh bò, Ni tơ, cước vận chuyển.

- Hỗ trợ 70% công phối giống.

+ Vùng III:

- Hỗ trợ: 100% tinh bò, Ni tơ, cước vận chuyển và công phối giống.

b) Hỗ trợ phát triển đàn trâu: Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay để phát triển đàn trâu theo mô hình trang trại;

c) Hỗ trợ trồng cỏ phát triển chăn nuôi: Hỗ trợ 100% giá giống cỏ gieo trồng mới cho các trang trại chăn nuôi trâu, bò;

d) Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò: Hỗ trợ tập huấn cho nông dân, đào tạo dẫn tinh viên, theo quy định chế độ tài chính hiện hành cho cả 3 vùng I, II, III.

4. Hỗ trợ phát triển thủy sản

a) Hỗ trợ giá giống cho mô hình sản xuất nuôi cá, tôm càng xanh trong ruộng cấy lúa và mô hình nuôi cá trong hệ V.A.C các xã vùng I, II là 50%; vùng III là 100%;

b) Hỗ trợ 60% giá cá giống cho mô hình tiếp nhận công nghệ nuôi, sản xuất thủy sản mới;

c) Hỗ trợ tập huấn, hội thảo kỹ thuật cho nông dân.

5. Hỗ trợ bảo vệ thực vật

a) Hỗ trợ giá thuốc bảo vệ thực vật cho cây lương thực, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp cho cả 3 vùng I, II, III như sau:

- Hỗ trợ: 50% giá thuốc sâu, bệnh đối với vùng I khi có quyết định công bố dịch của UBND tỉnh;

- Hỗ trợ 70% giá thuốc sâu, bệnh cho vùng II và 100% cho vùng III đối với diện tích được xác định, có nguy cơ thiệt hại rộng khi có sự đồng ý, thống nhất của UBND huyện và Sở Nông nghiệp & PTNT (đối với cây lâm nghiệp được hỗ trợ 100% giá thuốc và xây dựng giá hỗ trợ vào dự toán trồng rừng).

b) Hỗ trợ huấn luyện bảo vệ thực vật cho nông dân theo quy định chế độ tài chính hiện hành.

6. Hỗ trợ thú y

a) Hỗ trợ 100% tiền vác xin cần thiết cho tiêm phòng gia súc trong địa bàn toàn tỉnh;

b) Hỗ trợ tiền công tiêm phòng gia súc vùng II, III là 2.000 đồng cho một mũi tiêm (Một liều vác xin) đối với trâu, bò và 1.000 đồng cho một mũi tiêm (Một liều vác xin) đối với lợn;

c) Kinh phí chống dịch (khi có công bố dịch theo quyết định của UBND tỉnh) sẽ có quyết định riêng. Mức hỗ trợ tiền công tiêm phòng, chống dịch LMLM được áp dụng cho cả 3 vùng I, II, III.

7. Hỗ trợ công tác khuyến nông: Trợ cấp của cán bộ khuyến nông xã được UBND tỉnh quyết định trong phương án kiện toàn tổ chức khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Điện Biên theo Nghị định 56/CP của Chính phủ.

Điều 4. Chính sách hỗ trợ sản xuất lâm nghiệp

1. Hỗ trợ trồng rừng sản xuất: Trong vùng đã quy hoạch (nguyên liệu giấy, ván nhân tạo, cây gỗ lớn, cây đặc sản).

Hỗ trợ 2,5 triệu đồng/1 ha khi nghiệm thu đạt tỷ lệ cây sống từ 80% trở lên (bao gồm: Hỗ trợ giá cây giống, công trồng, công chăm sóc trong 2 năm).

2. Chi phí quản lý: Thực hiện như Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng.

Mục 2. ĐỊNH MỨC VÀ GIỚI HẠN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH

Điều 5. Đối với cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày

1. Tỷ lệ diện tích sản xuất lúa ruộng toàn tỉnh được hỗ trợ giá giống không vượt quá 35% diện tích gieo trồng đối với vùng I, II; 20% diện tích gieo trồng đối với vùng III;

2. Tỷ lệ diện tích ngô toàn tỉnh được hỗ trợ giá giống: không quá 15% diện tích gieo trồng đối với ngô trồng nương rẫy, ngô bãi; 100% diện tích ngô trồng trên chân ruộng 1 vụ lúa, 2 vụ lúa theo kế hoạch của UBND tỉnh giao;

3. Tỷ lệ diện tích đậu tương được hỗ trợ giá giống trong toàn tỉnh: không quá 20% đối với diện tích gieo trồng trên đất bãi, nương rẫy; hỗ trợ 100% diện tích đối với đậu tương gieo trồng trên đất 1 vụ lúa, 2 vụ lúa theo kế hoạch của UBND tỉnh giao.

(Đối với vùng III: Số diện tích gieo trồng được hỗ trợ theo định mức trên do vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ. Phần diện tích còn lại cần hỗ trợ sử dụng nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2).

Điều 6. Đối với cây công nghiệp dài ngày và cây dược liệu, cây ăn quả

1. Cây Chè (KTCB): Diện tích hỗ trợ hàng năm cho trồng mới không quá 100 ha;

2. Cây cà phê (KTCB): Diện tích hỗ trợ hàng năm cho trồng mới không quá 100 ha;

3. Cây Thảo quả: Diện tích hỗ trợ trồng mới hàng năm không quá 50 ha.

4. Cây ăn quả: Diện tích hỗ trợ trồng mới hàng năm không quá 20 ha.

Điều 7. Đối với chăn nuôi trâu, bò

1. Hỗ trợ lãi suất tiền vay phát triển đàn trâu trong tỉnh cho những trang trại chăn nuôi: mỗi huyện, thị được hỗ trợ không quá 3 trang trại/năm (mỗi trang trại hỗ trợ không quá 5 con) trong 3 năm. Giao UBND các huyện, thị xét duyệt đối tượng được hỗ trợ;

2. Hỗ trợ thụ tinh nhân tạo để cải tạo đàn bò vàng địa phương 1.500 con/năm (vùng I: 1.000 con, vùng II: 300 con, vùng III: 200 con);

3. Hỗ trợ trồng cỏ chăn nuôi không quá 50 ha/năm;

4. Hỗ trợ tập huấn phát triển chăn nuôi cho nông dân theo quy định chế độ tài chính hiện hành.

Điều 8. Hỗ trợ phát triển thủy sản

1. Hỗ trợ giá thủy sản theo mô hình nuôi cá, tôm càng xanh trong ruộng cấy lúa mức hỗ trợ không quá 100 ha/năm;

2. Hỗ trợ giá giống cá mô hình nuôi cá trong hệ V.A.C, mức hỗ trợ không quá 5 ha/năm đối với vùng I, II không quá 5 ha đối với vùng III;

3. Hỗ trợ giá thủy sản theo mô hình tiếp nhận công nghệ nuôi mới, mức hỗ trợ không quá 1 ha/năm.

Điều 9. Hỗ trợ bảo vệ thực vật

1. Đối với thuốc bảo vệ thực vật: kinh phí dự phòng do ngân sách của tỉnh cân đối;

2. Huấn luyện về bảo vệ thực vật cho nông dân, thực hiện theo kế hoạch được duyệt.

Điều 10. Hỗ trợ thuốc thú y

Tiền vac xin tiêm phòng trong địa bàn toàn tỉnh gồm 5 loại chủ yếu sau:

1. Vac xin nhiệt thán: đạt 30% trên tổng đàn được tiêm 1 lần/ năm;

2. Vac xin tụ huyết trùng trâu, bò: đạt 80% tổng đàn được tiêm 2 lần/năm;

3. Vac xin tụ huyết trùng lợn: đạt 50% trên tổng đàn được tiêm 2 lần/năm;

4. Vac xin dịch tả lợn: Tỷ lệ tiêm đạt 70% trên tổng đàn;

5. Vac xin ung khí thán: Tiêm phòng chủ yếu ở 4 xã: Chà Nưa, Mường Mươn, Huổi Lèng, Si Pa Phìn huyện Mường Chà, mỗi năm 8.000 - 10.000 liều vac xin.

Điều 11. Sản xuất lâm nghiệp

Khối lượng kế hoạch thực hiện hàng năm thực hiện theo quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch của UBND tỉnh, trong đó:

1. Trồng rừng nguyên liệu giấy, ván nhân tạo thực hiện theo kế hoạch, tiến độ hàng năm của Dự án quy hoạch đã được phê duyệt;

2. Trồng rừng gỗ lớn, đặc sản bình quân từ 200 - 300 ha/năm;

3. Trường hợp triển khai trồng rừng nguyên liệu giấy, ván nhân tạo, trồng rừng gỗ lớn và cây đặc sản trên địa bàn chưa có quy hoạch thì thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Sở NN & PTNT có trách nhiệm hướng dẫn, ban hành quy trình kỹ thuật đối với các cây trồng nông nghiệp, cây công nghiệp, dược liệu, cây lâm nghiệp; quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng đối với vật nuôi, thuỷ sản; Hướng dẫn tuyển, giữ chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi đã nêu trong nội dung của chính sách; tổ chức và chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành triển khai thực hiện.

Điều 13. Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn việc lập kế hoạch, quản lý, cấp phát, thanh quyết toán nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và kiểm tra việc thực hiện chính sách này theo các quy định hiện hành.

Điều 14. UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các đơn vị, căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế của cơ sở để lập dự trù kinh phí hỗ trợ vào đầu quý IV hàng năm gửi các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt, giao kế hoạch vốn hỗ trợ hàng năm cho các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị thực hiện./.