cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 85/2007/QĐ-UBND ngày 18/07/2007 Về quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 85/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Ngày ban hành: 18-07-2007
  • Ngày có hiệu lực: 28-07-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 19-10-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 814 ngày (2 năm 2 tháng 24 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 19-10-2009
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 19-10-2009, Quyết định số 85/2007/QĐ-UBND ngày 18/07/2007 Về quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 95/2009/QĐ-UBND ngày 09/10/2009 Quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/2007/QĐ-UBND

Vinh, ngày 18 tháng 7 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ HỖ TRỢ CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 27/12/2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước; Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND;

Căn cứ Thông tư số 100/2006/TT-BTC ngày 23/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 633/TTr.STP ngày 29/6/2007; Ý kiến của Sở Tài chính tại Công văn số 1444/STC.HCVX ngày 10/7/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

1. Văn bản này quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

2. Các cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo, thẩm định dự thảo văn bản QPPL ngoài việc sử dụng nguồn kinh phí trong dự toán ngân sách thường xuyên hàng năm của đơn vị còn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để phục vụ cho hoạt động soạn thảo, thẩm định, trình ban hành dự thảo văn bản.

3. Kinh phí hỗ trợ được áp dụng đối với văn bản QPPL, bao gồm:

a) Nghị quyết là văn bản QPPL của HĐND các cấp do UBND cùng cấp chịu trách nhiệm soạn thảo;

b) Quyết định, Chỉ thị quy phạm pháp luật của UBND các cấp;

c) Chương trình xây dựng văn bản QPPL hàng năm của UBND các cấp.

Điều 2. Nguyên tắc hỗ trợ:

1. Kinh phí được cấp cho việc xây dựng và ban hành văn bản QPPL tại quyết định này chỉ mang tính chất hỗ trợ một phần cho nghiệp vụ chuyên môn.

2. Việc hỗ trợ kinh phí nêu tại Điều 1 quyết định này chỉ thực hiện đối với văn bản đã được cơ quan có thẩm quyền ký ban hành và chỉ được hỗ trợ một lần (trong trường hợp có nhiều văn bản quy định về cùng một nội dung (Nghị quyết, Quyết định) thì chỉ hỗ trợ cho 01 văn bản và được hỗ trợ ở mức cao nhất theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 quyết định này).

3. Kinh phí hỗ trợ xây dựng văn bản chỉ được sử dụng cho việc xây dựng và ban hành văn bản QPPL.

Điều 3. Mức kinh phí hỗ trợ cho công tác xây dựng văn bản QPPL do UBND cùng cấp quyết định tuỳ thuộc vào quy mô, tính chất quan trọng từng văn bản và khả năng ngân sách hàng năm.

Cơ quan Tư pháp phối hợp với cơ quan Tài chính tham mưu cho UBND cùng cấp quyết định việc phân bổ kinh phí đối với từng văn bản cụ thể.

Điều 4. Kinh phí hỗ trợ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được sử dụng để chi cho các nội dung sau:

1. Công tác lập chương trình xây dựng văn bản QPPL:

Chi tổ chức hội nghị, hội thảo nghiệp vụ, các cuộc họp xét duyệt chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND, chương trình xây dựng văn bản QPPL của UBND hàng năm.

2. Công tác soạn thảo, xây dựng các văn bản QPPL:

a) Chi điều tra, khảo sát, nghiên cứu thông tin tư liệu có liên quan đến nội dung dự thảo văn bản;

b) Chi xây dựng đề cương;

c) Chi trả thù lao cho những người tham gia nghiên cứu, soạn thảo dự thảo;

d) Chi tổ chức các cuộc họp, hội thảo trong quá trình soạn thảo; chỉnh lý và hoàn thiện văn bản;

e) Các chi phí cần thiết khác phục vụ trực tiếp hoạt động nghiên cứu, soạn thảo văn bản (nếu có).

3. Chi cho công tác thẩm định dự thảo văn bản QPPL.

4. Chi cho công tác lập hồ sơ trình ký dự thảo văn bản QPPL.

Điều 5. Mức chi cụ thể đối với văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành:

1. Đối với nghị quyết, quyết định soạn thảo mới hoặc thay thế và quyết định sửa đổi quyết định đã ban hành mà phạm vi điều chỉnh quyết định rộng, nội dung phức tạp phải sửa đổi nhiều: Mức chi tối đa không quá 5.000.000 đồng/01 văn bản, trong đó:

a) Chi tập hợp, hệ thống các chủ trương, chính sách, thông tin, tư liệu liên quan đến công tác xây dựng văn bản: chi theo thực tế.

b) Chi phí điều tra, khảo sát: mức chi thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí, làm thêm giờ.

c) Mức chi cho công tác nghiên cứu, soạn thảo đề cương tối đa không quá 300.000đ/01 văn bản.

d) Mức chi cho công tác dự thảo chi tiết văn bản tối đa không quá 500.000đ/01 văn bản.

e) Chi cho công tác hội thảo, tổ chức lấy ý kiến các ngành và chuyên gia về dự thảo văn bản (tối đa không quá 2 lần cho 1 văn bản).- Mức chi cho chủ trì cuộc họp: tối đa không quá 100.000đ/người/lần.

- Mức chi cho thành viên tham gia hoặc được lấy ý kiến tham gia bằng văn bản: tối đa không quá 50.000đ/người/lần.

g) Chi cho công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tối đa không quá 500.000đ/01 văn bản.

h) Chi cho công tác lập hồ sơ trình ký, phát hành văn bản quy phạm pháp luật tối đa không quá 500.000đ/01 văn bản.

k) Chi cho các khoản chi khác như làm thêm giờ, chi phí in ấn, văn phòng phẩm... thực hiện theo chế độ hiện hành.

2. Đối với nghị quyết, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều: Mức chi tối đa không quá 3.000.000 đồng/01 văn bản, trong đó:

a) Chi tập hợp, hệ thống các chủ trương, chính sách, thông tin, tư liệu liên quan đến văn bản: chi theo thực tế.

b) Chi phí điều tra, khảo sát: mức chi thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí, làm thêm giờ.

c) Mức chi cho công tác nghiên cứu, soạn thảo đề cương tối đa không quá 200.000đ/01 văn bản.

d) Mức chi cho công tác dự thảo chi tiết văn bản tối đa không quá 400.000đ/01 văn bản.

e) Chi cho công tác hội thảo, tổ chức lấy ý kiến các ngành và chuyên gia về dự thảo văn bản (tối đa không quá 2 lần cho 1 văn bản)

- Mức chi cho chủ trì cuộc họp: tối đa không quá 100.000đ/người/lần.

- Mức chi cho thành viên tham gia hoặc được lấy ý kiến tham gia bằng văn bản: tối đa không quá 50.000đ/người/lần.

g) Chi cho công tác thẩm định tối đa không quá 300.000đ /01 văn bản

h) Chi cho công tác lập hồ sơ trình ký, phát hành tối đa không quá 300.000đ/01 văn bản.

k) Chi cho các khoản chi khác như làm thêm giờ, chi phí in ấn, văn phòng phẩm... thực hiện theo chế độ hiện hành.

3. Đối với chỉ thị: mức chi tối đa không quá 1.500.000 đồng/ 01 văn bản, trong đó:

a) Mức chi cho công tác dự thảo chi tiết văn bản tối đa không quá 200.000đ/01 văn bản.

b) Chi cho công tác lấy ý kiến góp ý về dự thảo chỉ thị: tối đa không quá 500.000đ cho 01 văn bản, trong đó mức chi cho thành viên tham gia hoặc được lấy ý kiến tham gia bằng văn bản tối đa không quá 50.000đ/người.

c) Chi cho công tác thẩm định tối đa không quá 150.000đ/01 văn bản.

d) Chi cho công tác lập hồ sơ trình ký, phát hành tối đa không quá 150.000đ/01 văn bản

e) Chi cho các khoản chi khác như làm thêm giờ, chi phí in ấn, văn phòng phẩm... thực hiện theo chế độ hiện hành.

Điều 6. Mức chi cụ thể đối với văn bản do HĐND, UBND cấp huyện ban hành:

1. Đối với nghị quyết, quyết định soạn thảo mới hoặc thay thế: mức chi tối đa không quá 2.500.000 đồng/ 01 văn bản, trong đó:

a) Chi phí điều tra, khảo sát: mức chi thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí, làm thêm giờ.

b) Chi cho công tác nghiên cứu, soạn thảo đề cương tối đa không quá 100.000đ/01 văn bản.

c) Chi cho công tác dự thảo chi tiết văn bản tối đa không quá 300.000đ/01 văn bản.

d) Chi cho công tác hội thảo, tổ chức lấy ý kiến các ngành và chuyên gia về dự thảo văn bản (1 lần cho 1 văn bản).

- Mức chi cho chủ trì cuộc họp tối đa không quá 100.000đ/người/lần.

- Mức chi cho thành viên tham gia hoặc được lấy ý kiến tham gia bằng văn bản tối đa không quá 50.000đ/người/lần.

e) Chi cho công tác thẩm định tối đa không quá 200.000đ/01 văn bản.

g) Chi cho công tác lập hồ sơ trình ký, phát hành tối đa không quá 200.000đ/01 văn bản.

h) Chi cho các khoản chi khác như làm thêm giờ, chi phí in ấn, văn phòng phẩm... thực hiện theo chế độ hiện hành.

2. Đối với nghị quyết, quyết định sửa đổi một số điều: mức chi tối đa không quá 1.000.000 đồng/ 01 văn bản, trong đó:

a) Chi phí điều tra, khảo sát: mức chi thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí, làm thêm giờ.

b) Chi cho công tác nghiên cứu, soạn thảo đề cương tối đa không quá 100.000đ/01 văn bản.

c) Chi cho công tác dự thảo chi tiết văn bản tối đa không quá 200.000đ/01 văn bản.

d) Chi cho công tác hội thảo, tổ chức lấy ý kiến các ngành và chuyên gia về dự thảo văn bản (1 lần cho 1 văn bản).

- Mức chi cho chủ trì cuộc họp tối đa không quá 100.000đ/người/lần.

- Mức chi cho thành viên tham gia hoặc được lấy ý kiến tham gia bằng văn bản tối đa không quá 50.000đ/người/lần.

e) Chi cho công tác thẩm định tối đa không quá 100.000đ/01 văn bản.

g) Chi cho công tác lập hồ sơ trình ký, phát hành tối đa không quá 100.000đ/01 văn bản.

h) Chi cho các khoản chi khác như làm thêm giờ, chi phí in ấn, văn phòng phẩm... thực hiện theo chế độ hiện hành.

3. Đối với các chỉ thị: mức chi tối đa không quá 600.000 đồng/ 01 văn bản, trong đó:

a) Chi cho công tác dự thảo chi tiết văn bản tối đa không quá 100.000đ/01 văn bản.

b) Chi cho các ý kiến góp ý: 50.000đ/ý kiến nhưng tối đa không quá 300.000đ/01 văn bản.

c) Chi làm thêm giờ để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo tối đa không quá 100.000đ/01 văn bản.

d) Chi cho công tác thẩm định văn bản tối đa không quá 50.000đ/01 văn bản.

e) Chi cho công tác lập hồ sơ trình ký văn bản tối đa không quá 50.000đ/01 văn bản.

Điều 7. Mức chi cụ thể đối với văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp xã ban hành:

Mức chi tối đa không quá 500.000 đồng/ 01 văn bản, trong đó:

1. Chi cho công tác soạn thảo đề cương, dự thảo chi tiết văn bản: 100.000đ/01 văn bản.

2. Chi cho các ý kiến góp ý: 30.000đ/ý kiến nhưng tối đa không quá 150.000đ/01 văn bản.

3. Các khoản chi khác như làm thêm giờ, in ấn tài liệu, niêm yết văn bản.

Điều 8. Lập dự toán kinh phí hỗ trợ công tác xây dựng văn bản:

1. Hàng năm, căn cứ vào dự kiến Chương trình xây dựng nghị quyết, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan Tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan Tài chính, Văn phòng UBND cùng cấp lập dự toán kinh phí hỗ trợ xây dựng văn bản để tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm trình HĐND cùng cấp phê duyệt; Thời hạn gửi dự toán kinh phí trước ngày 30/9 hàng năm.

2. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật đã được HĐND, UBND ban hành ngoài chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo phải kịp thời thông báo đến cơ quan Tài chính, cơ quan Tư pháp cùng cấp để tổng hợp, trình UBND cùng cấp bổ sung kinh phí. Việc cấp bổ sung kinh phí thực hiện sau tháng 9 hàng năm.

3. UBND cấp xã lập dự toán ngân sách chi cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của cấp mình trình HĐND cùng cấp phê duyệt.

Điều 9. Cấp phát và thanh toán kinh phí:

1. Trên cơ sở dự toán kinh phí hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được duyệt trong dự toán ngân sách hàng năm, cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước thực hiện việc cấp phát nguồn kinh phí hỗ trợ cho cơ quan lập dự toán.

2. Hàng tháng, các cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo văn bản lập hồ sơ thanh toán đối với các văn bản đã được ban hành trong tháng để gửi và đề nghị cơ quan lập dự toán thanh toán kinh phí hỗ trợ; Hồ sơ đề nghị thanh toán bao gồm: Phiếu đề nghị thanh toán kinh phí hỗ trợ; Bản sao văn bản đã được ký ban hành và các chứng từ liên quan.

3. Cơ quan chịu trách nhiệm làm thủ tục thanh, quyết toán:

a) Sở Tư pháp chịu trách nhiệm thanh toán kinh phí hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị theo mức kinh phí từng văn bản đã được UBND tỉnh phê duyệt;

b) Phòng Tư pháp cấp huyện chủ trì, phối hợp với Văn phòng HĐND và UBND, Phòng Tài chính Kế hoạch huyện làm thủ tục thanh toán cho các đơn vị thụ hưởng theo mức đã được UBND cấp huyện phê duyệt;

c) UBND cấp xã chịu trách nhiệm thanh toán kinh phí hỗ trợ xây dựng văn bản theo mức dự toán đã được phê duyệt.

Điều 10. Quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng văn bản:

1. Việc quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải tuân theo đúng các quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước; Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP và Thông tư số 79/2003/TT-BTC ngày 13/8/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước và các văn bản khác có liên quan.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân công chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm sử dụng kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, đúng nội dung, đúng chế độ chi tiêu tài chính hiện hành. Nếu sử dụng sai mục đích, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 77/2005/QĐ-UBND ngày 05/9/2005 của UBND tỉnh về quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ công tác nghiên cứu, soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hành