Quyết định số 10/2007/QĐ-NHNN ngày 02/03/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của cục phát hành và kho quỹ (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 10/2007/QĐ-NHNN
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Ngày ban hành: 02-03-2007
- Ngày có hiệu lực: 25-03-2007
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 11-08-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 02-06-2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 800 ngày (2 năm 2 tháng 10 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 02-06-2009
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2007/QĐ-NHNN | Hà Nội , ngày 02 tháng 03 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CỤC PHÁT HÀNH VÀ KHO QUỸ
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12/12/1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 10/2003/QH11 ngày 17/06/2003;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 52/2003/NĐ-CP ngày 19/05/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế Tổ chức và hoạt động của Cục Phát hành và Kho quỹ".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các Quyết định số 1536/2004/QĐ-NHNN ngày 02/12/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Cục Phát hành và Kho quỹ, Quyết định số 12/2006/QĐ-NHNN ngày 22/03/2006 về việc sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của Cục Phát hành và Kho quỹ và Quyết định số 1656/QĐ-NHNN ngày 17/11/2005 về việc thành lập Bộ phận Phòng, chống tiền giả thuộc Cục Phát hành và Kho quỹ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hết hiệu lực thi hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CỤC PHÁT HÀNH VÀ KHO QUỸ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-NHNN ngày 02/03/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)
Chương 1:
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1. Cục Phát hành và Kho quỹ là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước, giúp Thống đốc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng Ngân hàng Trung ương trong lĩnh vực phát hành và kho quỹ.
Điều 2. Cục Phát hành và Kho quỹ có tài khoản và con dấu riêng và được cấp kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Điều hành Cục Phát hành và Kho quỹ là Cục trưởng, giúp việc Cục trưởng có một số Phó Cục trưởng; Cục trưởng và Phó Cục trưởng do Thống đốc bổ nhiệm. Tổ chức và hoạt động của Cục thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ và chế độ thủ trưởng.
Chương 2:
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CỤC PHÁT HÀNH VÀ KHO QUỸ
Điều 4. Cục Phát hành và Kho quỹ có các nhiệm vụ, quyền hạn dưới đây:
1. Xây dựng, trình Thống đốc các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của Cục.
2. Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực tổ chức in, đúc, bảo quản, vận chuyển tiền, nghiệp vụ phát hành, thu hồi, thay thế và tiêu huỷ tiền; ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn thuộc chuyên ngành quản lý theo thẩm quyền.
3. Theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện các văn bản có liên quan, yêu cầu các đơn vị liên quan cung cấp tài liệu, số liệu, thông tin cần thiết để thực thi nhiệm vụ của mình.
4. Xây dựng, trình Thống đốc dự án, đề án in, đúc các loại tiền mới chưa công bố lưu hành để bổ sung, thay thế tiền trong lưu thông.
5. Tham mưu, giúp Thống đốc thẩm định các mẫu tiền và các loại giấy tờ có giá do Ngân hàng Nhà nước dự kiến phát hành.
6. Xây dựng, trình Thống đốc kế hoạch hàng năm và dài hạn về in, đúc tiền, tiền lưu niệm; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện sau khi được Thống đốc phê duyệt.
7. Nghiên cứu, đề xuất để Thống đốc trình Thủ tướng Chính phủ về:
a) Cơ cấu, mệnh giá các loại tiền mới phát hành;
b) Thời điểm công bố phát hành tiền, hình thức phát hành tiền, thu hồi, thay thế các loại tiền đình chỉ lưu hành.
8. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng chủ trương của Nhà nước lưu hành tiền mới, thu hồi tiền đình chỉ lưu hành.
9. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân sử dụng, bảo vệ đồng tiền của Việt Nam.
10. Bảo quản an toàn các loại tiền chưa công bố lưu hành, tiền đang lưu hành (kể cả tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông), tiền mẫu, tiền lưu niệm, tiền đình chỉ lưu hành, vàng bạc, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ, các loại tài sản quý và giấy tờ có giá đang được lưu giữ tại các Kho tiền Trung ương thuộc phạm vi quản lý và bảo quản của Ngân hàng Nhà nước.
11. Tổ chức điều hoà lưu thông tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt của nền kinh tế.
12. Tổ chức bán tiền mẫu, tiền lưu niệm, tiền đình chỉ lưu hành theo quy định của Thống đốc.
13. Xây dựng kế hoạch tiêu huỷ các loại tiền rách nát, hư hỏng, không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành, tiền giả, tiền bị huỷ hoại trình Thống đốc duyệt và phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện .
14. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an bảo vệ Kho tiền Trung ương; tổ chức tiếp nhận, vận chuyển an toàn, bí mật tiền, tài sản quý và giấy tờ có giá từ các nhà máy in đúc tiền, sân bay, bến cảng, nhà ga về các kho tiền thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước và ngược lại; giữa các kho tiền thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước.
15. Phối hợp với các ngành có liên quan phát hiện xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật các hành vi làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua bán tiền giả; huỷ hoại đồng tiền hoặc từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành.
16. Tổ chức giám định tiền giả, tiền nghi giả theo quy định của pháp luật.
17. Xây dựng, trình Thống đốc kế hoạch đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các Kho tiền Trung ương; phối hợp với Vụ Kế toán - Tài chính và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện sau khi được Thống đốc phê duyệt
Phối hợp với Vụ Kế toán - Tài chính thẩm định về kỹ thuật xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp kho tiền của Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
18. Thực hiện việc xuất, nhập, ghi chép sổ sách kế toán, thống kê các loại tiền mặt, vàng bạc, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ và các loại tài sản khác bảo quản tại các Kho tiền Trung ương.
19. Lập kế hoạch tài chính về in, đúc tiền, tiêu huỷ tiền, chi phí quản lý phát hành và chi phí khác liên quan đến hoạt động của Cục Phát hành và Kho quỹ và tổ chức thực hiện khi được Thống đốc phê duyệt.
20. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực xiuất, nhập khẩu hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật.
21. Quản lý tài chính, tài sản và các nguồn lực khác được giao theo quy định của pháp luật.
22. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thống đốc giao.
Chương 3:
Điều 5. Cơ cấu tổ chức của Cục Phát hành và Kho quỹ bao gồm:
1. Các phòng và tương đương:
- Phòng Tổng hợp;
- Phòng Nghiệp vụ phát hành;
- Phòng Kế toán - Tài vụ;
- Phòng Quản lý kho quỹ;
- Kho tiền Trung ương tại Hà Nội (Kho tiền I);
- Đội xe;
- Bộ phận Tiêu huỷ tiền;
Kho tiền I con dấu riêng để giao dịch.
Nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của các đơn vị trên do Cục trưởng quy định.
2. Đơn vị trực thuộc: Chi cục Phát hành và Kho quỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Chi cục Phát hành và Kho quỹ);
Chi cục Phát hành và Kho quỹ có tài khoản và con dấu riêng để giao dịch.
Cơ cấu tổ chức của Chi cục Phát hành và Kho quỹ gồm:
- Phòng Hành chính;
- Phòng Kế toán - Tài vụ;
- Kho tiền Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh (Kho tiền II);
- Bộ phận Tiêu huỷ tiền.
Điều hành Chi cục là Chi cục trưởng kiêm Trưởng kho tiền; giúp việc Chi cục trưởng có một số Phó Chi cục trưởng; Chi cục trưởng và Phó Chi cục trưởng do Thống đốc bổ nhiệm. Nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Chi cục do Cục trưởng quy định.
Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của Cục trưởng
1. Tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều 4 Quy chế này; chịu trách nhiệm trước Thống đốc và pháp luật về mọi mặt hoạt động của Cục.
2. Quyết định chương trình, kế hoạch công tác của Cục và áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
3. Thực hiện việc quản lý, sử dụng cán bộ, công chức theo phân cấp, uỷ quyền của Thống đốc.
4. Thừa lệnh Thống đốc ký các văn bản hành chính theo thẩm quyền.
5. Được ký, đóng dấu của Cục trên các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cục.
6. Được ký các hợp đồng in, đúc tiền, hợp đồng sản xuất và tiêu thụ tiền lưu niệm của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 7. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Cục trưởng
1. Giúp Cục trưởng tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cục; trực tiếp chỉ đạo, điều hành một số mặt công tác theo phân công của Cục trưởng và chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về các nhiệm vụ được giao.
2. Được ký thay Cục trưởng trên các văn bản hành chính và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Cục theo sự phân công của Cục trưởng.
3. Khi Cục trưởng vắng mặt, một Phó Cục trưởng được uỷ quyền điều hành, giải quyết các công việc của Cục và chịu trách nhiệm về những việc đã giải quyết và phải báo cáo lại khi Cục trưởng có mặt.
4. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng giao./.