Quyết định số 13/2007/QĐ-UBND ngày 14/02/2007 Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển các Cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2001-2010, xét đến 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 13/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Ngày ban hành: 14-02-2007
- Ngày có hiệu lực: 24-02-2007
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 30-05-2009
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-08-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1988 ngày (5 năm 5 tháng 13 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 04-08-2012
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2007/QĐ-UBND | Vũng Tàu, ngày 14 tháng 02 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2001- 2010, XÉT ĐẾN 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 73/2006/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo các vùng lãnh thổ đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020;
Căn cứ Quyết định số 15/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2006-2015, định hướng đến năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại Tờ trình số 28 /TTr-SCN ngày 12 tháng 01 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển các Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2001- 2010, xét đến 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu phát triển:
- Phát triển Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện từ nông nghiệp sang công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn.
- Thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất tập trung, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương.
- Giúp cho các địa phương chuẩn xác các điều kiện phát triển để phân kỳ kêu gọi đầu tư một cách hợp lý nhằm phát huy hiệu quả cao nhất trong việc huy động và sử dụng nguồn vốn trong việc phát triển công nghiệp trên địa bàn cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn các huyện theo hướng tăng dần tỉ trọng kinh tế công nghiệp. Thu hút và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp; góp phần làm tăng thu nhập bình quân đầu người đạt chỉ tiêu Đại hội IV tỉnh Đảng bộ.
- Đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân :
+ Giai đoạn 2006 - 2010: tăng 12,47% - 14,15/năm; trừ dầu khí tăng 20,7% - 23,45%/năm. Trong đó công nghiệp địa phương tăng 18,2%/năm.
+ Giai đoạn 2011 - 2020: tăng 9,6%/năm; Trừ dầu khí tăng 24,44%/năm. Trong đó công nghiệp địa phương tăng 25%/năm.
2. Phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:
a) Công nghiệp chế biến hải sản:
- Tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến hải sản theo hướng đa dạng hóa sản phẩm với chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước; xây dựng mới hoặc bổ sung các dây chuyền chế biến đồ hộp và một số loại thực phẩm đặc biệt, tiện dụng nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước đang gia tăng.
- Đầu tư đổi mới công nghệ chế biến, hợp chuẩn hóa các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, về môi trường để gia nhập các thị trường như EU, Mỹ, Nhật…
- Hình thành các khu vực chế biến thủy hải sản tập trung trong các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm bảo vệ môi trường, giảm thiểu chi phí xử lý ô nhiễm, thu hút các cơ sở gây ô nhiễm tự nguyện di dời vào các khu vực chế biến tập trung.
b) Công nghiệp chế biến nông - lâm - sản:
- Tập trung chế biến một số mặt hàng chủ yếu như: tinh bột mì, bắp, cà phê, hạt điều, tiêu, mủ cao su, trái cây và chế biến gỗ nguyên liệu.
- Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất các mặt hàng phù hợp với nhu cầu thị trường xuất khẩu; giảm dần các sản phẩm sơ chế, tăng dần các sản phẩm có giá trị gia tăng. Nghiên cứu phát triển vùng cây ăn quả để có thể xây dựng nhà máy chế biến nước uống trái cây hoặc đóng hộp.
c) Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng:
- Tận dụng lợi thế khí đốt, phát triển sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp xuất khẩu như sứ vệ sinh, gạch men, đá mỹ nghệ, sản phẩm trang trí nội ngoại thất bằng gốm, sứ hoặc vật liệu hỗn hợp...
- Phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng chủ yếu phục vụ chính cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh; ổn định quy mô khai thác, bảo đảm nhu cầu trong tỉnh và phát triển bền vững.
d) Ngành cơ khí và gia công kim loại:
- Phát triển công nghiệp cơ khí và gia công kim loại nhằm phục vụ cho công nghiệp khai thác dầu khí và công nghiệp đóng sửa tàu.
- Đầu tư có chọn lọc các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm có chất lượng để có thể thay thế một phần sản phẩm nhập ngoại; Sản xuất các cấu kiện kim loại phục vụ dầu khí như các loại ống thép chế tạo giàn khoan, ống dẫn dầu và khí, sản xuất các chi tiết và phụ kiện phục vụ cho đóng tàu và sửa chữa tàu dịch vụ dầu khí, tàu cá.
e) Ngành may mặc, giày da:
- Trong giai đoạn 2006 - 2010 chú trọng phát triển ngành may mặc giày da nhằm tăng giá trị hàng xuất khẩu và giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn.
- Tạo bước chuyển dịch cơ bản về cơ cấu sản phẩm, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm xuất khẩu, mạnh dạn chuyển đổi phương thức mua nguyên liệu bán thành phẩm, giảm dần hình thức gia công cho nước ngoài. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2006 - 2010 trên 15%/năm.
f) Ngành đóng sửa tàu thuyền:
Ngành đóng sửa tàu được xem là ngành quan trọng của địa phương có lợi thế về biển, cần hỗ trợ tạo điều kiện phát triển để phục vụ cho ngành khai thác thủy sản và chế biến hải sản.
Hướng phát triển là đóng mới tàu có trọng tải lớn để phục vụ cho đánh bắt xa bờ. Đầu tư mở rộng và xây dựng mới các cơ sở công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuyền, sửa chữa giàn khoan, sửa chữa tàu sắt...
g) Ngành sản xuất thiết bị điện - điện tử:
Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án vào ngành sản xuất thiết bị và linh kiện điện - điện tử nhằm phục vụ nhu cầu hàng hóa xuất khẩu. Xây dựng các sản phẩm chủ lực thuộc ngành công nghiệp địa phương trong lĩnh vực này.
h) Ngành công nghiệp phụ trợ:
Khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước tham gia vào các ngành công nghiệp phụ trợ hiện đại, cạnh tranh năng động trong các lĩnh vực như sản xuất các linh phụ kiện máy móc, cơ khí, các thiết bị viễn thông, linh kiện điện, điện tử, phụ liệu may mặc, các sản phẩm nhựa và cung cấp dịch vụ kiểm tra, đóng gói bao bì...
Phát huy lợi thế của địa phương về dầu khí và cảng biển, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất các thiết bị phục vụ cho dịch vụ hậu cần khai thác dầu khí và ngành công nghiệp đóng tàu.
3. Phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
a) Giai đoạn 2006 - 2010:
Trong giai đoạn 2006 - 2010, đầu tư kết cấu hạ tầng 25 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích 1.141,15 ha, vốn đầu tư hạ tầng 1.600 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư sản xuất khoảng 22.000 tỷ đồng. Giải quyết lao động có việc làm 44.000 người. Phân theo các địa phương như sau:
Huyện Tân Thành
Phát triển 07 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tổng diện tích 239,25 ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng dự kiến 320 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào dự án sản xuất 4.000 tỉ đồng. Giải quyết việc làm 10.000 lao động.
Huyện Châu Đức
Phát triển 4 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, với tổng quy mô 305 ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng dự kiến 450 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư dự án sản xuất 6.000 tỉ đồng. Giải quyết việc làm 12.000 lao động.
Thị xã Bà Rịa
Phát triển 5 cụm, với tổng diện tích 155 ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng dự kiến 250 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư dự án sản xuất 3.000 tỉ đồng. Giải quyết việc làm 7.000 lao động.
Huyện Long Điền
Phát triển 04 Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với quy mô 241,9 ha, vốn đầu tư hạ tầng dự kiến 310 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư dự án sản xuất 5.000 tỷ đồng. Giải quyết 8.000 lao động có việc làm.
Huyện Xuyên Mộc
Trong giai đoạn 2006 - 2010 đầu tư 02 cụm công nghiệp với quy mô 50 ha, vốn đầu tư dự kiến 70 tỷ đồng. Giải quyết 2.000 lao động có việc làm. Dự kiến thu hút vốn đầu tư sản xuất 1.000 tỷ đồng.
Huyện Đất Đỏ
Trong giai đoạn 2006 - 2010 đầu tư 02 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tổng diện tích 110 ha, tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng. Giải quyết 4.000 lao động có việc làm. Dự kiến thu hút vốn đầu tư sản xuất 2.000 tỷ đồng.
Thành phố Vũng Tàu
Đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Phước Thắng, với qui mô 40 ha, vốn đầu tư dự kiến 50 tỷ đồng, dự kiến di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm trên địa bàn thành phố Vũng Tàu, tập trung chủ yếu các cơ sở sản xuất như: gia công cơ khí, hóa chất, sản xuất nước đá.
b) Giai đoạn 2011 - 2020:
Sau năm 2010, dự kiến đầu tư phát triển 18 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và mở rộng 02 cụm tổng diện tích khoảng 1.068,7 ha, vốn đầu tư dự kiến 1.560 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư ước 20.000 tỉ đồng. Giải quyết lao động có việc làm 40.000 người.
4. Một số giải pháp chung về thực hiện quy hoạch:
Thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp:
- Giải pháp về tài chính: huy động vốn của các thành phần kinh tế; vốn ngân sách chỉ đầu tư các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để di dời các cơ sở ô nhiễm và các làng nghề truyền thống, đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào cụm công nghiệp và các chi phí ưu đãi; thực hiện đơn giản hóa các thủ tục cho vay trung hạn và dài hạn đối với các ngành nghề cần khuyến khích phát triển. Điều chỉnh về mức vốn và thời hạn cho vay phù hợp với đối tượng và chu kỳ sản xuất ra sản phẩm; Việc vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị máy móc, đầu tư xử lý môi trường phải được ưu tiên hàng đầu trong chính sách vay vốn.
- Giải pháp về lao động: thực hiện kế hoạch đào tạo lao động cung ứng cho các cụm công nghiệp có nhu cầu sử dụng lớn, nhất là các lĩnh vực chế biến hải sản, nông sản, may mặc, giày da, sản xuất linh kiện điện tử, các ngành nghề cơ khí; Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình đào tạo; chú trọng đào tạo tay nghề cho lao động phổ thông để đáp ứng nhu cầu lao động phục vụ cho cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; có chính sách hỗ trợ đào tạo lao động đối với các doanh nghiệp đầu tư mới, sử dụng lao động tại chỗ nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Giải pháp về thị trường: thực hiện chương trình đẩy mạnh xúc tiến thương mại trọng điểm của tỉnh; xác lập mối liên kết giữa sản xuất và phân phối, giữa nông dân và doanh nhân trong việc cung ứng vật tư, hàng tiêu dùng và tiêu thụ nông sản hàng hóa; đối với thị trường nước ngoài tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu vào thị trường Châu Âu - Mỹ, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Nâng cao giá trị gia tăng bằng cách đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ chế biến các mặt hàng nông - hải sản, may mặc, giày da... Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tiếp thị, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hội chợ - triển lãm ngoài nước; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ, hội thảo để mở rộng thị trường.
- Giải pháp bảo vệ môi trường: thực hiện di dời các cơ sở sản xuất riêng lẻ, gây ô nhiễm vào các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Thực hiện xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung cho cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và trong từng nhà máy đầu tư sản xuất theo quy định của Luật bảo vệ môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng tham gia đầu tư hệ thống xử lý nước thải có thu phí.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Để tổ chức triển khai quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh giao trách nhiệm như sau:
- Sở Công nghiệp có trách nhiệm: triển khai nội dung điều chỉnh quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương giai đoạn 2001 - 2010, xét đến 2020. Tổ chức công bố danh mục các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2006 - 2010 và sau 2010. Thực hiện các nhiệm vụ theo dõi tiến độ đầu tư của các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Thực hiện công tác hỗ trợ doanh nghiệp về đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, về rà phá bom mìn và hệ thống xử lý nước thải chung cho cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Theo dõi và báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, kịp thời đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp để đảm bảo phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại các địa phương.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: trên cơ sở định hướng phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch này, tiến hành cụ thể hóa và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp trên từng địa bàn huỵên, thị, thành phố; có trách nhiệm xây dựng kế hoạch để triển khai nội dung điều chỉnh quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương mình.
- Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện các công việc liên quan đến quy hoạch phát triển cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp với Sở Công nghiệp để xử lý các vấn đề liên quan theo đề xuất của Sở Công nghiệp.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |