cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 04/2006/CT-UBND ngày 25/05/2006 Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 04/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Ngày ban hành: 25-05-2006
  • Ngày có hiệu lực: 04-06-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-12-2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2378 ngày (6 năm 6 tháng 8 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 07-12-2012
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 07-12-2012, Chỉ thị số 04/2006/CT-UBND ngày 25/05/2006 Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 419/QĐ-UBND ngày 07/12/2012 Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh Tuyên Quang ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2006/CT-UBND

Tuyên Quang, ngày 25 tháng 5 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Thực hiện Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, trong những năm qua công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện từng bước được kiện toàn về tổ chức bộ máy và cơ sở vật chất; đội ngũ chấp hành viên, cán bộ thi hành án được tăng cường cả về số lượng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ; kết quả công tác thi hành án được nâng lên, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự còn có những hạn chế: Số vụ việc chưa có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ 39,8% (số tiền là 54,9%); trên 20% vụ việc có điều kiện thi hành nhưng còn tồn đọng; việc trực tiếp đôn đốc thi hành án của Uỷ ban nhân dân cấp xã đối với loại việc có số tiền, giá trị từ 500.000 đồng trở xuống hiệu quả còn thấp.

Nguyên nhân: Do việc rà soát, xác minh phân loại án của cơ quan thi hành án chưa triệt để; đội ngũ chấp hành viên còn thiếu, một số cán bộ làm công tác thi hành án dân sự trình độ chuyên môn còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm chưa cao; công tác kiểm tra, đôn đốc của cơ quan tư pháp chưa kịp thời; cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, huyện, thị xã chưa làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong việc tăng cường sự chỉ đạo về thi hành án dân sự; chính quyền một số nơi chưa nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của công tác thi hành án dân sự; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và các tổ chức, đoàn thể trong công tác thi hành án dân sự còn hạn chế.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn toàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Các Sở, ban, ngành; Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; các xã, phường, thị trấn; cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh, huyện, thị xã có trách nhiệm:

a) Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của tổ chức và công dân;

b) Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong công tác thi hành án dân sự;

c) Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong việc tổ chức thi hành án ở địa phương.

2. Sở Tư pháp có trách nhiệm:

a) Tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp biện pháp củng cố, kiện toàn đội ngũ chấp hành viên, cán bộ Thi hành án dân sự tỉnh, huyện, thị xã; bảo đảm Thi hành án dân sự tỉnh, huyện, thị xã mỗi cơ quan có từ 04 chấp hành viên trở lên; đến hết năm 2006 bổ nhiệm đủ Phó trưởng Thi hành án dân sự huyện, thị xã;

b) Trực tiếp rà soát, đánh giá đội ngũ chấp hành viên và cán bộ, công chức thi hành án; có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án, nâng cao tinh thần trách nhiệm của chấp hành viên, cán bộ, công chức; kiên quyết đưa ra khỏi cơ quan thi hành án dân sự những người vi phạm, không đủ trình độ, năng lực, phẩm chất;

c) Tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra về thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh; rà soát toàn bộ số đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác thi hành án dân sự còn tồn đọng để giải quyết dứt điểm trong năm 2006;

d) Chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự xây dựng kế hoạch thực hiện các đợt cao điểm về thi hành án dân sự; tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp về công tác thi hành án dân sự;

đ) Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án dân sự.

3. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã có trách nhiệm:

a) Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo thi hành án dân sự; kịp thời sửa đổi bổ sung quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự huyện, thị xã;

b) Chỉ đạo đẩy mạnh nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc; tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc phức tạp, người phải thi hành án cố tình trì hoãn, kéo dài, không chịu thi hành án;

4. Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:

a) Rà soát toàn bộ số vụ việc được chuyển giao để tổ chức thi hành 100% số vụ việc có điều kiện thi hành;

b) Phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể cùng cấp trong việc đôn đốc, giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành, phối hợp hỗ trợ cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật.

5. Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh, huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự các cấp trong việc tổ chức thi hành án dân sự; tập trung chỉ đạo giải quyết cơ bản số vụ việc có điều kiện thi hành còn tồn đọng, những vụ việc đương sự còn khiếu nại nhiều lần.

6. Thi hành án dân sự tỉnh, huyện, thị xã:

a) Tập trung rà soát, phân loại toàn bộ số vụ việc hiện có, xác định số vụ việc không có điều kiện thi hành, số vụ việc có điều kiện thi hành; số vụ việc trong diện xét miễn, giảm; số vụ việc hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành. Trên cơ sở kết quả phân loại, tổ chức thi hành 100% số việc có điều kiện thi hành, trong đó bảo đảm tỷ lệ giải quyết xong hoàn toàn hàng năm đạt từ 90% phần việc và 80% phần tiền trở lên trong số vụ việc có điều kiện thi hành;

b) Thực hiện tốt việc động viên, giáo dục, thuyết phục và hoà giải trong thi hành án dân sự. Đối với những vụ việc người phải thi hành án cố tình trốn tránh, trì hoãn, kéo dài, cơ quan Thi hành án dân sự lập đầy đủ hồ sơ tham mưu với Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cùng cấp chỉ đạo tổ chức cưỡng chế thi hành theo đúng quy định của pháp luật;

c) Chủ động phối hợp với Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện tốt việc miễn, giảm thi hành án khoản tiền phạt, án phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT ngày 17/6/2005 của Toà án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính; lập đầy đủ hồ sơ, trình Uỷ ban nhân dân cùng cấp hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án dân sự theo Quyết định số 136/2005/QĐ-TTg ngày 09/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

7. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, công an các huyện, thị xã có biện pháp tăng cường công tác bảo vệ để đảm bảo cho việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự đạt kết quả.

8. Đề nghị Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thường xuyên phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự.

9. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự cho đoàn viên, hội viên tổ chức mình; đồng thời phối hợp với các cơ quan thi hành án dân sự động viên, giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án.

10. Tổ chức thực hiện

- Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cùng cấp phổ biến Chỉ thị này đến cán bộ và nhân dân.

- Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh, huyện, thị xã có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Chỉ thị này.

- Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn dốc, kiểm tra việc thực hiện, định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp theo quy định./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Thị Quang