cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 3144/2006/QĐ-UBND ngày 23/11/2006 Quy chế về quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành

  • Số hiệu văn bản: 3144/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Hà Giang
  • Ngày ban hành: 23-11-2006
  • Ngày có hiệu lực: 03-12-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 29-03-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4499 ngày (12 năm 3 tháng 29 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 29-03-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 29-03-2019, Quyết định số 3144/2006/QĐ-UBND ngày 23/11/2006 Quy chế về quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 550/QĐ-UBND ngày 29/03/2019 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018 của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3144/2006/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 23 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ban hành ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 27/CP ngày 20/4/1995 của Chính phủ về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN);
Căn cứ Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
Căn cứ Nghị định số 64/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý VLNCN;
Căn cứ Thông tư số 23/2003/TT-BLĐTBXH ngày 03/11/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thủ tục đăng ký và kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
Căn cứ Thông tư số 02/2005/TT-BCN ngày 29/3/2005 của Bộ Công nghiệp hướng dẫn quản lý, sản xuất, kinh doanh cung ứng và sử dụng VLNCN;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp Hà Giang tại tờ trình số 49/TTr-SCN ngày 22/5/2006 v/v ban hành Quy chế về quản lý VLNCN trên địa bàn tỉnh Hà Giang (kèm theo văn bản thỏa thuận của Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Công an tỉnh Hà Giang);
Xét báo cáo số 37/BC-TP ngày 16/5/2006 của Sở Tư pháp thẩm định dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy chế về quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về quản lý VLNCN trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số: 35/UB-CT ngày 06 tháng 12 năm 1996 của UBND tỉnh Hà Giang v/v thực hiện quản lý, vận chuyển, bảo quản và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, Thủ trưởng các ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện/thị xã căn cứ Quyết định thi hành.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công nghiệp;
- TTr tỉnh Ủy;
- TTr HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, CV.

TM. UBND TỈNH HÀ GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Đình Châm

 

QUY CHẾ

VỀ QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3144/2006/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2006 của UBND tỉnh Hà Giang)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy chế này hướng dẫn việc quản lý, kinh doanh cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các tổ chức, cá nhân có hoạt động quản lý, kinh doanh cung ứng và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Chương 2.

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VLNCN

Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Công nghiệp.

Sở Công nghiệp là đầu mối giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với VLNCN gồm những nội dung sau:

1. Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện việc quản lý, kinh doanh cung ứng và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh Hà Giang, trình UBND tỉnh ban hành.

2. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm hành chính trong quản lý, kinh doanh cung ứng và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công nghiệp về tình hình quản lý kinh doanh cung ứng và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh theo quy định.

3. Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh tổ chức huấn luyện, kiểm tra, sát hạch về kỹ thuật an toàn và cấp giấy chứng nhận cho người lao động trước khi tiếp xúc với VLNCN; Thẩm định thiết kế cơ sở các dự án đầu tư kho chứa VLNCN thuộc nhóm B, C trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư.

4. Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy phép sử dụng VLNCN; phê duyệt thiết kế nổ mìn đối với các đơn vị khi nổ mìn trong khu vực dân cư, khu vực có các di tích lịch sử, văn hóa, các công trình an ninh, quốc phòng hoặc các công trình quan trọng khác của quốc gia nằm trong phạm vi ảnh hưởng do nổ mìn.

5. Thực hiện việc đăng ký giấy phép sử dụng VLNCN, kho tàng, thiết kế hoặc phương án nổ mìn, đăng ký vị trí nổ mìn đối với tất cả các đơn vị có hoạt động liên quan đến VLNCN trên địa bàn tỉnh.

6. Thu và quản lý phí thẩm định cấp giấy phép sử dụng VLNCN theo quy định hiện hành.

Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

1. Phối hợp với Sở Công nghiệp, Công an tỉnh và các ngành có liên quan kiểm tra, thanh tra định kỳ kỹ thuật an toàn, bảo hộ lao động đối với các đơn vị quản lý, kinh doanh cung ứng và sử dụng VLNCN trên địa bàn; Tổ chức huấn luyện, kiểm tra sát hạch và cấp thẻ an toàn cho người lao động trước khi tiếp xúc VLNCN.

2. Tham gia thẩm định thiết kế cơ sở kho VLNCN, kiểm tra và nghiệm thu kho VLNCN trước khi đưa vào sử dụng.

3. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký sử dụng VLNCN theo Thông tư số 23/2003/TT-LĐTBXH ngày 03/11/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho các đơn vị sử dụng VLNCN.

4. Tiến hành điều tra, xử lý theo thẩm quyền, đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong quản lý, kinh doanh cung ứng và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh.

Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Công an tỉnh

1. Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, giấy phép vận chuyển cho các đơn vị có đủ điều kiện theo quy định hiện hành.

2. Phối hợp với Sở Công nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành có liên quan kiểm tra, thanh tra định kỳ, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển VLNCN và các điều kiện phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự; Tổ chức huấn luyện, kiểm tra sát hạch và cấp giấy chứng nhận kết quả huấn luyện phòng cháy chữa cháy cho người lao động trước khi tiếp xúc VLNCN.

3. Tham gia thẩm định thiết kế cơ sở kho VLNCN; Phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy kho VLNCN, kiểm tra và nghiệm thu kho VLNCN trước khi đưa vào sử dụng.

4. Tiến hành điều tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về an ninh trật tự trong quản lý, kinh doanh cung ứng, bảo quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh.

Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng.

1. Thường xuyên hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện bảo vệ môi trường đối với các đơn vị sử dụng VLNCN trong hoạt động khoáng sản.

2. Phối hợp với Sở Công nghiệp thẩm định các dự án thăm dò, khai thác khoáng sản có sử dụng VLNCN.

Điều 7. Nhiệm vụ và quyền hạn của UBND các huyện/thị xã, UBND các xã/phường, thị trấn.

1. Phối hợp với Sở Công nghiệp và các cơ quan chức năng quản lý việc kinh doanh cung ứng và sử dụng VLNCN trên địa bàn và bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự nơi có các hoạt động liên quan đến VLNCN.

2. Tuyên truyền giáo dục việc thi hành pháp luật về VLNCN, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về VLNCN trên địa bàn.

Điều 8. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng Kinh tế các huyện/thị xã

1. Giúp UBND huyện/thị xã thực hiện nhiệm vụ quản lý VLNCN trên địa bàn.

2. Khi phát hiện các tổ chức, cá nhân trên địa bàn có các hành vi vi phạm pháp luật về VLNCN báo cáo kịp thời với UBND huyện/thị xã, Sở Công nghiệp, các cơ quan chức năng và tham mưu cho UBND huyện/thị xã xử phạt các hành vi vi phạm về VLNCN theo thẩm quyền.

Chương 3.

KINH DOANH CUNG ỨNG, VẬN CHUYỂN, BẢO QUẢN VÀ SỬ DỤNG VLNCN

Điều 9. Kinh doanh cung ứng VLNCN.

1. Các đơn vị có giấy phép kinh doanh cung ứng VLNCN trên địa bàn tỉnh trước khi hoạt động phải đăng ký với Sở Công nghiệp.

2. Đơn vị kinh doanh cung ứng VLNCN phải mua lại toàn bộ số lượng VLNCN của các đơn vị đã nhận cung ứng khi các đơn vị này sử dụng không hết hoặc giấy phép sử dụng VLNCN đã hết hạn, bị thu hồi mà VLNCN của các đơn vị đó chất lượng vẫn đảm bảo và còn thời hạn sử dụng.

Điều 10. Vận chuyển VLNCN.

Việc vận chuyển VLNCN phải được Công an tỉnh Hà Giang cho phép và phải tuân theo quy định tại TCVN 4586-1997 - Yêu cầu an toàn về bảo quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN.

Điều 11. Bảo quản VLNCN.

Các đơn vị được phép kinh doanh, vận chuyển, sử dụng VLNCN phải thực hiện việc bảo quản VLNCN theo quy định, giữ được chất lượng, thuận tiện cho việc xuất nhập VLNCN. Chỉ được bảo quản VLNCN trong các kho đã được Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh nghiệm thu cho phép hoạt động.

Điều 12. Sử dụng VLNCN.

1. Điều kiện để được sử dụng VLNCN:

1.1. Điều kiện về chủ thể:

a. Là tổ chức sử dụng VLNCN vào mục đích sản xuất, dịch vụ nổ mìn, đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học và thử nghiệm.

b. Có giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 08/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2001 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện và Thông tư số 02/2001/TT-BCA ngày 04 tháng 5 năm 2001 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định này.

1.2. Điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật:

Có kho bảo quản, thiết bị nổ mìn, phương tiện vận chuyển VLNCN thỏa mãn các quy định tại TCVN 4586-1997. Trường hợp đơn vị sử dụng không có kho, phương tiện vận chuyển, phải ký hợp đồng thuê các đơn vị đã được phép thực hiện nhiệm vụ này.

1.3. Điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ:

a. Lãnh đạo và người lao động của đơn vị sử dụng VLNCN và các công việc khác có liên quan tới VLNCN phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ tương xứng với chức trách đảm nhiệm.

b. Người chỉ huy nổ mìn do Thủ trưởng đơn vị sử dụng VLNCN ký quyết định bổ nhiệm, và phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

- Tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các ngành: Khai thác mỏ, hóa chất, sỹ quan công binh, vũ khí đạn, công nghệ thuốc phóng, thuốc nổ và có thâm niên công tác tại lĩnh vực có sử dụng hoặc liên quan tới VLNCN ít nhất hai năm đối với trình độ đại học, cao đẳng và ba năm đối với trình độ trung cấp kỹ thuật.

- Trường hợp tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các ngành kỹ thuật không liên quan đến VLNCN, muốn được bổ nhiệm là người chỉ huy nổ mìn phải có thâm niên công tác tại lĩnh vực có sử dụng hoặc liên quan tới VLNCN ít nhất ba năm đối với trình độ đại học, cao đẳng; bốn năm đối với  trình độ trung cấp kỹ thuật và được Sở Công nghiệp phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức huấn luyện, kiểm tra sát hạch về kỹ thuật an toàn và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để thực hiện các công việc có liên quan đến VLNCN.

- Đối với đơn vị kinh tế tập thể hoạt động theo luật Hợp tác xã, cho phép bổ nhiệm người chỉ huy nổ mìn là thợ mìn được đào tạo ở các trường dạy nghề, có chứng chỉ nghề thợ mìn và có thâm niên công tác nổ mìn ít nhất năm năm, được Sở Công nghiệp phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức huấn luyện, kiểm tra sát hạch về kỹ thuật an toàn và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để thực hiện các công việc có liên quan đến VLNCN.

c. Thợ mìn hoặc người lao động làm công việc có liên quan tới VLNCN như: vận chuyển, bốc xếp, điều khiển phương tiện vận chuyển, áp tải, bảo vệ, thủ kho, phục vụ thi công bãi mìn, ngoài việc được đào tạo và có chứng chỉ chuyên môn phù hợp, còn phải được Sở Công nghiệp phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức huấn luyện, kiểm tra sát hạch về kỹ thuật an toàn và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để thực hiện các công việc có liên quan đến VLNCN.

1.4. Điều kiện về sức khỏe:

Người lãnh đạo, người lao động của đơn vị sử dụng VLNCN phải có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành đối với từng ngành nghề cụ thể.

1.5. Điều kiện về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ.

a. Có phương án bảo vệ an ninh trật tự an toàn tuyệt đối.

b. Có phương án, phương tiện thiết bị đảm bảo phòng chống cháy nổ theo quy định.

c. Có biện pháp và phương tiện bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và các giải pháp công nghệ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

2. Trường hợp đơn vị có nhu cầu sử dụng VLNCN nhưng không tự thực hiện, nếu thỏa mãn các điều kiện quy định tại các khoản 3, 4 điều 15 của quy chế này được quyền ký kết hợp đồng thuê toàn bộ công việc nổ mìn với đơn vị có chức năng làm dịch vụ nổ mìn. Các đơn vị làm dịch vụ nổ mìn trên địa bàn tỉnh Hà Giang phải đăng ký Giấy phép sử dụng VLNCN tại Sở Công nghiệp và thực hiện đầy đủ các thủ tục về sử dụng VLNCN theo quy định tại chương IV của quy định này.

Điều 13. Quyền của đơn vị được phép sử dụng VLNCN.

1. Được mua VLNCN của đơn vị được phép kinh doanh VLNCN để thực hiện mục đích sử dụng của đơn vị.

2. Xin trả lại, xin cấp lại giấy phép sử dụng VLNCN.

3. Khiếu nại hoặc khởi kiện về quyết định thu hồi giấy phép sử dụng VLNCN hoặc quyết định xử lý khác của cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Nghĩa vụ của đơn vị được phép sử dụng VLNCN.

1. Nộp khoản lệ phí cấp giấy phép sử dụng VLNCN theo quy định hiện hành.

2. Đăng ký giấy phép sử dụng VLNCN, kho tàng, các thiết bị hoạt động liên quan đến VLNCN, thiết kế nổ mìn hoặc phương án nổ mìn với Sở Công nghiệp, Công an tỉnh và đăng ký VLNCN với Thanh tra Nhà nước về lao động - Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

3. Thỏa thuận các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, trật tự an toàn xã hội với Công an tỉnh nơi tiến hành nổ mìn.

4. Thông báo bằng văn bản với Thanh tra Nhà nước về lao động - Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Phòng Kinh tế huyện, Chính quyền và nhân dân địa phương nơi tiến hành nổ mìn về thời gian, địa điểm, quy mô nổ mìn, khoảng cách an toàn và các điều kiện an toàn khác trước khi nổ mìn.

5. Thực hiện nghiêm túc những nội dung đã đăng ký với Sở Công nghiệp, Công an tỉnh, Thanh tra Nhà nước về lao động - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

6. Lập báo cáo định kỳ 6 tháng và một năm gửi Sở công nghiệp theo mẫu quy định vào trước ngày 15 tháng 6 đối với báo cáo 6 tháng và trước ngày 15 tháng 12 đối với báo cáo năm.

Chương 4.

THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP SỬ DỤNG VLNCN

Điều 15. Hồ sơ xin cấp giấy phép sử dụng VLNCN.

1. Đơn xin cấp giấy phép sử dụng VLNCN do Thủ trưởng đơn vị ký.

2. Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự do Công an tỉnh cấp.

3. Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập đơn vị, đăng ký kinh doanh. Nếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, phải có giấy phép đầu tư.

4. Bản sao hợp lệ giấy phép hoạt động khoáng sản đối với các đơn vị hoạt động khoáng sản, Quyết định trúng thầu thi công công trình hoặc hợp đồng nhận thầu, giấy ủy quyền thực hiện hợp đồng thi công công trình. Trong các giấy tờ trên phải ghi rõ phần việc cần sử dụng VLNCN.

5. Thiết kế nổ mìn đối với các hoạt động thăm dò, khai thác quy mô công nghiệp; Phương án nổ mìn đối với các hoạt động khai thác tận thu khoáng sản, các hoạt động phục vụ mục đích sản xuất, đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học khác. Thiết kế hoặc phương án nổ mìn phải được lãnh đạo đơn vị duyệt.

Trường hợp nổ mìn trong khu vực dân cư, khu vực có các di tích lịch sử, văn hóa, các công trình an ninh, quốc phòng, hoặc các công trình quan trọng khác của Quốc gia nằm trong phạm vi ảnh hưởng do nổ mìn, thiết kế nổ mìn phải được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt.

6. Hồ sơ kho bảo quản, thiết bị nổ mìn, phương tiện vận chuyển VLNCN thỏa mãn các quy định tại TCVN 4586-1997.

7. Quyết định bổ nhiệm Người chỉ huy nổ mìn do Thủ trưởng đơn vị ký kèm theo các văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận của Người chỉ huy nổ mìn, thợ mìn, thủ kho VLNCN và những người lao động có liên quan đến VLNCN.

Hồ sơ xin cấp giấy phép sử dụng VLNCN được lập thành 02 bộ và gửi đến Sở Công nghiệp.

Điều 16. Hồ sơ xin cấp lại giấy phép sử dụng VLNCN.

1. Đơn xin cấp lại giấy phép sử dụng VLNCN do Thủ trưởng đơn vị ký.

2. Giấy phép sử dụng VLNCN đang dùng do cơ quan có thẩm quyền cấp.

3. Nội dung của hồ sơ được quy định tại Điều 15 của quy định này.

Hồ sơ xin cấp lại giấy phép sử dụng VLNCN được lập thành 02 bộ và gửi đến Sở Công nghiệp trước 30 ngày khi giấy phép sử dụng VLNCN hết hạn.

Điều 17. Thẩm định hồ sơ cấp giấy phép sử dụng VLNCN.

Trong thời gian 10 ngày (ngày làm việc) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công nghiệp sẽ tiến hành kiểm tra, thẩm định xong và trình UBND tỉnh cấp hoặc cấp lại giấy phép sử dụng VLNCN cho đơn vị. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, tối đa sau 5 ngày (ngày làm việc) UBND tỉnh phải ra quyết định cấp phép xong cho đơn vị. Trường hợp đơn vị xin cấp giấy phép sử dụng VLNCN không đủ điều kiện, Sở Công nghiệp có trách nhiệm trả lời đơn vị bằng văn bản và nêu rõ lý do chưa cấp giấy phép. Tổ chức, cá nhân nào giải quyết công việc chậm quá thời hạn nêu trên, đơn vị thực hiện cấp phép báo cáo UBND tỉnh xử lý kịp thời.

Điều 18. Thời hạn giấy phép sử dụng VLNCN.

1. Đối với các đơn vị sử dụng VLNCN để phá dỡ, xây dựng công trình thủy lợi, san gạt mặt bằng, giao thông, xây dựng… phụ thuộc vào thời hạn thi công công trình, nhưng tối đa không quá 2 năm cho một lần cấp phép sử dụng.

2. Đối với các đơn vị sử dụng VLNCN để khai thác khoáng sản phụ thuộc vào thời gian được cấp phép hoạt động của mỏ, nhưng tối đa không quá 5 năm cho một lần cấp phép sử dụng.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Xử lý vi phạm.

Tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm được quy định tại Thông tư số 02/2005/TT-BCN ngày 29 tháng 3 năm 2005 của Bộ Công nghiệp, các quy định khác của pháp luật về VLNCN và quy chế này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 20. Tổ chức thực hiện.

Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và UBND các huyện, thị xã tuyên truyền, phổ biến, tập huấn triển khai tổ chức thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện phát sinh các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, các huyện, thị xã, các ngành và đơn vị tổng hợp ý kiến gửi Sở Công nghiệp báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết./.