cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 1958/2006/QĐ-UBND ngày 22/08/2006 Về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 1958/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Ngày ban hành: 22-08-2006
  • Ngày có hiệu lực: 01-09-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-06-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1013 ngày (2 năm 9 tháng 13 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 10-06-2009
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 10-06-2009, Quyết định số 1958/2006/QĐ-UBND ngày 22/08/2006 Về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1098/2009/QĐ-UBND ngày 30/05/2009 Về mức thu và chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1958/2006/QĐ-UBND

Huế, ngày 22 tháng 8 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ ĐẤU GIÁ TÀI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 15 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 05/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về đấu giá tài sản;
Căn cứ Nghị quyết 6b/2006/NQ-HĐND ngày 28/7/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành phí đấu giá tài sản và lệ phí hộ tịch;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh như sau:

1. Đối tượng nộp phí đấu giá:

- Các tổ chức và cá nhân đăng ký tham gia đấu giá để mua tài sản do các cơ quan có chức năng làm dịch vụ bán đấu giá tài sản tổ chức bán.

- Các tổ chức và cá nhân là chủ sở hữu của các tài sản bán đấu giá khi hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản cho các cơ quan có chức năng làm dịch vụ bán đấu giá tài sản.

2. Cơ quan thu phí đấu giá:

- Đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan quản lý nhà nước có chức năng bán đấu giá tài sản.

- Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản.

3. Mức thu phí: Bao gồm mức thu phí của người tham gia đấu giá tài sản và mức thu phí bán đấu giá của người có tài sản bán đấu giá (Theo phụ lục chi tiết đính kèm).

Trường hợp đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản là cơ quan quản lý nhà nước (thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản) tổ chức bán đấu giá tài sản của Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 05/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về đấu giá tài sản thì được thu phí bán đấu giá tài sản theo quy định tại điểm 1 của Phụ lục kèm theo Quyết định này.

4. Tổ chức thu nộp, quản lý và sử dụng:

4.1 Đối với đơn vị nhà nước có chức năng bán đấu giá tài sản

a) Tổ chức việc thu, nộp:

- Tổ chức thu, nộp phí đấu giá tài sản theo đúng quy định tại quyết định này. Thông báo (hoặc niêm yết công khai) mức thu phí đấu giá tài sản tại trụ sở và địa điểm tổ chức bán đấu giá tài sản. Khi thu phải cấp biên lai thu phí do cơ quan Thuế phát hành cho người nộp tiền.

- Mở sổ kế toán theo dõi số thu, nộp phí thu được theo đúng chế độ kế toán thống kê hiện hành.

- Đăng ký, kê khai, nộp phí đấu giá tài sản theo quy định tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật về phí và lệ phí và Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC.

- Thực hiện thanh toán, quyết toán biên lai thu phí và quyết toán thu, nộp phí với cơ quan Thuế trực tiếp quản lý theo chế độ quản lý biên lai, ấn chỉ của Bộ Tài chính.

b) Quản lý và sử dụng:

b1) Cơ quan thu phí đấu giá tài sản được để lại 90% (Chín mươi phần trăm) trên tổng số phí đấu giá tài sản thực thu để chi phí cho công tác tổ chức thu, gồm:

- Chi thanh toán tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo lương (BHYT, BHXH và KPCĐ) cho cán bộ, công chức thực hiện công tác bán đấu giá tài sản ngoài số định biên đã được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí;

- Chi phí phục vụ cho việc bán đấu giá như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, điện, nước, công tác phí (chi phí đi lại, tiền thuê chỗ ở, tiền lưu trú) theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành;

- Chi tuyên truyền, niêm yết, thông báo công khai;

- Chi thuê kho bãi, bảo vệ và vận chuyển tài sản, hàng hoá bán đấu giá;

- Chi mua sắm, sửa chữa, nâng cấp phương tiện trang thiết bị làm việc;

- Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thực hiện thu phí;

- Đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức của cơ quan;

- Các chi khác liên quan đến việc bán đấu giá tài sản;

- Sau khi đảm bảo các khoản chi phí quy định trên, số còn lại được trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức và trích lập các quỹ của đơn vị theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Riêng đối với cơ quan quản lý nhà nước có thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản theo quy định thì sử dụng nguồn thu phí còn lại để thực hiện chế độ tự chủ theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước.

b2) Nộp ngân sách nhà nước 10% (Mười phần trăm) trên tổng số tiền phí thực thu theo quy định sau đây:

- Đơn vị thu phí đấu giá tài sản thực hiện kê khai tiền phí thu được từng tháng theo mẫu quy định và nộp cho cơ quan Thuế trực tiếp quản lý trong 05 ngày đầu của tháng tiếp theo.

- Thời hạn nộp tiền vào ngân sách nhà nước chậm nhất không quá 15 ngày của tháng tiếp theo (theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục tương ứng); đơn vị thu phí đấu giá thuộc cấp nào quản lý thì nộp vào ngân sách cấp đó.

- Cơ quan Thuế trực tiếp quản lý có nhiệm vụ kiểm tra tờ khai, đối chiếu với số biên lai thu đã phát hành và đã sử dụng để xác định chính xác số tiền phí đã thu, số phải nộp và thông báo cho đơn vị thu phí đấu giá tài sản.

- Cơ quan thu phí đấu giá tài sản thực hiện thanh toán số phải nộp ngân sách theo thông báo của cơ quan Thuế , nếu nộp chưa đủ thì phải nộp tiếp số còn thiếu vào ngân sách theo thời hạn ghi trong thông báo, nếu nộp thừa thì được trừ vào số nộp của kỳ tiếp sau.

4.2 Đối với doanh nghiệp bán đấu giá tài sản: thực hiện theo chế độ tài chính doanh nghiệp hiện hành.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Tất cả các quy định trước đây của UBND tỉnh trái với Quyết định này đều không còn hiệu lực thi hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Huế, Giám đốc Trung tâm bán đấu giá tài sản tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Lý

 

PHỤ LỤC:

MỨC THU PHÍ ĐẤU GIÁ TÀI SẢN
(Kèm theo Quyết định số: 1958 /2006/QĐ-UBND ngày 22/8/2006 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

1. Mức thu phí tham gia đấu giá tài sản:

Người tham gia đấu giá tài sản phải nộp phí tham gia đấu giá theo các mức sau:

STT

Giá khởi điểm của tài sản (hoặc lô tài sản)

Mức thu phí (đồng/phiên đấu giá/người)

1

Dưới 10 triệu đồng

10.000

2

Từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng

50.000

3

Từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng

100.000

4

Từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng

200.000

5

Từ 500 triệu đồng trở lên

300.000

2. Mức thu phí bán đấu giá tài sản:

Người có tài sản bán đấu giá phải nộp phí bán đấu giá tài sản theo mức sau:

a) Trường hợp bán được tài sản:

Mức thu phí bán đấu giá tài sản được tính bằng tỉ lệ thu phí luỹ tiến từng phần nhân với số tiền bán tài sản thu được của từng phiên đấu giá.

Biểu phí luỹ tiến từng phần được quy định cụ thể như sau:

STT

Số tiền bán tài sản thu được của từng phiên đấu giá

Tỉ lệ thu
(%)

1

Đến 100 triệu đồng

3,0

2

Từ trên 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng

2,5

3

Từ trên 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng

2,0

4

Từ trên 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng

0,8

5

Trên 1 tỷ đồng

0,2

Ví dụ : số tiền thu được của phiên đấu giá lô hàng điện tử tịch thu là 1.200.000.000đồng, số phí đấu giá tài sản người có lô hàng trên phải nộp cho đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản là:

Phí bán đấu giá tài sản = số tiền bán đấu giá của một phiên bán đấu giá X tỉ lệ thu

= (100.000.000đ x 3%) + (200.000.000đ x 2,5%) + ( 200.000.000đ x 2%) + (500.000.000đ x 0,8%) + ( 200.000.000đ x 0,2% ) = 16.400.000đồng.

Như vậy số phí bán đấu giá tài sản mà đơn vị có lô hàng điện tử bán đấu giá phải nộp cho cơ quan bán đấu giá tài sản là: 16.400.000đồng (Mười sáu triệu bốn trăm ngàn đồng chẵn).

b) Trường hợp do nguyên nhân khách quan dẫn đến việc không bán được tài sản: Mức thu phí bán đấu giá tài sản được tính bằng 30% mức thu quy định tại tiết a điểm 2 nói trên và tính trên giá khởi điểm nhưng tối đa không quá 10.000.000đồng/phiên đấu giá.