Quyết định số 44/2006/QĐ-UBND ngày 18/08/2006 Về Quy định mức thu, công tác quản lý và sử dụng thuỷ lợi phí, tiền nước áp dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 44/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
- Ngày ban hành: 18-08-2006
- Ngày có hiệu lực: 28-08-2006
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 18-07-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-12-2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2661 ngày (7 năm 3 tháng 16 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 10-12-2013
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44/2006/QĐ-UBND | Tuyên Quang, ngày 18 tháng 8 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ MỨC THU, CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG THUỶ LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày 04/4/2001;
Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi;
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số: 1183/TTr-STC ngày 09 tháng 8 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về mức thu, công tác quản lý và sử dụng thuỷ lợi phí, tiền nước áp dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Điều 2. Giao trách nhiệm Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Tuyên Quang; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười ngày kể từ ngày ký.
Các quy định trước đây của Uỷ ban nhân dân tỉnh về mức thu thuỷ lợi phí, công tác quản lý và sử dụng thuỷ lợi phí trái với quy định tại Quyết định này đều bãi bỏ.
Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ MỨC THU, CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN THU THUỶ LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/2006/QĐ-UBND ngày 18/8/2006 của Uỷ ban nhõn dõn tỉnh)
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Quy định này qui định mức thu, công tác quản lý và sử dụng nguồn thu thuỷ lợi phí, tiền nước áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng nước từ các công trình thuỷ lợi hoặc làm dịch vụ từ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
2. Đối tượng áp dụng Quy định này là các Hợp tác xã nông lâm nghiệp; Ban quản lý công trình thuỷ lợi và Tổ hợp tác dùng nước được giao quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thuỷ lợi (gọi chung là các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi).
Điều 2. Mức thu thuỷ lợi phí, tiền nước
1. Thuỷ lợi phí, tiền nước được thu bằng đồng Việt Nam.
2. Mức thu thuỷ lợi phí, mức thu tiền nước từ công trình thuỷ lợi:
2.1. Đối với cây lúa:
a) Đối với công trình tự chảy tưới tiêu bằng hồ, đập dâng, cống chủ động suốt vụ:
- Thủy lợi phí cả năm: 820.000đ/ha.
- Vụ đụng xuân: 440.000đ/ha.
- Vụ mùa: 380.000đ/ha.
b) Trường hợp tưới tiêu bằng các Công trình trạm bơm:
Mức thu = Tiền điện + tiền vận hành trạm bơm + Chi phí nạo vét, tu sửa định kỳ.
Mức thu cụ thể đối với từng công trình do Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban nhân dân cấp xã và có thoả thuận với đa số người sử dụng nước.
c) Trường hợp tưới tiêu chủ động một phần (phải bơm tát hỗ trợ) thì thu bằng 60% mức quy định tại điểm a mục 2.1 khoản 2 Điều 2 của Quy định này.
d) Trường hợp chỉ tạo nguồn tưới tiêu thì thu bằng 50% mức quy định tại điểm a mục 2.1 khoản 2 Điều 2 của Quy định này.
2.2) Đối với diện tích trồng rau mầu, cây công nghiệp ngắn ngày kể cả cây vụ đông thì mức thu thuỷ lợi phí bằng 30% mức thu thuỷ lợi phí đối với cây lúa.
2.3. Cấp nước để nuôi trồng thuỷ sản: Công trình tự chảy vào ao mức thu tiền nước: 300 đến 400 đồng/m2 mặt nước; công trình trạm bơm mức thu tiền nước: 300 đến 500 đồng/m2 mặt nước.
2.4. Nuôi trồng thuỷ sản tại công trình thuỷ lợi mức thu tiền nước: 100 đồng/m2 mặt thoáng.
3. Mức thu thuỷ lợi phí, tiền nước quy định tại mục 2.1 và mục 2.2, mục 2.3 thuộc khoản 2 Điều này, được tính ở vị trí cống chia nước đầu kênh của các công trình thuỷ lợi cấp nước về khu tưới của tổ chức, cá nhân hưởng lợi.
Điều 3. Tỷ lệ (%) chi từ nguồn thu thuỷ lợi phí, tiền nước
1. Đối với công trình tưới gọn cho 01 xã hoặc 01 đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.
a) Chi phí quản lý, vận hành: 40% tổng thu thuỷ lợi phí, tiền nước
Trong đó:
- Chi công tác thu thủy lợi phí, tiền nước: 5%.
- Chi văn phòng phẩm: 5%.
- Chi tiền lương: 30%.
b) Chi nạo vét tu sửa, nâng cấp công trình và trả nợ vốn vay kiên cố hoá kênh mương: 55% tổng số thu thuỷ lợi phí, tiền nước.
Trong đó:
- Chi nạo vét phát dọn: 10%.
- Chi tu sửa, chi nâng cấp công trình và chi trả nợ vốn vay kiên cố hóa kênh mương: 45%.
c) Dự phòng: 5% tổng thu thuỷ lợi phí, tiền nước.
2. Đối với công trình tưới liên xã, liên huyện:
a) Chi phí quản lý vận hành: Đảm bảo đủ chi lương theo ngạch bậc của cán bộ chuyên trách thủy lợi và chi phí hành chính của Ban quản lý công trình, nhưng tối đa không được vượt quá 50% tổng số thu thuỷ lợi phí, tiền nước (trong đó: chi cho công tác thu thủy lợi phí 5%; chi văn phòng phẩm, hội họp 5%; chi lương 40%).
b) Chi nạo vét tu sửa, nâng cấp công trình và trả nợ vốn vay kiên cố hoá kênh mương: 45% tổng số thu thuỷ lợi phí, tiền nước;
c) Dự phòng: 5% tổng thu thuỷ lợi phí, tiền nước.
Điều 4. Cơ chế chính sách miễn, giảm thuỷ lợi phí. Huy động duy tu, bảo dưỡng và cấp bù chi phí trong trường hợp thiên tai, mất mùa xẩy ra
1. Trường hợp do thiên tai (lũ lụt, hạn hán ..vv..) gây thiệt hại làm giảm năng suất:
a) Thiệt hại làm giảm năng suất từ 50% trở lên của thửa ruộng nào thì được miễn 100% thuỷ lợi phí đối với thửa ruộng đó.
b) Thiệt hại làm giảm năng suất từ 30% đến dưới 50% của thửa ruộng nào thì được giảm 70% thuỷ lợi phí đối với thửa ruộng đó.
c) Thiệt hại làm giảm năng suất dưới 30%, đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi báo cáo UBND huyện, thị xã xem xét quyết định cụ thể nhưng mức giảm tối đa không quá 50% mức thu thuỷ lợi phí đối với thửa ruộng đó.
2. Chính sách miễn, giảm thuỷ lợi phí đối với các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn:
- Các tổ chức, cá nhân sử dụng nước từ các công trình thuỷ lợi thuộc khu vực 3 (Theo quy định hiện hành của Uỷ ban Dân tộc về phân định 3 khu vực): giảm 70%, thu 30% mức thu thuỷ lợi phí hàng năm để bù đắp chi phí hoạt động của các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi..
- Các tổ chức, cá nhân sử dụng nước từ các công trình thuỷ lợi thuộc khu vực 2 (Theo quy định hiện hành của Uỷ ban Dân tộc về phân định 3 khu vực): giảm 50%, thu 50% mức thu thuỷ lợi phí hàng năm để bù đắp chi phí hoạt động của các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.
3. Chính sách huy động ngày công duy tu, bảo dưỡng và cấp bù chi phí trong trường hợp thiên tai, mất mùa xảy ra:
- Để đảm bảo cho hệ thống kênh mương, thuỷ lợi luôn hoạt động thông suốt phục vụ cho chăn nuôi, sản xuất ngoài việc sử dụng lao động công ích theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ lao động công ích để thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng công trình thuỷ lợi thì các hộ gia đình được hưởng lợi từ việc sử dụng nước được xét miễn, giảm theo quy định tại điểm 2 Điều này có trách nhiệm đóng góp ngày công lao động để thực hiện việc tu sửa, nạo vét thường xuyên theo kế hoạch huy động tu sửa của đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định mức huy động cụ thể để thực hiện.
- Trường hợp có thiên tai xảy ra phát sinh các chi phí về điện, xăng, dầu, phòng, chống úng, hạn cho sản xuất nông nghiệp và trường hợp bị thất thu thuỷ lợi phí do thiên tai lũ lụt, hạn hán, mất mùa số thu thuỷ lợi phí cả năm không đủ bù đắp chi phí hoạt động phòng, chống úng, hạn và các hoạt động cung ứng nước thì các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi được sử dụng nguồn dự phòng hàng năm để bù đắp cho các chi phí theo quy định. Nếu nguồn dự phòng không đủ sẽ được nhà nước xem xét hỗ trợ theo khoản 5 Điều 13 Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.
Điều 5. Cơ chế thu, chi thuỷ lợi phí
1. Thuỷ lợi phí được giao trong chỉ tiêu kế hoạch thu ngân sách Nhà nước hàng năm của tỉnh; của huyện, thị xã; của xã, phường, thị trấn được sử dụng và quyết toán theo Luật Ngân sách nhà nước. Nghiêm cấm việc sử dụng thuỷ lợi phí, tiền nước vào mục đích khác trái với các quy định tại Điều 3 của Quy định này.
2. Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi phải ký kết hợp đồng tưới, tiêu ngay từ đầu vụ sản xuất với tổ chức, cá nhân sử dụng nước từ các công trình thuỷ lợi và thu thuỷ lợi phí, tiền nước theo hợp đồng đã ký kết và thanh lý hợp đồng theo đúng quy định.
Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập sổ thu thuỷ lợi phí, tiền nước cho từng tổ chức, cá nhân sử dụng nước làm cơ sở cho việc ký kết hợp đồng dùng nước và thu, nộp thuỷ lợi phí, tiền nước theo quy định.
3. Hàng năm các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi lập kế hoạch thu, chi thuỷ lợi phí (có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn), trình UBND huyện, thị xã phê duyệt; đối với Ban quản lý công trình thuỷ lợi liên huyện, thị xã trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
4. Các tổ chức, cá nhân sử dụng nước từ công trình thuỷ lợi phải trả đầy đủ thuỷ lợi phí, tiền nước cho đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi trong thời gian 01 tháng sau khi thu hoạch xong; nếu trả chậm thì phải chịu lãi suất trả chậm theo lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại thời điểm thanh toán cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi trên số tiền còn nợ.
5. Đối với các công trình tưới tiêu liên xã, liên huyện các đối tượng sử dụng nguồn nước của công trình nộp thủy lợi phí, tiền nước lên Ban quản lý công trình thuỷ lợi đúng với kế hoạch thu hàng năm do Ban quản lý công trình đã ký kết hợp đồng cung ứng nước với các đối tượng sử dụng nguồn nước của công trình.
6. Đối với các Công trình thuỷ lợi có sử dụng vốn vay để đầu tư (kể cả nguồn vay của ngân sách tỉnh để thực hiện kiên cố hoá hệ thống kênh mương tưới tiêu), hàng năm đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi căn cứ vào hợp đồng tín dụng (hoặc hợp đồng vay Ngân sách tỉnh để kiên cố hoá hệ thống kênh mương) lập kế hoạch trả nợ tiền vay từ nguồn thu thuỷ lợi phí. Trường hợp các công trình không có vốn vay hoặc đã trả hết nợ vốn vay thì được bổ sung tăng nguồn dự phòng hàng năm.
7. Kết thúc vụ sản xuất sau 01 tháng các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi phải báo cáo UBND xã, phường, thị trấn và UBND huyện, thị xã kết quả thu, chi thuỷ lợi phí, tiền nước của vụ đó. Trong quí I năm sau phải hoàn thành quyết toán thu, chi thuỷ lợi phí, tiền nước năm trước.
8. Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi có trách nhiệm đôn đốc và tổ chức thực hiện việc thu nộp thuỷ lợi phí, tiền nước đối với các tổ chức, cá nhân có sử dụng nước từ các công trình thuỷ lợi đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong mỗi vụ sản xuất, việc thực hiện thu không đảm bảo kế hoạch (Sau khi đã trừ đi các khoản miễn giảm theo chế độ) phải cắt giảm nhiệm vụ chi tương ứng đối với chi phí quản lý, vận hành, đồng thời có quyền kiến nghị tới UBND xã, UBND huyện, thị xã hoặc khởi kiện tại Toà án nhân dân huyện, thị xã giải quyết các trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng nước từ công trình thuỷ lợi cố tình không trả hoặc trả không đủ thuỷ lợi phí, tiền nước.
9. Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi quản lý và sử dụng nguồn thuỷ lợi phí, tiền nước phải tuân thủ đúng chế độ tài chính, kế toán hiện hành.
10. Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi phải mở tài khoản thu, chi thuỷ lợi phí, tiền nước tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Hàng năm các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi phải báo cáo quyết toán thu, chi thuỷ lợi phí, tiền nước gửi UBND xã, phường, thị trấn và công khai quyết toán trước các đối tượng sử dụng nước.
- Hàng năm UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thẩm định và tổng hợp quyết toán thu, chi thuỷ lợi phí, tiền nước vào báo cáo quyết toán ngân sách xã gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thị xã thẩm định phê duyệt theo quy định.
- Đối với các công trình thuỷ lợi tưới tiêu liên xã, liên huyện trụ sở Ban quản lý nằm ở xã nào thì có trách nhiệm báo cáo quyết toán thu, chi thuỷ lợi phí, tiền nước cho UBND xã đó.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã hướng dẫn chi tiết thực hiện Quy định này. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai và thực hiện theo đúng qui định.
2. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, các Ban quản lý công trình liên xã, liên huyện và các Hợp tác xã nông lâm nghiệp, các tổ hợp tác dùng nước tổ chức thực hiện việc thu, chi và thanh quyết toán thu, chi thuỷ lợi phí, tiền nước theo đúng Luật Ngân sách nhà nước và Quy định này.
3. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND các xã, các Hợp tác xã nông lâm nghiệp, Ban quản lý công trình thuỷ lợi, các Tổ hợp tác dùng nước trên địa bàn tổ chức thực hiện việc thu, chi thuỷ lợi phí, tiền nước đúng Quy định này.
4. Uỷ ban nhân dân các xã có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các Hợp tác xã nông lâm nghiệp, Ban quản lý công trình thuỷ lợi, các Tổ hợp tác dùng nước trên địa bàn xã thực hiện tốt việc quản lý khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi và thu, chi thuỷ lợi phí đúng Quy định này và các quy định khác có liên quan. Trực tiếp giao chỉ tiêu kế hoạch thu, chi thủy lợi phí, tiền nước cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi; có biện pháp xử lý đúng quy định, đúng thẩm quyền đối với các hộ sử dụng nước nợ đọng thủy lợi phí hoặc cố tình không nộp thủy lợi phí, tiền nước. Hiệu quả thu, chi thủy lợi phí, tiền nước là một chỉ tiêu đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của UBND xã, phường, thị trấn.
5. Tổ chức, cá nhân nào chiếm dụng thuỷ lợi phí, tiền nước sử dụng thuỷ lợi phí, tiền nước sai mục đích thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra sẽ bị xử lý từ phạt vi phạm hợp đồng, chấm dứt hợp đồng cung cấp nước đến xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
6. Chủ nhiệm các Hợp tác xã nông lâm nghiệp; Trưởng Ban quản lý các công trình thuỷ lợi và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi có hiệu quả và thực hiện thu, quản lý, sử dụng nguồn thuỷ lợi phí, tiền nước đúng qui định./.