cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 01/2006/CT-UBND ngày 17/02/2006 Về phòng trừ dịch bệnh đạo ôn và rầy nâu bảo vệ lúa đông xuân 2005-2006 do tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 01/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
  • Ngày ban hành: 17-02-2006
  • Ngày có hiệu lực: 27-02-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 26-12-2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2494 ngày (6 năm 10 tháng 4 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 26-12-2012
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 26-12-2012, Chỉ thị số 01/2006/CT-UBND ngày 17/02/2006 Về phòng trừ dịch bệnh đạo ôn và rầy nâu bảo vệ lúa đông xuân 2005-2006 do tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2442/QĐ-UBND ngày 26/12/2012 Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ ngày 01/01/2005 đến ngày 30/11/2012”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2006/CT-UBND

Long Xuyên, ngày 17 tháng 02 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHÒNG TRỪ DỊCH BỆNH ĐẠO ÔN VÀ RẦY NÂU BẢO VỆ LÚA ĐÔNG XUÂN 2005-2006.

Hiện nay trên lúa vụ đông xuân trong toàn tỉnh đã có 20.019 ha đang bị nhiễm rầy nâu và 12.300 ha bệnh đạo ôn, mật độ rầy phổ biến khoảng 3.000- 4.000 con/m2, có nơi mật độ cao khoảng 5000-10.000 con/m2. Mặc dù các địa phương, Sở Nông Nghiệp và PTNT đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch, nhưng do mật số rầy quá cao nên đã có một số diện tích lúa bị cháy, đặc biệt trên các giống lúa nhiễm rầy nặng.

Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang, trong thời gian tới sẽ có đợt rầy non nở rộ, mật số tương đối cao như đợt vừa qua, có khả năng gây hại trà lúa đông xuân giai đoạn làm đòng, trổ bông trên diện tích 150.000 ha và đặc biệt còn hơn một nửa diện tích lúa của toàn tỉnh có nguy cơ bị đạo ôn cổ bông. Nếu không được phòng trừ kịp thời, bệnh đạo ôn và rầy nâu có khả năng gây cháy trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sản lượng lúa đông xuân. Để chủ động dập tắt dịch đạo ôn và rầy nâu và đảm bảo sản xuất lúa của tỉnh vụ đông xuân năm 2005-2006 đạt thắng lợi, đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện khẩn số 267/TTg-NN ngày 15/2/2006 về công tác phòng chống rầy nâu và bệnh đạo ôn trên lúa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố trong tỉnh chỉ đạo và huy động mọi nguồn lực tại địa phương, phát động toàn dân tham gia chiến dịch 30 ngày kể từ ngày 18/02/2006 đến ngày 18/3/2006 để dập tắt rầy nâu và bệnh đạo ôn cứu lúa. Các ngành, các cấp nhận thức và thông báo cho nông dân biết dịch hại sẽ bộc phát, phun xịt thuốc kịp thời tránh dịch bệnh lây lan không thể trị được, phải tăng cường thăm đồng thường xuyên nhất là lúa ở giai đoạn làm đòng, sắp trổ và sau trổ.

2. Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và các công ty Nông dược khác có sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật bán trên địa bàn tỉnh An Giang chuẩn bị đầy đủ nông dược đặc trị thông qua các hệ thống cửa hàng, đại lý cung cấp kịp thời cho nông dân.

Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cùng UBND các cấp tăng cường kiểm soát việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, nghiêm cấm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh để tăng giá và bán thuốc giả, thuốc kém phẩm chất.

Sở Tài chính chuẩn bị và đáp ứng kịp thời kinh phí đảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh hại lúa khi cần thiết.

3. Cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn phải thường xuyên tổ chức thăm đồng, khi phát hiện dịch bệnh xảy ra phải thông báo và hướng dẫn cho nông dân phòng trị theo nguyên tắc 4 đúng; tổ chức tốt công tác dự tính, dự báo tình hình rầy nâu, bệnh đạo ôn cổ bông, các loại dịch hại khác, đồng thời báo cáo kịp thời cho Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và các Trạm Bảo vệ thực vật huyện, thị, thành phố.

4. Các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung tuyên truyền, thông tin kịp thời và chính xác cho đợt phòng trị rầy nâu và bệnh đạo ôn cổ bông. Đặc biệt, Đài phát thanh – Truyền hình An Giang tổ chức nhiều chuyên đề, hình ảnh, phát tin hàng ngày về dự báo tình hình dịch hại cụ thể cũng như các biện pháp phòng trừ để nông dân kịp thời nắm chắc các biện pháp phòng trừ hiệu quả.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm nắm tình hình, điều hành công tác thăm đồng, chủ động phát hiện dịch bệnh và có trách nhiệm điều phối các hoạt động phòng chống dịch, bảo vệ lúa vụ đông xuân theo tinh thần chỉ đạo của chỉ thị này, báo cáo hàng ngày về UBND tỉnh tình hình dịch bệnh hại lúa.

Đây là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp tăng cường theo dõi, chỉ đạo và kiểm tra. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thường xuyên thông tin về UBND tỉnh để kịp thời giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Cục Kiểm tra Văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành đoàn thể cấp tỉnh;
- Cty cổ phần BVTV;
- Báo AG, Đài PTTHAG, Phân xã AG - phổ biến;
- Chánh, Phó VP.UB
- Phòng KT, TH, XDCB, VHXH, NC, VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Kim Yên