cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 74/2006/QĐ-UBND ngày 11/08/2006 Về quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 74/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Ngày ban hành: 11-08-2006
  • Ngày có hiệu lực: 21-08-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 19-08-2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 363 ngày ( 12 tháng 3 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 19-08-2007
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 19-08-2007, Quyết định số 74/2006/QĐ-UBND ngày 11/08/2006 Về quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 55/2007/QĐ-UBND ngày 09/08/2007 Về Quy định quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 74/2006/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 11 tháng 8 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC, BẢO DƯỠNG VÀ SỬA CHỮA CÁC CÔNG TRÌNH CƠ SỞ HẠ TẦNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 05/5/2006 của UBND tỉnh Lào Cai về việc triển khai xây dựng các chương trình, đề án, dự án trọng tâm toàn khóa của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIII;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phân cấp quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong phạm vi quyết định này gồm có:

1. Đường, cầu giao thông nông thôn (gồm: đường từ huyện, thành phố xuống trung tâm xã; đường liên xã; đường liên thôn; hệ thống các cầu, ngầm tràn, công trình bảo vệ, công trình thoát nước);

2. Công trình thủy lợi và nước sinh hoạt;

3. Công trình trường học;

4. Công trình trạm xá;

5. Công trình trụ sở HĐND và UBND xã;

6. Công trình điện nông thôn;

7. Các công trình công cộng khác của xã hoặc thôn, bản.

Điều 2. Nội dung phân cấp:

Các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn khi được xây dựng xong, phải được bàn giao cho UBND xã tiếp nhận và quản lý theo địa bàn. Khi bàn giao công trình, chủ đầu tư phải bàn giao cho UBND xã hồ sơ thiết kế, dự toán và quyết định phê duyệt quyết toán công trình của cấp có thẩm quyền và bàn giao 01 bộ hồ sơ thiết kế cho cơ quan quản lý chuyên môn để tiện cho việc quản lý theo dõi. Mỗi công trình đều được UBND xã giao cho một tổ chức cụ thể chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa, cụ thể như sau:

1. Đường giao thông nông thôn UBND xã giao cho Trưởng các thôn, bản quản lý theo địa giới hành chính nơi có đường đi qua.

- UBND xã có trách nhiệm quản lý và huy động lao động xã hội tham gia sửa chữa, bảo trì đường liên thôn, đường liên xã thuộc phạm vi quản lý.

- UBND huyện, thành phố có trách nhiệm quản lý và huy động lao động xã hội tham gia sửa chữa, bảo trì đường từ huyện, thành phố đến trung tâm xã thuộc phạm vi quản lý. Xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn phù hợp với nguồn lực hỗ trợ cân đối hàng năm từ ngân sách nhà nước.

2. Các công trình thủy lợi và nước sinh hoạt sau khi tiếp nhận, UBND xã giao ngay cho hợp tác xã (HTX) hoặc Ban quản lý thủy lợi và nước sinh hoạt quản lý (có thể là Tổ quản lý) do UBND xã thành lập, với bộ máy gọn nhẹ bao gồm: Cán bộ xã, thôn, bản, cán bộ các đoàn thể hoặc người dân có trách nhiệm, có điều kiện, có trình độ hiểu biết về chuyên môn, có uy tín trong nhân dân.

3. Công trình trường học giao cho Hiệu trưởng nhà trường đảm nhận.

4. Trạm y tế xã giao cho Trạm trưởng trạm y tế xã đảm nhận.

5. Trụ sở HĐND và UBND xã và các công trình công cộng khác của xã hoặc liên thôn bản giao UBND xã đảm nhận.

6. Công trình điện nông thôn: sau khi tiếp nhận, UBND xã giao cho HTX hoặc tổ quản lý do UBND xã thành lập để quản lý và kinh doanh điện, Trường hợp các xã ở gần trung tâm huyện, thị trấn, thị tứ thì do ngành điện trực tiếp quản lý và kinh doanh.

7. Các công trình công cộng của thôn bản nào thì giao cho Trưởng thôn bản đó đảm nhận.

Điều 3. Các đơn vị, tổ chức sau khi tiếp nhận các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn phải có kế hoạch bảo quản, sử dụng và sửa chữa thường xuyên. Khi cần sửa chữa công trình, phải báo cáo UBND xã huy động lao động xã hội và sự đóng góp tự nguyện của nhân dân địa phương để thực hiện; nếu bị thiên tai hoặc hư hỏng lớn, UBND xã đề nghị UBND huyện xin hỗ trợ một phần kinh phi khắc phục.

Điều 4. Đối với công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, căn cứ điều kiện cụ thể và ý kiến của nhân dân, UBND xã tổ chức các HTX hoặc Ban quản lý thủy lợi và nước sinh hoạt để quản lý công trình (có thể là tổ quản lý). Tổ chức quản lý có trách nhiệm xây dựng quy chế sử dụng, khai thác, sửa chữa, bảo vệ công trinh đảm bảo dân chủ, công khai đến mọi người dân và dược UBND xã phê chuẩn.

Điều 5. Để có kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình thủy lợi và nước sinh hoại thuộc thôn, bản, xã; các HTX hoặc Ban quản lý thủy lợi và nước sinh hoạt (có thể là Tổ quản lý) phải bàn bạc thống nhất về mức đóng góp hàng tháng hoặc năm với các hộ được hưởng lợi, sau đó đề nghị UBND xã trình HĐND xã quyết định mức thu cho phù hợp, số kinh phí thu này phải được quản lý chặt chẽ và sử dụng theo đúng quy định của Nhà nước.

- Đối với các công trình liên xã, liên huyện do UBND huyện, thành phố đề nghị UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh quyết định mức thu hàng tháng hoặc năm. Số kinh phí thu này phải được quản lý chặt chẽ và sử dụng theo đúng quy định của Nhà nước.

- Đối với các công trình bị thiên tai hoặc hư hỏng nặng, thì tổ chức quản lý có trách nhiệm lập hồ sơ dự toán khắc phục sửa chữa, báo cáo UBND cùng cấp để huy động lao động xã hội thực hiện. Trường hợp công trình bị hư hỏng nặng, có số kinh phí đầu tư khắc phục lớn thì có thể được ngân sách huyện, tỉnh xem xét hỗ trợ một phần kinh phí để sửa chữa.

Điều 6. Tổ chức thực hiện:

1. Trách nhiệm của UBND huyện, thành phố:

- Quản lý, bảo trì hệ thống công trình hạ tầng của huyện;

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về phạm vi đất dành cho công trình và bảo vệ kết cấu công trình;

- Quản lý, sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn của các công trình theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp lấn chiếm sử dụng trái phép đất trong hành lang an toàn của công trình;

- Phối hợp với các đơn vị quản lý chuyên ngành và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình. Thường xuyên kiểm tra, nghiệm thu, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác sửa chữa, bảo dưỡng công trình để khai thác và sử dụng có hiệu quả;

- Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ và khắc phục kịp thời công trình khi có sự cố do thiên tai, địch hoạ gây ra;

- Cấp và thu hồi giấy phép thi công liên quan đến các công trình theo phân cấp, Quản lý phương tiện giao thông quá tải lưu thông trên các tuyến đường GTNT;

- Giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo về các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ kết cấu công trình hạ tầng nông thôn trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

- Duyệt kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng các công trình quản lý theo phân cấp.

2. Trách nhiệm của UBND các xã, phường, thị trấn:

- Quản lý, bảo trì hệ thống công trình hạ tầng trên địa bàn cấp xã quản lý;

- Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình;

- Phối hợp với các đơn vị quản lý chuyên ngành và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình. Thường xuyên kiểm tra, nghiệm thu, đôn dốc các dơn vị thực hiện công tác sửa chữa, bảo dưỡng công trình đảm bảo khai thác và sử dụng có hiệu quả;

- Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ và khắc phục kịp thời công trình khi có sự cố do thiên tai, địch họa gây ra;

- Giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo về các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ kết cấu công trình hạ tầng nông thông trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

- Lập kế hoạch huy động lao dộng tại địa phương tham gia đóng góp kinh phí, vật tư để xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng các công trình do xã quản lý, trình UBND huyện, thành phố phê duyệt để triển khai thực hiện;

Điều 7. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện; thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan căn cứ Quyết định thi hành. Các ngành chức năng thuộc huyện, thành phố và tỉnh căn cứ nhiệm vụ được giao có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các địa phương trên địa bàn thực hiện quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 340/2002/QĐ-UB ngày 15/8/2002 của UBND tỉnh Lào Cai.

(Được phép đăng tải trên báo, đài)

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Vạn