cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 23/2006/QĐ-UBND ngày 28/04/2006 Ban hành Đề án “Phát triển bảo hiểm y tế giai đoạn 2006-2010 do Uỷ ban Nhân dân tỉnh An giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 23/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
  • Ngày ban hành: 28-04-2006
  • Ngày có hiệu lực: 08-05-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 26-12-2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2424 ngày (6 năm 7 tháng 24 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 26-12-2012
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 26-12-2012, Quyết định số 23/2006/QĐ-UBND ngày 28/04/2006 Ban hành Đề án “Phát triển bảo hiểm y tế giai đoạn 2006-2010 do Uỷ ban Nhân dân tỉnh An giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2442/QĐ-UBND ngày 26/12/2012 Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ ngày 01/01/2005 đến ngày 30/11/2012”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Số: 23 /2006/QĐ-UBND

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Long Xuyên,  ngày 28 tháng 4 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN BẢO HIỂM Y TẾ GIAI ĐOẠN 2006 – 2010  TIẾN TỚI BẢO HIỂM Y TẾ TOÀN DÂN VÀO NĂM 2010 TỈNH AN GIANG”

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ  Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao;
Căn cứ Quyết định số 3466/2005/QĐ-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2005 của UBND tỉnh An Giang ban hành Đề án “Qui hoạch phát triển xã hội hóa trong các hoạt động giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa-thông tin, thể dục-thể thao, khoa học-công nghệ và môi trường tỉnh An giang đến năm 2010”;
Căn cứ Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐND ngày 22 tháng 3 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang về Đề án “Phát triển bảo hiểm y tế giai đoạn 2006 – 2010 tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2010 tỉnh An Giang
”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Đề án “Phát triển bảo hiểm y tế giai đoạn 2006 – 2010 tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2010 tỉnh An Giang”.

Điều 2. Giao cho Bảo hiểm xã hội tỉnh là cơ quan thường trực có trách nhiệm hướng dẫn, triển khai thực hiện Đề án; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định nầy./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

đã ký

 

Lê Minh Tùng

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH AN GIANG

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐỀ ÁN

Phát triển bảo hiểm y tế giai đoạn 2006 – 2010

tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2010 tỉnh An Giang

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 23 /2006/QĐ-UBND ngày 28/4/2006)

 

Phần một

CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN, MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA

I. Cơ sở xây dựng Đề án:

Ngày 23 tháng 02 năm 2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết nêu rỏ một trong những bất cập và yếu kém của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ ở nước ta là chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân; điều kiện chăm sóc y tế cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn…Nguyên nhân chính của yếu kém trên là do quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế còn nhiều bất cập, một số chính sách về y tế không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi hoặc bổ sung…

II. Mục đích, ý nghĩa của Đề án:

Nhằm khắc phục tình trạng trên, một trong những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết là phải phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, nhằm từng bước đạt tới công bằng trong chăm sóc sức khoẻ, thực hiện sự chia sẻ giữa người khỏe với người ốm, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em, người già…; và một trong những giải pháp chủ yếu là xây dựng và thực hiện tốt lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2010. Tuyên truyền, giáo dục để mọi người dân đều tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm y tế, chú ý các loại hình dựa vào cộng đồng; tạo nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, viện trợ, các quỹ từ thiện, quỹ cộng đồng, quỹ xoá đói giảm nghèo... để trợ giúp cho người nghèo, người sống ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa tham gia các loại hình bảo hiểm y tế phù hợp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, củng cố tổ chức và nâng cao năng lực quản lý, điều hành của hệ thống bảo hiểm y tế. Có phương thức thanh toán phù hợp để người tham gia bảo hiểm y tế được chăm sóc với chất lượng tốt, không bị phân biệt đối xử trong khám chữa bệnh…

Như vậy, việc phát triển bảo hiểm y tế toàn dân là giải pháp hợp lý nhất để tạo nguồn chi khám chữa bệnh nhằm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Bởi vì, với Quỹ BHYT, người chưa bệnh giúp cho người đang bệnh, số đông bù cho số ít và luân phiên được hưởng; đặc biệt là giúp người bị bệnh nặng, chi phí khám chữa bệnh lớn có thể yên tâm điều trị dù mức đóng góp của cá nhân ít. Sự phát triển Quỹ BHYT phụ thuộc vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ đảng, chính quyền; sự tham gia tích cực của các ngành; sự vận động có hiệu quả của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội và thu nhập của nhân dân.

Phần hai

ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH CHUNG

1. Dân số trung bình tỉnh An Giang năm 2004 là 2.170.000 người, bao gồm:

- Dưới 06 tuổi:                                                               268.700 người

- Từ 06 tuổi - dưới 15 tuổi:                                              338.600 người

- Từ 15 tuổi- 59 tuổi:                                                   1.402.400 người

- Từ 60 tuổi trở lên:                                                        160.300 người

- Thu nhập bình quân năm 2005 khoảng           8.518.000/người/năm.

2. Số người làm việc trong các thành phần kinh tế là 1.064.400 người, trong đó:

- Lao động nông nghiệp khoảng                                       734.900 người

- Lao động phi nông nghiệp khoảng                                  276.200 người

- Lao động trong cơ quan, đơn vị nhà nước                        53.300 người

3. Học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 hiện có trên 375.000 em, sinh viên Đại học và Trung học chuyên nghiệp hiện có khoảng 10.000 em.

4. Số người được Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách để khám chữa bệnh miễn phí 503.493 người, chiếm 23,2% dân số (số liệu của Sở Y tế, Uỷ ban Dân số-Gia đình & Trẻ em tỉnh), trong đó:

- Trẻ em dưới 6 tuổi là 268.700 (12,38% dân số).

- Người nghèo và người già, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người tàn tật là 239.468 người (trong đó đối tượng nghèo 56.921 hộ với 234.793 người; người gìa cô đơn, trẻ mồ côi, người tàn tật là 5.675 người. Các đối tượng này đã được Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Sở Y tế bàn giao cho Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh thực hiện theo phương thức BHYT từ 01/01/2006).

5. Số người đã tham gia BHYT đến 31/12/2005 là 272.532 người, đạt 12,56% dân số, trong đó:

- Người tham gia BHYT bắt buộc 76.800 người.

- Người tham gia BHYT tự nguyện 195.732 người: Học sinh sinh viên (HSSV) là 136.144 em, đạt tỉ lệ 35,36% HSSV trong tỉnh; hội viên đoàn thể và nhân dân 59.588 người.

Như vậy số người được khám chữa bệnh bằng phương thức BHYT và bảo trợ xã hội của tỉnh hiện nay là 770.700 người, chiếm khoảng 35,5% dân số.

Để hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân đến năm 2010, bên cạnh việc duy trì số người đang tham gia, phải vận động thêm khoảng 1.200.000 người tham gia BHYT. Trọng tâm là tập trung vận động tăng đối tượng HSSV và hội viên đoàn thể, hộ gia đình tham gia BHYT tự nguyện. Địa bàn chủ yếu là xã, phường, thị trấn.

Phần ba

MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

I. Mục tiêu:

Phát triển đối tượng tham gia BHYT đến năm 2010 đạt từ 75% dân số trở lên, bao gồm BHYT của người làm việc có hưởng lương, người nghĩ hưu và hưởng các loại trợ cấp BHXH hàng tháng khác, hội viên đoàn thể, nhân dân và HSSV... chiếm khoảng 50% dân số; các đối tượng có công cách mạng và bảo trợ xã hội được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT để được khám chữa bệnh miễn phí khoảng 25% dân số. Số còn lại sẽ tự chọn khám chữa bệnh hoặc tham gia các loại hình bảo hiểm sức khỏe khác và sự bổ sung thêm từ ngân sách nhà nước cũng như vận động thêm từ các nguồn từ thiện xã hội để mua thẻ BHYT cho một số đối tượng đặc biệt phát sinh. Trong tổ chức thực hiện, năm 2006 là năm tập trung triển khai và tổ chức phối hợp vận động. Các năm sau gia tăng phát triển đối tượng tham gia để đến năm 2010 hoàn thành BHYT toàn dân ở An Giang.

II. Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2010:

(tính theo dân số hiện nay khoảng 2.170.000 người)

Năm

Nhà nước trợ cấp

BHYT Bắt buộc

HSSV

Hộ dân

Tổng cộng

Tỷ lệ/dân số

2006

507.168

81.500

190.000

150.000

928.668

42,80%

2007

507.168

86.500

220.000

300.000

1.113.668

51,30%

2008

507.168

91.500

250.000

500.000

1.348.668

62,15%

2009

507.168

96.500

280.000

700.000

1.583.668

73,00%

2010

507.168

101.500

310.000

800.000

1.718.668

79,20%

(hộ dân là gọi chung hội viên đoàn thể, thân nhân cán bộ công chức, người lao động đang tham gia BHXH, hộ dân cư).

Chỉ tiêu cụ thể hàng năm của các huyện, thị xã, thành phố do BHXH tỉnh xây dựng trên cơ sở phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội và UBND huyện, thị xã, thành phố trình UBND tỉnh phê duyệt.

III. Các giải pháp chủ yếu:

1. Công tác tuyên truyền, vận động:

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể các cấp, của cộng đồng; để cộng đồng nhận thức thật đầy đủ sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng; vì vậy, toàn xã hội phải chủ động và tích cực tham gia công tác chăm sóc sức khỏe với giải pháp hết sức quan trọng là phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, nhằm từng bước đạt tới công bằng trong chăm sóc sức khoẻ; muốn vậy, phải tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới (Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 09/9/2005 của Tỉnh ủy An Giang…đặc biệt là đề án này của UBND tỉnh); cụ thể cần tuyên truyền, vận động các đối tượng sau:

1.1. Đối tượng là học sinh phổ thông, sinh viên đại học và trung học chuyên nghiệp:

Hiện nay học sinh phổ thông, sinh viên đại học và trung học chuyên nghiệp của cả tỉnh có khoảng 385.000 em, số đã tham gia BHYT là 136.144 em, đạt 35,36% tổng số HSSV, có 532/607 trường tham gia BHYT, đạt 87,7% về số trường. Tỉ lệ trường có cơ sở y tế trường học đạt 38%. Đối tượng HSSV có mức phí BHYT thấp, sinh hoạt tập trung ở các trường và cần quan tâm chăm sóc sức khỏe bảo đảm phát triển tốt về thể lực. Từ năm 2006, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo, Sở Y tế, Ban Giám hiệu các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Dạy nghề ký kết hợp đồng đại lý thu BHYT (với các trường) thực hiện từ 1 đến 2 đợt vận động mỗi năm để hầu hết các em HSSV tham gia BHYT; phát triển nhanh mạng lưới y tế học đường để chăm sóc sức khoẻ ban đầu và khám chữa bệnh tốt cho HSSV. Sở Giáo dục-Đào tạo có kế hoạch phối hợp cùng Sở Y tế và BHXH tỉnh đẩy nhanh tiến độ đào tạo nhân viên phụ trách y tế trường học trong tỉnh cũng như tạo cơ sở vật chất cho y tế trường học.

1.2. Đối tượng là hội viên các đoàn thể, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội và xã hội nghề nghiệp:

Hiện đang có khoảng trên 510.000 người, gồm: Hội Phụ nữ trên 230.000 người, Hội Nông dân trên 80.000 người, Hội Chữ thập đỏ trên 80.000 người, Đoàn viên-Hội viên thanh niên trên 120.000 người…Đối tượng này thường là người lao động chính trong mỗi gia đình, ít nhiều có hiểu biết thông qua tổ chức hội, có điều kiện tập trung để tuyên truyền vận động. BHXH phối hợp với các đoàn thể hình thành mạng lưới đại lý thu BHYT ở 154 xã, phường, thị trấn (mỗi xã có từ 1 đến 2 đại lý) do đoàn thể hoặc y tế xã phụ trách, có màng lưới cộng tác viên ở khóm ấp để đi sâu vận động hội viên đoàn thể và hộ dân tham gia BHYT và vận động các nguồn tài trợ khác mua thẻ BHYT giúp cho các đối tượng đặc biệt khó khăn hoặc theo các chương trình nhân đạo từ thiện khác. Nghiệp vụ và kinh phí cho hoạt động đại lý và cộng tác viên do BHXH đảm bảo. UBND cấp xã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể liên quan quản lý, lãnh đạo trực tiếp mạng lưới đại lý và cộng tác viên.

1.3. Đối tượng là thân nhân người lao động:

Hiện nay số người đang tham gia BHXH là trên 55.600 và dự kiến tăng trên 6% mỗi năm. Đối tượng này có thu nhập ổn định, tham gia BHYT cho người thân cũng là trách nhiệm và mong muốn của họ. Bình quân mỗi người lao động hiện nay thường phải nuôi từ 1 đến 1,5 người. BHXH phối hợp với Liên đoàn Lao động vận động đối tượng này tham gia BHYT tự nguyện để hoàn thành sớm mục tiêu hầu hết thân nhân cán bộ công chức và người lao động đang tham gia BHXH mua BHYT tự nguyện cho thân nhân.

1.4. Đối tượng là người lao động phi nông nghiệp:

Hiện có trên 276.000 người, đối tượng này có thu nhập bình quân cao hơn nông dân. Họ thường sống ở thị trấn, thị xã và thành phố, có điều kiện tiếp cận với hệ thống thông tin và hệ thống dịch vụ y tế nhiều hơn, có trình độ hiểu biết cao hơn ở nông thôn. BHXH phối hợp với Liên đoàn Lao động vận động đối tượng này tham gia BHYT.

1.5. Đối tượng là người ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, dân tộc, người chưa có việc làm và người già (từ 60 tuổi trở lên):

Hiện có khoảng 700.000 người, đối tượng này rất cần được chăm sóc sức khoẻ bằng chế độ BHYT, nhưng thu nhập của họ thấp, phụ thuộc vào thời vụ và không ổn định; ngoài đối tượng người nghèo được nhà nước mua thẻ BHYT, số còn lại hoàn cảnh còn nhiều khó khăn; vì vậy, theo tinh thần Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch- Đầu tư tham mưu đề xuất UBND tỉnh cân đối từ ngân sách và các nguồn khác hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng này cùng tham gia; ngoài ra, các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên...cần phối hợp vận động họ tham gia BHYT hoặc có phương thức giúp đở phù hợp.

2.Tăng cường, củng cố mạng lưới khám chữa bệnh BHYT:

Mạng lưới khám chữa bệnh BHYT cần được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo sự đồng bộ với việc tăng nhanh số người tham gia BHYT. Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với các Bệnh viện tư nhân trong tỉnh để giảm tải ở các cơ sở y tế nhà nước, phân cấp giám định chi BHYT cho cơ quan BHXH cấp huyện, tạo điều kiện cho nhân dân được chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu thuận tiện hơn theo sự hướng dẫn của ngành BHXH. Ngành y tế tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân sự…để nâng cao chất lượng điều trị bệnh cho tuyến huyện, xã, cơ quan, doanh nghiệp có nhiều người lao động.

IV. Tổ chức thực hiện:

1. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:

- Xây dựng kế hoạch cụ thể trình Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp ban hành Nghị quyết chuyên đề về hoàn thành nhiệm vụ phát triển BHYT toàn dân vào năm 2010, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế tại điạ phương.

- Huy động các nguồn lực của địa phương, bảo đảm bố trí ngân sách cho các hoạt động thực hiện đề án trên địa bàn.      

- Tổ chức triển khai, quán triệt các nội dung của đề án; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ, tổng kết báo cáo HĐND cùng cấp và UBND tỉnh về kết quả, tiến độ thực hiện đề án trên địa bàn.

2. Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm:

- Là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh điều hành thực hiện đề án. Chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức thực hiện đề án.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện đề án của ngành Bảo hiểm xã hội. Chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn cho các CBCNV trong ngành. Chỉ đạo cho cơ quan Bảo hiểm xã hội tuyến huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyến huyện tham mưu giúp UBND huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện đề án trên địa bàn mình phụ trách.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đề án này và định kỳ báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính bố trí đủ vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm theo kế hoạch ngân sách đã được Bộ Tài chính, Bộ Y tế, UBND tỉnh phê duyệt để nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, các bệnh viện tỉnh, huyện.

4. Sở Y tế có trách nhiệm:

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cải tiến và hoàn thiện các cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện y tế để nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ, cấp cứu và điều trị ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Quy hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh của tỉnh theo định hướng: chuẩn hoá, hiện đại hoá và xã hội hoá, phù hợp với phát triển kinh tế xã hội địa phương trong tình hình mới. Phát triển kỹ thuật chuyên khoa cho tuyến tỉnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đa khoa cho tuyến huyện, chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện tổ chức thực hiện thật tốt các yêu cầu khám chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế, tăng cường giám sát việc thực hiện để nâng cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục thiếu sót, tạo sự tin tưởng trong nhân dân nhằm thu hút họ tham gia BHYT. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội và các ngành liên quan nghiên cứu thực hiện thí điểm khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoài giờ và khám bảo hiểm y tế tại phòng mạch tư.

5. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:

Chủ trì phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, các sở, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện thật tốt việc mua thẻ BHYT cho các đối tượng thuộc diện gia đình chính sách, bảo trợ xã hội, người cao tuổi…; phối hợp với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch- Đầu tư xây dựng kế hoạch đề xuất UBND tỉnh cân đối từ ngân sách và các nguồn khác hỗ trợ cho các đối tượng là người chưa có việc làm, thu nhập thấp không ổn định, học sinh, người già (từ 60 tuổi đến 90 tuổi) ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, biên giới có khó khăn để những đối tượng này được tham gia BHYT.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học An Giang:

Chủ trì phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các hoạt động để học sinh, sinh viên trong tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh được tham gia BHYT; trước mắt, trong năm học 2006 – 2007, tập trung tối đa các biện pháp để tất cả học sinh, sinh viên đều tham gia BHYT, làm nền tảng cho những năm sau.

7. Sở Văn hoá - Thông tin, các cơ quan báo, đài:

Chủ trì phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc tham gia BHYT.

8. Sở Thể dục Thể thao:

Phối hợp các sở, ngành có liên quan tổ chức triển khai Đề án “Phát triển thể dục thể thao quần chúng tỉnh An Giang giai đoạn 2006-2010” nhằm đẩy mạnh các phong trào rèn luyện thể dục thể thao, hạn chế các lối sống, thói quen có tác hại đến sức khỏe như hút thuốc lá, rượu bia…; thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao tầm vóc và thể chất người Việt Nam” nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho BHYT.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh huy động các thành viên của Mặt trận tích cực tham gia thực hiện đề án này trong phạm vi hoạt động cuả mình../.

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
 KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Tùng