Quyết định số 2720/2005/QĐ-UBND ngày 30/09/2005 Về việc ban hành Quy định thu thủy lợi phí, tiền nước (phí sử dụng nguồn nước) trên địa bàn tỉnh An Giang do UBND tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 2720/2005/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
- Ngày ban hành: 30-09-2005
- Ngày có hiệu lực: 01-01-2006
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 21-09-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-02-2008
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 788 ngày (2 năm 1 tháng 28 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 28-02-2008
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2720/2005/QĐ-UBND | Long Xuyên, ngày 30 tháng 09 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH THU THỦY LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC (PHÍ SỬ DỤNG NGUỒN NƯỚC) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04 tháng 4 năm 2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Căn cứ Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐND ngày 29 tháng 6 năm 2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang khóa VII kỳ họp thứ 4 (từ ngày 28 đến ngày 29 tháng 6 năm 2005) về việc điều chỉnh mức thu phí dự thi, dự tuyển, ban hành khung thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt và khung thu thủy lợi phí, tiền nước (phí sử dụng nguồn nước);
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định thu thủy lợi phí, tiền nước (phí sử dụng nguồn nước) trên địa bàn tỉnh An Giang".
Điều 2. Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Thuế hướng dẫn và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nội dung bản quy định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2006. Quyết định số 56/QĐ.UB ngày 01 tháng 4 năm 1991 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành bản quy định thu lệ phí sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và các quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục trưởng Cục Thuế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
THU THỦY LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC(PHÍ SỬ DỤNG NGUỒN NƯỚC) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2720/2005/QĐ-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
Để duy trì và khai thác tốt các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh, bảo đảm sự đóng góp công bằng, hợp lý của những tổ chức và cá nhân được hưởng lợi về nước, và khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả phục vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu tưới tiêu cho sản xuất và nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân.
Ủy ban nhân dân tỉnh quy định thu thủy lợi phí, tiền nước (hay còn gọi là phí sử dụng nguồn nước) trên địa bàn tỉnh An Giang như sau:
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này điều chỉnh các quan hệ thu, nộp, sử dụng các khoản thu thủy lợi phí, tiền nước đối với các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ nước hoặc làm các dịch vụ khác thuộc phạm vi phục vụ của các hệ thống công trình thủy lợi do nhà nước quản lý (bao gồm: hồ chứa, đập, cống, kênh, rạch tạo nguồn nước…) kể cả nguồn nước từ sông rạch tự nhiên trên địa bàn tỉnh nhưng do nhà nước đầu tư nạo vét.
Điều 2. Các khoản thu thủy lợi phí, tiền nước được sử dụng để tổ chức quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình thủy lợi thuộc nhà nước quản lý và nạo vét các kênh, rạch…
Chương 2:
ĐỐI TƯỢNG NỘP VÀ MIỄN GIẢM THỦY LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC
Điều 3. Thủy lợi phí là khoản thu từ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nguồn nước để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, bao gồm:
1. Diện tích đất trồng lúa, nếp.
2. Diện tích đất trồng rau, hoa màu.
3. Diện tích đất trồng cây công nghiệp, cây ăn trái.
4. Diện tích đất nuôi trồng thủy sản.
Điều 4. Tiền nước là khoản thu từ các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn nước hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi để phục vụ cho các mục đích không phải sản xuất nông nghiệp như: cấp nước sinh hoạt, cấp nước cho sản xuất kinh doanh, sử dụng công trình thủy lợi để khai thác nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí.
Điều 5. Đối tượng không phải nộp thủy lợi phí, tiền nước bao gồm:
1. Diện tích lúa mùa nổi.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn nước tự đầu tư như đào giếng để phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ thuộc hộ gia đình.
Điều 6. Miễn giảm thủy lợi phí:
1. Đối tượng và chế độ miễn giảm thu thủy lợi phí:
a) Diện tích mới chuyển vụ, tăng vụ được miễn thu 01 năm đầu.
b) Trường hợp do thiên tai, dịch bệnh xảy ra gây mất mùa, thiệt hại về năng suất, sản lượng, thủy lợi phí được miễn giảm như sau:
- Thiệt hại dưới 30% sản lượng: giảm 50% mức thu thủy lợi phí.
- Thiệt hại từ 30% đến 50% sản lượng: giảm 70% mức thu thủy lợi phí.
- Thiệt hại trên 50% sản lượng: miễn thủy lợi phí.
c) Địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn thì giảm 70% mức thu thủy lợi phí.
d) Hộ nghèo được miễn thu thủy lợi phí.
2. Việc xét duyệt miễn giảm thủy lợi phí các trường hợp do thiên tai được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 143/2003/NĐ-CP.
Chương 3:
MỨC THU THỦY LỢI PHÍ VÀ TIỀN NƯỚC
Điều 7. Thủy lợi phí và tiền nước được thu bằng đồng Việt Nam. Mức thu được quy định cụ thể như sau:
1. Mức thu thủy lợi phí đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nước trồng lúa, nếp, rau, hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản:
a) Trường hợp tưới tiêu bằng trọng lực (nguồn nước tự nhiên hoặc công trình thủy lợi tạo nguồn do nhà nước đầu tư như kênh, mương):
- Đất trồng lúa, nếp: mức thu lấy diện tích đất của vụ sản xuất chính trong năm để thu, không thu theo từng vụ; đối với các vùng đất trồng lúa, nếp có tận dụng nuôi cá trong mùa nước nổi thì không thu thủy lợi phí cho vụ nuôi cá. Cụ thể mức thu như sau:
+ Đất sản xuất 2 vụ - 3 vụ/năm : 120.000 đồng/ha/năm.
+ Đất sản xuất 1 vụ/năm : 60.000 đồng/ha/năm.
- Đất trồng lúa, màu hoặc lúa, tôm : 120.000 đồng/ha/năm.
- Đất chuyên trồng màu, rau, cây công nghiệp, ăn trái: 60.000 đồng/ha/năm.
- Ao, hầm nuôi cá : 350 đồng/m2 mặt nước/năm.
b. Trường hợp tưới tiêu bằng động lực (máy bơm, trạm bơm): tổ chức làm dịch vụ cung ứng nguồn nước nộp thủy lợi phí theo mức nêu trên (hộ dùng nước không nộp thủy lợi phí); còn phí cung cấp nước tưới tiêu đối với hộ sử dụng nước do tổ chức làm dịch vụ thỏa thuận với hộ dùng nước.
2. Mức thu tiền nước đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nước, hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi không phải sản xuất nông nghiệp:
a) Cấp nước cho nhà máy nước để cung cấp nước cho sinh hoạt, cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ: mức thu bằng 100 đồng/m3. Tiền nước được đưa vào giá bán nước của nhà máy cấp nước.
b) Bè cá trên sông, rạch, kênh : 350 đồng/m2 mặt nước/năm.
c) Diện tích mặt nước trên các sông, rạch để khai thác nuôi trồng thủy sản: 350 đồng/m2 mặt nước/năm.
d) Sử dụng công trình thủy lợi để kinh doanh du lịch, giải trí: 4% doanh thu.
đ) Các đối tượng khác theo quy định tại Nghị định 143/2003/NĐ-CP tạm thời chưa thu.
Chương 4:
TỔ CHỨC THU VÀ SỬ DỤNG THỦY LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC
Điều 8.
1. Tiền thu thủy lợi phí và tiền nước do cơ quan thuế tổ chức thu nộp vào ngân sách nhà nước. Tỷ lệ điều tiết cho từng cấp ngân sách như sau:
a) Ngân sách tỉnh hưởng : 40% .
b) Ngân sách huyện, thị xã, thành phố hưởng: 60%.
2. Sở Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng nguồn thu từ thủy lợi phí và tiền nước.
3. Cục Thuế hướng dẫn việc tổ chức quản lý thu thủy lợi phí, tiền nước; thỏa thuận và quyết định ủy nhiệm thu thủy lợi phí; hướng dẫn ủy nhiệm thu thanh toán kịp thời thủy lợi phí đúng chế độ ủy nhiệm thu.
Điều 9. Quản lý và sử dụng nguồn thu:
Kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình thủy lợi được lấy từ nguồn thu thủy lợi phí, tiền nước và nguồn ngân sách.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Trung tâm Khai thác bảo vệ công trình thủy lợi lập kế hoạch chi sự nghiệp thủy lợi hàng năm thông qua Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Nội dung sử dụng nêu tại Điều 2, chương I bản Quy định này. Việc đầu tư, sửa chữa các kênh mương… theo phân cấp quản lý công trình thủy lợi của tỉnh được sử dụng từ nguồn thu theo tỷ lệ điều tiết tại khoản 1 Điều 8 và ngân sách của từng cấp.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Khen thưởng và xử lý vi phạm:
1. Những tổ chức, cá nhân làm tốt việc thu nộp thủy lợi phí, tiền nước được xét khen thưởng theo chế độ chung của nhà nước.
2. Những tổ chức, cá nhân làm thất thoát, chiếm dụng, không trả đủ thủy lợi phí, tiền nước, sử dụng sai mục đích hoặc gây cản trở cho việc thu nộp thủy lợi phí, tiền nước thì tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý theo pháp luật hiện hành.
Điều 11. Thủ trưởng các Sở, Ban ngành cấp tỉnh liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, quần chúng tuyên truyền sâu rộng trong nội bộ và nhân dân quán triệt mục đích của việc thu thủy lợi phí, tiền nước để mọi tổ chức và công dân thực hiện đúng quy định./.