cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 78/2005/QĐ-UBND ngày 06/09/2005 Ban hành Quy định về phân cấp, phân công thực hiện một số nội dung trong Quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 78/2005/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Ngày ban hành: 06-09-2005
  • Ngày có hiệu lực: 16-09-2005
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-09-2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 742 ngày (2 năm 12 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 28-09-2007
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 28-09-2007, Quyết định số 78/2005/QĐ-UBND ngày 06/09/2005 Ban hành Quy định về phân cấp, phân công thực hiện một số nội dung trong Quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 104/2007/QĐ-UBND ngày 18/09/2007 Ban hành Quy định về quản lý đầu tư, xây dựng và lựa chọn nhà thầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 78/2005/QĐ-UBND

Vinh, ngày 06 tháng 9 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP, PHÂN CÔNG THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003; .
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000, Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 của Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999, Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000, Nghị định số 66/2003/NĐ-CP ngày 12/6/2003 của Chính phủ ban hành Quy chế Đấu thầu;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1359/TT-SKH ngày 18/ 7/2005,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bản "Quy định về phân cấp, phân công thực hiện một số nội dung trong Quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An"

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 48/2004/QĐ-UB ngày 18/5/2004 của UBND tỉnh Nghệ An "V /v Ban hành Quy định về phân cấp, uỷ quyền và thực hiện một số cơ chế trong Quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; các Chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. /.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b /c);
- VPCP, các Bộ: KH&ĐT, XD, TC (để b /c);
- Thường trực Tỉnh uỷ (để b /c);
- Thường trực HĐND tỉnh (để b /c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Các Phó VP;
- Các tổ CV;
- Lưu VP.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Trung

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CẤP, PHÂN CÔNG THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 78/ 2005/ QĐ-UBND ngày 06/ 9/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An)

Chương I:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nguyên tắc quản lý.

1. Nguyên tắc quản lý dự án đầu tư:

a) Tất cả các dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội và an toàn môi trường, phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

b) Tất cả các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An (trừ các dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư ra nước ngoài, dự án cơ mật, dự án mua sở hữu bản quyền, dự án BOT và dự án ODA thuộc nhóm A) thực hiện quản lý theo nguyên tắc sau đây:

- Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (bao gồm cả các dự án huy động đóng góp của dân, các tổ chức trong và ngoài nước vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, huyện, xã có hỗ trợ của ngân sách nhà nước từ 20% tổng mức vốn đầu tư trở lên theo cơ chế được duyệt): UBND tỉnh Nghệ An quản lý toàn bộ quá trình đầu tư và xây dựng, từ việc xác định chủ trương đầu tư lập dự án, quyết định đầu tư, thiết kế, tổng dự toán, lựa chọn nhà thầu, thi công xây dựng đến khi nghiệm thu, bàn giao và đưa công trình vào khai thác sử dụng.

- Đối với dự án sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước: UBND tỉnh Nghệ An chỉ quản lý về chủ trương và quy mô đầu tư. Doanh nghiệp có dự án tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và quản lý dự án theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 (sau đây gọi tắt là Nghị định 16/CP), các quy định khác của pháp luật có liên quan và Quyết định này.

- Đối với dự án sử dụng vốn khác, bao gồm cả vốn tư nhân hoặc sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn: UBND tỉnh Nghệ An chỉ quản lý về các nội dung quy định tại điểm a điều này. Chủ đầu tư tự quyết định hình thức và nội dung quản lý dự án. Đối với các dự án sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn thì các bên góp vốn thoả thuận về phương thức quản lý hoặc quản lý theo quy định đối với nguồn vốn có tỷ lệ % lớn nhất trong tổng mức đầu tư.

2. Nguyên tắc quản lý công tác đấu thầu:

a) Tất cả các gói thầu thuộc các dự án đầu tư sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước, phải thực hiện đấu thầu theo các quy định của Quy chế Đấu thầu hiện hành, nguyên tắc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng tại Nghị định 16/CP của Chính phủ và Quyết định này.

b) Trong một số trường hợp đặc biệt, gói thầu thuộc các dự án đầu tư huy động quỹ đất để phát triển hạ tầng đô thị, cần phải triển khai khẩn trương theo yêu cầu sử dụng, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét điều kiện cụ thể và cho phép vận dụng bằng cơ chế phù hợp, không thuộc phạm vi điều chỉnh của quyết định này.

Chương II:

CHỦ TRƯƠNG LẬP DỰ ÁN ĐẦU TƯ THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Điều 2. Chủ trương lập dự án đầu tư.

1. Phân cấp quyết định chủ trương lập dự án đầu tư (theo phân cấp quản lý Ngân sách Nhà nước):

a) Chủ tịch UBND tỉnh quyết định chủ trương lập các dự án sau:
- Dự án đầu tư sử dụng Ngân sách tỉnh (bao gồm cả nguồn hỗ trợ của Ngân sách Trung ương cho tỉnh

- Dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh Nghệ An quản lý, sử dụng vốn tín dụng được Nhà nước bảo lãnh và vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước;

- Dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế – xã hội trong tỉnh, ngoài tỉnh đầu tư tại Nghệ An phù hợp với các quy hoạch phát triển của tỉnh.

b) Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã quyết định chủ trương lập các dự án sau:

- Dự án đầu tư sử dụng Ngân sách cấp huyện, cấp xã sau khi thông qua HĐND cùng cấp;

- Dự án đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội bằng huy động sức dân trên địa bàn không nhằm mục đích kinh doanh, đã có trong quy hoạch và dự án có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Ngân sách tỉnh dưới 20% tổng mức đầu tư.

2. Quy trình tham gia góp ý Báo cáo đầu tư (dự án nhóm A) và tham mưu chủ trương lập các dự án đầu tư (nhóm B, C và Báo cáo kinh tế - kỹ thuật):

a) Đối với các dự án nhóm A: Phải lập Báo cáo đầu tư và xin phép đầu tư thực hiện theo quy trình và quy định tại Điều 4 Nghị định 16/CP.

Quy trình tham gia góp ý kiến về nội dung Báo cáo đầu tư theo đề nghị của Bộ quản lý ngành: UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ các quy hoạch được duyệt, làm đầu mối chủ trì, phối hợp các Sở (ban) ngành có liên quan để tham mưu trình UBND tỉnh góp ý bằng văn bản theo đúng thời hạn quy định (trong vòng 30 ngày làm việc).

b) Đối với các dự án do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư thực hiện theo quy trình:

- Chủ dự án lập tờ trình xin chủ trương đầu tư;

- UBND cấp huyện (địa điểm thực hiện dự án) có ý kiến bằng văn bản về chủ trương theo chức năng quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội và đất đai khi thực hiện dự án;

- Sở (hoặc cơ quan) quản lý ngành có ý kiến bằng văn bản về chủ trương theo chức năng quản lý ngành (lĩnh vực);

- Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối tổng hợp tham mưu, đề xuất chủ trương trình UBND tỉnh quyết định.

c) Các dự án do Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã quyết định chủ trương đầu tư:

Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quy định về quy trình tham mưu chủ trương lập dự án sau khi thông qua HĐND cùng cấp: Phòng Tài chính – Kế hoạch là đầu mối tham mưu về chủ trương lập dự án theo quy trình được duyệt.

3. Nội dung chủ trương lập dự án đầu tư: Vận dụng thực hiện như quy định về nội dung Báo cáo đầu tư xây dựng công trình tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 16/CP.

4. Hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội được duyệt, chủ trì tổng hợp nhu cầu từ các ngành, các cấp tham mưu trình UBND tỉnh quyết định danh mục các công trình sẽ được lập dự án theo 3 loại:

- Dự án để xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Nghệ An;

- Dự án đưa vào bố trí kế hoạch đầu tư hàng năm, kế hoạch 5 năm;

- Dự án chủ yếu huy động các nguồn lực trong nhân dân và các tổ chức trong, ngoài nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế xã hội; Ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần theo cơ chế đã được UBND tỉnh phê duyệt.

5. Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã là người ký các quyết định về chủ trương đầu tư theo loại dự án được phân cấp.

Điều 3. Phân công thẩm định dự án đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán của các Báo cáo kinh tế - kỹ thuật:

1. Phân công thẩm định dự án đầu tư (kể cả báo cáo kinh tế - kỹ thuật):

a) Các dự án đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt: Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp các Sở (ban) ngành có liên quan tổ chức thẩm định trình Chủ tịch UBND tỉnh (hoặc người được uỷ quyền) phê duyệt dự án đầu tư thiết kế cơ sở (hoặc thiết kế bản vẽ thi công và dự toán) đã được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định (quy định tại khoản 2 dưới đây) là căn cứ tính toán, thẩm định các nội dung của dự án đầu tư.

b) Các dự án do Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phê duyệt: Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã sử dụng bộ máy các phòng, hoặc tổ chức trực thuộc, hoặc thuê tổ chức tư vấn (có chức năng, đủ năng lực theo quy định pháp luật) để thẩm định dự án trước khi phê duyệt. Thiết kế cơ sở (hoặc thiết kế bản vẽ thi công và dự toán) đã được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định (quy định tại khoản 2 dưới đây) là căn cứ tính toán, thẩm định các nội dung của dự án đầu tư.

2. Phân công thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán của Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình:

a) Thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án nhóm A (sử dụng mọi nguồn vốn): Do các Bộ được quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 16/CP thực hiện.

b) Thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án nhóm B, C (sử dụng mọi nguồn vốn), thiết kế bản vẽ thi công và dự toán của Báo cáo kinh tế - kỹ thuật có mức vốn đầu tư từ 500 triệu đồng trở lên (sử dụng vốn Ngân sách nhà nước) thực hiện theo phân công:

- Sở Xây dựng: Các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp vật liệu xây dựng, hạ tầng đô thị;

- Sở Giao thông vận tải: Các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (trừ giao thông đô thị);

- Sở Nông nghiệp và PTNT: Các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng thuỷ lợi, thuỷ sản (Đê điều, hồ, đập, kè, cống, kênh, mương, thiết bị trạm bơm), nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng cơ bản và hạ tầng sản xuất nông, lâm nghiệp;

- Sở Công nghiệp: Các dự án đầu tư xây dựng công trình hầm mỏ, dầu khí, nhà máy điện, đường dây tải điện, hệ thống điện chiếu sáng, trạm biến áp và công trình công nghiệp chuyên ngành (cơ khí, dệt may, . . . );

- Sở Bưu chính Viễn thông: Các dự án đầu tư xây dựng công trình bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin;

- Sở Khoa học và Công nghệ: Các dự án đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị ứng dụng công nghệ mới và chuyển giao công nghệ;

- Công an tỉnh Nghệ An (Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy): Đối với hồ sơ thiết kế cơ sở hạng mục đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ thuộc các dự án đầu tư:

- Trường hợp dự án bao gồm nhiều lĩnh vực xây dựng chuyên ngành, thì cơ quan chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở có yếu tố chủ yếu quyết định tính chất, mục tiêu của dự án là cơ quan chịu trách nhiệm lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, trường hợp dự án có mua sắm thiết bị (theo đúng thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công đã được thẩm định) thì phần thiết bị phải được Sở Tài chính, hoặc cơ quan thẩm định giá (có thẩm quyền theo quy định pháp luật) thẩm định về giá trước khi thẩm định dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán của các Báo cáo kinh tế – kỹ thuật sử dụng vốn Ngân sách nhà nước, có mức vốn đầu tư dưới 500 triệu đồng thực hiện theo phân công:

- Đối với Báo cáo kinh tế - kỹ thuật do Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt: Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán (sử dụng các tổ chức trực thuộc, hoặc thuê tổ chức tư vấn có chức năng và đủ năng lực theo quy định của pháp luật), hoặc thuê các Sở được phân công tại Điều này thẩm định;

- Đối với Báo cáo kinh tế - kỹ thuật do Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phê duyệt: Do các phòng quản lý xây dựng cấp huyện thẩm định; hoặc thuê tổ chức tư vấn (có chức năng và đủ năng lực theo quy định của pháp luật) thẩm định.

Trường hợp các phòng quản lý xây dựng cấp huyện không đủ năng lực thẩm định, thì UBND cấp huyện (cấp xã) có văn bản đề nghị (thuê) các Sở được phân công lại Điều này thẩm định.

Điều 4. Thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư.

a) Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước (kể cả các các dự án huy động đóng góp của dân, các tổ chức trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế xã hội có hỗ trợ của ngân sách nhà nước từ 20% tổng mức vốn đầu tư và có hạn mức hỗ trợ từ 500 triệu đồng trở lên):

- Dự án nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư và Bộ quản lý ngành thẩm định thiết kế cơ sở.

- Dự án thuộc các nhóm B và C (kể cả Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) đã có chủ trương đầu tư bằng văn bản của cấp có thẩm quyền.

b) Chủ tịch UBND cấp huyện, cáp xã phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng ngân sách cấp huyện, cấp xã sau khi thông qua HĐND cùng cấp (kể cả dự án được Ngân sách tỉnh hỗ trợ dưới 20% tổng mức vốn đầu tư được duyệt có hạn mức hỗ trợ tối đa dưới 500 triệu đồng) theo các mức sau:

- Chủ tịch UBND thành phố Vinh: Phê duyệt các dự án có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng;

- Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò: Phê duyệt các có tổng mức đầu tư dưới 4 tỷ đồng;

- Chủ tịch UBND các huyện đồng bằng và miền núi thấp: Phê duyệt các dự án có tổng mức đầu tư dưới 3 tỷ đồng;

- Chủ tịch UBND các huyện miền núi cao: Phê duyệt các dự án có tổng mức đầu tư dưới 2 tỷ đồng, kể cả các dự án sử dụng Ngân sách và các khoản huy động đóng góp trên địa bàn xã (thị trấn) thuộc huyện.

- Chủ tịch UBND các xã (phường, thị trấn) thuộc thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện đồng bằng: Phê duyệt các dự án có tổng mức đầu tư dưới 1 tỷ đồng;

- Chủ tịch UBND các xã (thị trấn) thuộc huyện vùng núi thấp: Phê duyệt các dự án có tổng mức đầu tư dưới 500 triệu đồng.

Điều 5. Chủ đầu tư, hình thức quản lý dự án.

1. Chủ đầu tư: Thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định 16/CP; văn bản của Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư (đối với dự án nhóm A); văn bản quyết định chủ trương lập dự án của cấp có thẩm quyền (đối với các dự án nhóm B, C và Báo cáo kinh tế - kỹ thuật).

2. Các hình thức quản lý dự án: Thực hiện theo quy định tại Điều 35 Nghị định 16/CP. Khi trình thẩm định dự án, Chủ đầu tư phải có báo cáo bằng văn bản về năng lực của tổ chức và cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý dự án (kèm theo các văn bằng, chứng chỉ hợp lệ đảm bảo tính pháp lý) để cơ quan thẩm định xem xét, đề xuất hình thức quản lý dự án phù hợp (Chủ đầu tư trực tiếp quản lý thực hiện dự án hoặc thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án).

Điều 6. Điều chỉnh dự án đầu tư.

1. Điều chỉnh dự án đầu tư: Thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định 16/CP.

2. Các quy định về điều chỉnh dự án:

- Chủ đầu tư phải có báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư dự án bằng văn bản, giải trình rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan và quy trách nhiệm các cơ quan liên quan để cơ quan thẩm định dự án xem xét, trình cấp có thầm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án.

- Những nội dung thay đổi so với dự án đầu tư được duyệt (bao gồm cả thiết kế cơ sở đã được thẩm định) đều phải thẩm định lại và thực hiện quy trình thẩm định như đối với các quy định về thẩm định dự án và thiết kế cơ sở.

Chương III:

THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT HỒ SƠ THIẾT KẾ KỸ THUẬT - TỔNG DỰ TOÁN; TẠM ỨNG, THANH TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ

Điều 7. Thiết kế, dự toán xáy dựng công trình.

Thực hiện đúng quy định tại các điều 14, 15, 16 và 40 của Nghị định 16/CP và hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành.

Điều 8. Tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư.

1. Thực hiện theo quy định tại Điều 41 và 42 Nghị định 16/CP; Thông tư của Bộ Tài chính V /v Hướng dẫn Quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

2. Giao Kho Bạc Nhà nước Nghệ An, Kho Bạc Nhà nước cấp huyện công khai quy trình, thủ tục, hồ sơ trong quá trình tạm ứng, thanh toán vốn (cả cấp tỉnh và cấp huyện) và thời gian giải quyết tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư để các Chủ đầu tư, Nhà thầu biết và thực hiện theo quy định.
Trường hợp các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án không thực hiện đúng các quy định tại Điều 35 Nghị định 16/CP thì không giải quyết thanh toán.

3. Giao Sở Tài chính, phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện căn cứ khả năng ngân sách, kế hoạch vốn và tiến độ thực hiện các dự án, chuyển vốn kịp thời cho Kho Bạc Nhà nước (tỉnh, huyện) để thanh toán vốn đầu tư cho các dự án theo phân cấp.

Điều 9. Quyết toán vốn đầu tư.

1. Thực hiện theo đúng quy định tại Điều 43 Nghị định 16/CP, Thông tư của Bộ Tài chính "V /v Hướng dẫn Quyết toán vốn đầu tư".

2. Thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư: Người có thẩm quyền quyết định đầu tư đồng thời là người phê duyệt quyết toán vốn đầu tư. Trong đó:

a) Các dự án do Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư:

- Sở Tài chính chủ trì thẩm tra trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quyết toán vốn đầu tư các dự án có mức vốn đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên.

- Uỷ quyền Giám đốc Sở Tài chính phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án có mức vốn đầu tư dưới 1 tỷ đồng.

b) Các dự án do Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt quyết định đầu tư: Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện chủ trì thẩm tra, Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt quyết toán vốn đầu tư.

c) Các dự án do Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt quyết định đầu tư: Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện chủ trì thẩm tra và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư.

Chương IV:

CÔNG TÁC ĐẤU THẦU

Điều 10. Điều kiện về tổ chức đấu thầu và tham dự đấu thầu.

1. Điều kiện tổ chức đấu thầu:

a) Việc tổ chức đấu thầu các gói thầu đều phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

b) Hình thức đấu thầu hạn chế: Chỉ áp dụng đối với các dự án có tính chất đặc thù trong các điều kiện cụ thể, quy mô không lớn được UBND tỉnh đồng ý, hoặc đối với dự án có sử dụng nguồn vốn nước ngoài mà trong Điều ước đã được ký kết, có yêu cầu thực hiện đấu thầu hạn chế. Danh sách Nhà thầu phải được cấp có thẩm quyển chấp thuận trước khi gửi thư mời thầu.

c) Hình thức chỉ định thầu: Thực hiện đúng các quy định hiện hành của nhà nước. Trong đó, nguồn vốn đã bố trí trong kế hoạch và các khoản huy động khác theo quy định (nếu có) đảm bảo đạt ít nhất là 70% giá gói thầu.

Trong trường hợp bất khả kháng, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét, cho phép vận dụng một số trường hợp cụ thể áp dụng hình thức chỉ định thầu.

d) Điều kiện về tổ chức đấu thầu ở các điểm a, b và c nêu trên: Phải được quy định trong văn bản quyết định phê duyệt dự án đầu tư.

2. Điều kiện tham dự đấu thầu:

a) Nhà thầu tham dự đấu thầu phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 66/2003/NĐ-CP ngày 12/6/2003 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số Điều của Quy chế Đấu thầu và không có tên trong danh sách Nhà thầu đang bị các cấp có thẩm quyền của tỉnh Nghệ An xử lý vi phạm về đấu thầu, thực hiện hợp đồng (thi công xây dựng, cung cấp hàng hoá, dịch vụ tư vấn) và quyết toán vốn đầu tư.

b) Nhà thầu phải đáp ứng các điều kiện hoạt động xây dựng theo quy định tại Nghị định 16/CP.

Điều 11. Trách nhiệm của các ngành, các cấp về quản lý đấu thầu.

1. Các ngành cấp tỉnh:

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì tham mưu về quản lý công tác đấu thầu. Thực hiện tổng hợp định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về công tác đấu thầu và tình hình xử lý vi phạm Quy chế Đấu thầu trên địa bàn tỉnh trong thời gian 6 tháng và 1 năm.

- Quản lý Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu trên địa bàn tỉnh.

- Đầu mối tiếp nhận thông tin về đấu thầu trên địa bàn tỉnh, chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện nhiệm vụ kiểm tra năng lực nhà thầu đã đăng ký và công tác đấu thầu theo định kỳ, hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

- Chủ trì hướng dẫn nghiệp vụ về công tác đấu thầu cho các cấp, các ngành, các đơn vị và các Chủ đầu tư.

- Chủ trì thẩm định kế hoạch đấu thầu các dự án và kết quả đấu thầu các gói thầu, bao gồm:

+ Các dự án do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư;

+ Các dự án liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc cổ phần có sự tham gia vốn của Ngân sách nhà nước từ 30% trở lên vào vốn pháp định, vốn kinh doanh hoặc vốn cổ phần, trình Chủ tịch UBND tỉnh thoả thuận.

- Chủ trì thẩm định hồ sơ đề nghị chỉ định thầu các gói thầu thuộc các dự án do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư.

b) Các Sở xây dựng chuyên ngành, quản lý chuyên ngành kỹ thuật, quản lý khoa học và công nghệ (quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3):

- Chủ trì thẩm định hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu các gói thầu thuộc các dự án do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư.

- Được uỷ quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu các gói thầu thuộc các dự án có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng.

- Trường hợp gói thầu bao gồm cả mua sắm hàng hoá và xây lắp, hoặc gồm nhiều lĩnh vực xây dựng chuyên ngành thì hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu do Sở quản lý nhà nước về lĩnh vực thuộc gói thầu có tỷ trọng trên 50% giá gói thầu, hoặc tỷ trọng cao nhất trong giá gói thầu chủ trì thẩm định, có ý kiến tham gia của các Sở quản lý các lĩnh vực còn lại của gói thầu.

c) Sở Tài chính: Chủ trì thẩm định kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, kết quả đấu thầu các gói thầu mua sắm vật tư, đồ dùng, phưng tiện thiết bị làm việc của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn thể và doanh nghiệp nhà nước sử dụng nguồn vốn Ngân sách nhà nước (theo đúng quy định tại Thông tư số 121/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính).

2. Cấp huyện, cấp xã: Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã có thẩm quyền toàn diện về quản lý đấu thầu theo các quy định tại khoản 4 Điều 52 Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ về ban hành Quy chế Đấu thầu (sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Nghị định 66/2003/NĐ-CP ngày 12/6/2003 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế Đấu thầu) đối với các dự án được phân cấp và uỷ quyền tại Quyết định này:

a) Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã sử dụng các phòng, ban chuyên môn theo cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của cấp mình hoặc thuê các tổ chức tư vấn (có chức năng, đủ năng lực theo quy định của pháp luật) để giúp việc tham mưu về công tác đấu thầu.

b) Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phê duyệt các nội dung về đấu thầu của các dự án được phân cấp và uỷ quyền tại Quyết định này.

Điều 12. Thông tin về đấu thầu.

1. UBND cấp huyện (thành phố, thị xã) theo định kỳ 6 tháng và hàng năm cung cấp các thông tin về việc thực hiện đấu thầu (chỉ định thầu) các gói thầu thuộc dự án do mình quyết định đầu tư, báo cáo UBND tỉnh qua Sở Kế hoạch và Đầu tư các nội dung sau:

- Tổng hợp kết quả lựa chọn nhà thầu (đấu thầu và chỉ định thầu);

- Danh sách các nhà thầu vi phạm Quy chế Đấu thầu;

- Thông tin về xử lý vi phạm Quy chế Đấu thầu.

2. Quản lý Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu trong tỉnh Nghệ An:

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ:

- Tập hợp thông tin về năng lực nhà thầu trên địa bàn qua đăng ký kinh doanh, báo cáo của doanh nghiệp và kiểm tra doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh;

- Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để các nhà thầu dăng ký, bổ sung thông tin vào hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu trong tỉnh.

b) Trách nhiệm của các nhà thầu đã đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp hoặc chi nhánh trên địa bàn tỉnh Nghệ An:

Phải kịp thời đăng tải thông tin, những nội dung thay đổi phải đưa vào Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu. Các thông tin bổ sung, thay đổi nếu không thông báo kịp thời thì nhà thầu không có cơ sở pháp lý để tham dự đấu thầu.

Chương V:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Khen thưởng và xử lý vi phạm.

Các ngành, các cấp được phân cấp, phân công tiến hành đánh giá thực hiện các quy định tại quyết định này theo định kỳ 6 tháng và cả năm. Từ đó đề nghị cấp có thẩm quyền (UBND tỉnh, UBND cấp huyện):

1. Biểu dương, khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị chấp hành tốt quy định.

2. Xử lý kỷ luật đối với các hình thức vi phạm như sau:

- Làm trái quy trình, quy định: Phê bình, cảnh cáo kịp thời;

- Cố ý vi phạm vượt quá chức năng và thẩm quyền được phân công, phân cấp thì phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 14. Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể những nội dung liên quan về quản lý đầu tư và quản lý đấu thầu được quy định tại quyết định này.

b) Phổ biến và hướng dẫn các ngành, các cấp, các đơn vị có liên quan thực hiện công tác quản lý đầu tư và xây dựng theo các quy định về công tác chuẩn bị đầu tư công tác đấu thầu và các quy định tại quyết định này.

c) Chủ trì tham mưu việc tổ chức kiểm tra thực hiện cơ chế phân cấp, phân công trong quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý đấu thầu trên địa bàn tỉnh theo định kỳ 6 tháng và cả năm.

2. Sở Xây dựng:

a) Xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể những nội dung liên quan về thẩm định thiết kế cơ sở, và quản lý chất lượng công trình xây dựng.

b) Chủ trì tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo quy định của Luật Xây dựng, Nghị định 16/CP và hướng dẫn của Bộ Xây dựng, báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ 6 tháng và cả năm.

c) Chủ trì tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quy định về tổ chức, bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng trực thuộc các ngành cấp tỉnh và cấp huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

3. UBND cấp huyện: Tổng hợp tình hình trên địa bàn về các dự án do UBND cấp huyện, UBND cấp xã quyết định đầu tư theo các nội dung sau:

a) Thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin về: Quyết định chủ trương lập dự án; quyết định phê duyệt dự án đầu tư; quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu và kết quả đấu thầu thuộc thẩm quyền được phân cấp theo định kỳ 6 tháng và cả năm (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp).

b) Thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin về thẩm định thiết kế cơ sở do phòng quản lý xây dựng cấp huyện thẩm định theo định kỳ 6 tháng và cả năm (qua Sở Xây dựng tổng hợp).

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan đơn vị cần phản ánh kịp thời về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng theo chức năng phân công tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét xử lý hoặc bổ sung, sửa đổi kịp thời. /.