cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 100/2005/QĐ-TTg ngày 10/05/2005 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chương trình phát triển thể dục thể thao ở xã, phường, thị trấn đến năm 2010 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 100/2005/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 10-05-2005
  • Ngày có hiệu lực: 01-06-2005
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-03-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5035 ngày (13 năm 9 tháng 20 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-03-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-03-2019, Quyết định số 100/2005/QĐ-TTg ngày 10/05/2005 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chương trình phát triển thể dục thể thao ở xã, phường, thị trấn đến năm 2010 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 05/2019/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 100/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THỂ DỤC THỂ THAO Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Thể dục, Thể thao ngày 25 tháng 9 năm 2000;
Căn cứ Quyết định số 57/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thể dục thể thao đến năm 2010;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển thể dục thể thao ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) đến năm 2010 với nội dung chủ yếu sau đây :

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu chung:

Mở rộng và nâng cao hiệu quả phong trào thể dục thể thao quần chúng tại các xã, phường, thị trấn trong cả nước; huy động sức mạnh của toàn xã hội chăm lo giáo dục thể chất cho nhân dân, làm cho mỗi người dân ở xã, phường, thị trấn được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa thể thao nhằm tăng cường sức khỏe, góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, phục vụ lao động sản xuất, công tác, học tập; góp phần ổn định, giữ gìn an ninh chính trị và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Phấn đấu đến năm 2010 xóa các “xã trắng” về thể dục thể thao và đưa việc tập luyện thể dục thể thao trở thành thói quen hàng ngày của đa số nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2010:

a) Đạt tỷ lệ 23 - 25% dân số nước ta tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

b) Số cán bộ hướng dẫn viên, cộng tác viên thể dục thể thao ở cấp xã trong cả nước được bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ về thể dục thể thao đạt trên 90%.

c) Số lượng xã, phường, thị trấn xây dựng được các địa điểm tập luyện thể dục thể thao đạt trên 80%.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI TÁC ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Đối tượng: mọi tầng lớp dân cư, bao gồm: thanh - thiếu niên, học sinh, người cao tuổi, người khuyết tật, nông dân, công nhân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cư trú tại xã, phường, thị trấn.

2. Phạm vi tác động: các đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn trong phạm vi cả nước.

III. CÁC NHIỆM VỤ CHÍNH VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ chính

a) Xây dựng phong trào thể dục thể thao ở cấp xã

- Tiếp tục phát động phong trào “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Mỗi người dân tự chọn cho mình ít nhất một môn thể thao hoặc một hình thức tập luyện thích hợp.

- Thiết lập và tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương trong việc triển khai vận động, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao cho mọi đối tượng ở cơ sở xã, phường và thị trấn, nhằm mục đích thu hút đông đảo nhân dân tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.

- Khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian ở mỗi địa phương; từng bước đưa các môn này vào nội dung hoạt động của các Lễ hội truyền thống, ngày Hội văn hóa thể thao, Đại hội thể dục thể thao ở xã, phường, thị trấn nhằm thúc đẩy phong trào thể dục thể thao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.

b) Xây dựng bộ máy, cơ chế hoạt động của tổ chức thể dục thể thao cấp xã.

- Xây dựng bộ máy tổ chức: căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và phong trào thể dục thể thao trên địa bàn, Uỷ ban nhân dân cấp xã thành lập các loại hình cơ sở thể dục thể thao như Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa - Thể thao hoặc Câu lạc bộ Thể dục thể thao để điều hành các hoạt động thể dục, thể thao trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

- Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xã hội thành lập các Câu lạc bộ thể dục thể thao phù hợp với lứa tuổi, hoàn cảnh và nhu cầu tập luyện của các đối tượng cư trú trên địa bàn.

- Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế trên địa bàn đầu tư cho thể dục thể thao, thành lập các cơ sở dịch vụ thể dục thể thao theo quy định tại Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

c) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên thể dục thể thao cấp xã.

- Xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên thể dục thể thao đạt các tiêu chí sau:

+ Về số lượng hướng dẫn viên thể dục thể thao cho đơn vị cấp xã: đảm bảo mỗi cụm dân cư (thôn, bản) có tối thiểu 01 hướng dẫn viên, cộng tác viên thể dục thể thao;

+ Về chuyên môn nghiệp vụ: các hướng dẫn viên thể dục thể thao cấp xã phải được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ thể dục, thể thao tại các lớp đào tạo cấp tỉnh;

+ Nguyên tắc làm việc: hướng dẫn viên thể dục thể thao cấp xã làm việc theo chế độ kiêm nhiệm hoặc hợp đồng.

- Xây dựng và ban hành các quy định về:

+ Tiêu chuẩn hướng dẫn viên thể dục thể thao;

+ Chế độ, chính sách đối với hướng dẫn viên thể dục thể thao làm việc theo phương thức kiêm nhiệm hoặc hợp đồng;

+ Nội dung giáo trình đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ thể dục, thể thao đối với các lớp bồi dưỡng, đào tạo các cấp.

d) Xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện thể dục, thể thao ở cấp xã.

- Hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn đối với cơ sở vật chất, sân bãi:

+ Vùng đô thị cần đảm bảo có tối thiểu: 01 sân thể thao phổ thông, 01 đến 02 phòng tập đơn giản, 04 đến 06 sân tập từng môn thể dục thể thao, 01 bể bơi;

+ Vùng núi và hải đảo cần đảm bảo có tối thiểu: 01 sân tập thể thao và vui chơi giải trí, 01 phòng tập đơn giản;

+ Vùng duyên hải, miền Trung, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long cần đảm bảo có tối thiểu: 01 sân thể thao phổ thông, 02 đến 04 sân tập từng môn thể dục, thể thao, 01 phòng tập đơn giản, 01 hồ bơi đơn giản.

- Phấn đấu đến năm 2010 đạt chỉ tiêu diện tích đất dành cho tập luyện thể dục, thể thao từ 2 - 3 m2 đất/1 đầu người.

- Kiến nghị cấp có thẩm quyền và các cơ quan liên quan thiết lập chế tài đảm bảo thực hiện các quy định của Nhà nước về việc dành quỹ đất trong quy hoạch đất đai ở đô thị và các vùng nông thôn.

- Vận động các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức kinh tế trên địa bàn chủ động xây dựng và duy trì các cơ sở tập luyện thể dục, thể thao theo cơ chế xã hội hóa.

2. Tiến độ thực hiện

Chương trình được thực hiện trong 2 giai đoạn:

a) Giai đoạn I: 2005 - 2006 (2 năm)

Nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn này là hoàn tất toàn bộ công tác chuẩn bị điều kiện để thực hiện Chương trình và chỉ đạo thực hiện các mô hình xã, phường, thị trấn thí điểm.

b) Giai đoạn II: 2007 - 2010 (4 năm)

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả của giai đoạn I, tổ chức nhân rộng các mô hình xã, phường điểm về thể dục thể thao ở cấp xã trong phạm vi cả nước.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác thể dục thể thao ở cấp xã.

2. Xây dựng các hình thức hoạt động thể dục, thể thao quần chúng ở cấp xã phù hợp với các đối tượng và điều kiên cụ thể tại các khu vực: thành phố - thị xã, miền núi, đồng bằng Bắc Bộ, ven biển miền Trung, miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ.

3. Xây dựng và chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm trên cơ sở phân loại 7 nhóm cụ thể: trung du - miền núi Bắc Bộ, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ.

4. Thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác triển khai thực hiện Chương trình.

5. Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển thể dục thể thao quần chúng và vận dụng chủ trương xã hội hoá đối với các hoạt động thể dục, thể thao ở cấp xã.

6. Triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng thường xuyên, định kỳ và công tác tuyên truyền cho hoạt động thể dục, thể thao cấp xã.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban Thể dục Thể thao

a) Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Thể dục Thể thao (Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao) xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác thể dục, thể thao ở xã, phường, thị trấn trên cơ sở Quy hoạch phát triển ngành Thể dục thể thao đến năm 2010 và nội dung của Chương trình này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của từng địa phương.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Mội trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính xây dựng các chính sách liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình.

c) Chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác chỉ đạo tổ chức và triển khai các hoạt động thể dục, thể thao ở cấp xã, theo nội dung Chương trình đã được phê duyệt.

d) Phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin:

- Xây dựng và hướng dẫn thực hiện Quy chế hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn;

- Ban hành, hướng dẫn thực hiện Quy chế thành lập và hoạt động của các Câu lạc bộ Thể dục, thể thao, Làng, Bản Văn hoá - Thể thao; Gia đình Văn hoá - Thể thao.

đ) Trên cơ sở nội dung Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; căn cứ các quy định hiện hành, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thống nhất việc cân đối kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của Chương trình.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy định về quy hoạch đất đai dành cho thể dục, thể thao và thiết lập các chế tài thực hiện các quy định này.

3. Bộ Tài chính

a) Bố trí kinh phí và hướng dẫn thực hiện Chương trình này theo quy định hiện hành.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trình cấp có thẩm quyền bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích phát triển các loại hình thể dục, thể thao (công lập, ngoài công lập) trên địa bàn cấp xã.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Uỷ ban Thể dục Thể thao xây dựng và đầu tư thực hiện các đề án thuộc nội dung Chương trình đã được phê duyệt.

5. Bộ Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao ở cấp xã.

6. Bộ Xây dựng

Phối hợp với Uỷ ban Thể dục Thể thao xây dựng quy trình, quy phạm và bộ mẫu thiết kế các công trình thể thao cơ bản ở cấp xã.

7. Bộ Văn hoá - Thông tin

Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Thể dục Thể thao xây dựng thiết chế làng, bản Văn hoá - Thể thao, Trung tâm Văn hoá - Thể thao ở cấp xã.

8. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở nội dung Chương trình đã được phê duyệt, lập kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm của địa phương để triển khai thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của Chương trình; bố trí cán bộ chuyên trách thể dục, thể thao phù hợp với từng loại hình xã, phường và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

9. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp với ngành thể dục, thể thao vận động và tổ chức nhân dân trên các địa bàn xã, phường và thị trấn trực thuộc tham gia thực hiện và hoàn thành các mục tiêu được đề ra trong Chương trình này.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

Chương trình phát triển thể dục thể thao ở xã, phường, thị trấn đến năm 2010 được thực hiện bằng các nguồn kinh phí sau:

1. Ngân sách nhà nước

- Ngân sách trung ương bảo đảm thực hiện một số nội dung của giai đoạn đầu tiên, bao gồm: biên soạn tài liệu hướng dẫn, đào tạo hướng dẫn viên, tuyên truyền - giáo dục, xây dựng trang WEB, xây dựng một số mô hình điểm và hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức các giải thi đấu thể dục thể thao tầm quốc gia.

- Ngân sách địa phương bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ: xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm dụng cụ luyện tập và các hoạt động thể dục thể thao thường xuyên trên địa bàn xã, phường và thị trấn.

2. Các nguồn vốn khác, bao gồm:

- Tài trợ (ngoài nước và trong nước) và hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

- Kinh phí nhân dân tự nguyện đóng góp.

- Kinh phí thu được qua các dịch vụ và các khoản thu hợp pháp khác.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra thực hiện Chương trình này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)