Quyết định số 1534/2004/QĐ-NHNN ngày 02/12/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Cục Quản trị (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 1534/2004/QĐ-NHNN
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Ngày ban hành: 02-12-2004
- Ngày có hiệu lực: 31-12-2004
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 02-06-2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1614 ngày (4 năm 5 tháng 4 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 02-06-2009
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
| CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
Số:1534/2004/QĐ-NHNN | Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CỤC QUẢN TRỊ
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12/12/1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 10/2003/QH11 ngày 17/6/2003;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 52/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản trị và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;
Sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế Tổ chức và hoạt động của Cục Quản trị ”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Quyết định số 136/1999/QĐ-NHNN9 ngày 16/5/1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Cục Quản trị và các quy định trước đây trái với Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng,Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Quản trị, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | THỐNG ĐỐC |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CỤC QUẢN TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1534 /2004/QĐ-NHNNngày 02 tháng 12 năm 2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)
Chương 1:
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1. Cục Quản trị là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước, có chức năng tổ chức thực hiện công tác quản trị, đảm bảo hậu cần phục vụ cho các hoạt động tại Trụ sở chính và công tác bảo vệ trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước.
Điều 2. Cục Quản trị được tổ chức hạch toán kế toán theo chế độ hạch toán phụ thuộc, có con dấu riêng để giao dịch theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Điều hành Cục Quản trị là Cục trưởng, giúp việc Cục trưởng có một số Phó Cục trưởng; Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Thống đốc bổ nhiệm. Tổ chức và hoạt động của Cục Quản trị thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ và chế độ thủ trưởng.
Chương 2:
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CỤC QUẢN TRỊ
Điều 4. Cục Quản trị có các nhiệm vụ và quyền hạn dưới đây:
1. Đảm bảo các điều kiện, phương tiện vật chất cần thiết phục vụ cho các hoạt động tại Trụ sở chính, cụ thể:
a - Xây dựng, trình Thống đốc kế hoạch đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa lớn các công trình kiến trúc thuộc Trụ sở chính; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện sau khi đã được Thống đốc phê duyệt theo các quy định hiện hành;
b - Thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng thuộc nhóm B và C tại Trụ sở chính do Thống đốc giao;
c - Xây dựng, trình Thống đốc quyết định kế hoạch mua sắm mới, sửa chữa lớn, thanh lý tài sản tại Trụ sở chính; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện;
d - Thực hiện việc mua sắm công cụ lao động, văn phòng phẩm và phân bổ cho các đơn vị tại Trụ sở chính theo chế độ quy định;
đ - Thực hiện việc sửa chữa thường xuyên các công trình kiến trúc, ô tô, máy móc thiết bị tại Trụ sở chính theo chế độ quy định;
e - Dự kiến bố trí, điều chỉnh nơi làm việc cho các đơn vị tại Trụ sở chính, trình Thống đốc quyết định; thông báo và phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện sau khi đã được Thống đốc phê duyệt.
2. Đảm bảo kinh phí cần thiết cho các hoạt động tại Trụ sở chính, cụ thể:
a - Hàng năm lập dự trù kinh phí trình cấp có thẩm quyền xét duyệt;
b - Quản lý hạn mức kinh phí, đảm bảo chi tiêu tiết kiệm, đúng đối tượng trong phạm vi hạn mức được duyệt; chuẩn bị đầy đủ, kịp thời kinh phí phục vụ cho các hoạt động đối nội, đối ngoại của Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và thanh toán các khoản chi phí do Văn phòng thực hiện theo các quy định của Nhà nước và của Ngành; đảm bảo kinh phí cho các hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, các đơn vị tại Trụ sở chính và thực hiện các khoản chi phí theo chế độ quy định;
c - Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện các khoản chi về ăn, ở, đi lại (nếu có) và các khoản chi cần thiết khác tại các hội nghị sơ kết, tổng kết và các hội nghị khác có quy mô toàn Ngành;
d - Báo cáo định kỳ hay đột xuất về tình hình chi tiêu, hạn mức kinh phí còn lại theo yêu cầu của Thống đốc hoặc của các đơn vị có thẩm quyền;
đ - Tổ chức thực hiện việc công khai hoá tình hình chi tiêu, hạn mức kinh phí được duyệt và tiến độ thực hiện hạn mức kinh phí theo Luật Kế toán và Quy chế Dân chủ ở cơ sở.
3. Tổ chức thực hiện công tác kế toán tài vụ tại Trụ sở chính theo chế độ quy định.
4. Tổ chức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức tại Trụ sở chính, cụ thể:
a - Tính toán, chi trả tiền lương, phụ cấp lương và các khoản chi khác cho cán bộ, công chức theo chế độ hiện hành;
b - Thực hiện việc tính, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
c - Tổ chức chăm sóc y tế cho cán bộ, công chức;
d - Thực hiện việc quản lý các khu tập thể thuộc Quỹ Phúc lợi của cán bộ, công chức làm việc tại Trụ sở chính;
đ - Đề xuất chủ trương, áp dụng các giải pháp hoặc tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn thể quần chúng tham gia cải thiện đời sống tinh thần cho cán bộ, công chức tại Trụ sở chính.
5. Tổ chức thực hiện công tác quản trị tại Trụ sở chính, cụ thể:
a - Chủ trì xây dựng, trình Thống đốc ban hành Nội quy tại Trụ sở chính; có hình thức thông báo thích hợp để cán bộ, công chức và khách đến làm việc biết thực hiện;
b - Tổ chức thực hiện công tác bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cơ quan; theo dõi và thông báo đến các đơn vị về tình hình chấp hành Nội quy Cơ quan;
c - Tổ chức theo dõi, quản lý tài sản nhằm đảm bảo yêu cầu an toàn và sử dụng có hiệu quả;
d - Tổ chức thực hiện việc phòng cháy, chữa cháy, phòng chống bão lụt, tai nạn thương tích tại Trụ sở chính;
đ - Quản lý, sử dụng xe ô tô nhằm đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu công tác của cán bộ, công chức và các hoạt động cần thiết khác theo chế độ quy định;
e - Tổ chức quản lý và phục vụ tại các nhà công vụ.
6. Thực hiện công tác quân sự địa phương tại Trụ sở chính.
7. Hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo vệ tại các đơn vị trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước.
8. Đảm bảo vệ sinh, môi trường sạch đẹp tại Trụ sở chính.
9. Tổ chức kiểm soát đối với các khoản chi tiêu tại Cục Quản trị nhằm đảm bảo việc tuân thủ chế độ và yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả.
10. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Thống đốc giao.
Chương 3:
CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ ĐIỀU HÀNH
Điều 5. Cơ cấu tổ chức của Cục Quản trị gồm:
Phòng Quản trị;
Phòng Tài vụ;
Phòng Bảo vệ;
Phòng y tế - Môi trường;
Phòng Tổng hợp;
Phòng Quản lý nhà ở và 13 Đê La Thành;
Đội xe;
Tổ Kiểm soát;
Ban Đời sống.
Nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của các đơn vị nêu trên do Cục trưởng quy định.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục trưởng
Tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều 4 Quy chế này; chịu trách nhiệm trước Thống đốc và pháp luật về mọi mặt hoạt động của Cục.
Được quyết định chương trình, kế hoạch công tác và áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thực hiện việc quản lý, sử dụng cán bộ, công chức theo phân cấp, uỷ quyền của Thống đốc.
Duyệt, ký các chứng từ kế toán và được ký thừa lệnh Thống đốc trên các văn bản hành chính thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Cục trưởng
1. Giúp Cục trưởng tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; trực tiếp chỉ đạo, điều hành một số mặt công tác theo sự phân công của Cục trưởng và chịu trách nhiệm về những nhiệm vụ được giao.
2. Ký thay Cục trưởng trên các chứng từ kế toán và các văn bản hành chính theo sự phân công của Cục trưởng.
3. Khi Cục trưởng vắng mặt, một Phó Cục trưởng được uỷ quyền điều hành các công việc của Cục và chịu trách nhiệm về những việc đã giải quyết và phải báo cáo lại khi Cục trưởng có mặt.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.