cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 09/2003/QĐ-BGDĐT ngày 14/03/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Điều lệ giải bóng đá hội khỏe phù đổng học sinh tiểu học và trung học cơ sở toàn quốc-cúp Milo (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 09/2003/QĐ-BGDĐT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Ngày ban hành: 14-03-2003
  • Ngày có hiệu lực: 07-05-2003
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-06-2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2595 ngày (7 năm 1 tháng 10 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-06-2010
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-06-2010, Quyết định số 09/2003/QĐ-BGDĐT ngày 14/03/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Điều lệ giải bóng đá hội khỏe phù đổng học sinh tiểu học và trung học cơ sở toàn quốc-cúp Milo (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2375/QĐ-BGDĐT ngày 14/06/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giáo dục và Đào tạo và liên tịch ban hành từ năm 1986 đến năm 2007 hết hiệu lực”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 09/2003/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ GIẢI BÓNG ĐÁ HỘI KHỎE PHÙ ĐỔNG HỌC SINH TIỂU HỌC VÀ TRUNG HỌC CƠ SỞ TOÀN QUỐC – CÚP MILO

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ Giải bóng đá Hội khỏe Phù Đổng học sinh tiểu học và trung học cơ sở toàn quốc – Cúp MILO.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Vụ Trung học phổ thông, Vụ Tiểu học, Vụ Công tác chính trị, Ban chỉ đạo Hội khỏe các cấp, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo và các thành viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng các cấp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Vọng

 

ĐIỀU LỆ

GIẢI BÓNG ĐÁ HỘI KHỎE PHÙ ĐỔNG HỌC SINH TIỂU HỌC VÀ TRUNG HỌC CƠ SỞ TOÀN QUỐC – CÚP MILO

(ban hành kèm theo Quyết định số 09/2003/QĐ-BGDĐT ngày 14/3/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Điều 1. Mục đích, yêu cầu, tên giải

1. Mục đích: Giải được tổ chức truyền thống hàng năm nhằm:

Duy trì và đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể, thường xuyên tập luyện, thi đấu bóng đá nói riêng và các môn thể thao nói chung trong học sinh phổ thông toàn quốc để nâng cao thể lực, giáo dục nhân cách và góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh.

Đánh giá công tác giáo dục thể chất trong nhà trường phổ thông các cấp.

Phát hiện những tài năng bóng đá trong học sinh phổ thông nhằm bồi dưỡng đào tạo những tài năng bóng đá cho các địa phương và quốc gia.

2. Yêu cầu:

Các Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển chọn hoặc tổ chức Giải bóng đá Hội khỏe Phù Đổng từ cơ sở trường, quận huyện, tỉnh, thành phố truyền thống hàng năm;

Tuyển chọn và cử học sinh dự thi đúng đối tượng, có chất lượng chuyên môn tốt. Kiên quyết loại trừ những biểu hiện không lành mạnh trong thể thao. Các cấp quản lý giáo dục cần chỉ đạo, kiểm tra việc đăng ký cầu thủ đúng độ tuổi theo khoản 2, Điều 3 của bản điều lệ này để có tác dụng giáo dục tính trung thực, ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, cao thượng, giúp đỡ và học tập lẫn nhau;

Chấp hành nghiêm chỉnh Luật, Điều lệ giải và các quy định của Ban tổ chức;

3. Tên giải:

“Giải bóng đá Hội khỏe Phù Đổng học sinh tiểu học và trung học cơ sở toàn quốc – Cúp MILO”.

Giải được tổ chức truyền thống hàng năm và được cộng điểm và huy chương vào bảng tổng sắp điểm, huy chương của kỳ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc kế tiếp.

Điều 2. Ban tổ chức giải

Bộ Giáo dục và Đào tạo ủy nhiệm cho đơn vị đăng cai tổ chức giải tại khu vực ra quyết định thành lập Ban tổ chức giải và điều động trọng tài điều hành các trận đấu. Ban tổ chức vòng chung kết do Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập sau khi đã thống nhất về nhân sự với đơn vị được ủy nhiệm tổ chức vòng chung kết.

Điều 3. Đơn vị và đối tượng tham gia

1. Đơn vị dự thi: Mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập đoàn vận động viên (VĐV) bóng đá gồm: 01 Đội bóng đá học sinh tiểu học và 01 đội bóng đá học sinh trung học cơ sở để tham dự giải.

2. Đối tượng dự thi: Hàng năm sẽ có hướng dẫn chi tiết về đối tượng dự thi. Năm học 2002 – 2003 đối tượng dự thi như sau:

a) Học sinh trong năm học 2002 – 2003 đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở (bao gồm các trường công lập, bán công, dân lập) được xếp loại học lực trung bình trở lên, hạnh kiểm khá trở lên và có đủ sức khỏe đều được tham dự giải.

Học sinh các loại hình trường học khác không được dự thi (trường phổ thông năng khiếu TDTT, trường văn hóa TDTT, trường nghiệp vụ TDTT, các trung tâm TDTT, trung tâm giáo dục thường xuyên, VĐV thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về TDTT).

b) Tuổi tối đa của học sinh ở từng bậc học quy định như sau:

Tiểu học: 11 tuổi (sinh từ 01/01/1992 trở lại đây).

Trung học cơ sở: 15 tuổi (sinh từ 01/01/1988 trở lại đây).

c) Số lượng vận động viên: Mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo được đăng ký:

Tiểu học: 01 đội bóng đá mini gồm 15 học sinh (12 chính thức, 3 dự bị)

Trung học cơ sở: 01 đội bóng đá mini gồm 17 học sinh (14 chính thức, 3 dự bị).

d) Các cầu thủ dự bị chỉ được phép tham gia vòng chung kết để thay thế cầu thủ chính thức trong trường hợp cầu thủ chính thức bị chấn thương ở vòng loại không tham gia được vòng chung kết.

3. Đặc cách:

Đơn vị đăng cai tổ chức vòng chung kết giải bóng đá HKPĐ học sinh bậc/cấp học nào thì được đặc cách dự thẳng vòng chung kết bóng đá học sinh của bậc/cấp học đó.

Điều 4. Đăng ký thi đấu

1. Bản đăng ký chính thức do lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo ký, đóng dấu gồm:

a) Danh sách đoàn dùng để làm thẻ của các cán bộ lãnh đạo Đoàn, huấn luyện viên, săn sóc viên làm riêng thành 1 bộ gồm các cột mục: họ và tên, tuổi, nam hay nữ, chức vụ đang công tác tại địa phương, chức vụ phụ trách đội bóng.

b) Danh sách vận động viên: ghi rõ họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ thường trú theo hộ khẩu, lớp, trường, quận, huyện, xã, phường.

c) Khi gửi bản đăng ký chính thức phải kèm theo:

02 ảnh cỡ 4 x 6 của từng thành viên tham gia giải và 02 ảnh 9 x 12 chụp toàn đội để Ban tổ chức làm trước thẻ đấu thủ và in cuốn kỷ yếu giải (ảnh cá nhân phải ghi rõ họ, tên ở mặt sau).

Bản đăng ký chính thức và ảnh phải gửi về Vụ Giáo dục Thể chất trước ngày bắt đầu khai mạc giải tại khu vực tối thiểu là 10 ngày.

2. Hồ sơ dự thi (mang theo về nơi tổ chức thi đấu khu vực và chung kết):

a) Giấy khai sinh. (nếu là bản sao Giấy khai sinh buộc phải có công chứng Nhà nước). Không chấp nhận sử dụng giấy khai sinh mới khai.

b) Hộ khẩu (nếu là bản sao hộ khẩu, bắt buộc phải có công chứng Nhà nước).

c) Học bạ bản chính: đối với vòng chung kết; đối với vòng loại ở khu vực: học bạ bản chính kèm theo phiếu điểm và nhận xét của học kỳ I có ký tên, đóng dấu xác nhận của Hiệu trưởng nhà trường. Học bạ phải đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (có ảnh, có đủ dấu giáp lai ảnh và các trang học bạ).

d) Bản cam kết của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đảm bảo các VĐV dự thi đúng đối tượng, đúng với hồ sơ dự thi. Nếu có sai phạm phải chịu kỷ luật trước Bộ Giáo dục và Đào tạo.

e) Xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận có đầy đủ sức khỏe tham dự thi đấu bóng đá (có thể xác nhận một lần vào danh sách chung của cả đội). Ngoài ra Ban tổ chức giải có thể sẽ áp dụng một số biện pháp về nghiệp vụ y học để phát hiện những vi phạm trong đăng ký vận động viên và hỗ trợ việc xác định độ tuổi.

f) Phiếu thi đấu của từng học sinh (theo mẫu):

 

 

g) Hàng năm sẽ có hướng dẫn chi tiết về đăng ký thi đấu và hồ sơ dự thi.

Điều 5. Kiểm tra nhân sự

1. Các khu vực sẽ thành lập tiểu ban kiểm tra hồ sơ vận động viên bao gồm trưởng đoàn các đội bóng tham dự ở khu vực, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Thanh tra Giáo dục, phòng Tiểu học và phòng Trung học phổ thông của Sở Giáo dục và Đào tạo nơi đăng cai tổ chức thi đấu. Ban tổ chức tại khu vực hoặc chung kết cử Trưởng tiểu ban kiểm tra nhân sự để xác nhận học sinh dự thi hợp lệ.

2. Thẻ vận động viên: Ban tổ chức sẽ làm thẻ VĐV cho các VĐV đủ tiêu chuẩn dự thi. Thẻ VĐV đã làm tại khu vực được sử dụng tiếp tại vòng chung kết; VĐV làm mất thẻ sẽ không cấp lại và sẽ không được tham gia thi đấu.

3. Ban tổ chức khu vực sẽ gửi hồ sơ các đội được vào chung kết về Ban tổ chức vòng chung kết (có xác nhận của Tiểu ban kiểm tra nhân sự) ngay sau khi kết thúc thi đấu tại khu vực.

Các đội được dự vòng chung kết phải giữ nguyên danh sách VĐV đã đăng ký thi đấu ở khu vực (không bổ sung VĐV mới ngoài danh sách đã đăng ký).

4. Các đội bóng được vào chung kết (kể cả đội được đặc cách dự vòng chung kết) phải nộp về Ban tổ chức giải:

a) Danh sách cán bộ phụ trách (theo Điều 4) và các VĐV dự vòng chung kết (có thể thay thế tối đa 3 VĐV nhưng phải là những VĐV dự bị đã có tên trong danh sách đăng ký ban đầu). Danh sách VĐV ghi rõ ngày, tháng, năm sinh, chiều cao, cân nặng, dân tộc, số áo sẽ thi đấu.

b) Mang thẻ VĐV đã thi đấu ở khu vực để đối chiếu (mất thẻ không được cấp lại và không được dự thi).

c) Trưởng đoàn và huấn luyện viên đội bóng chịu trách nhiệm về mọi mặt đối với đội bóng của mình và là đại diện chính thức của đội bóng làm việc với Ban tổ chức trong quá trình diễn ra giải.

Điều 6. Thời gian, địa điểm, thể thức thi đấu

Hàng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn chi tiết về thời gian, địa điểm, thể thức thi đấu cho phù hợp. Năm 2003 thời gian, địa điểm và thể thức thi đấu như sau:

1. Thi đấu ở Khu vực: Thời gian từ 25/3 đến 10/5/2003 (chung cho cả 2 bậc học THCS và Tiểu học). Các đơn vị đăng cai tổ chức thi đấu tại khu vực quy định thời gian thi đấu cho thích hợp và thông báo cho các đơn vị thuộc khu vực mình và phải báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo biết để chỉ đạo và giám sát.

a) Khu vực I: Tại tỉnh Thái Nguyên. Gồm 12 đơn vị sau: Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai và Hòa Bình.

b) Khu vực II: Tại thành phố Hà Nội. Gồm 12 đơn vị: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định và Thái Bình.

c) Khu vực III: Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế: Gồm 12 đơn vị sau: Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên.

d) Khu vực IV: Tại tỉnh Khánh Hòa: Gồm 12 đơn vị sau: Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Gia Lai, Công Tum, Đắc Lắc và Khánh Hòa.

đ) Khu vực V: Tại tỉnh Đồng Tháp: Gồm 13 đơn vị sau: Đồng Tháp, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cần Thơ.

2. Vòng chung kết:

a) Học sinh tiểu học: Từ 15/6 đến 25/6/2003 tại thành phố Hồ Chí Minh.

b) Học sinh trung học Cơ sở: Từ 27/6 đến 06/7/2003 tại Đà Nẵng.

3. Thể thức thi đấu:

a) Khu vực: Thi đấu để tuyển chọn đội nhất, nhì, ba của giải học sinh tiểu học và của học sinh trung học cơ sở đi dự vòng chung kết. Thể thức thi đấu do Ban tổ chức khu vực quy định cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng khu vực và được Ban tổ chức giải đồng ý.

b) Số lượng đội dự vòng chung kết: mỗi bậc học có 16 đội gồm: 5 đội nhất, 5 đội nhì, 5 đội ba của 5 bảng và 01 đội bóng đá của đơn vị đăng cai vòng chung kết bóng đá học sinh (tiểu học hoặc trung học cơ sở).

c) Thể thức thi đấu vòng chung kết (chung cho cả hai bậc học):

Giai đoạn I: 16 đội bốc thăm chia ra 4 bảng: A, B, C, D (mỗi nhóm 4 đội). Thi đấu vòng tròn một lượt ở bảng, tính điểm, chọn 2 đội nhất, nhì mỗi Bảng vào giai đoạn II).

Giai đoạn II: 8 đội thi đấu tứ kết (4 trận) Quy định như sau:

Trận 1: Nhất bảng A gặp nhì bảng B.

Trận 2: Nhất bảng B gặp nhì bảng A.

Trận 3: Nhất bảng C gặp nhì bảng D.

Trận 4: Nhất bảng D gặp nhì bảng C.

Bán kết: 4 đội thắng trận tứ kết gặp nhau: Thắng trận tứ kết 1 gặp thắng trận tứ kết 3. Thắng trận tứ kết 2 gặp thắng trận tứ kết 4.

Chung kết: 2 đội thắng trận bán kết gặp nhau để xếp hạng nhất – nhì, 2 đội thua ở bán kết cùng được xếp hạng 3.

d) Các đơn vị đăng cai tổ chức Giải bóng đá HKPĐ học sinh tiểu học và trung học cơ sở khu vực và chung kết được ưu tiên khi bốc thăm và chia đều cho các bảng.

Điều 7. Tính điểm, xếp hạng

1. Tính điểm để xếp hạng các đội được vào giai đoạn 2:

a) Giai đoạn I: thi đấu vòng tròn ở các bảng: thắng 3 điểm; hòa 1 điểm; thua: 0 điểm.

b) Xếp hạng giai đoạn I: Căn cứ vào tổng số điểm của các đội đạt được.

Nếu có 2 hay nhiều đội bằng điểm thì trước hết xét chỉ số phụ của các trận đấu giữa các đội đó với nhau theo thứ tự:

Kết quả trận gặp nhau.

Hiệu số của tổng bàn thắng và tổng bàn thua.

Tổng số bàn thắng.

Nếu vẫn bằng nhau thì xét chỉ số phụ chung của các đội trong bảng theo thứ tự:

Hiệu số của tổng bàn thắng và tổng bàn thua.

Tổng số bàn thắng.

Nếu vẫn bằng nhau thì bốc thăm.

c) Các trận tứ kết, bán kết và chung kết: Nếu hòa sau 2 hiệp chính sẽ thi đá phạt luân lưu để xác định đội thắng (không thi đấu hiệp phụ).

2. Tính điểm vào kết quả Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc:

Tính điểm vào kết quả thi đấu của Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc từ năm 2005 trở đi hàng năm sẽ có hướng dẫn sau.

Kết quả thi đấu tại khu vực và chung kết giải bóng đá HKPĐ học sinh tiểu học và trung học cơ sở - Cúp MILO lần thứ nhất – năm 2003, được tính điểm (hệ số 2) và cộng vào thành tích HKPĐ toàn quốc lần thứ VI – 2004:

Tại khu vực:

Điểm khởi đầu cho các đơn vị tham gia thi đấu 01 đội được thưởng 5 điểm/ một đơn vị; tham gia thi đấu đủ 2 đội của 2 bậc học được 10 điểm cho đơn vị đó.

Đơn vị đăng cai tổ chức vòng chung kết (học sinh tiểu học hoặc học sinh trung học cơ sở) không phải thi đấu khu vực vẫn được cộng 5 điểm thưởng cho một đội như các đơn vị khác.

Các đội được cộng thêm: đội nhất 11 điểm, nhì 9 điểm, đội thứ ba 8 điểm, đội thứ tư 7 điểm.

Các đội thứ ba của vòng đấu bảng được 5 điểm, các đội thứ tư của vòng đấu bảng được 4 điểm (nếu ở khu vực do ít đội mà chỉ có 01 bảng đấu vòng tròn 1 lượt thì ngoài 05 điểm khởi đầu: đội xếp thứ nhất được cộng thêm 11 điểm, đội thứ nhì được 9 điểm, đội thứ ba được 8 điểm, đội thứ tư được 7 điểm, các đội tiếp theo lùi dần 1 điểm).

Tại vòng chung kết:

Đội nhất vòng chung kết được 11 điểm, nhì được 10 điểm, hai đội thứ 3 được 9 điểm. Các đội thua ở tứ kết cùng được 7 điểm. Các đội xếp thứ ba vòng bảng được 5 điểm, đội thứ tư vòng bảng được 3 điểm.

Đơn vị đăng cai tổ chức vòng chung kết Bóng đá học sinh THCS toàn quốc và vòng chung kết học sinh tiểu học toàn quốc được miễn thi đấu khu vực và được điểm tương đương với đội nhất (11 điểm) để cộng vào kết quả điểm ở vòng đấu chung kết.

Điều 8. Trọng tài

Trọng tài do Ban tổ chức giải ở khu vực, Ban tổ chức giải ở vòng chung kết điều động và ra quyết định thành lập ban trọng tài.

Điều 9. Những quy định về thi đấu

1. Giải bóng đá HKPĐ học sinh tiểu học thi đấu theo Luật thi đấu bóng đá 5 người của FIFA do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ban hành năm 2001.

Sân thi đấu có thể trong nhà hoặc ngoài trời, chiều dài từ 25m đến 42m, chiều ngang từ 15m đến 25m.

Cầu môn: Cao 2m, rộng 3m.

Mỗi trận đấu có 2 hiệp x 20 phút = 40 phút, kể cả thời gian bóng ngoài cuộc.

2. Giải bóng đá HKPĐ học sinh trung học cơ sở thi đấu trên sân cỏ ngoài trời theo Luật thi đấu bóng đá 7 người do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ban hành năm 2001.

Sân thi đấu có kích thước bằng một nửa sân bóng đá 11 người (chiều dài từ 50m đến 70m, chiều ngang từ 40m đến 55m). Cầu môn: Cao 2m10, rộng 6m.

Mỗi trận đấu gồm 2 hiệp x 25 phút = 50 phút, kể cả thời gian bóng ngoài cuộc.

3. Bóng thi đấu cho cả 2 giải bóng đá học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở: Bóng số 4 mang nhãn hiệu GERU STAR do Công ty Sản xuất và Kinh doanh dụng cụ Thể dục Thể thao GERU – SPORTS sản xuất. (Địa chỉ: 1/1 Tân Kỳ - Tân Quý, phường 16 – Quận Tân Bình- thành phố Hồ Chí Minh).

4. Giày thi đấu: do các đội bóng tự túc.

Sân trong nhà dùng dày ba-ta đế cao su thường.

Sân cỏ ngoài trời dùng giày đế mềm có đinh núm chống trơn.

Nhất thiết phải có bọc ống quyển theo quy định của luật (cho cả 2 bậc học).

Điều 10. Kinh phí

1. Ban tổ chức hỗ trợ cho mỗi khu vực một phần kinh phí cho công tác tổ chức ở khu vực.

2. Các đội tham dự vòng chung kết tự túc chi phí ăn, ở trong thời gian diễn ra Vòng Chung kết, và phương tiện đi về. Ban tổ chức hỗ trợ một phần kinh phí ăn, ở, đi lại cho các đội.

3. Ban tổ chức giải sẽ cung cấp bóng tập luyện cho các đội tham dự và cung cấp bóng thi đấu cho các khu vực và vòng chung kết.

4. Quần áo thi đấu: khi vào sân trình diện, khởi động và thi đấu, tất cả các đội đều phải mặc trang phục do Ban tổ chức cung cấp (kể cả vòng loại và vòng chung kết). Nếu cá nhân cầu thủ vi phạm, cầu thủ đó sẽ không được vào sân thi đấu. Nếu đội bóng vi phạm, sẽ không được thi đấu và bị xử phạt theo Điều 13 (Kỷ luật).

Điều 11. Giải thưởng

1. Giải tập thể: (bậc tiểu học và trung học cơ sở):

Đội nhất: cúp, cờ, huy chương vàng và quà tặng.

Đội nhì: cờ, huy chương bạc và quà tặng.

Đội ba (2 đội): cờ, huy chương đồng và quà tặng.

Đội có phong cách thi đấu tốt nhất: cúp, cờ và quà tặng.

Đội có tinh thần thi đấu tích cực: cờ và quà tặng.

2. Giải thưởng cá nhân: (bậc tiểu học và trung học cơ sở):

Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất ở vòng chung kết (nếu nhiều cầu thủ có số bàn thắng nhiều nhất bằng nhau thì đều được nhận thưởng như nhau).

Thủ môn xuất sắc nhất.

Các cầu thủ tiêu biểu được chọn (10 cầu thủ bậc tiểu học và 14 cầu thủ bậc trung học cơ sở). Giá trị quà tặng (tính bằng đồng VN) sẽ được công bố vào dịp khai mạc vòng chung kết.

3. Giải thưởng ở các khu vực: Các đội được xếp hạng nhất, nhì, ba và đội đoạt giải phong cách thi đấu được tặng cờ và quà tặng. Riêng đội nhất bảng được tặng Cúp lưu niệm. Tùy điều kiện có thể có một số quà tặng khác do Ban tổ chức giải ở khu vực quy định.

Điều 12. Khiếu nại, tố cáo

1. Mọi khiếu nại đều phải bằng văn bản do trưởng đoàn ký tên.

2. Các khiếu nại về chuyên môn do trọng tài xử lý và kết luận tại chỗ. Các sự cố xảy ra trên sân (ẩu đả, cãi và hành hung trọng tài…) do trọng tài xử lý, trường hợp cần thiết Ban tổ chức sẽ phối hợp với trọng tài và giám sát giải quyết và đưa ra các giải pháp xử lý hoặc phán quyết kỷ luật.

3. Các khiếu nại về nhân sự do ban kiểm tra nhân sự giải quyết tại chỗ. Trường hợp chưa đủ chứng cứ kết luận thì tạm thời cho tiếp tục thi đấu, đồng thời ban tổ chức (khu vực hoặc chung kết) sẽ phối hợp với thanh tra giáo dục để điều tra và có kết luận để xử lý theo các quy định của điều lệ.

4. Các thành viên tham dự giải đều có quyền và nghĩa vụ tố cáo hành vi vi phạm điều lệ, gian lận hồ sơ học bạ, tuổi, khai sinh… Các tố cáo phải bằng văn bản và có các chứng cứ tối thiểu cần thiết để ban tổ chức xem xét và điều tra các vi phạm về luật, điều lệ…

5. Tố cáo sai sự thật sẽ bị xử lý theo điều 13, Điều lệ này.

Điều 13. Kỷ luật

Ban tổ chức giải kiên quyết loại bỏ những cầu thủ quá tuổi được phát hiện trước khi vào thi đấu. Đối với những đội vi phạm gian lận về tuổi, hồ sơ (giấy khai sinh, học bạ…) và vi phạm các quy định khác của Điều lệ mà ban tổ chức giải tại khu vực và vòng chung kết phát hiện được trong và sau khi giải đã tiến hành sẽ bị truất quyền thi đấu, hủy bỏ kết quả thi đấu 1 trận hoặc toàn bộ. Đặc biệt đối với việc gian lận tuổi, ban tổ chức giải sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho đội đó thi đấu giải một năm tiếp theo; không xếp loại thi đua theo tiêu chí đánh giá công tác thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chuyển Thanh tra Bộ xử lý theo mức độ vi phạm và kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xử lý kỷ luật thích đáng đối với các cán bộ phụ trách đội có vi phạm theo tinh thần của Chỉ thị số 15/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 26/7/2002 về chống tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao.

Tố cao sai sự thật sẽ bị cảnh cáo và đơn vị có đơn tố cáo sai sự thật sẽ bị trừ 10 điểm môn bóng đá để cộng vào thành tích chung của Hội khỏe Phù Đổng.

Điều 14. Điều khoản thi hành

Mọi bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi Điều lệ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định và có thông báo bằng văn bản.

Hàng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện Điều lệ giải./.